Phiếu bài tập ôn ở nhà môn Ngữ văn 7 - số 10 (từ 13/04 - 18/04)

Trong thời gian học sinh nghỉ học, VnDoc tiếp tục gửi tới các bạn Phiếu bài tập số 10 - Ngữ văn lớp 7 (từ 13/04 - 18/04). Phiếu bài tập tuần này bao gồm 2 đề ôn tập khác nhau có đáp án, sẽ là tài liệu tham khảo cho thầy cô ra bài tập cho học sinh và các em học sinh luyện tập trong thời gian tiếp tục nghỉ dịch Covid-19.

Để mang tới cho các em học sinh tài liệu tự học tại nhà, VnDoc giới thiệu Phiếu bài tập tự ôn tại nhà lớp 7 các môn Toán, Văn, Tiếng Anh 7. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các em học sinh ôn luyện để củng cố kiến thức hiệu quả, cũng như thầy cô giáo có tư liệu tham khảo ra bài tập ở nhà cho học sinh.

ĐỀ LUYỆN TẬP NGỮ VĂN 7 SỐ 1

Bài 1: Hãy tìm hiểu và lập dàn ý cho đề bài: Sách là người bạn lớn của con người.

Bài 2: Tìm câu rút gọn và cho biết thành phần nào được rút gọn trong đoạn trích sau:

Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom...

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần.

Bài 3: Hãy xác định câu rút gọn và cho biết thành phần nào được rút gọn trong đoạn văn sau:

“- Ông lão ơi! Ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và bảo:

- Cá ơi! Giúp tôi với! Mụ vợ tôi nó mắng tôi và càu nhàu mãi làm tôi
không ở yên được. Mụ ấy đòi một cái máng lợn ăn mới. Máng nhà tôi đã
sứt mẻ rồi.

Con cá vàng trả lời:

- Ông lão ơi! Đừng băn khoăn nữa. Cứ về đi. Tôi sẽ giúp ông. Ông sẽ có
một cái máng mới.” (Ông lão đánh cá và con cá vàng)

Bài 4: Tìm câu rút gọn trong những phần trích sau, và cho biết chúng có tác dụng gì.

a) – Thằng Thành, con Thuỷ đâu ?

Chúng tôi giật mình, líu ríu dắt nhau đứng dậy.

– Đem chia đồ chơi ra đi! – Mẹ tôi ra lệnh.

Thủy mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cảnh tay tôi. Dìu em vào trong nhà, tôi bảo :

– Không phải chia nữa. Anh cho em tất.

Tôi nhắc lại hai ba lần, Thủy mới giật mình nhìn xuống. Em buồn bã lắc đầu :

– Không, em không lấy. Em để hết lại cho anh.

– Lằng nhằng mãi. Chia ra – Mẹ tôi quát và giận dữ đi về phía cổng.

(Khánh Hoài)

b) Một thói quen xấu ta thường gặp hằng ngày, ở bất cứ đâu là thói quen vứt rác bừa bãi. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…

(Băng Sơn)

c) Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

d) Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… Nhớ một trưa hè gà gáy khan… Nhớ một thành xưa son uể oải.

(Xuân Diệu)

Bài 5: Viết đoạn văn ngắn (8-10câu) bày tỏ suy nghĩ của em về tình bạn trong cuộc sống trong đó có sử dụng ít nhất một câu rút gọn.

Bài 6: Viết đoạn văn ngắn (8-10câu) bày tỏ suy nghĩ của em về quê hương trong đó có sử dụng ít nhất một câu rút gọn.

---HẾT---

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Bài 1:

1. Tìm hiểu đề: Xác định vấn đề, phạm vi, tính chất của bài nghị luận để làm bài khỏi phải sai lệch.

- Xác định vấn đề: Ý nghĩa của việc đọc sách trong cuộc sống con người.

- Đối tượng và phạm vi: Vai trò và giá trị của sách đối với đời sống con người.

- Khuynh hướng nghị luận: khẳng định việc đọc sách là hết sức cần thiết

- Yêu cầu: Dùng lí lẽ để bàn luận về giá trị của sách, dùng nhiều dẫn chứng thực tế để mình họa cho lợi ích mà việc đọc sách mang lại.

2. Lập ý cho đề bài

- Xác lập luận điểm:

+ Đề bài thể hiện một tư tưởng, một thái độ đối với việc đọc sách.

+ Chúng ta khẳng định lợi ích của việc đọc sách là tốt, là cần thiết.

- Tìm luận cứ:

+ Sách là kết tinh của trí tuệ nhân loại.

+ Sách là một kho tàng phong phú gần như vô tận, đọc cả đời không hết.

+ Sách bổ sung trí tuệ cho mỗi người.

+ Nó làm cho cuộc sống của một người nhân lên nhiều lần.

+ Nó giúp con người học tập,hiểu biết để tham gia vào quá trình sáng tạo.

+ Sách giúp con người có cách sống cao đẹp, vốn ngôn ngữ giàu có hơn.

+ Sách giúp con người thấy yêu đời hơn, ham sống hơn.

+ Sách giúp con người hiểu sâu sắc hơn về xã hội.

3. Xây dựng lập luận

- Giới thiệu về sách

- Nêu lên lợi ích của việc đọc sách.

- Hành động của mỗi người khi nhận thức được lới ích của việc đọc sách.

Bài 2: Câu rút gọn:

- Quen rồi.

- Ngày nào ít: ba lần.

Bài 3: Câu rút gọn:

- Đừng băn khoăn nữa

- Cứ về đi

Bài 4: Câu rút gọn:

a) Đem chia đồ chơi ra đi!

Không phải chia nữa.

Lằng nhằng mãi. Chia ra.

Tác dụng: Làm cho câu gọn hơn, vừa thông tin được nhanh hơn, vừa tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước.

b) Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…

Tác dụng: Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người.

c) Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

Tác dụng: Làm cho câu gọn hơn, vừa thông tin được nhanh hơn

d) Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… Nhớ một trưa hè gà gáy khan… Nhớ một thành xưa son uể oải.

Tác dụng: Tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước.

Bài 5: Học sinh viết đúng chủ đề về tình bạn.

Đúng quy định số câu (8-10 câu)

Đoạn văn phải có ít nhất 1 câu rút gọn và gạch dưói câu rút gọn ấy.

Bài 6: Học sinh viết đúng chủ đề về quê hương.

Đúng quy định số câu (8-10 câu)

Đoạn văn phải có ít nhất 1 câu rút gọn và gạch dưói câu rút gọn ấy.

---HẾT---

ĐỀ LUYỆN TẬP NGỮ VĂN 7 SỐ 2

TRẮC NGHIỆM: Cách làm văn lập luận chứng minh

Câu 1: Trong bài văn chứng minh, chúng ta chỉ sử dụng thao tác chứng minh không cần giải thích vấn đề chứng minh. Đúng hay sai?

A. Đúng

B. Sai

Đáp án: B

Câu 2: Trong phần mở bài của bài văn chứng minh,người viết phải nêu lên nội dung gì?

A. Nêu được các dẫn chứng cần sử dụng khi chứng minh.

B. Nêu được các luận điểm cần chứng minh.

C. Nêu được các lí lẽ cần sử dụng trong bài văn chứng minh.

D. Nêu được các vấn đề cần nghị luận và định hướng chứng minh.

Đáp án: D

Câu 3: Trong phần thân bài của bài văn chứng minh,người viết cần phải làm gì?

A. Nêu lí lẽ và dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm là đúng đắn.

B. Chỉ cần nêu các dẫn chứng được sử dụng trong bài viết.

C.Chỉ cần gọi tên luận điểm được chứng minh.

D. Nêu ý nghĩa của luận điểm đã được chứng minh

Đáp án: A

Câu 4: Lời văn phần kết bài nên hô ứng với lời văn của phần nào?

A.Thân bài

B.Mở bài

C. Cả thân bài và Mở bài

D. A,B,C đều sai.

Đáp án: B

Câu 5: Theo quy trình tạo lập văn bản làm văn nghị luận thì sau bước tìm hiểu đề bài để định hướng cho bài làm sẽ đến bước nào?

A. Lập dàn ý đại cương.

B. Xác định lí lẽ cho bài văn.

C. Tìm dẫn chứng cho bài văn.

D. Viết thành bài văn hoàn chỉnh.

Đáp án: A

Câu 6: Câu mở đầu một bài văn nghị luận không làm nhiệm vụ gì?

A. Nêu rõ luận điểm cần chứng minh.

B. Liên kết đoạn văn đã viết ở trên với đoạn văn sẽ viết ở dưới.

C. Nêu ra những dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm mà đoạn văn sẽ làm sáng tỏ.

D. Cả A,B,C đều sai.

Đáp án: C

Câu 7: Cho đề bài sau:

Rừng mang lại nhiều lợi ích cho con người.Vì vậy, con người phải bảo vệ rừng. Em hãy chứng minh ý kiến trên.

Trong các luận điểm nêu ra sau đây, lụân điểm nào không phù hợp với bài văn viết về đề tài này?

A. Rừng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, cung cấp cho con người nguồn lâm sản lớn.

B. Rừng là hệ sinh thái quan trọng, góp phần điều hoà khí hậu trên trái đất.

C. Rừng là môi trường du lịch hấp dẫn với con người.

D. Con người có thể khai thác thật nhiều tài nguyên rừng mà không cần phải trồng cây gây rừng.

Đáp án:D

Câu 8: Cho đề bài sau: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào,mọi người chúng ta đều biết…”(Phạm Văn Đồng)

Dựa vào những hiểu biết của bản thân và qua thực tế sáng tác văn học của Bác, em hãy chứng minh nhận định trên.

Cách diễn đạt nào trong hai cách sau cũng đặt ra những nhiệm vụ nghị luận giống với đề bài trên?

A. Chứng minh rằng Bác Hồ là một người vô cùng giản dị cả trong đời sống cũng như trong sáng tác văn học.

B. Ông Phạm Văn Đồng cho rằng: “ Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biêt…” .hãy giải thích ý kiến trên.

Đáp án: A

Câu 9: Dòng nào không phải là luận điểm có trong đề bài nêu ra ở câu 8?

A.Bác giản dị trong đời sống, tác phong sinh hoạt.

B. Bác giản dị trong quan hệ với mọi người, trong từng câu nói và bài viết.

C. trong văn thơ của mình,Bác Hồ cũng biểu hiện sự giản dị đó.

D. Các nhà thơ, nhà văn khác viết nhiều về sự giản dị của Bác Hồ.

Đáp án: D

Câu 10: Cách nào trong các cách sau đây dùng để chứng minh cho một luận điểm trong phép lập luận chứng minh?

A. Chỉ cần nêu các dẫn chứng dùng để chứng minh và phân tích các dẫn chứng ấy.

B. Nêu rõ luận điểm cần chứng minh, những dẫn chứng dùng để chứng minh và những câu văn gắn kết dẫn chứng với kết luận cần đạt tới.

C. Chỉ cần nêu những dẫn chứng dùng để chứng minh và những câu văn gắn kết dẫn chứng với kết luận cần đạt tới .

D. chỉ cần nêu luận điểm và những kết luận cần đạt tới.

Đáp án: B

Trên đây, VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Phiếu bài tập ôn ở nhà môn Ngữ văn 7 - số 10. Mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Đánh giá bài viết
2 1.079
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 7

    Xem thêm