Qua văn bản Bài toán dân số, hãy rút ta kết luận về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội?

Những bài văn mẫu hay lớp 10

Văn mẫu 10: Qua văn bản Bài toán dân số, hãy rút ta kết luận về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội? là tài liệu văn mẫu lớp 10 hay được Thư viện văn mẫu 10 VnDoc sưu tầm và đăng tải, hi vọng sẽ giúp quý thầy cô và các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo bổ ích để hoàn thành bài tập làm văn.

Qua văn bản Bài toán dân số, hãy rút ta kết luận về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội mẫu 1

Điểm nhấn của văn bản Bài toán dân số chính là những số liệu theo thống kê của hội nghị Cai-rô (Ai Cập) họp ngày 5 tháng 9 năm 1994 đưa ra. Những số liệu này cho thấy tỉ lệ sinh con của phụ nữ khắp các nơi trên thế giới là rất lớn, phụ nữ Ấn Độ là 4,5; Nê-pan là 6,3…, tính chung toàn châu Phi là 5,8; phụ nữ Việt Nam là 3,7. Như vậy, phấn đấu để mỗi gia đình có từ một đến hai con là một chỉ tiêu rất khó khăn. Với tỉ lệ hằng năm tăng 1,73 % như mười lăm năm trước và 1,57% năm 1990 thì dân số hành tinh của chúng ta năm 2015 sẽ là hơn 7 tỉ người. Một vấn đề cần được quan tâm là phụ nữ ở những nước nghèo lại có khả năng sinh nhiều con. Những nước kém phát triển ở hai châu lục là châu Phi và châu Á lại là những nước có tốc độ gia tăng dân số nhiều nhất. Chính sự phát triển dân số ào ạt này ảnh hưởng đến khả năng phát triển xã hội của những nước đó. Sự bùng nổ dân số luôn đi kèm với nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế kém phát triển, văn hóa, giáo dục không được cải thiện… Ngược lại, khi kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục không được nâng cao thì thì không thể khống chế được tình trạng gia tăng dân số. Hai mặt trên có liên quan với nhau và tác động trực tiếp lên nhau, ở những nước có nền kinh tế phát triển cao như Nhật, Đức, Mĩ… tỉ lệ sinh của họ rất thấp; trong khi đó những nước nghèo đói nhất lại có tỉ lệ sinh cao nhất.

Từ thực trạng trên, muốn giải quyết vấn nạn bùng nổ dân số cần phải cải thiện trước tiên về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa., cần có sự trợ giúp của các nước phát triển trong sự nghiệp ngăn chặn sự gia tăng dân số quá mức.

Cảm nhận của em sau khi đọc văn bản Bài toán dân số của tác giả Thái An.

Bài toán dân số

Qua văn bản Bài toán dân số, hãy rút ta kết luận về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội mẫu 2

Bài toán dân số là một văn bản nhật dụng, chủ đề nói về “dân số và tương lai của dân tộc, nhân loại”.

Bài toán dân số viết theo phương thức lập luận kết hợp với tự sự (lập luận là chính). Người viết bắt đầu kể lại câu chuyện về một bài toán cổ nên cách nêu vấn đề nhẹ nhàng và hấp dẫn.

Có thể nói, chủ đề bao trùm mà tác giả muốn làm nổi bật là thế giới đang đứng trước nguy cơ bùng nổ và gia tăng dân số quá nhanh. Đó sẽ là một hiểm họa phải báo động và là vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.

Để làm sáng tỏ chủ đề chính đã nêu, tác giả đã lập luận theo lôgíc sau:

– Nếu bàn cờ tướng gồm 64 ô, số thóc trong mỗi ô được tăng theo cấp số nhân, công bội là hai, thì tổng số thóc nhiều đến mức có thể phủ kín bề mặt trái đất.

– Trái đất từ khi bắt đầu chỉ có 2 người, thế mà đến năm 1995 đã có 5,63 tỉ người. Theo bài toán cổ, nếu loài người tăng theo cấp số nhân với công bội là 2 thì tổng dân số vào năm 1995 đã đạt đến ô thứ 30. Đó là đã trừ đi tỉ lệ tử vong.

Trong thực tế, khả năng sinh con ở phụ nữ, nhất là châu Á, châu Phi lại chiếm một tỉ lệ rất cao nên việc phấn đấu để mỗi gia đình có một đến hai con là rất khó khăn. Nếu dân số thế giới tăng theo tỉ lệ hàng năm là 1,73 hoặc 1,57 vào năm 1990 (tức là nhỏ hơn hai) thì tới năm 2015 tổng dân số nhân loại đã hơn 7 tỉ người. “Số dân ấy đã mon men sang ô thứ 31 của bàn cờ”.

– Nếu cứ để dân số bùng nổ và gia tăng như thế thì chẳng mấy chốc 64 ô của bàn cờ sẽ bị lấp kín và khi đó mỗi người chỉ còn một chỗ ở với diện tích như một hạt thóc trên Trái Đất. Điều đó cũng có nghĩa là loài người muốn tồn tại thì phải hạn chế sự bùng nổ và tốc độ gia tăng dân số.

Như thế có thể thấy bài văn nhật dụng này không chỉ phục vụ cho chủ đề dân số mà còn đề cập đến tương lai của dân tộc và nhân loại.

Như vậy để trả lời con đường nào là con đường tốt nhất để hạn chế sự gia tăng dân số? Chúng ta có thể trả lời ngay là: Chỉ bằng con đường giáo dục mới giúp mọi người hiểu ra nguy cơ bùng nổ dân số; vấn đề dân số gắn liền với sự đói nghèo hay no ấm, hạnh phúc. Nhưng sinh đẻ là quyền của phụ nữ, không thể cấm bằng mệnh lệnh hay các biện pháp thô bạo cho nên đẩy mạnh giáo dục cho phụ nữ là hạ thấp tỉ lệ thụ thai và tỉ lệ tử vong.

Bài viết nêu rất rõ ý nghĩa của vấn đề dân số. Dân số phát triển quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Thể hiện ở việc thiếu lương thực, thực phẩm, môi trường quá đông đúc, thiếu việc làm…, kết quả dẫn đến nghèo nàn lạc hậu, hạn chế giáo dục. Trong khi đó, giáo dục không phát triển lại tạo nghèo nàn lạc hậu. Đó là cái vòng dẫn đến đói nghèo.

Vấn đề dân số đã được thể hiện như thế nào trong văn bản Bài toán dân số của Thái An

Qua văn bản Bài toán dân số, hãy rút ta kết luận về mối quan hệ giữa dân số và sự phát triển xã hội mẫu 3

Viết về hiểm hoạ của việc gia tăng dân số quá nhanh – một đề tài vừa khó vừa khô khan, tác giả của "Bài toán dân số" đã chọn cách vào đề thật hấp dẫn, vừa thực tế, vừa giàu sức thuyết phục. Từ câu chuyện nhà thông thái kén rể đến 64 ô bàn cờ với một lượng thóc "nhiều đến mức có thể phù khắp bề mặt Trái Đất", bạn đọc dễ dàng hình dung về sự gia tăng dân số chóng mặt với tốc độ sinh sản như hiện nay.

Vấn đề chính mà tác giả đặt ra trong văn bản này là: Con người đang ngày càng tăng lên gấp bội. Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số thì con người sẽ tự làm hại chính mình.

Điều làm tác giả "sáng mắt ra" ấy là: không ngờ một vấn đề rất hiện đại mới được đặt ra gần đây (vấn đề dân số kế hoạch hoá gia đình) thế mà dường như nó đã được đặt ra từ thời cổ đại.

Nhập đề dưới hình thức một bài toán cổ, kể về việc kén rể của nhà thông thái, phần kể của nhà văn đã vừa gây được sự tò mò, hấp dẫn của người đọc, vừa mang lại một kết luận rất bất ngờ ở phía cuối của câu chuyện kể. Lấy câu chuyện ấy làm tiền đề, tác giả đã so sánh ngay với sự bùng nổ và gia tăng dân số (cả hai đều tăng theo cấp số nhân). Cách so sánh ấy, quả thực đã làm cho người đọc hình dung một cách nhanh chóng đến tốc độ gia tăng kinh khủng của dân số. Và đây cũng chính là trọng tâm vấn đề mà bài viết muôn nêu lên.

Việc đưa ra tỉ lệ sinh con của phụ nữ ở một số nước theo thông báo của Hội nghị Cai-rô là rất có ý nghĩa. Trước hết, nó thông tin cho người ta thấy người phụ nữ có thể sinh rất nhiều con (ít như Việt Nam thì trung bình cũng là 3,7; nhiều như Ru-an-đa thì tới 8,1). Từ đó có thể thấy chỉ tiêu mỗi gia đình có hai con là rất khó khăn. Thứ hai, các con số thống kê còn cho thấy các nước chậm phát triển lại sinh con rất nhiều.

Các nước được kể trong văn bản thuộc hai nhóm:

– Châu Phi: Nê-pan, Ru-an-đa, Tan-da-ni-a, Ma-đa-gát-xca.

– Châu Á: Ấn Độ và Việt Nam.

Có thể rút ra nhận xét: Những nước kém phát triển ở hai lục địa nêu trên là những nước dân số tăng nhanh. Sự bùng nổ dân số sẽ đi kèm với sự nghèo nàn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển, văn hoá, giáo dục không được nâng cao… Ngược lại, kinh tế, văn hoá, giáo dục càng yếu kém thì lại càng không thể khống chế được sự gia tăng dân số. Nói cách khác, hai vấn đề này quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động đến nhau một cách sâu sắc.

Đánh giá bài viết
2 2.442
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm