Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quan niệm về tình yêu thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu và Sóng của Xuân Quỳnh

Văn mẫu lớp 12: Quan niệm về tình yêu thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu và Sóng của Xuân Quỳnh được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý tình yêu được thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng và Sóng

I. Mở bài:

- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.

Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- Xuân Diệu - một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ Mới 1932 - 1945. Ông được đánh giá là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới" bởi những cách tân cả về tư tưởng và bút pháp nghệ thuật.

"Vội vàng" là bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám, được coi là tuyên ngôn sống, tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ.

- Cả 2 đoạn thơ trên đều là đoạn kết của hai tác phẩm, thể hiện những khát vọng mãnh liệt.

II. Thân bài:

1. Đoạn thơ trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:

- Đoạn thơ thể hiện “cái tôi” ham sống, muốn tận hưởng cuộc đời mãnh liệt. Như một tuyên ngôn của lòng mình, nhà thơ tự xác định một thái độ sống gấp, tận hưởng vì cảm nhận cái hữu hạn của cuộc đời (Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm); ý thức chiếm lĩnh, tận hưởng cuộc sống ở mức độ cao nhất (chếnh choáng, đã đầy, no nê) những gì tươi đẹp nhất (mùi thơm, ánh sáng, thời tươi).

- Các yếu tố nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh.. góp phần thể hiện cái hối hả, gấp gáp, cuống quýt của tâm trạng, khiến nhịp điệu đoạn thơ sôi nổi, cuồng nhiệt.

2. Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

- Đoạn thơ thể hiện khát vọng lớn lao, cao cả trong tình yêu: ước mong được tan hòa cái tôi nhỏ bé-con sóng cá thể, thành cái ta chung rộng lớn- “trăm con sóng” giữa biển cả mênh mông. Những câu thơ có tính chất tự nhủ mình gợi cách sống, tình yêu mãnh liệt, hết mình: mong muốn được tan hòa vào tình yêu lớn lao của cuộc đời. Đó là cách để tình yêu trở thành bất tử.

- Thể thơ năm chữ với hình tượng “sóng”vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mĩ khiến đoạn thơ sâu sắc, giàu nữ tính.

3. So sánh:

- Điểm tương đồng: Hai đoạn thơ đều bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, những suy ngẫm trước cuộc đời. Đây là hai đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc-triết lí.

- Điểm khác biệt: không chỉ nằm ở phong cách thơ (Xuân Diệu sôi nổi, mãnh liệt đầy nam tính, xuân Quỳnh thủ thỉ, tâm tình đầy nữ tính) mà còn trong cách “ứng xử” của mỗi nhà thơ: trước sự “chảy trôi” của thời gian, Xuân Diệu chọn cách sống gấp gáp, tận hưởng, Xuân Quỳnh lại thể hiện khát vọng muốn được tan hòa cái riêng vào cái chung để tình yêu trở thành bất tử …

III. Kết bài:

Kết luận lại giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên. Kết luận lại giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên.

2. Tình yêu được thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng và Sóng mẫu 1

“Sống và khát vọng” là lí tưởng cao đẹp của thanh niên thời hiện đại. Tuổi trẻ nên biết tận hưởng và cống hiến sức mình cho đời. Đó có lẽ là biểu hiện niềm ham sống mãnh liệt, hay là nỗi khao khát hòa mình vào tình yêu chung của nhân loại. Xuân Diệu và Xuân Quỳnh – những nhà thơ của tuổi trẻ – đã thể hiện quan niệm sống mới mẻ này qua hai tác phẩm tiêu biểu là “Sóng” và “Vội vàng” mà tiêu biểu là hai đoạn thơ sau:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng – Xuân Quỳnh)

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất,

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ khi yêu, nhiều trắc ẩn – vừa hồn nhiên, tươi tắn lại vừa đằm thắm, chân thành. Nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh đều là những người phụ nữ mạnh mẽ, luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” ra đời trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là thi phẩm đặc sắc, đậm chất phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thi ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới cùng những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Cũng như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Từ sau cách mạng, thơ Xuân Diệu gắn liền với đất nước và rất giàu tính thời sự. Bài thơ “Vội vàng” là một trong số những thi phẩm về lòng yêu cuộc sống của người trẻ, được in trong tập “Thơ Thơ”.

“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Xuân Diệu). Vì thế, sống và để yêu thương và khát vọng luôn song hành cùng tuổi trẻ. Đó là tính quy luật muôn đời.

Trước hết, ta sẽ tìm hiểu khát vọng mà nữ sĩ Xuân Quỳnh đã đề cập đến trong “Sóng”. Tuổi trẻ sinh ra là để được yêu và tình yêu đóng vai trò đặc biệt đối với tuổi thanh xuân của mỗi người. Bởi lẽ:

Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào.

(Xuân Diệu)

Tình yêu trong “Sóng” của Xuân Quỳnh không chỉ có những cung bậc cảm xúc đời thường của người phụ nữ khi yêu mà nó còn ẩn chứa lí tưởng cao đẹp của tình yêu hiện đại:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Người trẻ yêu rất say đắm, rất mãnh liệt, họ luôn khát vọng tình yêu, luôn “bồi hồi trong ngực trẻ”. Chính vì vậy, mà họ sẵn sàng hi sinh, hiến dâng cho hạnh phúc của mình. Chỉ với bốn câu thơ, nữ tác giả đã bộc lộ cái tôi bản thân cũng như suy nghĩ của thế hệ trẻ. Hai chữ “làm sao” thật giàu cảm xúc. Là nỗi băn khoăn, trăn trở của Xuân Quỳnh. Đó chính là nỗi khát khao được “tan thành trăm con sóng nhỏ”. Vì sao vậy, vì nhà thơ bằng trực cảm của mình đã nhận ra tình yêu không thuộc về vĩnh viễn. Nó giống như:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Cuộc đời tuy dài nhưng không ngăn nổi tháng năm của tuổi trẻ sẽ đi qua. Biển dẫu đến vô cùng vẫn không thể nào giữ nổi một đám mây bay về cuối chân trời. Vì vậy mới sinh ra khát vọng của thi nhân. Khát vọng được hóa thân thành sóng là khát vọng được cho đi, được dâng hiến. Bởi vì, có một nghịch lí trong tình yêu là “hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt” (Christopher Hoare). Con sóng lớn là tổng hòa của “Trăm con sóng nhỏ” để hòa vào đại dương mênh mông sâu thẳm. Trong bao la vô tận ấy, sóng sẽ mãi mãi vỗ muôn điệu yêu thương mà không bao giờ lo âu vì tình yêu trong biển rộng trời cao ấy chẳng bao giờ vơi cạn. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, Xuân Quỳnh đang ngầm so sánh cuộc đời tựa hồ như biển lớn tình yêu được tạo nên từ những con sóng nhỏ. Sóng chẳng thể tồn tại nếu nó không còn là một phần của biển khơi. Cũng như tình yêu của muôn người, nếu tách khỏi cộng đồng thì chỉ mãi là một tình yêu lẻ loi, vị kỉ. Từ đó, người đọc cảm nhận được khao khát bất tử hóa tình yêu của nhà thơ:

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Những con sóng đó quyện mình vào đại dương bao la, cùng vỗ nhịp yêu thương đến ngàn đời sau tượng trưng cho tình yêu vĩnh hằng. Tình yêu cá nhân cần phải hòa mình vào tình yêu chung của nhân loại thì mới trường tồn, vĩnh cửu. Bởi một lẽ “giọt nước chỉ không thể cạn khi nó hòa vào biển cả”. Hơn nữa, bài thơ được ra đời vào năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Thanh niên nam nữ đều xông pha mặt trận, chiến trường khói lửa bom đạn. Biết bao nhiêu cuộc chia ly màu đỏ giữa các cặp gái trai diễn ra vào thời điểm đó. Nghĩ đến điều này, ta lại càng thấm thía hơn về lý tưởng tình yêu của con người thời đại ấy. Nói tóm lại, thông qua khổ cuối của bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã gửi đến độc giả thông điệp nhân văn về tình yêu: yêu là hiến dâng và tình yêu cá nhân không thể và cũng không thể tách rời bể lớn tình yêu nhân loại.

Xuân Quỳnh đã rất khéo léo khi chọn viết “Sóng” bằng thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn giúp cho nhà thơ phần nào truyền tải ý nghĩa nhân văn của mình đến người đọc một cách sâu sắc và xúc động nhất. Cách so sánh “em” với “sóng” độc đáo, cùng những hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ những con sóng tựa như tâm hồn trắc ẩn của người phụ nữ đang yêu đã tạo nên thành công cho bài thơ.

Chẳng những yêu hết mình, yêu chân thành mà tuổi trẻ còn có một niềm ham sống mãnh liệt. Không ai khác ngoài Xuân Diệu có thể bộc lộ cái tôi sôi nổi, giàu khát vọng ấy của đời thanh niên:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Bốn câu thơ trên là lời mở đầu cho thi phẩm “Vội vàng”. Đặc biệt thay, chỉ những câu thơ này được viết bằng thể ngũ ngôn. Với nhịp ngắn, nhanh, giàu nhạc điệu, thì đây là thể thơ thích hợp nhất để bộc lộ cái tôi đầy khát vọng mãnh liệt và táo bạo của nhà thơ. Nhân vật trữ tình trong “Vội vàng” có một khao khát được “tắt nắng” cho màu hoa đừng phai, được “buộc gió” cho “hương đừng bay đi”. Nắng và gió, hương và hoa ở đây là mùa xuân của đất trời. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm với bạt ngàn hoa thơm, cỏ lạ, với không khí ấm áp, muôn chim hội tụ. Đó là “đồng nội xa rì”, là “lá cành tơ phơ phất” và còn là “của yến anh này đây khúc tình si”. Mùa xuân qua “cặp mắt xanh non biếc rờn” của nhà thơ càng trở nên thanh tân, quyến rũ đến lạ lùng: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

bài thơ vội vàng

Nhưng ẩn sâu trong vẻ đẹp diệu kỳ ấy của mùa xuân là vòng quay không ngừng của thời gian. Thời gian có sức mạnh ghê gớm, nó bào mòn mọi thứ, kể cả tuổi thanh xuân của con người. Vì vậy mà Xuân Diệu luôn lo sợ về tình yêu, về tuổi già trước mắt: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.

Nỗi sợ vô hình ấy cứ ám ảnh nhà thơ mãi không thôi. Chính vì lẽ đó mà Xuân Diệu đã khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa, buộc vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại. Từ đó, thi nhân được hưởng trọn vẹn những phút giây đẹp nhất của đời người. Khát khao ấy nghe có vẻ ngông cuồng, điên rồ nhưng lại rất hợp lý. Có người từng bảo rằng: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa”. Tuổi thanh xuân, là quãng thời gian mà con người cảm thấy mình đẹp nhất, sung sức nhất. Nhà thơ muốn được níu giữ, được tận hưởng thời trẻ, điều đó cũng không quá khó hiểu. Đây chính là khát vọng đầy chất nhân văn của tác giả. Xuân Diệu, qua đó, cũng nhắc nhở người đọc: “Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”. Nghĩa là ta phải nhanh lên để tình non chẳng chóng già, để một mai ngẫm lại ta không hối tiếc vì đã “chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, lột tả chân thực khát vọng mãnh liệt của bản thân cũng như làm tăng sức truyền cảm đối với độc giả. Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ mở đầu, mà các động từ mạnh “tắt”, “buộc”,… cùng với điệp ngữ “Tôi muốn” đồng loạt xuất hiện, góp phần nhấn mạnh nội dung của thi phẩm, đồng thời tạo nên cái hay cho đoạn thơ, mang đậm phong cách thơ Xuân Diệu.

Dễ dàng nhận thấy, cả Xuân Quỳnh lẫn Xuân Diệu đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu nhằm tăng tính biểu cảm khi truyền tải ý nghĩa nhân văn đến người đọc. Ngoài ra, hai khổ thơ trên đều bộc lộ cái tôi khát vọng với đời vô cùng cháy bỏng của thế hệ trẻ thời hiện đại. Tuy nhiên, khát vọng trong “Sóng” là khát vọng tình yêu lứa đôi, là khao khát được tận hiến, được hi sinh cho một tình yêu đẹp, giữa “biển lớn ngàn năm sóng vỗ”. Còn trong “Vội vàng”, ấy lại là một quan niệm nhân sinh về lẽ sống: sống vội vàng , giục giã để tận hưởng những giá trị của cuộc sống.

Người ta nói: “Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì và không nghi ngờ gì”. Tuổi thanh xuân của đời người trôi qua nhanh lắm. Vậy nên, đừng ngại ngùng, hãy yêu hết mình, sống vội vàng với cả nhiệt huyết của người trẻ như Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Chỉ có thế, ta mới vươn tới được hạnh phúc vĩnh hằng và hưởng thụ lấy những tinh hoa, những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời này.

3. Tình yêu được thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng và Sóng mẫu 2

Tình yêu và khát vọng luôn là những "nguyên tố" cần thiết trong cuộc đời mỗi con người. Bởi chỉ khi khao khát yêu và được yêu, khát khao khát sống và trân quý cuộc sống thì đó mới chính làm nên giá trị của cuộc sống. Và có lẽ vì vậy, hơn ai hết, mỗi nhà thơ, những con người thiết tha với cuộc đời và nhạy cảm trước thời cuộc lại càng hiểu rõ hơn điều đó. Bởi vậy, mà có những vần thơ được viết ra như thay lời muốn nói cho bao kiếp người, bao tình cảm thiết tha và mãnh liệt của con người muốn được thể hiện. "Sóng" và "Vội vàng" là những bài thơ như thế, những bài thơ của khát vọng tình yêu, khát vọng sống và cống hiến.

Cả Xuân Quỳnh và Xuân Diệu đều ý thức rất lớn về sự chảy trôi của thời gian, dù muốn nhưng vẫn không thể ngừng lại sự chảy trôi ấy.

"Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi quá"

Cuộc đời có dài thật, nhưng thời gian nào có chậm, vẫn lặng lẽ vụt qua rút ngắn cái hữu hạn của đời người. Đó là nỗi lo âu trước thời gian, nỗi ngậm ngùi trước năm tháng cuộc đời, vừa lo sợ, lại vừa luyến tiếc.

"Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa"

Biển kia có rộng và bao la vô tận cũng không thể ngăn cản được mây bay, cả hai vẫn chẳng thể nào gặp gỡ.

Và Xuân Diệu cũng thế, cũng lo sợ trước thời gian, cũng vội vàng, cuống quýt:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,"

Ông lo sợ trước tuổi trẻ rồi sẽ dần qua đi, sau tất thảy còn lại sự luyến tiếc, ngậm ngùi mà thôi. Thời gian vốn vẫn vậy, cứ chảy dài, mùa xuân vẫn vậy, cứ tuần hoàn, tới rồi đi, để rồi người chợt nhận ra thanh xuân không còn mãi, tuổi tác ngày một lớn thêm và khi xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Càng nhận ra thời gian không chờ đợi ai, càng nhận ra sự ngắn ngủi của cuộc đời của tuổi trẻ. Tác giả lại càng ý thức được việc sống của mình hơn, lại càng khát khao yêu và khát khao sống để không phải hối tiếc cuộc đời, hối tiếc về những năm tháng đã qua. Xuân Quỳnh mang mối tình đằm thắm, chân thành, một mối tình mãnh liệt của một người con gái vốn e dè, ngại ngùng, nhưng vẫn thể hiện được sự dũng cảm trong tình yêu:

"Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Cửa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm vẫn vỗ"

Một con sóng thôi làm sao có thể làm nên đại dương bao la, mà con sóng ấy phải hòa cùng nhịp điệu của biển sóng, của muôn ngàn con sóng mãnh liệt, vỗ bờ đến biển lớn. Sóng được hoà mình du ngoạn giữa đại dương để mãi mãi trường tồn, bất tử, ngàn năm sóng vẫn vỗ, vẫn đến bên bờ. Cũng như tình yêu của em dành cho anh, không thể giữ cho riêng mình được, phải là tình yêu lớn như biển cả kia, mênh mông như đại dương kia, phải là tình yêu của hai ta, của nhân loại, của người người trên thế gian. Đó không chỉ là biển của thiên nhiên mà còn là biển của tình yêu, là đại dương của tình yêu và tình yêu ấy mãi mãi trường tồn, bất tử, không hữu hạn như đời người, kiếp người. Một khát khao yêu thật cao đẹp và đầy phi thường. Tình yêu dường như là một khát vọng vĩnh hằng, rất đỗi mãnh liệt, thổn thức trong trái tim mỗi con người, trong trái tim tuổi trẻ.

Và Xuân Diệu cũng như thế, ông càng lo sợ thời gian, càng nhận ra đời người ngắn ngủi, hữu hạn lại càng cuống quýt, hối hả, thúc giục con người sống vội hơn để chạy đua với thời gian, để tận hưởng những tinh túy, tươi đẹp của đất trời. Để tận hưởng hương sắc tuyệt mỹ của cuộc đời. Đó là khát khao được thực hiện những điều kỳ lạ, những ước muốn lạ lùng để giữ trọn vẹn nhất vẻ đẹp của tạo hóa để nắng không thể tàn và hương hoa chẳng vội mất đi:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi"

Và đây nữa, những khao khát được đã đầy tận hưởng, khát khao chiếm hữu tất cả dư vị thân yêu:

"Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn chiều

............................................

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"

Nỗi cuồng nhiệt cháy bỏng, thiết tha trỗi dậy trong lòng tác giả, muốn được sống, được yêu, được "thâu", được "ôm", được "riết" lấy tất thảy để giữ trọn cho riêng mình một mùa xuân căng tràn sức sống, mùa xuân ấy là mùa xuân của đất nước, mùa xuân của tuổi trẻ, mùa xuân của tình yêu.

Nếu trong "Sóng" khát vọng tình yêu đôi lứa trở nên lý tưởng và đẹp đẽ, khát khao dâng hiến mãnh liệt nhưng cũng đầy dịu dàng thiết tha, thì trong "Vội vàng" của Xuân Diệu là khát khao sống và tận hưởng vì thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Và cả hai bài thơ đều đã bộc lộ, thể hiện một cái tôi cá nhân muốn được giải thoát, được tận hưởng những dư vị yêu và sống của cuộc đời. Đó là một cái tôi lớn hòa chung trong cái ta của cộng đồng, của thời đại, nói lên niềm khát khao của muôn người.

4. Tình yêu được thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng và Sóng mẫu 3

Xuân Diệu và Xuân Quỳnh được làm là hai trong số các nhà thơ nổi bật của thơ ca hiện đại. Nếu Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình thì Xuân Quỳnh được mệnh danh là bà chúa thơ tình yêu. Ở hai hồn thơ này ta bắt gặp hơi thở tình yêu dạt dào và lòng ham sống mạnh mẽ.

Xuân Diệu từ lâu đã được xem là một trong ba đỉnh cao của phong trào Thơ mới giai đoạn năm 1932 – 1945. Ông được đánh già là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới” vì cách sử dụng ngôn từ cũng như cảm hứng thi ca. Khác với những nhà thơ trong cùng giai đoạn thơ của Xuân Diệu không tuân theo cảm hứng dân tộc mà theo cảm hứng lạng mạn. Ông tập trung thể hiện cái tôi cá nhân và lòng ham sống.

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn.

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi.”

Cá tôi mãnh liệt của tác giả được thể hiện rõ ràng qua cụm từ “ta muốn”. Ta là đại từ thể hiện cái tôi cá nhân khẳng định chủ thể khác biệt hoàn toàn với chúng tôi, chúng ta đang thịnh hành. Đoạn thơ được xem là một tuyên ngôn sống của tác giả tự xác định thái độ sống gấp muốn tận hưởng và cảm nhận cái hữu hạn của cuộc đời.

Xuận Diệu muốn ôm từ “sự sống mới bắt đầu mơn mởn” là những thứ nhỏ bé nhất như hạt mầm. Và “riết” những thứ siêu nhiên là “mấy đưa và gió lượn”. Tiếp theo là say trong những “cánh bướm với tình yêu” và “một cái hôn nhiều”. Và tất cả “non nước, cây, cỏ rạng” những thứ trên mặt đất đang tồn tại. Để cho cơ thể chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng và cho no nê thanh sắc của thời tươi. Với hàng loạt các động từ mạnh như “ôm”, “riết”. “thâu”, “say”. “chếnh choáng”, “no nê” đủ thấy lòng ham muốn chiếm lĩnh sự sống của tác giả lớn như thế nào. Qua đoạn thơ này cho thấy Xuân Diệu không chỉ muốn sống một cách thông thường mà muốn sống nhanh sống gấp sống làm sao tận hưởng được hết những mật ngọt của sự sống.

Một nhà thơ nữa tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn và lòng ham sống của con người đó là Xuân Quỳnh. Nhà thơ nữ hiếm hoi là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ của Xuân Quỳnh mang đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ giàu nhạy cảm. Đoạn thơ trích trong tác phẩm “Sóng” dưới đây thể hiện rõ nhất phong cách thơ của bà:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

Đối với Xuân Quỳnh thì tình yêu được xem là lẽ sống. Nhưng tình cảm không chỉ hữu hạn trong cái tôi nhỏ bé mà còn được hòa mình vào biển lớn tình yêu của nhân loại. Bà ước mong:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ”

Từ “trăm con sóng nhỏ” này hòa mình vào với “biển lớn tình yêu” đấy là cách biến tình yêu trở thành bất tử. Và tình yêu thương từ đó sẽ lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới mang đến cho con người một thế giới bình yên và hòa bình cho nhân loại.

Thông qua việc phân tích hai đoạn thơ trên của hai tác giả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh ta thấy cả hai đều bộc lộ cảm xúc mãnh liệt và những suy ngẫm trước cuộc đời rộng lớn. Họ đều thể hiện lòng ham sống mạnh mẽ muốn được hòa mình vào cuộc sống chung của nhân loại.

Nhưng điểm khác biệt là nếu như thì nằm ở cách thể hiện cái tôi cá nhân. Nếu ở Xuân Diệu ta thấy sự mạnh mẽ nam tính thì ở Xuân Quỳnh ta lại thấy sự nhẹ nhàng, nữ tính. Những câu thơ của Xuân Diệu đọc lên cảm nhận được cái tôi mãnh liệt muốn khẳng định ước mướn lòng ham sống của bản thân. Thì những câu thơ của Xuân Quỳnh lại rất nhẹ nhàng đầy thủ thỉ, tâm tình.

Xuân Diệu chọn cách sống gấp gáp để hưởng thụ được hết những hoa thơm trái ngọt trên cuộc đời. Còn Xuân Quỳnh thì lại có ước muốn được hòa mình vào đời sống chung của nhân loại. Từ cái tôi nhỏ bé tiến đến cái ta ngoài biển lớn tình yêu.

Thông qua hai đoạn thơ trên đây chúng ta cảm nhận được lòng ham sống và cái tôi vô cùng lãng mạn của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Mặc dù, họ sinh ra ở hai thời điểm, hai thế hệ khác nhau nhưng họ đều có chung một cái tôi lãng mạn và lòng tin yêu mãnh liệt đối với cuộc đời.

5. Tình yêu được thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng và Sóng mẫu 4

Ngàn vạn năm rồi kể từ khi tiếng đàn Orphee vang lên thay cho niềm nhớ nhung vô hạn gửi đến người vợ Euridice của mình. Nỗi nhớ thương ngày ấy lay động cả đỉnh Olympus và ngục sâu thẳm của thế giới Vong Hồn. Sóng đã đi giữa những xúc cảm mãnh liệt tình yêu ấy để thoáng chốc gọi mở cho bản thân mình những xúc cảm giản dị của người phụ nữ thời đại: nỗi lo âu và khát vọng bất tử hóa tình yêu. Để từ đó chính “Sóng” với những triết lý của riêng mình lại gặp “Vội Vàng” của Xuân Diệu khi xưa về triết lý thời gian.

Khánh Ly trong quyển sách duy nhất của mình – Đằng sau những nụ cười- đã tâm sự rất mực chân thành về những người phụ nữ làm nghệ thuật: là ca sĩ hay là thi sĩ. Bà nói rằng bất cứ người phụ nữ nào, dù có kiêu sa với ánh đèn, tiếng hát hay vinh quang tột bậc với những con chữ, thì sau tất cả, ai cũng giữ cho mình một đóa hoa hồng nhỏ bé trong trái tim. Đó là những ước vọng đời thường, những khát khao bình dị, những niềm yêu chân. Xuân Quỳnh cũng là người phụ nữ như thế. Chị ngay từ những buổi đầu của thơ ca đã chạm vào thơ ca bằng đôi bàn tay kì diệu của một trái tim hồn hậu yêu thương. Ơ đôi bàn tay ấy có một đóa hoa ngâu vàng đang nở rộ trong tiếng đàn của anh. Đông đầy nơi ấy là tiếng “À ơi …cái ngủ đang về cùng con.” Nhưng đi giữa tình yêu người ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó một nỗi nhớ, lo sợ và phấp phỏng. “Lời yêu mỏng manh như màu khói? Ai biết tình ai có đổi thay?” (Hoa cỏ may). Để các dòng thơ của chị lại tạo thành dòng mạch ngầm êm đềm len lỏi trong tâm hồn . Chúng âm ỉ nỗi đau của một người phụ nữ đã từng trải qua mất mát đau thương của cuộc đời. Nhưng vẫn thường trực đâu đó trong mạch ngầm ấy là một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu. Mang trong mình khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh nên “Sóng” đã được chị ưu ái đặt và nở rộ giữa rừng hoa chiến tuyến trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào “ (1967). Tập thơ này chị viết nhiều về đất nước. Có lẽ vì suốt tập thơ ấy, Xuân Quỳnh chỉ dành duy nhất góc nhỏ này cho tình yêu nên “Sóng“ đã tu hội trong nó tất cả những gì là đặc trưng nhất của thơ chị: vừa hiện đại vừa truyền thống, lúc cuộn xoáy khát khao, lúc dâng trào mãnh liệt, lúc trầm ấm thiết tha, lúc thâm trầm nghĩ ngợi. Sóng ấy trong hai khổ thơ cuối, sau một đoạn đường dài trải nghiệm về tình yêu lại trầm tư trong những nỗi lo âu thường trực, trong những triết lý tình yêu vĩnh hằng.

Trong thơ có một ngưỡng cửa mà bất kì ai cũng phải vượt qua nếu muốn trở thành thi nhân chân chính: sự thành thật. Nhiều người mới bước vào thi đàn thơ ca lại cứ quen lối chau chuốt ngôn từ hay cường điệu tình cảm. Chau chuốt quá hóa sáo mòn, cường điệu lắm thành ra giả tạo. Xuận Quỳnh không thế. Chị xem mình là người phụ nữ bình thường và chị cho phép mình giải bày nỗi niềm lo âu trước sự mong manh của tình yêu vào hình tượng Sóng độc đáo mà không khoa trương:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.”

Đứng trước biển, đứng trước sự vô hồn, vô tận của biển cả, sự vô thủy, vô chung của thời gian, con người lại rợn ngợp và đầy nỗi lo. Xuân Quỳnh trước biển lớn lại như Sóng chơi vơi đầy nỗi niềm. Có lẽ thế nên giọng thơ của chị quãng này chùng xuống, lắng đọng đầy chiêm nghiệm. “Cuộc đời” vì vậy cất lên ngay đầu câu như một tiếng thở dài . Bởi bản thân nó đang gánh trên vai tình yêu, sự sống và niềm tin. Nhưng thời gian vẫn thế, vẫn nhẹ nhàng lả lướt đi trên từng bước nhịp cuộc đời để lại những vấn vương riêng tư thời đại. Người xưa đứng trước sự chảy trôi ấy vẫn giữ cho mình một trái tim an nhiên tự tại để sống trọn một đời để rồi chết đi lại về với đất trời:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Ta sẽ bỗng có cảm tưởng như thể thời gian vẫn cứ tuần hoàn theo tháng năm như cái bản chất vốn có của nó. Nhịp thơ ấy khi đến với mặt biển rộng của Thơ Mới lại như chuyển dòng vòng giữa những khúc quanh đầy ám ảnh của chia ly mất mát. Xuân Diệu nhạy cảm nhận ra: “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi ”để rồi tiếng thơ ông vang lên như một cơn lũ cảm xúc,hối hả cuốn theo tất cả sự đắm say trước vẻ đẹp thời gian trong bước nhịp dồn dập của cuộc đời. Xuân Quỳnh giữa thời gian lại như cánh chuồn chuồn bơ vơi tìm cho tình yêu chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời. Phải chăng thời tgian đã thực sự đã bào mòn cái mầm sống le lói của tình yêu để nó trở nên hữu hạn? Bởi lẽ bi kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia ly mà là sự lãnh đạm đi qua đời nhau? Cặp quan hệ từ chỉ y nhượng bộ “tuy…vẫn”, “dẫu…vẫn…” tiếp nối sau đó đã thể hiện sự trăn trở của con người trước sự hữu hạn ấy của cuộc đời. Vì đời người tuy dài đến cả trăm năm thì theo năm tháng , tất cả rồi sẽ đi qua. Biển kia cũng vậy. Nó tuy rộng nhưng không phải vô tận nên chẳng thể giữ mây ở lại vĩnh viễn. Vũ trụ thì bao la nhưng con người lại nhỏ bé quá. Đời người thì ngắn ngủi nhưng khát vọng tình yêu của con người lại quá to lớn. Con người trước những nghịch lý ấy lại chỉ là một thân phận phù du ôm mộng tình yêu vĩnh hằng, hạnh phúc muôn đời. Và vì vậy con người luôn lo lắng, sợ hãi trước sự phôi phai của tình yêu. Mang trong mình những sự sợ sệt cố hữu nên con người càng gan dạ để sẵn sàng vượt qua mọi thử thách của thời gian để vì nhau và cùng nhau tìm kiếm hạnh phúc chân thực. Không gian và thời gian tuy từng trở đi trở lại trong thơ Xuân Quỳnh như một nỗi ám ảnh về tình yêu phai nhạt lại trở về trong “Sóng” như một động lực, một nguồn sức mạnh để hun đúc cho người sự mạnh mẽ để hành động và sống vì tình yêu của mình. Chính “Sóng” đã đưa tình yêu “Trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khát khao những điều mơ ước. Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu.” (Tự Hát). Và cũng để chén rượu thơ của Xuân Quỳnh rót ra trên bề mặt chữ sớm gặp những nỗi lòng tri âm của thế hệ - những người vẫn mang khát vọng yêu thương và sẻ chia. Phan Thị Thanh Nhàn trong những vần thơ của mình đã rót vào thành trì yêu thương những giọt buồn :”Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Nếu cùng người mới dạo chơi/ Xin anh tránh những nẻo đường vui ban đầu “. Xuân Quỳnh không vậy. Sóng trong thơ chị vẫn là người con gái vị tha và mạnh mẽ trước giông tố cuộc đời. Chị đã hóa thân vào Sóng để bày tỏ khát vọng được vươn mình ra sự vĩnh hằng của tình yêu:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giua biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

Vẫn là một Xuân Quỳnh “Bao ngày tháng đi về trên mái tóc/ Chỉ có em là đã khác em thôi.”, hay lo sợ về cái mong manh , ngắn ngủi của đời người. Câu hỏi “làm sao” cùng kết cấu “làm sao…được thành…” đã bộc lộ khát vọng đau đáu đến khắc khoải của nhà thơ. Làm sao để tình yêu như cánh phượng tồn tại mãi trong lưu bút tâm hồn? Làm sao được hòa mình vào tình yêu? Làm sao để tìm kiếm tình yêu đích thực giữa muôn ngàn khuôn mặt từa tựa nhau?.. Tất cả những câu hỏi đó vẫn thường trực, trăn trở trong nỗi lòng của Xuân Quỳnh. Chị nghĩ mình là con sóng trong lòng biển, lại thấy lo âu về sự tàn phai của tình yêu. Kì thực trong nỗi lo đầy nhân tính ấy. chị càng tin vào tình yêu, cháy bỏng để hòa mình vào Sóng. “Được tan ra” chính là sự từ bỏ của chính chị- một cái tôi ích kỷ để hoàn toàn hòa nhập vào đại dương. Và khi tâm hồn chị tan trong khát vọng, mọi suy nghĩ và tình cảm đều tan thành “trăm con sóng nhỏ” để hướng đến bờ yêu. “Tan” ở đây là sự dâng hiến hòa mình. Đó không phải là một tham vọng chiếm hữu. Bởi chị không có ý muốn vươn đến cái cực hạn. Mà điều chị mong là sự vô hạn giữa biển lớn . Để từ đó, từ một thân phận bé nhỏ của một con Sóng vẫn ráo riết rong ruổi “tìm ra tận bể”, nhìn về biển lớn với vẻ ngây ngô “Từ nơi nào sóng lên?”, vẫn chực chờ bao nỗi ám ảnh trước thời gian chảy trôi, sóng cuối cùng vẫn có thể tự nở thành những đóa hoa tình yêu bất tử giữa biển khơi. Chúng ta vẫn thường hay lo sợ về tình yêu. Chúng ta luôn đòi hỏi tình yêu sự hồi đáp. Nhưng có lẽ chúng ta chưa bao giờ tự hỏi và tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình với tình yêu, về hành động của mình với tình yêu. Vì vậy Xuân Quỳnh đã thay lời Sóng để giúp con người nhận ra rằng chỉ có sống và yêu hết mình thì tình yêu mới đủ sức mạnh để vượt qua sự băng hoại của thời gian để chạm khắc vào thành trì thời gian những nét bút rực lửa của một tình yêu đẹp và vĩnh cửu. Chính phút giây ấy, giây phút mà Sóng tìm được cho mình một lối sống phù hợp trước thời gian ây thì Sóng không còn là những con sóng xa tít biển khơi mà nó đã trở thành em, trở thành nỗi lòng muôn thế hệ.

Sóng không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Và Sóng sau một đoạn hành trình dài biến hóa qua biết bao hồn thơ và tình thơ thì nó lại trở về cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng vẫn khao khát yêu và được yêu trong thơ Xuân Quỳnh. Việc sử dụng hình tượng “Sóng” vì vậy không mới. Tuy nhiên, Sóng của Xuân Quỳnh vẫn giữ được một góc riêng vì lời của Sóng là lời tâm sự đầy tha thiết, đầy suy tư về những triết lý tình yêu nhưng từ ngữ lại hết sức giản dị. Xuân Quỳnh đã phát hiện những quy luật của Sóng ở đại dương và đồng nhất chúng với quy luật tình yêu. Chị vừa thổ lộ trực tiếp những nguy nghĩa vừa mượn hình tượng Sóng để thể hiện quy luật rằng: Tựa như sóng vẫn cứ vỗ bờ mãi ngàn năm không biết mệt mỏi thì tình yêu sẽ vĩnh cửu khi con người chân thành và hết mình vì nó. Xuân Quỳnh đã từ bỏ cái tôi chật hẹp đầy riêng tư để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn muôn đời. (Bởi lẽ chị đã vượt qua cái gọi là hiện đại hay truyền thống mà người ta vẫn thường gán cho thơ chị, thật sự đến với tình yêu và “Sóng” bằng hai chữ “chân thành”. Chính vì thế chị yêu như đúng nghĩa một tình yêu mãnh liệt và chị lo lắng như nỗi lo muôn đời của con người. Trong chị không có dấu vết của lễ giáo gia phong của những quan niệm khép mình của Phương Đông xưa, cũng không có cái tự do và táo bạo nhiều đên thiếu đi phần nữ tính của phương Tây hiện đại. Mà điều còn lại trong thơ chị, tồn tại ở nơi đây, vĩnh hằng trong Sóng muôn đời là một tình yêu của một người phụ nữ hiện đại với tất cả tâm tình chảy ra từ suối nguồn vô tận của thương yêu)

Nếu những năm tháng sau này chúng ta trầm tư với những lời thơ cảu Xuân Quỳnh trong triết lý tình yêu vĩnh cửu của chi thì trước đây đã từng có một nhà thơ dùng lời thơ để gửi gắm triết lý sống đúng đắn trước thời gian. Đó là Xuân Diệu với triết lý sống “Vội vàng” trong bài thơ cùng tên

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước,và cây và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùa thơm, cho đã đầy ánh sáng. Cho no nê thanh sắc của thời tươi -Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi. Đã có năm lần cụm từ “ta muốn” nhấn xuống bề mặt thơ. Đã có lúc đại từ “tôi“ chuyển thành đại từ “ta”. Và đã có khi ông cuống quýt cùng với bướm, mây ,… Trái tim ông tràn đầy nhựa sống . Và ông gửi gắm vào thơ. Những vần thơ vì vậy như hồn Xuân Diệu muốn mở ra, như tay Xuân Diệu muốn chìa ra ôm lấy, như tấm lòng của Xuân Diệu muốn gửi gắm đến bạn đọc một triết lý sống: triết lý vội vàng.Bởi Xuân Diệu từng lo lắng: ”Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.” Và ông tiếc nuối: ”Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian.” Vì vậy ông luôn vội vã “Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm.” Lòng ham sống và sự say mê cuồng nhiệt với mùa xuân và tuổi trẻ đã tạo cho Xuân Diệu một động lực lớn lao để sống thật trọn vẹn, để sống cống hiến hết mình cho cuộc đời. Và triết lý sống ấy đến với người đọc đã tạo nên một niềm tin để con người vượt qua những thử thách, những lúc yếu đuối , nản chí để tiếp tục theo đuổi đam mê để tuổi trẻ trôi qua không lãng phí. Người ta gọi thơ Xuân Diệu là “nguồn sống dào dạt chưa từng có ở chốn non nước lặng lẽ này“ chính là vì Xuân Diệu đã gọi dậy được lòng ham sống, thôi thúc được trong người đọc sự vội vàng để tạo nên những phút giây ý nghĩa.

Chế Lan Viên đã từng nói rằng: ”Những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn.” Đúng, bởi lẽ dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u thì chúng ta sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa. Hiểu được và từng đau đớn, lo âu vì sự nhanh vội của thời gian, cả Xuân Quỳnh và Xuân Diệu đã gặp nhau trong triết lý thời gian tuyến tính. Với họ, thời gian không tuần hoàn. Thời gian sẽ trôi đi và không bao giờ trở lại .Và nếu con người không hành động, con người sẽ bỏ lỡ . Vì vậy cả bài thơ đã truyền cho con người khát vọng sống tích cực và mãnh liệt để tận hưởng, tận hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc đời. Tuy nhiên mỗi bài thơ lại mang những khát khao hướng đến những điều thân thương khác nhau. Nếu “Sóng” là khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người để sống mãi với tình yêu lớn của mình thì Vội Vàng không vậy. Bài thơ lại thế hiện khát khao được sống hối hả, cuồng nhiệt như một cách khắc phục giới hạn đời người trong dòng chảy thời gian. Nhưng giữa những khat vọng riêng tư ấy, điểm khác biệt lớn lao nhất là cách mà cả hai nhà thơ hành động vì khát khao của mình. Xuân Quỳnh, chị ước vọng được tan mình trong tình yêu và tình cảm lớn lao để bất tử hóa tình yêu. Xuân Diệu, ông lại say riết, ôm xiết với những gì ông yêu thương. Ở ông, người ta cảm nhận được cái tôi đầy ích kỷ để sống trọn vẹn vì bản thân với mảnh đất trần gian. Sự khác nhau ấy đến từ phong cách và trào lưu văn học của thời đại tác giả sinh sống.Thơ Xuân Quỳnh ra đời và lớn lên trong thời đại văn hóa phát triển theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Vì vậy Sóng của thơ chị không chỉ mang thân phận của người con gái hết mình vì tình yêu. Mà Sóng ấy còn gắn thân phận của mình với số mệnh đất nước. Tiếng lòng của thơ chị cũng là tiếng lòng của những nhà thơ cùng thời: ”Anh yêu em như anh yêu đất nước.” (Tố Hữu). “Trong anh và em hôm nay/Đều có một phần Đất Nước.” (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm). Vì mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng nhất định đến số phận của đất nước. Chúng ta, mỗi người cần “Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở / Làm nên Đất Nước muôn đời.” Âm hưởng sử thi ấy rõ ràng đã vọng vào bài thơ, đặc biệt là khổ thơ cuôi, trong sự hòa nhập của tình yêu đôi lứa với “biển lớn tình yêu”- một tình yêu chung của cộng đồng rộng lớn: tình yêu đất nước. Cho nên trong Sóng, Xuân Quỳnh đã chọn sự cho đi để lưu giữ tình yêu vào cõi bất tử. Nhưng Xuân Diệu lại không vậy. Ông ra đời trong thời đại đề cao giá trị chữ tôi. Chữ tôi ấy cho phép và đòi hỏi ở mỗi ca nhân một cá tính, một sự dũng cảm để đấu tranh cho quyền tự do yêu đương và bảo vệ chúng. Ở Vội Vàng, người ta cảm nhận được cái tôi ấy đầy mãnh liệt trong tình yêu vơi mùa xuân và tuổi trẻ. Và chinh vì yêu và cuồng si, ông tham lam và ích kỷ để cất giữa những điều tuyệt vời cho riêng mình. Vì vậy trong thơ Xuân Diệu luôn tồn tại sự níu kéo tuổi trẻ trong những cái “ôm”,”riết”,”thâu”,”say: “cắn” vì với ông đó là các duy nhất để ông không tiếc nuối và day dứt trong việc bảo vệ điều mà ông yêu quý. Hai nhà hai cách thức, hai lối viết khác nhau đều là những khúc ca đẹp về tuổi trẻ. Từ đó từng lời thơ cất lên như đưa giai điệu và lòng người để người đọc nâng niu và trân trọng những điều mình đang có, hạnh phúc mang mình đang sở hữu.

Người nghệ sĩ nào bỗng một hôm cư ôm đàn ra vào ngẩn ngơ, điệu nhạc buôn ra theo tiếng thở dài và những nụ cười vụt đến rồi lại vụt đi. Bạn bè hỏi , anh ta mà khe khẽ: ”Tôi đang nhớ nghĩa là tôi đang yêu.” (Cách diễn đạt của Decaster) . Tình yêu và nỗi nhớ, nỗi lo âu là những đứa trẻ giống nhau , tình yêu đến và những nhung nhớ, những nỗi lo lại theo về. Tựa như lời của “Sóng” cất lên vẫn say đắm chảy hoài, chảy mãi cho tâm sự, cho khát vọng bất tử hóa tình yêu của con người. Tựa như lời Xuân Diệu rất nhiều năm về trước đầy tha thiết gửi gắm triết lý sống Vội Vàng thôi thúc mãi cho con người thời xưa, thời nay, những năm tháng sau này và mãi mãi…

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Quan niệm về tình yêu thể hiện qua 2 bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu và Sóng của Xuân Quỳnh. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 3.500
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm