So sánh bài thơ Thiên trường vãn vọng (Trần Nhân Tông) với bài Chiều hôm nhớ nhà (Bà Huyện Thanh Quan)

Văn mẫu lớp 7: So sánh bài thơ Thiên trường vãn vọng (Trần Nhân Tông) với bài Chiều hôm nhớ nhà (Bà Huyện Thanh Quan) dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý So sánh hai bài thơ Thiên trường vãn vọng và Chiều hôm nhớ nhà

1/ Đặt vấn đề

– Giới thiệu khái quát về tác giả tác phẩm.

– Dẫn dắt so sánh hai bài thơ.

2/ Giải quyết vấn đề:

* Giống nhau:

– Hai bài thơ cùng viết về bức tranh cảnh vật ở làng quê, một bức tranh thanh bình, yên ả với những hình ảnh quen thuộc: bóng hoàng hôn, mục đồng thổi sáo gọi trâu về…

– Hai bài thơ cùng nói lên tình cảm gắn bó của con người với cuộc sống bình dị chốn thôn quê, đằng sau đó là tình yêu quê hương đất nước.

* Khác nhau:

– Văn tự: một bài viết bằng chữ Hán, một bài viết bằng chữ Nôm.

– Thể loại: Một bài là thể thơ tứ tuyệt, một bài là thể thất ngôn bát cú Đường luật.

– Cảm hứng:

+ Bài Thiên Trường vãn vọng là cảm xúc chân thành của một ông vua, người có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương, thôn dã, qua đó cho ta thấy bức tranh về một cuộc sống thanh bình, nên thơ và tình cảm thương dân của một đấng minh quân.

+ Bài Chiều hôm nhớ nhà lại là nỗi niềm tâm sự của một lữ khách xa quê, xúc động trước vẻ đẹp của bức tranh cảnh vật thiên nhiên mà trào dâng nỗi nhớ quê nhà. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là con người mang tâm sự cô đơn hoài cổ, say mê với bức tranh cảnh tượng vùng quê mà thiết tha nỗi nhớ quê nhà.

3/ Kết thúc vấn đề:

– Hai bài thơ là hai bức tranh tuyệt đẹp về cảnh tượng vùng quê trầm lặng mà êm đềm, nên thơ..

– Mỗi bài thơ một tâm sự nhưng đều gặp nhau ở tình cảm nhận của con người dành cho quê hương, đất nước.

So sánh hai bài thơ Thiên trường vãn vọng và Chiều hôm nhớ nhà

Macxen Prut Xơ từng nói: “Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Quả vậy, cuộc sống thì muôn đời vẫn thế nhưng khi đã bước vào trang sách thì cuộc sống lại mang một dáng vẻ mới. Ví như chỉ là một hình ảnh “buổi chiều”, một hình ảnh quen thuộc trong thơ trung đại thôi nhưng dưới cái nhìn của Trần Nhân Tông trong “Thiên Trường. vãn vọng” đã hoàn toàn khác với Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”. Hai tác phẩm ấy đã mang trong mình những thế giới riêng mà lại rất chung. Mỗi tác phẩm ôm ấp lấy một bí mật, nâng niu lấy một tâm tình và trân trọng trong từng câu chữ.

Một điều bất biến trong thơ ca trung đại, tính quy phạm là điều không thể thiếu trong một tác phẩm được coi là có giá trị, và hai bài thơ: Thiên Trường vãn vọng và Chiều hôm nhớ nhà cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cả hai bài thơ đều được viết theo thể Đường luật, cụ thể ở bài thơ Thiên Trường vãn vọng vua Trần Nhân Tông đã sử dụng thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Còn ở tác phẩm Chiều hôm nhớ nhà thể thơ thất ngôn bát cú. Thể Đường luật đòi hỏi rất khắt khe về hình thức, về niêm luật, về đối,… đó được coi là thể thơ bác học, là tinh hoa cho muôn đời, là đỉnh cao của sự hàm súc, là sự hoàn thiện đến hoàn mĩ của thơ ca trung đại. Trong cả hai bài thơ đều toát lên một sự uyên bác mà hết sức bình dị, một sự cầu kì mà hết sức giản đơn như thể một điều hiển nhiên phải có, như buổi chiều xuất hiện hẳn nhiên mọi người sẽ trở về nhà, “mục đồng” thổi sáo lùa trâu về, xóm làng phủ màu khói lam. “Thiên Trường Vãn vọng” khiến cho người đọc ngỡ như mình đang lạc lối, không biết đâu là thực là hư, mà tự nhiên chìm đắm cảm xúc và thăng hoa cùng vần thơ để bay lên vượt qua không gian và thời gian, gặp gỡ một tâm hồn xa lạ mà như tri kỉ trong từng trang sách.

Không cần bàn nhiều về hình thức của hai bài thơ ta đều nhận thấy tài hoa của hai nhà thơ khi sử dụng rất tài tình hai thể thơ Đường trong từng câu, từng chữ … ngay cả trong cách đối cũng đối rất chính, như trong Chiều hôm nhớ nhà bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng phép đăng đối giữa “gác mái ngư ông” với “gõ sừng mục tử”; giữa “về viễn phổ” với “lại cô thôn”, lại một lần nữa ta bắt gặp sự tài tình trong việc đảo cấu trúc trật tự từ trong câu của bà Huyện Thanh Quan mà Bà đã từng thực hiện trong bài thơ “Qua Đèo Ngang”, đã tạo lên một phép đăng đối hoàn hảo. đến độ dường như không có sự thừa thãi ngôn từ. Sự tài hoa của con người được thể hiện bằng nhiều cách, có người được coi là thông minh khi sáng tạo ra một cái gì mới, có kẻ được coi là thông thái thông qua những chiêm nghiệm của cuộc đời, nhưng có những điều đã trở thành cổ điển, trở thành khuôn thước mà người ta vẫn biết cách khai thác, vẫn biết sử dụng, đây cũng là một loại người được coi là tài hoa chăng?

Khi đọc tác phẩm “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” của Hồ Chí Minh, hẳn ai cũng đều ấn tượng với hai câu thơ đầu:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”.

Những hình ảnh ước lệ ấy đã xuất hiện trong thơ xưa rất nhiều và đã trở thành điển hình trong thi ca trung đại, nhưng hai tác giả

Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh Quan đều không chọn những hình ảnh chuẩn mực ấy mà cả hai đều gửi gắm những tâm tình riêng của

mình qua hình ảnh: buổi chiều. Từ xưa cho tới nay không hiểu sao khi nhắc đến chiều bất giác trong lòng ta gợn lên một nỗi buồn man mác một tâm trạng lạ lùng:

“Không gian như có dây tơ

Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu.

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều

Lòng không sao cả,hiu hiu khẽ buồn….”

(“Chiều” - Xuân Diệu)

Một buổi chiều nơi vùng quê sau lũy tre làng, một buổi chiều nơi viễn xứ. Dường như buổi chiều đã không dừng lại ở một buổi trong một ngày, thời gian không hề trôi đi, hoàng hôn đã chiếm lĩnh tất cả, không còn sự tối tăm của bóng đêm, không còn sự gay gắt của mặt trời vào lúc ban trưa mà cỗ máy thời gian như đứng lại tại chiều bởi một sức mạnh vô hình nào đó, để rồi từ ánh sáng yếu ớt, mà đầy ma lực có khi “mờ mờ” với những làn khói lam từ những nóc nhà bay lên như một thứ mây mỏng, cứ giăng giăng khắp chốn của xóm quê khiến người đọc như thấy một cảnh yên bình, tĩnh lặng, mà cứ hồ nghi liệu đây phải có chốn bồng lại trong Thiên Trường vãn vọng

“Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên

Bán lô bán hữu tịch dương biên”

Bóng chiều trong bài thơ xuất hiện thật mờ ảo “nửa như có, nửa như không”, thấy huyền diệu như sao tơ trời, kì lạnh tình người và đây trong đôi mắt của nhà thơ làm nên một buổi chiều yên lặng mà không hề rợn ngợp, không hề cô quạnh, không hề buồn thương mà ngược lại còn làm nên một buổi chiều yên ả, thanh bình và ấm áp tình người, tình yêu thương giữa con người với con người. Bóng chiều đâu chỉ có thế, có khi lại mờ ảo lạ kì, một thứ ánh sáng lờ mờ lúc sắp tối, mơ hồ gần xa vẽ ra một thế giới tồn tại trên mặt đất mà dường như không hề sống trên mặt đất:

“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xưa đà phẳng trống dồn”

Dường như nỗi buồn không còn dừng lại ở sự tĩnh lặng đến rợn người của bóng chiều mà còn được nhân lên gấp bội với tiếng tù và cùng tiếng trống dồn đưa đi xa vắng, cả không gian được thể hiện với chiều sâu (của tiếng ốc), chiều cao (trống dồn) kết hợp với âm thanh “vẳng” tạo nên một thứ hợp âm gieo vào lòng người một nỗi buồn tê tái, một nỗi sầu mông lung, vô định, cứ dạt vào như những con sóng cứ chạy vào bờ rồi lại vội chạy đi, khiến tấm lòng cứ hụt hẫng bao lần… Maxim Gorki đã từng khẳng định rằng phải luyện hàng tấn quặng từ mới cho ra đời vài gram từ, khẳng định sự khổ cực của nhà thơ trong việc lựa chọn ngôn từ, ở đây tác giả đã sử dụng rất đắt từ láy “bảng lảng” và sử dụng từ đồng nghĩa “chiêu trời” và “hoàng hôn”, một điều tưởng chẳng như hết sức vô lý ấy mà hoá ra lại vô cùng có lý. Mặc dù hai từ này có nghĩa tương đương nhau nhưng xét sâu xa về mặt sắc thái hẳn chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ở “hoàng hôn” thể hiện một buổi chiều muộn, một thứ ánh sáng nhuốm đầy tâm trạng như bi ai, như buồn thương.

Có thấy chăng niềm sầu muộn của con người trong cuộc sống, nhưng trong văn chương ta dễ dàng bắt gặp những “mảnh tình riêng của con người, thấm nhuần trong từng câu chữ. Phải chăng đó là những bức tranh tâm trạng, những bức tranh không tồn tại trên đời mà lại sống mãnh liệt, bền bỉ dẻo dai hơn bất kì một bức tranh thực nào trên đời? – Khéo chăng trên đời được gặp người tri kỉ, theo quan niệm của Phật giáo phải tu trăm năm mới được ngồi cùng thuyền, tu nghìn năm mới được là tri kỉ đã đều cái duyên phận con người, mặc dù Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh Quan người sống trong hào khí Đông A một thời, kẻ sống những năm đất nước chia cắt, loạn lạc, nhưng đọc tác phẩm của họ ta bắt gặp sự giao thoa của hai tâm hồn, họ đều có một cái nhìn rất chung, một cái nhìn, một suy nghĩ hướng tới đất nước, hướng tới nhân dân, dù rằng một người là một đấng minh quân, một người chỉ là một phụ nữ nhưng ở họ đều có một tình yêu nước thiết tha. Giờ đây không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn hình ảnh buổi chiều để làm lên một bức tranh tâm trạng mà cao hơn thế, cả visa Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh đều có một cái tình chung, mặc dù cái tình ấy cũng không hẳn đều giống nhau. Có thể thấy ở cả hai bài thơ sau khi vẽ lên một bức tranh về cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, suy cho cùng cũng chỉ để làm nổi bật hình ảnh trung tâm là hình ảnh của con người:

“Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền”.

(“Thiên Trường vãn vọng” – Trần Nhân Tông)

Cảnh làng quê yên bình ban đầu mới chỉ thấp thoáng hình ảnh của con người thông qua màu khói lồng của những rơm, những rạ, những cải được đốt lên từ những nóc bếp của mỗi gia đình Việt xa. Những hình ảnh con người càng rõ nét hơn với hình ảnh của trẻ chăn trâu dẫn trâu về bằng tiếng sáo, chỉ với âm thanh thanh thoát ngọt ngào mà rất dân dã của tiếng sáo chú bé chăn trâu đã thể hiện toàn cảnh thanh bình, yên ổn cuộc sống nhân dân ta thời bấy giờ. Bên cạnh đó cảnh thanh bình ấy thực sự được khẳng định bởi màu trắng tinh khôi của cánh cò, một màu trắng đã đi vào đời sống của nhân dân ta từ ngàn đời, một hình ảnh hết sức giản dị, thân quen với người nông dân. Không phải là hình ảnh có những long, lân, quy, phụng cao sang mà lại là hình ảnh của cánh cò bình dị đã bước vào thơ của một vị vua rất tự nhiên, hình ảnh “Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” đã khẳng định cuộc sống không chỉ thanh bình, yên ả mà còn là một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống được yêu thương và luôn chan hoà, nồng ấm trong cái tình..

Chiều hôm nhớ nhàĐâu phải bất kì ai cũng thấy được cảnh đẹp thật sự ấy, cảnh đẹp của thiên nhiên chỉ là nên cho bức tranh thật sự, bức tranh của con người, bức tranh muôn đời được ca tụng. Từ đó, ta thấy một tấm lòng hồn hậu, yêu nước thương dân của nhà vua, đất nước có ổn định có yên bình, vua phải là bậc minh quân thì đất nước mới thịnh, dân mới no đủ, phải có một tấm lòng yêu thương dân chúng mới có thể vẽ nên bức tranh tuyệt diệu ấy trong thơ mình một cách tự nhiên đến thế. Bài thơ được viết nhân buổi vua Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), sự yên bình đó không phải chỉ của một làng quê này mà nó còn đại diện cho nhiều làng quê khác trên đất nước ta thời bấy giờ. Điều này càng khẳng định những công lao to lớn mà Nhà Trần, với hào khí Đông A đã mang lại cho dân chúng cuộc sống tốt đẹp, bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy tấm lòng của vua Trần Nhân Tông với quê cha đất tổ. Bài học về uống nước nhớ nguồn được thể hiện khéo léo trong từng hình ảnh, từng câu chữ của bài thơ. Cảnh tượng buổi chiều ở phủ Thiên Trường và cuộc sống hoà hợp của con người đã chứng tỏ tác giả là người tuy có địa vị cao quý nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã. Tương tự bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông, Bà Huyện Thanh Quan cũng đặt vị trí trung tâm trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” là hình ảnh của những người lữ khách, những ông chài, những mục tử:

“Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn”

Trong phần thực, tác giả đã lựa chọn rất tinh tế những hình ảnh “ngư ông” đối với hình ảnh “mục tử”, giữa “gác mái” với “gõ sừng” rất phù hợp, tạo một khung cảnh của những con người ở những tuổi tác khác nhau, già có, trẻ có và ở những vùng miền khác nhau, người thì ở nơi vùng biển, kẻ ở vùng quê sau lũy tre làng, tất cả đều đang thu xếp công việc của một ngày lại để “về viễn phổ”, “lại cô thôn”. Tuy vậy, hình ảnh con người trong bài thơ lại mang một nét buồn trầm mặc bởi cái xa của “viễn phế”, bởi cảnh quạnh hiu, cô đơn của “cô thôn”. Cảnh vật ít ỏi, quạnh quẽ khiến buổi chiều đã buồn lại càng thảm, một nỗi niềm thế lương bao trùm cảnh và tình và phải chăng lữ khách xa quê đang tìm kiếm về chốn cũ, nghe nghìn thuở còn vấn vương hay có phải là hồn quê Việt cổ kính từ ngàn đời?

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn”

Bà Huyện Thanh Quan là một người rất tài hoa và là người rất trung thành với nhà Lê nhưng thật không may bà lại sống trong thời kỳ nhà Lê suy thoái, vì vậy bà chỉ biết ôm trong lòng niềm hoài cổ về một thời hoàng kim của nhà Lê. Vốn là một người tài giỏi bà được vời vào Đàng Trong với nhiệm vụ “Cung trung giáo tập”, đồng nghĩa với việc bà. phải từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, phải rời xa gia đình và bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” là một bài thơ rõ nét nhất tâm trạng của người xa nhà với những nỗi niềm sâu kín. Ở phân luận, hai câu thơ mang một ý nghĩa sâu xa, tác giả đã mượn cảnh để tả cảnh lạnh lẽo cô đơn, tình cảnh trên nẻo đường phải tha hương nghìn dặm.

Cánh chim bay vội về rừng trong ánh chiều muộn, sương sa gió cuốn mịt mù, khung cảnh được phác hoạ với những hình ảnh hoạt động nhanh chóng, thể hiện một sự vội vàng khi chiều tà nhưng giữa những cái “động” lại nổi bật cái “tĩnh”, cái trầm lắng của “khách”, dù là “bước dồn” có vẻ vội vã nhưng cái vội vã ấy phải chăng là chịu tác động của cảnh vật, con người trở lên bơ vơ lạc lõng, trước “chim bay mỏi”, “gió cuốn”, “sương sa” đang sống trong khoảng khắc sâu thẳm, buồn thương cực độ. Câu thơ đã để lại nhiều suy nghĩ nơi người đọc. Ta cũng bắt gặp phong cách trang nhã mang tính chất cung đình trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Qua việc lựa chọn các hình ảnh rất tinh tế, giàu sức gợi để lại những ám ảnh sâu sắc, truyền cho người đọc những cảm nghĩ, những suy tư của tác giả.

Đặc biệt ta còn được thấy Bà Huyện Thanh Quan đã thực hiện rất tài nghệ thuật đảo ngữ trong phần thực và phần luận, đã làm nổi bật cái bao la của nẻo đường đất lạ và nỗi buồn thương mệt mỏi của người lữ khách, để lại những ấn tượng sâu sắc trong trái tim độc giả. Tình cảm của con người mấy khi mà nói ra đâu, nhưng trong văn chương làm sao có thể dấu diếm, thơ là chân thật với lòng mình, dù rằng tác giả mượn hình ảnh người lữ khách để nói tấm lòng mình cũng đều là tình cảm thật… Có thể nói tình cảm sâu nặng ấy đã được dồn nén trong từng câu chữ để rồi vỡ oà, nức nở, như một sự giải thoát cho một tâm trạng nặng nề qua phần kết:

“Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”

Chương Đài là một điển tích về sự ly biệt, nhớ thương, tan hợp của lứa đôi Hàn Hoành và Liễu Thị đời nhà Hán xa xưa. Từ điển cố này, Bà Huyện Thanh Quan đã đưa vào trong thơ, gợi lên một trường liên tưởng về sự chia ly, nỗi niềm da diết, nỗi cô đơn. Và dường như khao khát hạnh phúc trong cảnh biệt ly là điều quá xa xỉ chăng? Thật trái ngược với cuộc sống được tự do hạnh phúc của nhân dân trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của vua Trần Nhân Tông. Câu thơ vang lên đã không còn là nỗi niềm riêng của một người mà đó còn là câu hỏi của vạn người. Hạnh phúc là gì mà thật khó khăn với tới? Một câu hỏi “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” đã khép lại bài thơ với những dư ba mãnh liệt như tiếng chuông vàng với những âm thanh vang vọng khiến người ở muôn dặm còn nghe thấy. “Ai” – đại từ phiếm chỉ ở đây biết rõ là người nào, Chồng? Con? của nữ thi sĩ. Câu hỏi ấy vốn không lời đáp cứ chìm dần trong những suy ngẫm của người đọc muôn đời xót xa cho “người lữ thứ”, trong bóng chiều tha hương thấy mình bơ vơ xa xôi với “nỗi hàn ôn”, với những nỗi niềm tâm sự đâu biết ngỏ cùng ai, mà cứ chất chứa trong lòng, đong đầy theo ngày tháng, tích dần vào ngàn năm.

Trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng”cái tình người được sống trong một hoàn cảnh yên ổn, niềm tự hào vui mừng trước cảnh quốc thái dân an của tác giả Trần Nhân Tông hay là tình cảm sầu muộn của người bị chia cắt với người thân, phải sống trong cảnh buồn, cô đơn trong bài “Chiều hôm nhớ nhà” đều hướng tới tình người, tới con người. Dù là ai, dù là bậc thiên tử chí tôn hay là nữ sĩ phong lưu khi đã cầm bút thì ngoài tài năng ra, cái tình cũng rất quan trọng. Với cả hai nhà thơ Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh Quan đều là những con người tài hoa của thơ ca nước nhà, dù đã hàng trăm năm trôi qua, dù rằng những con người đó đã về với cát bụi nhưng tác phẩm của họ luôn sống mãi với cái tình đằm thắm, thiết tha, yêu thương con người.

Hoài Thanh đã từng nói: “Có lẽ từ khi được các thi sĩ ca tụng núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp, từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh: tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì quá đáng”. Có thể nói nhờ tài năng và tình cảm nồng thắm của hai thi sĩ Trần Nhân Tông và Bà Huyện Thanh Quan cùng hai tác phẩm” Thiên Trường vãn vọng” và “Chiều hôm nhớ nhà”mà cảnh chiều mới đẹp hơn hẳn, không chỉ đẹp về màu sắc, về đường nét, mà còn đẹp về tình người, thấm thía trong từng câu chữ làm cho chữ trong thơ vẫn sống bền bỉ và dẻo dai hơn bất kì thứ nào khác trên đời.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu So sánh bài thơ Thiên trường vãn vọng (Trần Nhân Tông) với bài Chiều hôm nhớ nhà (Bà Huyện Thanh Quan) cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 1.310
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm