Soạn bài Cuộc chia tay của những con búp bê VNEN

VnDoc giới thiệu tài liệu Soạn văn 7 VNEN bài Cuộc chia tay của những con búp bê. Đây là tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7 với các hướng dẫn giải chi tiết cho các bài tập trong sách VNEN Ngữ văn 7, sẽ giúp học sinh hiểu và tiếp thu bài nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 7, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 7 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 7. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

A. Hoạt động khởi động

Các bạn trong nhóm cùng nhau xây dựng đoạn văn với nội dung: Điều em mong muốn về gia đình của mình.

Chỉ rõ: đoạn văn đã đảm bảo tính liên kết về nội dung và hình thức như thế nào?

Bài làm:

Đoạn văn: Điều em mong muốn về gia đình của mình.

Bạn định nghĩa thế nào về một gia đình hạnh phúc: giàu sang, có nhà lầu xe hơi hay có những chuyến du lịch đó đây? Còn với tôi, hạnh phúc đến từ những điều giản dị bình thường. Đó là căn nhà nhỏ luôn rộn tiếng cười vui. Và vào mỗi tối, cả gia đình quây quần bên mâm cơm nóng hổi, kể nhau nghe những chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Tổ ấm còn là nơi mọi người cùng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Tôi luôn mong gia đình mình giữ được những hạnh phúc bình dị trong cuộc sống này.

  • Đoạn văn trên đã đảm bảo tính liên kết về nội dung, các câu văn liê kết về đề tài: Điều em mong muốn về gia đình mình
  • Về hình thức, đoạn văn đã sử dụng phép thế đồng nghĩa, phép nối

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản: Cuộc chia tay của những con búp bê

2. Tìm hiểu văn bản

a) Dựa vào nội dung câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê, cùng bàn luận để thực hiện những yêu cầu sau:

(1) Liệt kê những sự việc chính của câu chuyện

(2) Truyện có những nhân vật nào? Nhân vật chính là ai?

(3) Chi tiết nào trong truyện khiến em xúc động nhất? Vì sao?

(4) Nêu ý nghĩa của câu chuyện.

Bài làm:

(1) Các sự việc chính của câu chuyện:

  • Bố mẹ Thành và Thủy chia tay
  • Thành và Thủy chia đồ chơi
  • Thủy chia với lớp, cô giáo và các bạn
  • Cuộc chia tay cảm động giữa hai anh em Thành và Thủy

(2) Nhân vật chính của truyện là hai anh em Thành và Thủy. Ngoài ra còn có mẹ của Thành và Thủy, các bạn trong lớp, cô giáo Tâm.

(3) Chi tiết khiến em xúc động nhất là khi Thủy nói chia tay với các bạn, Cô giáo tặng Thủy quyển số và chiếc bút máy nắp vàng nhưng em không dám nhận vì em nói sẽ không đi học nữa, nhà bà ngoại em ở xa trường và mẹ sắm em một thúng hoa để ra chợ ngồi bán. Cô giáo Tâm đã thốt lên “Trời ơi!”, cô tái mặt và nước mắt giàn giụa

Chi tiết đó thể hiện tình yêu thương của cô dành cho học trò của mình và cả sự xót xa khi em phải gác lại ước mơ đến trường, đi làm kiếm sống khi còn quá nhỏ.. và khiến mọi người cảm thấy xót xa hơn.

(4) Văn bản là câu chuyện xúc động về cuộc chia tay đầy nước mắt giữa hai anh em Thành và Thủy, vì cuộc chia tay của bố mẹ mà hai anh em phải xa cách mỗi người một nơi. Mái ấm gia dình là một tài sản vô cùng quý giá. Người lớn hãy cố gắng nâng niu hạnh phúc của con trẻ, hãy vì tổ ấm gia đình và luôn sống mẫu mực, đừng vì cám dỗ tầm thường mà làm tổn thương trẻ con vô tội.

b) Trong truyện, tâm trạng của bé Thủy được miêu tả khi em ở nhà và khi em đến chào cô giáo cùng các bạn. Em thấy Thủy có những nét tâm trạng giống và khác nhau như thế nào giữa hai khung cảnh này?

Bài làm:

Thủy có những nét tâm trạng giống và khác nhau khi ở nhà và ở trường là:

- Giống nhau: Tâm trạng của bé Thủy lúc ở nhà và khi đến chào cô giáo cùng các đều là sự đau đón, xót xa khi gia đình tan vỡ và phải chia tay những thứ thân thuộc, xa thầy cô bạn bè.

- Khác nhau:

  • Khi ở nhà, Thủy cố kìm nén những giọt nước mắt, em như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay anh. Hai anh em nhường cho nhau đồ chơi.
  • Khi ở trường, chia tay với cô giáo và các bạn em đã không kìm được giọt nước mắt mà khóc nức nở. Những cảm xúc như vỡ òa, vì em biết từ nay em không còn được đến trường để học, không còn được gặp bạn bè và cô giáo.

c) Một số nhân vật trong câu chuyện đã có những hành động xoa dịu nỗi đau của Thủy. Em hãy tìm những hình ảnh, chi tiết trong câu chuyện chứng tỏ điều đó.

Bài làm:

Một số nhân vật trong câu chuyện đã có những hành động xoa dịu nỗi đau của Thủy:

  • Nhân vật Thành: nhường hết đồ chơi cho em “Không phải chia nữa. Anh cho em tất”. Rồi khi thấy em khóc, thành đã “đứng dậy, lawy chiếc khăn mặt ướt cho em”.
  • Các bạn trong lớp: nắm chặt tay Thủy như chẳng muốn rời
  • Cô giáo lấy một quyển sổ cùng một chiếc bút máy tặng cho Thủy

d) Qua câu chuyện này, tác giả đã đề cập đến những nội dung nào về quyền của trẻ em.

Bài làm:

Qua câu chuyện, tác giả đã đề cập đến những quyền cơ bản của trẻ em.

  • Quyền được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, được sống trong một gia đình hạnh phúc.
  • Quyền được đến trường học tập

3. Tìm hiểu bố cục và những yêu cầu về bố cục của văn bản

a) Sự sắp đặt nội dung các phần trong văn bản theo một trình tự, một hệ thống rành mạch và hợp lí được gọi là bố cục. Theo em, vì sao khi xây dựng văn bản, cần phải quan tâm tới bố cục?

Bài làm:

Khi xây dựng văn bản cần phải quan tâm tới bố cục, vì khi sắp đặt nội dung các phần trong văn bản một cách rành mạch, hợp lí sẽ tạo nên sự thống nhất, dễ hiểu, logic.

b) Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Có một con ếch quen thói coi trời bằng vung, nên cứ nghênh ngang đi lại khắp nơi, nhâng nháo nhìn trời và kêu ồm ộp. Trước kia, ếch sống ở trong giếng. Tại vì năm ấy trời mưa, nước trong giếng dềnh lên tràn bờ, đưa ếch ra ngoài.

Khi ở đáy giếng, ếch nhìn lên và nó thấy trời bé tí ti, chỉ bằng cái vung thôi. Còn nó thì oai ghê lắm, vì nó đã cất tiếng kêu thì tất thảy bọn cua, ốc, nhái ở giếng đều phải hoảng sợ. Cuối cùng, nó bị một con trâu giẫm bẹp.

  • Câu chuyện trên đã có bố cục hay chưa?
  • Cách kể chuyện như trên có chỗ nào bất hợp lí?
  • Theo em, nên sắp xếp bố cục câu chuyện trên như thế nào?
Bài làm:
  • Câu chuyện trên chưa có bố cục. Cách sắp xếp bất hợp lí thể hiện: Câu chuyện kể về con ếch khi ra bên ngoài, sau đó lại kể về con ếch khi ở đáy giếng và kết thúc truyện là con ếch bị giẫm bẹp khi bên ngoài. Cách sắp xếp các chi tiết lộn xộn khiến người đọc khó hiểu, không làm nổi bật được nội dung hiện thực phê phán trong tác phẩm. Vì vậy cần phải sắp xếp theo một trình tự logic hợp lí hơn.
  • Có thể sắp xếp bố cục câu chuyện như sau: Cần trình bày hoàn cảnh sống của ếch khi ở đáy giếng ếch nhìn lên chỉ thấy trời bé tí ti nên coi thường mọi thứ. Sau đó vì một trận bão mà ếch đã ra ngoài và nghênh ngang, nhâng nháo đi lại khắp nơi và nó đã bị giẫm bẹp

c) Hãy nêu bố cục cảu truyện Cuộc chia tay của những con búp bê theo ba phần mở bài, thân bài, kết bài

Bài làm:

Bố cục của truyện Cuộc chia tay của những con búp bê:

  • Mở bài: từ đầu đến … sưng mọng lên vì khóc nhiều: Truyện mở đầu bằng việc mẹ của Thành và Thủy bắt hai anh em phải chia đồ chơi cho nhau
  • Thân bài: từ đêm qua….. anh xin hứa. Kể về quá khứ rồi lại quay trở lại hiện tại để kể về cuộc chia tay thực sự đầy nước mắt của Thủy với cô giáo, với các bạn và với Thành
  • Kết bài: Từ “Tôi mếu máo trả lời…” đến hết: Truyện kết thúc bằng cảnh Thành “mếu máo” nhìn em trèo lên xe và chiếc xe rồ máy, phóng đi mất hút.

4. Tìm hiểu về tính mạch lạc cảu văn bản

a) Những nhận định sau nói về tính mạch lạc của văn bản. Hãy cho biết : Nhận định nào đúng , nhận định nào sai?

Nhận địnhĐúngSai
1. Các câu các ý trong văn bản cần được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng hợp lí.

2. Từng nội dung của văn bản cần được chia tách riêng rẽ, độc lập theo các hướng khác nhau.

3. Các phần các đoạn trong văn bản cùng hướng về một đề tài, một chủ đề xuyên suốt.

4. Các phần các đoạn trong văn bản cần sắp xếp trước sau hô ứng nhau làm cho chủ đề liền mạch và gợi hứng thú cho người đọc người nghe.

Bài làm:

Nhận địnhĐúngSai
1. Các câu các ý trong văn bản cần được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng hợp lí.X

2. Từng nội dung của văn bản cần được chia tách riêng rẽ, độc lập theo các hướng khác nhau.

X

3. Các phần các đoạn trong văn bản cùng hướng về một đề tài, một chủ đề xuyên suốt.

X
4. Các phần các đoạn trong văn bản cần sắp xếp trước sau hô ứng nhau làm cho chủ đề liền mạch và gợi hứng thú cho người đọc người nghe.X

b) Theo em, khi tạo lập văn bản để đảm bảo tính mạch lạc cần lưu ý những gì?

Bài làm:

Khi tạo lập văn bản, để đảm bảo tính mạch lạc cần chú ý những điều:

  • Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản cùng hướng về một đề tài, một chủ đề xuyên suốt.
  • Các câu các ý trong văn bản cần được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng hợp lí, giúp cho chủ đề liền mạch. Người đọc dễ dàng theo dõi diễn biến câu chuyền và hiểu được mạch cảm xúc mà văn bản muốn truyền tải

C. Hoạt động luyện tập

1. Theo em, văn bản sau có đảm bảo tính mạch lạc không? Vì sao?

RÙA VÀ THỎ

Ngày xửa ngày xưa có một con thỏ và một con rùa chạy thi xem ai nhanh hơn.Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn, chạy thụt mạng một hồi, thấy rằng đã bỏ khá xa đối thủ Rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ dưới một tán là cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua và dành chiến thắng. Thỏ vô cùng thất vọng vì thua và nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc chắn thì rùa không thể nào có cơ hội thắng được nó. Vì thế, nó quết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.

Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng, nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó đã suy nghĩ thêm và thách thỏ một cuộc đua khác nhưng có một chút thay đổi về lộ trình. Thỏ đồng ý. Chúng bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với kình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến còn hai cây số nữa, ở bên kioa bờ sông . Thỏ đàng ngồi xuống và tự hỏi, không biết phải làm sao. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Đến lúc này thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng nhung học sẽ cùng chung một đội.

Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông . Lên bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

Bài làm:

- Văn bản trên đã đảm bảo tính mạch lạc, rõ ràng với bố cục ba phần:

  • Phần 1: từ đầu đến… giành chiến thắn”g. Kể lại việc Rùa và Thỏ chạy thi và Rùa giành chiến thắng.
  • Phần 2: từ “Thỏ vô cùng thất vọng…. kết thúc đường đua”. Kể về cuộc đua thứ hai, Rùa tiếp tục giành chiến vì Thỏ không thể đi qua sông.
  • Phần 3: từ “Đến lúc này” đến hết. Rùa và Thỏ trở thành đôi bạn thân và họ cùng chung một đội tham gia cuộc đua cuối cùng. Cả hai nhận thấy về đích nhanh hơn rất nhiều so với những lần đua trước.

- Văn bản có tính mạch, lạc, rõ ràng vì các phần, các đoạn trong văn bản đều nói về hai nhân vật chính là Rùa và Thỏ, nó biểu hiện một chủ đề chung xuyên suốt là các cuộc đua của Rùa và Thỏ. các phần, các đoạn, các câu văn có tính liên kết, được trình bày theo trình tự hợp lí, người đọc dễ dàng theo dõi diễn biến sự việc và gợi ra nhiều hứng thú cho người đọc, người nghe.

Các nhóm chuẩn bị bài nói trong khoảng 5 phút với yêu cầu: Nêu cảm nhận của nhóm em khi đọc xong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê.

Bài làm:

Gia đình – hai tiếng ấm áp yêu thương trong trái tim mỗi người, nơi có những người thân yêu gắn bó cùng ta từ thuở ấu thơ. Vậy nhưng, trong câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê, hai anh em Thành và Thuỷ vì cha mẹ ly hôn mà phải sống xa nhau. Truyện khiến cho mỗi chúng ta cảm nhận rõ hơn sự mất mát, để lại những vết thương trong tâm hồn, đó là nỗi đau gia đình chia cắt.

Khi biết bố mẹ chia tay, Thành đau lòng khi nghĩ đến sẽ phải chia tay đứa em gái bé bỏng, biết bao kỉ niệm về em ùa về trong tâm trí Thành. Nghe tiếng em khóc trong đêm mà Thành phải cắn chặt môi để không bật lên tiếng khóc. Chúng cùng nhau ngồi im như vậy đến sáng. Thành và Thủy cùng ngồi ra vườn, nhớ lại những kỉ niệm của hai anh em trước đây và chẳng bao giờ có suy nghĩ sẽ xa nhau. Hình ảnh hai đứa trẻ ngồi trong vườn đợi bình minh lên với đôi mắt buồn bã vô ngần khiến cho không người đọc nào có thể cầm được cảm xúc thương xót cho những tâm hồn trẻ thơ vốn còn trong trẻo đã phải hứng chịu những đau khổ tột cùng về tinh thần. Trong mỗi ánh nhìn, hành động của hai anh em đều toát lên những giọt buồn của sự lo sơ về một tương lai không mong muốn. Có lẽ, trong tâm hồn tuổi thơ nhạy cảm của chúng dần hiểu rằng quãng thời gian được gắn bó bên nhau đã sắp kết thúc. Vì vậy chúng trân trọng từng giây từng phút để được ngồi lại bên nhau trong nỗi đau về sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Và rồi, khi người mẹ “giọng đã khản đặc”, yêu cầu hai anh em Thành và Thủy chia nhau đồ chơi, vì từ nay hai anh em sẽ phải chia nhau để sống cùng bố hoặc mẹ. Nghe thấy thế, Thủy đã” run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng” nhìn người anh. Có lẽ em hiểu, giờ khắc chia tay đã đến, gia đình hạnh phúc giờ đây đã tan vỡ mỗi người mỗi ngả. Thủy tuy còn nhỏ và khá trẻ con, nhưng hành động “võ trang cho con Vệ Sĩ”, đem đặt đầu giường để gác đêm cho anh để anh không chiêm bao thấy ma nữa xuất phát từ tình anh em. Thủy không thể chịu đựng nổi khi thấy Thành đem chia hai con búp bê, con Vệ Sĩ và con Em nhỏ ra, em càng không thể cầm lòng khi em biết chỉ trong một thời gian ngắn ngủi thôi, em phải xa người anh trai mà em hết lòng tôn sùng và yêu mến. Cuộc chia tay này là sự kết thúc cho sự đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ em. Thế nhưng, nỗi đau lớn nhất lại dành cho những đứa trẻ.

Người đọc càng thêm xót xa khi Thủy đến lớp học để chia tay với cô giáo và các bạn cùng lớp. Cả lớp đã sững sờ khi biết tin Thủy phải rời đi. Chi tiết khiến người đọc không cầm được nước là khi cô giáo tặng quyển sổ và chiếc bút cho Thủy. Em đã không dám nhận vì từ nay em sẽ không còn được đi học mà phải ra chợ bán hoa quả kiếm sống. Một cô bé với tâm hồn trong sáng, em không còn được đến lớp trong tiếng cười đùa hồn nhiên cùng bè bạn mà phải vất vả kiếm kế mưu sinh. Cánh cổng trường học giờ đây đã đóng lại. Giọt nước mắt của cô giáo, bè bạn đã khiến em không kìm được tiếng khóc, em khóc nức nở. Giọt nước mắt kìm nén cho nỗi đau gia đình tan vỡ, cho sự xa cách bè bạn, xa rời cuộc sống thân quen như vờ òa trong Thủy. Cảnh vật vẫn vậy, mọi người vẫn đi lại bình thường, chỉ có hai đứa trẻ đang phải chịu đựng những nỗi đau quá lớn trong tâm hồn thơ dại.

Cuộc chia tay rồi cũng diễn ra, Thủy nhường lại cho anh con búp bê vì em không muốn hai con búp bê cũng phải chịu nỗi đau xa cách như anh em chúng. Búp bê có thể không khóc vì chúng vô tri vô giác còn chúng giờ đây như cảm nhận nỗi đau lân dần trong tâm hồn tuổi thơ bé bỏng. Hai em có thể xa rời nhau, nhưng tôi tin chắc một điều là chúng vẫn luôn nhớ về nhau, nhớ khung trời tuổi thơ với những cảnh vật quen thuộc, mãi mãi không quên.

Câu chuyện là một bài học về tình anh em, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó có thể phai mờ. Những đứa trẻ vẫn muốn được chở che trong vòng tay cha mẹ, cùng nhau lớn lên và cùng nhau giữ những món đồ chơi như kỉ vật tuổi thơ. Truyện như lời nhắc nhở về hạnh phúc gia đình, đừng vì sự ích kỉ của người lớn mà khiến những tâm hồn trẻ thơ phải hứng chịu những mất mát không gì hàn gắn được.

D. Hoạt động vận dụng

Câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê đã cho chúng ta thấy tình cảm anh em chân thành, thắm thiết. Em hãy tìm hiểu và kể lại một câu chuyện trong thực tế cuộc sống về tình cảm sâu nặng này.

Bài làm:

Chắc hẳn mọi người chưa thể quên câu chuyện về cậu bé ở Sơn La đã đạp xe đạp, vượt qua hơn 100 cây số về Hà Nội thăm em trai. Cậu bé đó là Vì Quyết Chiến (13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Chiềng Yên (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), khi biết đến hành trình vượt hơn 103km từ Tây Bắc xuống Hà Nội để thăm em trai. Trên chiếc xe đạp mất phanh, bụng rỗng, họng khát khô nhưng Chiến nói "chẳng mệt, chỉ muốn gặp em".

Khi đi học về, nghe ông nội bảo em trai ốm nặng, em đã quyết tâm đi thăm em. Đầu trần, Chiến mặc chiếc áo mỏng, đạp chiếc xe đạp cà tàng là món quà mà người bác mới tặng. Chiếc xe không phanh, không gác đèo, không chuông xe, Chiến biết nhưng chẳng còn phương tiện nào khác. "Mình phải đi thăm em, không để mọi người biết". Dù chưa biết Hà Nội ở đâu, quãng đường dài đến thế nào, nhưng vì nỗi nhớ em đã khiến em có hành đông dũng cảm. Tấm lòng yêu thương của em thật trong sáng và đáng trân trọng bởi “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm đọc, dở hay đỡ đần”.

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Tìm đọc những thông tin nói về quyền trẻ em. Cùng bình luận với người thân/ bạn bè về quyền thực hiện quyền trẻ em

Bài làm:

Điểm chính của Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em 1989 yêu cầu:

“Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về mọi vấn đề tác động đến trẻ em, và những quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em.”

Trong văn bản gốc có đến 54 điều và 29 quyền trong một ngôn ngữ rất phức tạp và chắc chắn không dễ hiểu với trẻ. UNICEF, tổ chức về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, tóm lược văn bản 20 trang này trong 10 quyền cơ bản:

  • Quyền được đối xử bình đẳng và bảo vệ chống lại sự kỳ thị phân biệt tôn giáo, nguồn gốc và bình đẳng giới;
  • Quyền có tên gọi và quốc tịch;
  • Quyền về sức khỏe và y tế;
  • Quyền được giáo dục và đào tạo;
  • Quyền giải trí, vui chơi và tiêu khiển;
  • Quyền tự tìm hiểu thông tin, quyền phát biểu, quyền được lắng nghe và tụ họp;
  • Quyền riêng tư và sự giáo dục không bạo lực trong ý nghĩa của bình đẳng và hòa bình;
  • Quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại;
  • Quyền có 1 gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn;
  • Quyền được chăm sóc cho trẻ em khuyết tật.

Trong thực tế điều này có nghĩa rằng trẻ em có quyền được sống trong 1 môi trường an toàn mà không bị phân biệt đối xử. Trẻ em có quyền tiếp cận nước, thức ăn, được chăm sóc y tế, giáo dục và có tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến hạnh phúc, phúc lợi của trẻ.

Hiện nay ở địa phương em, trẻ em được chú ý đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cơ bản và được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Tuy nhiên, còn nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ, kiếm sống mưu sinh ngoài các khu vực bến xe, chợ, đường phố. Điều đó đòi hỏi chính quyền cần có các chính sách quan tâm, giúp đỡ trẻ em để các em được chăm sóc và học hành đầy đủ.

.....................................

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn tài liệu Soạn bài Cuộc chia tay của những con búp bê VNEN. Tài liệu được biên soạn theo chương trình VNEN Ngữ văn 7, hy vọng sẽ giúp các em học sinh tiếp thu bài nhanh và có sự hứng thú đối với môn học, từ đó học tốt Ngữ văn 7 hơn.

Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Đánh giá bài viết
3 920
Sắp xếp theo

    Soạn Ngữ văn 7 VNEN

    Xem thêm