Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam

Soạn bài lớp 10: Khái quát văn học dân gian Việt Nam là tài liệu tham khảo được Vndoc.com sưu tầm, bài soạn giúp các bạn nắm được những kiến thức cơ bản về văn học dân gian Việt Nam, cùng kỹ năng nhận biết những đặc điểm chính của từng thể loại văn học dân gian, sự khác biệt của văn học dân gian với các thể loại văn học khác. Mời các bạn tham khảo.

Soạn bài: Khái quát văn học dân gian Việt Nam mẫu 1

1. Khái niệm văn học dân gian

Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động về tự nhiên, xã hội nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

2. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

- Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng: ngôn từ truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nội dung, ý nghĩa và thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống. Văn học dân gian tồn tại, lưu truyền theo phương thức truyền miệng. Quá trình truyền miệng vẫn tiếp tục kể cả khi tác phẩm văn học dân gian đã được ghi chép lại.

- Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể): quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: người khởi xướng → tác phẩm được hình thành và được tập thể tiếp nhận → tiếp tục lưu truyền, bổ sung, sửa chữa. Tác phẩm văn học dân gian ngay sau khi ra đời đã trở thành tài sản chung của tập thể. Mọi người đều có quyền tiếp nhận, sử dụng, sửa chữa, bổ sung theo quan niệm và khả năng nghệ thuật của mình.

- Các thể loại văn học dân gian: truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi, thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, ca dao, câu đố, vè, truyện thơ, chèo.

3. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

- Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc: Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một kho tàng văn học dân gian riêng, vì thê,s vốn tri thức của toàn dân tộc vô cùng phong phú và đa dạng.

- Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người: văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần bất khuất, đức kiên trung và vị tha, tính cần kiệm, óc thực tiễn,…

- Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc: văn học dân gian được chắt lọc và mài giũa qua không gian và thời gian, phát triển song song với văn học viết lam cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Soạn bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam mẫu 2

1. Kiến thức cơ bản

1.1. Về khái niệm văn học dân gian

Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

1.2. Các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

  • Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng.
    • Thực chất của quá trình truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng miệng cho người khác. Văn học dân gian khi được phổ biến lại, đã thông qua lăng kính chủ quan (bộ não người) nên thường được sáng tạo thêm. Văn học dân gian thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), hoặc theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).
    • Quá trình truyền miệng thường được thực hiện thông qua diễn xướng - tức là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp (nói, hát, kể).
  • Văn học dân gian là kết quả của những quá trình sáng tác tập thể.
    • Tập thể là tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia sáng tác. Nhưng quá trình này, lúc đầu do một người khởi xướng lên, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác (địa phương khác, thời đại khác) tham gia sửa chữa, bổ sung cho tác phẩm biến đổi dần. Quá trình bổ sung này thường làm cho tác phẩm phong phú hơn, hoàn thiện hơn.
    • Mỗi cá nhân tham gia vào quá trình sáng tác này ở những thời điểm khác nhau. Nhưng vì truyền miệng nên lâu ngày, người ta không nhớ được và cũng không cần nhớ ai là tác giả. Tác phẩm dân gian vì thế đã trở thành của chung, ai cũng có thể tùy ý thêm bớt, sửa chữa.
  • Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
    • Sinh hoạt cộng đồng là những sinh hoạt chung của nhiều người như lao động tập thể, vui chơi ca hát tập thể, hội hè...Trong những sinh hoạt này, tác phẩm văn học dân gian thường đóng vai trò phối hợp hoạt động, tạo nhịp điệu cho hoạt động (những bài hò: Hò chèo thuyền, hò đánh cá,...).
    • Không những thế, văn học dân gian còn gây không khí để kích thích hoạt động, gợi cảm hứng cho người trong cuộc (ví dụ những câu chuyện cười được kể trong lao động giúp tạo ra sự sảng khoái, giảm bớt sự mệt nhọc trong công việc).

1.3. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam

Dựa vào những đặc điểm giống nhau cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm trong cùng một nhóm, có thể thấy văn học dân gian Việt Nam gồm những thể loại chính như sau: Thần thoại, sử thi dân gian, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, câu đố, ca dao – dân ca, vè, truyện thơ, các thể loại sân khấu (chèo, tuồng, múa rối, các trò diễn mang tích truyện).

1.4. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian

  • Văn học dân gian là kho trí thức vô cùng phong phú về đời sống của các dân tộc (kho trí khôn của nhân dân về mọi lĩnh vực của đời sống tự nhiên, xã hội, con người).
    • Kho tri thức này phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân ta đúc kết từ thực tế. Vào trong các tác phẩm, nó được mã hoá bằng những ngôn từ và hình tượng nghệ thuật tạo ra sức hấp dẫn người đọc, người nghe, dễ phổ biến, dễ tiếp thu và có sức sống lâu bền cùng năm tháng. Ví dụ: Bài học về đạo lí làm con

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

    • Văn học dân gian thể hiện trình độ nhận thức và quan điểm tư tưởng của nhân dân lao động nên nó mang tính chất nhân đạo, tiến bộ, khác biệt và thậm chí đối lập với quan điểm của giai cấp thống trị cùng thời. Ví dụ:

Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Đừng than phận khó ai ơi
Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây...

  • Văn học dân gian ngợi ca, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người. Vì thế, nó có giá trị giáo dục sâu sắc về truyền thống dân tộc (truyền thống yêu nước, đức kiên trung, lòng vị tha, lòng nhân đạo, tinh thần đấu tranh chống cái ác, cái xấu,...). Văn học dân gian cũng vì thế mà góp phần hình thành những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ xưa và nay.
  • Văn học dân gian có giá trị to lớn về nghệ thuật. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nền văn học dân nước nhà. Nó đã trở thành những mẫu mực để đời sau học tập. Nó là nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết.

2. Rèn kỹ năng

2.1. Những đặc điểm chính của từng thể loại văn học dân gian Việt Nam

  • Thần thoại
    • Hình thức: Văn xuôi tự sự
    • Nội dung: Kể lại sự tích các vị thần sáng tạo thế giới tự nhiên và văn hoá, phản ánh nhận thức của con người thời cổ đại về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người.
  • Sử thi dân gian
    • Hình thức: Văn vần hoặc văn xuôi, hoặc kết hợp cả hai.
    • Nội dung: Kể lại những sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng đối với số phận cộng đồng.
  • Truyền thuyết
    • Hình thức: Văn xuôi tự sự
    • Nội dung: Kể lại các sự kiện và nhân vật lịch sử hoặc có liên quan đến lịch sử theo quan điểm nhìn nhận lịch sử của nhân dân.
  • Truyện cổ tích
    • Hình thức: Văn xuôi tự sự
    • Nội dung: Kể về số phận của những con người bính thường trong xã hội(người mồ côi, người em, người dũng sĩ, chàng ngốc,...) thể hiện quan niệm và mơ ước của nhân dân về hạnh phúc và công bằng xã hội.
  • Truyện cười
    • Hình thức: Văn xuôi tự sự
    • Nội dung: Kể lại các sự việc, hiện tượng gây cười nhằm mục đích giải trí và phê phán xã hội.
  • Truyện ngụ ngôn
    • Hình thức: Văn xuôi tự sự
    • Nội dung: Kể lại các câu chuyện trong đó nhân vật chủ yếu là động vật và đồ vật nhằm nêu lên những kinh nghiệm sống, bài học luân lí, triết lí nhân sinh.
  • Tục ngữ
    • Hình thức: Lời nói có tính nghệ thuật
    • Nội dung: Đúc kết kinh nghiệm của nhân dân về thế giới tự nhiên, về lao động sản xuất và về phép úng xử trong cuộc sống con người.
  • Ca dao, dân ca
    • Hình thức: Văn vần hoặc kết hợp lời thơ và giai điệu nhạc
    • Nội dung: Trữ tình, diễn tả đời sống nội tâm của con người
    • Hình thức: Văn vần
    • Nội dung: Thông báo và bình luận về những sự kiện có tính chất thời sự hoặc những sự kiện lịch sử đương thời.
  • Truyện thơ
    • Hình thức: Văn vần
    • Nội dung: Kết hợp trữ tình và tự sự, phản ánh số phận của người nghèo khổ và khát vọng về tình yêu tự do, về sự công bằng trong xã hội
  • Các thể loại sân khấu
    • Hình thức: Các hình thức ca kịch và trò diễn có tích truyện, kết hợp kịch bản với nghệ thuật diễn xuất
    • Nội dung: Diễn tả những cảnh sinh hoạt và những kiểu mẫu người điển hình trong xã hội nông nghiệp ngày xưa.

2.2. Sự tương đồng và khác biệt giữa các thể loại văn học dân gian

  • Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng. Điều đáng lưu ý là ngay trong hệ thống thể loại văn học dân gian của từng dân tộc lại có thể tìm thấy những điểm tương đồng và khác biệt.
    • Sự tương đồng: Các thể loại văn học dân gian giống nhau ở cách thức sáng tạo (là những sáng tạo tập thể) và ở phương thức lưu truyền (truyền miệng). Về cơ bản các tác phẩm văn học dân gian ở các thể loại khác nhau đều quan tâm phản ánh những nội dung liên quan đến đời sống, tâm tư, tình cảm của cộng đồng (chủ yếu là của tầng lớp bình dân trong xã hội).
    • Sự khác biệt: Tuy nhiên mỗi thể loại văn học dân gian lại có một mảng đề tài và một cách thức thể hiện nghệ thuật riêng (ví dụ: Ca dao quan tâm đến đời sống tâm hồn của con người và thể hiện nó bằng bút pháp trữ tình ngọt ngào, lãng mạn...trong khi đó, Thần thoại lại giải thích quá trình hình thành thế giới, giải thích các hiện tượng tự nhiên,... bằng hình ảnh các thần. Sử thi lại khác, chủ yếu quan tâm phản ánh những sự kiện lớn lao có tính quyết định tới số phận của cộng đồng Sử thi thể hiện nội dung bằng nghệ thuật miêu tả với những hình ảnh hoành tráng và dữ dội...). Sự khác nhau của các thể loại văn học dân gian cho thấy sự đa dạng về nghệ thuật. Đồng thời nó cũng cho thấy khả năng chiếm lĩnh phong phú hiện thực cuộc sống của nhân dân ta.

Soạn bài: Khái quát văn học dân gian Việt Nam mẫu 3

Câu 1 (trang 19 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

Các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

Tính truyền miệng

Tính tập thể

Tính thực hành

- Truyền miệng là phương thức lưu hành và tồn tại của văn học dân gian => điểm khác biệt cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết.

- Tính chất của quá trình truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm, phổ biến bằng miệng cho người khác, thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).

- Tính truyền miệng biểu hiện qua diễn xướng dân gian tạo nên tính dị bản và hoàn thiện tác phẩm hơn.

- Quá trình sáng tác tập thể được diễn ra như sau: ban đầu, tác phẩm do một cá nhân khởi xướng sau đó tập thể hưởng ứng tham gia sửa chữa, thêm bớt và hoàn thiện tác phẩm đó.

- Tác phẩm dân gian sau khi ra đời đã trở thành tài sản chung của tập thể.

- Phần lớn tác phẩm văn học dân gian được ra đời, truyền tụng và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt cộng đồng (hò chèo thuyền, hò đánh cá…)

- Sinh hoạt cộng đồng là môi trường sinh thành, lưu truyền, biến đổi của văn học dân gian, nó chi phối nội dung, hình thức của tác phẩm văn học dân gian.

Câu 2 (trang 19 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

TT

Thể loại

Định nghĩa

Ví dụ

1

Thần thoại

- Hình thức: văn xuôi tự sự

- Nội dung: thường kể các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên.

Thần trụ trời, Nữ thần Mặt trăng, Thần mặt trời, …

2

Sử thi

- Hình thức: văn vần hoặc văn xuôi, hoặc kết hợp cả hai

- Nội dung: kể lại những sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sốm phận cộng đồng.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Sử thi Đăm Săn của dân tộc Ê – đê, …

3

Truyền thuyết

- Hình thức: văn xuôi tự sự

- Nội dung: kể lại các sự kiện và các nhân vật lịch sử được lí tưởng hóa.

Truyền thuyết Hùng Vương; An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy; Bánh chưng bánh dày....

4

Truyện cổ tích

- Hình thức: văn xuôi tự sự

- Nội dung: kể về số phận những con người bình thường trong xã hội thể hiện quan niệm và mơ ước của nhân dân về hạnh phúc và công bằng xã hội.

Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây khế...

5

Truyện ngụ ngôn

- Hình thức: văn xuôi tự sự

- Nội dung: kể lại các câu chuyện trong đó nhân vật chủ yếu là động vật và đồ vật nhằm nêu lên những kinh nghiệm sống, bài học luân lí, triết lí nhân sinh.

Treo biển, Trí khôn, ...

6

Truyện cười

- Hình thức: văn xuôi tự sự

- Nội dung: kể lại các sự việc, hiện tượng gây cười nhằm giải trí và phê phán xã hội.

Tam đại con gà, Nhưng nó phải bằng hai mày, …

7

Tục ngữ

- Hình thức: lời nói có tính nghệ thuật

- Nội dung: đúc kết kinh nghiệm của nhân dân về thế giới tự nhiên, lao động sản xuất và phép ứng xử trong cuộc sống con người.

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng,...

8

Câu đố

- Hình thức: văn vần hoặc câu nói thường có vần

- Nội dung: mô tả vật đố bằng hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải

Một đàn cò trắng phau phau/ Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.

(Đáp án: cái bát)

9

Ca dao

- Hình thức: văn vần hoặc kết hợp lời thơ và giai điệu nhạc.

- Nội dung: trữ tình, diễn tả đời sống nội tâm của con người.

Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

10

- Hình thức: văn vần

- Nội dung: thông báo và bình luận về những sự kiện có tính chất thời sự hoặc những sự kiện lịch sử đương thời.

Về loài vật, cây trái, sự vật, vè thế sự (vè sinh hoạt xã hội), vè lịch sử…

11

Truyện thơ

- Hình thức: văn vần

- Nội dung: phản ánh số phận của người nghèo khổ và khát vọng về tình yêu tự do, về sự công bằng trong xã hội.

Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), …

12

Chèo (Các hình thức diễn xướng dân gian)

- Hình thức: các hình thức ca kịch và trò diễn có tích truyện, kết hợp kịch bản với nghệ thuật diễn xuất.

- Nội dung: diễn tả cảnh sinh hoạt và những kiểu mẫu người điển hình trong xã hội nông nghiệp ngày nay.

Chèo Quan Âm Thị Kính, Suý Vân giả dại, …

Câu 3 (trang 19 sgk Ngữ văn 10 Tập 1):

Có thể tóm tắt nội dung các giá trị của văn học dân gian như sau:

- Văn học dân gian là kho tri thức phong phú về đời sống các dân tộc.

+ Đó là những tri thức về tự nhiên, xã hội và con người.

+ Là những kinh nghiệm sống lâu đời được đúc kết từ thực tiễn.

- Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.

+ Giáo dục con người tinh thần nhân đạo, lạc quan, yêu thương đồng loại.

+ Góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, đức kiên trung, vị tha, tính cần kiệm và óc thực tiễn.

- Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc.

+ Nhiều tác phẩm văn học dân gian đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật.

+ Văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết và phát triển song song cùng văn học viết làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Soạn bài lớp 10: Khái quát văn học dân gian Việt Nam. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Đề thi học kì 1 lớp 10, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
3 5.544
Sắp xếp theo

    Soạn bài lớp 10

    Xem thêm