Soạn bài lớp 8: Từ tượng hình, từ tượng thanh

Soạn bài lớp 8: Từ tượng hình, từ tượng thanh được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp các bạn học sinh nắm rõ kiến thức về từ tượng hình và từ tượng thanh để từ đó học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Soạn bài Từ tượng hình, từ tượng thanh mẫu 1

I. Đặc điểm, công dụng

Câu a:

Từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái: Móm mém, xồng xộc, vật vã, rữ rượi, xộc xệch, sòng sọc.

Từ mô phỏng âm thanh: Hu hu, ư ử.

Câu b:

Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái, mô phỏng âm thanh có tác dụng: Gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao.

II. Luyện tập

Câu 1:

Từ tượng hình: Rón rén, lực điền, chỏng quèo.

Từ tượng thanh: Soàn soạt, bịch, bốp, nham nhảm.

Câu 2:

5 từ tượng hình gợi tả dáng đi: rón rén, vội vã, uyển chuyển, nhẹ nhàng, khệnh khạng.

Câu 3: Phân biệt ý nghĩa của các từ tượng thanh tả tiếng cười:

Ha hả: Tiếng cười to, sảng khoái.

Hì hì: Tiếng cười vui vẻ nhưng có chút thẹn thùng.

Hô hố: Cười to, sảng khoái nhưng mang dáng vẻ thô lỗ, vô duyên.

Hơ hớ: Cười to, thoải mái, vẻ đắc ý.

Câu 4: Đặt câu với từ tượng thanh, tượng hình:

Lắc rắc: Tiếng mưa rơi bên hiên lắc rắc.

Lã chã: Thằng bé mếu máo rồi hai hàng nước mắt lã chã rơi.

Lấm tấm: Sân nhà lấm tấm vài hạt mưa.

Khúc khuỷu: Đường lên đỉnh núi phải đi qua nhiều con dốc khúc khuỷu.

Lập lòe: Ánh đèn lập lòe phía xa xa.

Tích tắc: Chỉ trong tích tắc, anh ta đã hoàn thành xong bài tập.

Lộp bộp: Mưa rơi lộp bộp trên mái tôn.

Lạch bạch: Chú vịt con chạy lạch bạch ra ao.

Ồm ồm: Người đàn ông ngồi trên ghế có giọng nói ồm ồm.

Ào ào: Cơn mưa ào ào kéo đến.

Câu 5:

Học sinh tự tình thêm các bài thơ có từ tượng hình, tượng thanh.

Soạn bài Từ tượng hình, từ tượng thanh mẫu 2

I. Kiến thức cơ bản

1. Thế nào là từ tường hình, từ tượng thanh?

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

Ví dụ:

lẻo khẻo, khệnh khạng, tun ngủn, nặng nề, bệ vẹ, lênh khênh, tha thướt, ...

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

(Quang Dũng)

Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

Ví dụ :

  • róc rách, ha hả, hềnh hệch, hu hu, sòng sọc, loảng xoảng, phì phì, ầm ầm, tí tách, ...
  • Văng vẳng bên tai tiếng chích choè,

Lặng đi kẻo động khách làng quê.
Nước non có tớ cùng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê.
Quyên đã gọi hè quang quác quác,
Gà từng gáy sáng tẻ tè te
Lại còn giục giã, về hay ở,
Đôi gót phong trần vẫn khoẻ khoe.

(Nguyễn Khuyến)

2. Công dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh:

Từ tượng hình, từ tượng thanh do có chức năng gợi hình và mô phỏng âm thanh cụ thể, sinh động như trong cuộc sống nên có giá trị biểu cảm cao. Nó thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự. Phần lớn, từ tượng hình và từ tượng thanh là những từ láy. Mỗi khi xuất hiện trong thơ, nó khiến cho thơ giàu hình tượng, cảm xúc thơ ấn tượng, thi vị, gần gũi với âm nhạc.

Ví dụ:

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao lên luỹ lên thành tre ơi!

Nguyễn Duy

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Tế Hanh

II. Rèn luyện kĩ năng

1. Trong các từ sau đây, từ nào là từ tượng hình, từ nào là từ tượng thanh?

San sát, chen chúc, rầm rập, xôn xao, thăm thẳm, mênh mang, ào ào, long lanh, lách cách, trùi trũi, len lỏi, vun vút, sặc sỡ, ngất nghểu, lom khom, lè tè, rì rào.

Gợi ý:

Từ tượng hình

Từ tượng thanh

San sát, chen chúc, thăm thẳm, lom khom..

Rầm rập, ào ào, rì rào...

2. Tìm các từ láy tượng hình trong các đoạn thơ, đoạn văn sau:

a.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

(Nguyễn Khuyến)

b.

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

(Nguyễn Khuyến)

c.

Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối, đêm sâu, đóm lập loè

(Nguyễn Khuyến)

d. Nhà ở làng đồi lưa thưa. Những mái nhà lợp gồi, lấp ló sau những vườn cây xanh rầm rạp. Con đường đất đỏ khúc khuỷu uốn lượn như kéo dài ra, như đón chào, như vẫy gọi...

(Dẫn theo Tạ Đức Hiền)

Gợi ý: Từ láy tượng hình: tẻo teo, lạnh lẽo, lơ phơ, hắt hiu, le te, lập loè...

3. Phân biệt ý nghĩa của những từ tượng hình sau:

  • lênh đênh, lềnh bềnh, lều bều.
  • lênh khênh, lêu đêu, lêu nghêu.

Gợi ý:

Lênh đênh, lềnh bềnh, lều sều:

  • Lênh đênh: Trôi nổi, vô sinh trên mặt nước rộng, không biết đi tới đâu.
  • Lềnh bềnh: Trạng thái nổi hẳn trên mặt nước và nhẹ nhàng trôi theo làn nước, làn gió,
  • Lều sều: Trạng thái nổi và trôi theo làn nước, trông bẩn mắt.

Lênh khênh, lêu đêu, lêu nghêu:

  • Lênh khênh: Cao quá mức, gây ấn tượng không cân đối, dễ đổ.
  • Lêu đêu: Cao quá mức, gây ấn tượng, bề cao mất cân đối quá nhiều so với bề ngang.
  • Lêu nghêu: Cao hoặc dài quá cỡ, làm mất hẳn cân đối, gây ấn tượng chông chênh, không vững.

4. Xác định từ láy tượng thanh trong đoạn văn sau:

Tiếng chuông xe đạp lanh canh không ngớt. Tiếng còi ô tô pin pin xin đường gay gắt. Tiếng thùng nước va vào nhau loảng xoảng ở một vòi nước công cộng.

Tiếng ve kêu rền rĩ trong những tán lá cây bên đại lộ. Tiếng xì xì dữ dội của chiếc đầu máy xe lửa đang xả hơi. Tiếng còi tàu thét lên cùng với tiếng bánh xe đập trên đường ray sầm sập như sắp lao vào thành phố.

(Tô Ngọc Hiến)

Gợi ý: Lanh canh, pin pin, loảng xoảng, rền rĩ, xì xì...

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Dưới đây là bài soạn Từ tượng hình, từ tượng thanh bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 8: Từ tượng hình, từ tượng thanh

Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 1 lớp 8 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Đánh giá bài viết
15 6.947
Sắp xếp theo

    Soạn bài lớp 8

    Xem thêm