Soạn văn 9 bài Cảnh ngày xuân – Kiều ở lầu Ngưng Bích VNEN

Soạn văn 9 VNEN bài 7: Cảnh ngày xuân – Kiều ở lầu Ngưng Bích do Nguyễn Du sáng tác dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo để hiểu rõ hơn về khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh và cảnh du xuân của chị em Kiều từ đó chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn cùng tham khảo

A. Hoạt động khởi động

  • Kể tên một số tác phẩm văn học viết về mùa xuân mà em biết.
  • Những vẻ đẹp nổi bật được khắc họa trong các tác phẩm đó là gì?

Bài làm:

MÙA XUÂN CHÍN

Hàn Mặc Tử

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm-tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý - Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây,

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?...

MÙA XUÂN XANH

Nguyễn Bính

Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

- Qua các tác phẩm văn học này, mùa xuân hiện lên với vẻ đẹp tươi tắn, ấm áp, giàu sức sống. Sức sống mùa xuân đến từ “làn nắng ửng”, từ màu xanh của cây cỏ, của đồng lúa, từ âm thanh reo vui của muôn loài và đặc biệt là từ tâm trạng náo nức, rạo rực của con người.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản

2. Tìm hiểu văn bản

a) Hoàn thiện sơ đồ sau để thấy được kết cấu và nội dung chính của đoạn thơ

Cảnh ngày xuân

4 câu thơ đầu

8 câu thơ tiếp

6 câu thơ cuối

Bài làm:

Cảnh ngày xuân

4 câu thơ đầu:Khung cảnh mùa xuân

8 câu thơ tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh

6 câu thơ cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về

b) Khung cảnh mùa xuân được miêu tả qua những chi tiết nào? Nêu nhận xét về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du khi tả cảnh mùa xuân.

Bài làm:

Khung cảnh mùa xuân tươi sáng, diễm lệ được miêu tả qua những chi tiết đặc trưng:

  • Đường nét: từng đàn chim én bay thành hình thoi trên bầu trời “Con én thoi đưa”
  • Hình ảnh: cánh chim én chao liệng, cỏ non xanh mơn mởn, hoa lê trắng tinh khôi
  • Màu xanh: màu xanh của cỏ non, màu trắng của hoa lê

Những đặc sắc trong tả cảnh của Nguyễn Du:

- Cách dùng từ tinh tế: chữ “non” trong “cỏ non” gợi lên sức sống tươi mới của mùa xuân. Chữ “tận” mở ra một không gian bát ngát, thảm cỏ non xanh trải dài mênh mông đến tận chân trời.

- Bút pháp nghệ thuật chấm phá điểm xuyết: hai chữ “trắng điểm” đã làm cho bức tranh xuân trở nên sinh động và bừng sáng. Sắc “trắng” được tác giả điểm xuyết vào nền cỏ xanh tạo nên một bức tranh thật hài hòa về màu sắc.

- Nghệ thuật nhân hóa qua từ “điểm” giúp cho hình ảnh cành lê hiện lên rất có hồn. Cụm từ “trắng điểm” mang tính tạo hình cao gợi lên hình ảnh những bông hoa lên đang từ từ chuyển động. Bức tranh ở trạng thái tĩnh nhưng dường như cũng có sự vận động hết sức tinh tế.

c) Không khí và hoạt động của lễ hội trong tiết Thanh Minh được thể hiện như thế nào? Cách miêu tả của tác giả có gì đặc sắc?

Bài làm:

Không khí của lễ hội trong tiết Thanh Minh được thể hiện qua những từ ngữ:

  • Tính từ: gần xa, nô nức
  • Danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân
  • Động từ: sắm sửa, dập dìu

Các từ ghép được thi hào sử dụng một cách chọn lọc tinh tế, làm sống lại cái không khí đông vui, rộn ràng của mùa xuân, một nét đẹp trong nền văn hoá cổ truyền (lễ hội) của dân tộc ta.

d) So sánh cảnh vật không khí mùa xuân trong 6 câu thơ cuối và bốn câu thơ đầu. Cách dùng từ của tác giả trong những câu thơ này có gì đáng chú ý?

Bài làm:

Cảnh vật và không khí của mùa xuân trong 6 câu thơ cuối có những nét riêng biệt so với 4 câu thơ đầu:

- Một khung cảnh yên tĩnh, êm ả, dường như lắng lại, đối lập với cảnh lễ hội náo nhiệt trước đó.

- Thời gian xế chiều tĩnh lặng.

- Cảnh được miêu tả thu hẹp lại quanh một dòng suối nhỏ, với dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ, vẫn là cảnh mùa xuân nhưng là cảnh chiều, cảnh sau khi mọi người đã có một ngày tham gia lễ hội.

Cách dùng từ của tác giả trong đoạn thơ rất đặc sắc và giàu sức gợi:

Những từ ngữ “tà tà, thanh thanh, nao nao” không chỉ miêu tả sắc thái cảnh vật: thể hiện được không khí yên tĩnh, không gian nhỏ hẹp, sự chuyển động nhẹ nhàng mà còn miêu tả tâm trạng con người. Cảnh vật được cảm nhận qua tâm trạng con người nên cảnh mặt vật cũng đã nhuốm màu tâm trạng.

e) Nêu cảm nhận chung của em về đoạn thơ Cảnh ngày xuân

Bài làm:

Đoạn trích là ba bức tranh đặc sắc về cảnh ngày xuân được miêu tả theo trình tự không gian và thời gian, từ sáng sớm cho đến lúc chiều tà, từ khi lễ hội bắt đầu cho đến lúc hội tàn. Mỗi bức tranh lại mang một nét hấp dẫn, vẻ đẹp riêng. Bức trang xuân đầu tiên trong sáng, tươi đẹp và khoáng đạt. Bức tranh lễ hội nhộn nhịp, đông vui. Bức tranh cảnh hội tàn êm đềm, lắng đọng. Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc và việc sử dụng những từ ngữ chọn lọc, tinh tế, giàu chất tạo hình đã vẽ nên những bức tranh xuân ấn tượng ấy.

3. Trau dồi vốn từ

a) Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích sau là gì

Tiếng Việt hiện nay có khả năng rất lớn, phải nói là khả năng vô bờ bến để diễn tả đời sống tư tưởng và tình cảm ngày càng phong phú, đẹp đẽ của dân tộc ta. Bản thân nó đã giàu nó lại còn có khả năng biến hóa vô cùng, nếu chúng ta biết giữ nó, dùng nó, biết phát triển nó.

Chúng ta có thể lấy rất nhiều ví dụ. Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả rất nhiều ý, hoặc ngược lại, một ý nhưng lại có bao nhiêu chữ để diễn tả. Vì vậy, nếu nói tiếng Việt của ta có những khả năng rất lớn để diễn đạt tư tưởng và tình cảm trong nhiều thể văn thì điều đó hoàn toàn đúng. Không sợ tiếng ta nghèo chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta.

(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Bài làm:

Qua đoạn trích, tác giả gửi gắm thông điệp:

- Tiếng Việt có khả năng diễn tả phong phú, vô hạn nếu chúng ta biết sử dụng và phát triển nó. Muốn phát huy khả năng của Tiếng Việt, mỗi cá nhân cần không ngừng trau dồi ngôn ngữ, trau dồi vốn từ.

b) Chỉ ra lỗi diễn đạt trong những câu sau

(1) Việt Nam chúng ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp.

(2) Các nhà khoa học dự đoán những chiếc bình này đã có cách đây khoảng 2.500 năm.

(3) Trong những năm gần đây, nhà trường đã đẩy mạnh quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Bài làm:

(1) Thừa từ “đẹp” vì “thắng cảnh” tức là cảnh đẹp (đã bao gồ tính chất đẹp)

(2) Dùng từ sai, không hợp lí. Từ “dự đoán” là để chỉ sự việc chưa xảy ra trong tương lai. Ở đây cần thay từ “dự đoán” thành “ước tính”.

(3) Dùng từ chưa hợp lí. Thay từ “đẩy mạnh” thành “mở rộng”.

c) Vì sao trong khi nói/viết thường có hiện tượng mắc lỗi diễn đạt như trên (do “tiếng ta nghèo” hay vì người viết “không biết dùng tiếng ta”)? Theo em cần phải làm gì để tránh được những lỗi diễn đạt ấy?

Bài làm:

Nguyên nhân của những hiện tượng mắc lỗi như trên là do người viết/ nói chưa hiểu rõ, cặn kẽ nghĩa và cách dùng từ, tức là “không biết dùng tiếng ta”.

Như vậy, để “biết dùng tiếng ta” thì chúng ta trước hết cần phải nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ.

d) Đọc đoạn trích sau và rút ra cho bản thân ít nhất 2 bài học về trau dồi vốn từ:

Từ lúc chưa có ý thức, cho tới lúc có ý thức, chúng ta đã học chữ của Nguyễn Du chắc ai cũng đồng ý với tôi rằng nếu chữ nghĩa "Truyện Kiều" mà xoàng xĩnh thôi thì chắc Truyện Kiều, dù tư tưởng sâu xa đến đâu cũng chưa thể thành sách của mọi người. Tôi càng phục tài học với sức sáng tạo của Nguyễn Du trong chữ nghĩa, khi tôi đọc đến câu thơ ông viết ông đã " ở trong ruộng bãi để học câu hát hay của người trồng dâu". Đó không phải là một câu nói bóng, mà nó là một tâm sự, một kế hoạch học chữ, hay nói theo cách nói của chúng ta ngày nay: Nguyễn Du đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân, cơ sở sáng tạo ngôn ngữ của nhà thơ thiên tài đã dựa thẳng vào đấy.

Xin kể lại hai ví dụ. Câu thơ Nguyễn Du có chữ "áy" (cỏ áy bóng tà...). Chữ "áy" ấy, tài giỏi đến độ dù ta không hiểu nghĩa nó cũng hiện lên sự ảm đạm. Cho tới năm trước, có dịp đi Thái Bình, về huyện Thái Ninh, tôi được biết chữ áy là tiếng vùng quê ấy. Quê vợ Nguyễn Du ở Thái Bình, Nguyễn Du đã ở lâu đất Thái Bình, "cỏ áy" có nghĩa là cỏ vàng úa. Tiếng "áy" ở Thái Bình đã vào văn chương "Truyện Kiều" và trở thành tuyệt vời.

Ví dụ nữa, ba chữ "bén duyên tơ" ở "Truyện Kiều". Thông thường, ta hiểu "bén duyên" có thể gần gũi với câu tục ngữ "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Nhưng không phải. Trong nghề ươm tơ lúc tháo con tằm lấy tơ thì người ta ngâm tằm vào nồi nước nóng, rồi đem guồng ra, vớt tơ lên quay vào guồng, lúc sợi tơ bắt đầu quay vào guồng, người nhà nghề gọi là "tơ bén". Nếu chỉ viết "bén duyên" không thì còn có thể ngờ, chứ "bén duyên tơ" thì rõ ràng Nguyễn Du của chúng ta đã nghe, học và sáng tạo trên cơ sở công việc người hái dâu chăn tằm. Nguyễn Du đã trau dồi ngôn ngữ, đêm ngày mài dũa chữ nghĩa kì khu biết chừng nào!

(Theo Tô Hoài, Mỗi chữ phải là một hạt ngọc, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, sđd)

Bài làm:

Những bài học rút ra từ đoạn trích trên:

- Một trong những phương pháp trau dồi vốn từ hiệu quả là học hỏi từ lời ăn tiếng nói của người dân.

- Trau dồi vốn từ là một việc phải làm thường xuyên, mài dũa đêm ngày.

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu

a) Đọc văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích

b) Tìm hiểu văn bản

(1) Chỉ ra nội dung chính và nhận xét về kết cấu của đoạn thơ theo gợi ý sau

- 6 câu đầu:…

- … câu tiếp: …

- … câu cuối: …

Bài làm:

- 6 câu đầu: Hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều.

- 8 câu tiếp: Nỗi thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều

- 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn, âu lo của Kiều qua cách nhìn cảnh vật.

Kết cấu bài tho hợp lí, chặt chẽ.

(2) Khung cảnh thiên nhiên được thể hiện như thế nào trong sáu câu thơ đầu? Trong không gian đó, tâm trạng của Kiều ra sao? Nhận xét về nghệ thuật miêu tả của tác giả.

Bài làm:

Trong sáu câu thơ đầu, khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian được nhìn qua con mắt của nhân vật, bộc lộ hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều:

- Cảnh thiên nhiên, không gian trước lầu Ngưng Bích hiện ra mênh mông, hoang vắng: theo chiều rộng (bốn bề bát ngát xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia); chiều cao (dãy núi xa và mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời); không gian cảnh vật rợn ngợp, mênh mông, hoang vắng.

- Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều:

“Mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm con người. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều chỉ có một mình thui thủi. Thời gian cứ trôi đi rồi gặp lại.

Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Kiều đang ở trong hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối với tâm trạng bẽ bàng, cô đơn, buồn tủi, hổ thẹn. Cụm từ “như chia tấm lòng” diễn tả nỗi niềm chua xót, nỗi lòng tan nát của Kiều.

=> Bút pháp chấm phá đặc sắc, khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, đơn côi.

(3) Nỗi nhớ thương của Kiều hướng tới những ai? Nỗi nhớ thương đó được thể hiện qua những hình ảnh, từ ngữ nào? Nhận xét về Thúy Kiều từ những nỗi niềm thương nhớ đó.

Bài làm:

Trong cảnh ngộ cô đơn, bẽ bàng, Thúy Kiều nhớ về người yêu và cha mẹ. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau vì những lý do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nếu như khi nhớ Kim Trọng, Kiều hồi tưởng lại những kỉ niệm trong tình yêu, thì khi nhớ tới cha mẹ lòng nàng lại đầy xót xa và lo lắng. Những từ ngữ hình ảnh thể hiện điều đó:

- Khi nhớ về Kim Trọng, Kiều nhớ tới lời thề đôi lứa: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.” Chữ “tưởng” vừa là nhớ vừa là hình dung, tưởng tượng ra hình ảnh của người yêu. “Dưới nguyệt chén đồng” là đang nhớ về kỷ niệm mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng. Kiều còn tưởng tượng ra cảnh Kim Trọng ở quê nhà đang hướng về mình, tin tưởng và chờ mong uổng công vô ích: “Tin sương luống những rày trông mai chờ”

“Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”: Câu thơ có hai cách hiểu

  • Tấm lòng Kiều nhớ thương Kim Trọng không bao giờ phai mờ, nguôi quên.
  • Tấm lòng của Kiều đã bị Mã Giám Sinh làm cho hoen ố, phải gột rửa đến bao giờ cho sạch.

- Khi nhớ về cha mẹ, tác giả dùng từ “xót” để thể hiện tấm lòng xót xa, lo lắng cho cha mẹ của Thúy Kiều. Nàng thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con trong vô vọng. Nàng xót xa khi nghĩ đến cha mẹ tuổi già sức yếu mà mình không thể ở bên chăm sóc. Không biết giờ đây ai là người chăm lo “quạt nồng ấp lạnh”. Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điểm cố Xuân Lai, gốc Tử đều để nói về tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều.

=> Trong cảnh ngộ bơ vơ nơi góc bể chân trời, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng quên đi cảnh ngộ bản thân để nghĩ đến Kim Trọng và cha mẹ. Điều đó cho thấy Kiều là người có tấm lòng thủy chung, người con hiếu thảo, người có lòng vị tha đã trân trọng.

(4) Sự tinh tế và tài năng của Nguyễn Du thể hiện như thế nào khi khắc họa nỗi niềm thương nhớ của Kiều?

Bài làm:

Khi khắc họa nỗi nhớ của Thúy Kiều, tác giả Nguyễn Du để Kiều nhớ Kim trọng trước, nhớ cha mẹ sau. Kiều nhớ đến Kim Trọng trước vì trong cơn gia biến, Thúy Kiều đã phải bán mình chuộc cha. Như vậy, Kiều đã đền đáp phần nào ơn sinh thành cho cha mẹ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nàng phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng. Nàng vẫn luôn đau đớn vì mình đã phản bội lại lời hẹn ước. Vì thế trong lòng Kiều, Kim Trọng là người mất mát nhiều nhất, nỗi đau ấy cứ vò xé tâm can Kiều khiến Kiều luôn nghĩ đến Kim Trọng. Như vậy, Nguyễn Du đã để Kiều nhớ Kim Trọng trước là hoàn toàn phù hợp với quy luật tâm lý của con người, thể hiện sự tinh tế và tài năng của tác giả.

(5) Bức tranh thiên nhiên trong 8 câu cuối của đoạn trích được miêu tả với những hình ảnh gì? Những hình ảnh đó đã góp phần thể hiện những trạng thái cảm xúc của Kiều như thế nào?

Bài làm:

8 câu thơ cuối thể hiện tâm trạng buồn lo của Thúy Kiều thông qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Cảnh vật ở đây là cảnh thực, là bức tranh quanh lầu Ngưng Bích. Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng của Kiều:

- Hình ảnh “cửa bể chiều hôm” và “thuyền ai thấp thoáng” gợi hình ảnh con thuyền xa vời lúc ẩn, lúc hiện giữa biển khơi, cũng như gợi ra một hành trình lưu lạc, một tương lai mờ mịt của cuộc đời Kiều.

- “Ngọn nước mới sa” hay chính là cuộc đời Kiều đang êm đềm phẳng lặng bỗng gặp vực sâu như ngọn nước này.

- “Hoa trôi man mác” là hình ảnh những bông hoa bị dòng nước cuốn trôi, xô đẩy, cũng như chính Kiểu đang bị các thế lực tàn bạo trong xã hội vùi dập.

- “Nội cỏ rầu rầu” gợi hình ảnh những nội cỏ héo úa không còn sức sống hay chính là cuộc đời Kiều cũng đang úa tàn

- “Gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh “ầm ầm tiếng sóng” miêu tả tâm trạng lo sợ hãi hùng của Kiều.

=> Mỗi hình ảnh, mỗi một ngôn từ miêu tả thiên nhiên đều mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm trạng đau buồn và số phận đau khổ của Kiều.

(6) Theo em, đặc sắc về nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối là gì? Hãy sử dụng lý lẽ và dẫn chứng để khẳng định quan điểm của em.

Bài làm:

- Ở tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du đã cho thấy một bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Mỗi hình ảnh, mỗi một ngôn từ miêu tả thiên nhiên đều mang ý nghĩa tượng trưng cho tâm trạng đau buồn và số phận đau khổ của Kiều. (Phân tích như câu trước).

- Cụm từ Buồn trông lặp lại bốn lần trong tám câu thơ như những đợt sóng lòng trùng điệp, càng khiến nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, kết hợp với cái nhìn từ xa đến gần, thu hẹp dần vào nội cảm con người để đến cuối đoạn thì tâm trạng cô đơn, sầu nhớ, cảm giác đau đớn trào lên.

2. Luyện tập trau dồi vốn từ

a) Hoàn thành việc sắp xếp các từ sau vào 3 cột cho phù hợp với từng nét nghĩa của tiếng đồng

đồng âm, đồng ấu, đồng bào, đồng bộ, đồng chí, đồng dạng, đồng giao, đồng khởi, đồng môn, đồng niên, đồng sự, đồng thoại, đồng tiền

- Đồng (cùng nhau, giống nhau):

- Đồng (trẻ em):

- Đồng (chất):

Bài làm:

- Đồng (cùng nhau, giống nhau): đồng âm, đồng bào, đồng bộ, đồng chí, đồng dạng, đồng khởi, đồng môn, đồng niên

- Đồng (trẻ em): đồng ấu, đồng sự, đồng giao, đồng thoại

- Đồng (chất): đồng tiền

b) Phân biệt nghĩa của các từ ngữ sau và đặt câu với mỗi từ ngữ đó

(1) xấu xa/ xấu xí

(2) tay trắng/ trắng tay

(3) kiểm điểm/ kiểm kê

(4) nhuận bút/ thù lao

Bài làm:

(1) xấu xa/ xấu xí

- Xấu xa: bản chất, đạo đức kém, tồi tệ, độc ác

Ví dụ: Mã Giám Sinh là một tên buôn người xấu xa và trơ trẽn.

- Xấu xí: hình thức không đẹp mắt, ưa nhìn

Ví dụ: Bức tranh này trông thật xấu xí.

(2) tay trắng/ trắng tay

- Tay trắng: Không có chút vốn liếng, của cải gì

Ví dụ: Anh ấy quyết tâm xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.

- Trắng tay: mất hết tiền bạc, của cải, không còn gì.

Ví dụ: Vì lô đề, cờ bạc anh ấy đã thành kẻ trắng tay.

(3) kiểm điểm/ kiểm kê

- Kiểm điểm: xem xét, đánh giá lại từng cái, từng việc để có nhận định chung.

Ví dụ: Cô giáo đang kiểm điểm những bạn vi phạm nội quy trong tuần.

- Kiểm kê: kiểm lại từng cái, từng món để xác định số lượng và chất lượng của chúng.

Ví dụ: Nhân viên đang kiểm kê lại hàng trong kho.

(4) nhuận bút/ thù lao

- Nhuận bút: tiền trả công cho người viết một tác phẩm.

Ví dụ: Tôi vừa nhận nhuận bút của bài thơ đăng trên báo “Văn nghệ” .

- Thù lao :khoản tiền trả công để bù đắp vào sức lao động đã bỏ ra.

Ví dụ: Tháng này, tiền thù lao cho công nhân làm việc ca đêm tăng lên.

c) Cùng nói về màu xanh nhưng ở mỗi đoạn trích, Nguyễn Du lại có cách diễn đạt khác: xanh, xanh xanh. Phân tích sự khác nhau về ý nghĩa và sắc thái biểu cảm của những từ ấy, qua đó chỉ ra dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du.

(1) Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(2) Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh .

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Bài làm:

Sự khác nhau giữa hai đoạn trích thể hiện ở chính tâm trạng mà người trong đoạn trích cụ thể:

  • Cụm từ xanh trong đoạn trích (1) gợi lên không gian bất tận của màu xanh. Bầu trời mặt đất nối liền thành một dải tươi xanh mơn mởn, tràn căng sức sống. Trên nền trời màu xanh ấy là sự điểm xuyết, chấm phá của một vài bông hoa lê trắng. Cảnh có rộng có hẹp, mùa xuân có màu sắc, âm thanh, hình ảnh, mùa xuân được vẽ bằng nét vẽ hội họa độc đáo, tạo ra bức tranh mùa xuân căng tràn sức xuân => Nó gắn với niềm vui, niềm hạnh phúc của con người
  • Cụm từ xanh xanh trong đoạn trích (2) lại biểu trưng cho sự nhạt nhòa, sự chán nản, vô vọng của Kiều trước một khung cảnh thiếu vắng sự sống, cô đơn, và tẻ nhạt và cũng là nỗi đau đớn, xót xa, lo lắng và khắc khoải của một kiếp má đào, trôi nổi, vô định, mong manh và bế tắc không biết đi về nơi đâu.

=> Dụng ý nghệ thuật của tác giả chính là muốn mượn cảnh ngụ tình, diễn tả tâm trạng “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” của nhận vật.

d) Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói tới việc lấy tài liệu để viết như sau:

Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

  1. Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy mà viết.
  2. Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.
  3. Thấy: Mình phải đi đến xem xét, mà thấy.
  4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, báo chí nước ngoài.
  5. Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được, thì chép lấy để dùng mà viết […].

(Hồ Chí Minh, Cách viết, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, sđd)

Dựa theo ý kiến trên, hãy nêu cách em sẽ thực hiện để làm tăng vốn từ. Trình bày theo dạng sơ đồ), sau đó cùng trao đổi với bạn để thống nhất câu trả lời.

Bài làm:

Soạn văn 9 VNEN bài 7: Cảnh ngày xuân – Kiều ở lầu Ngưng Bích

Soạn văn bài: Cảnh ngày xuân – Kiều ở lầu Ngưng Bích - Sách hướng dẫn học Ngữ Văn 9 tập 1 trang 57. Sách này nằm trong bộ VNEN của chương trình mới. Trên đây VnDoc đã hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong SGK. Lời giải chi tiết dễ hiểu giúp các bạn học sinh nắm chắc kiến thức

.......................................................................

Ngoài Soạn văn 9 bài Cảnh ngày xuân – Kiều ở lầu Ngưng Bích VNEN. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
6 3.107
Sắp xếp theo

    Soạn Ngữ văn 9 VNEN

    Xem thêm