Sự phát triển của từ vựng – Tiếng việt – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

VnDoc xin giới thiệu tới các bạn Sự phát triển của từ vựng – Tiếng việt – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học tốt môn Ngữ văn lớp 9, chuẩn bị tốt cho kì thi HSG lớp 9 sắp tới

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỪ VỰNG

TRAU DỒI VỐN TỪ

I- Củng cố và mở rộng kiến thức

1. Sự phát triển của từ vựng

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó không ngừng biến đổi và phát triển theo sự vận động của xã hội.

Có những từ hiện nay hoàn toàn biến mất, không còn sử dụng:

Ví dụ:

Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.

(Nguyễn Trãi)

Từ bui có nghĩa là chỉ có, hiện nay không còn được sử dụng.

Có những từ hiện nay đã thay đổi nghĩa khi sử dụng: Ví dụ: từ kinh tế trong câu thơ Búa tay ôm chặt bồ kinh tế của Phan Bội Châu là từ nói tắt của kinh bang tế thế (có nghĩa là trị nước cứu đời). Ngày nay từ kinh tế không có nghĩa như vậy nữa mà theo nghĩa: toàn bộ hoạt động của con người trong lao động, sản xuất, trao đổi, phân phối và sử dụng của cải vật chất làm ra.

Sự phát triển của từ vựng diễn ra theo hai cách:

Phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc theo hai phương thức: ẩn dụ và hoán dụ.

Ví dụ: từ chân nghĩa gốc là một bộ phận của cơ thể, dùng để di chuyển; phát triển nghĩa của từ chân theo phương thức ẩn dụ (ví dụ: chân đê, chân trời, chân ghế…), phát triển nghĩa của từ chân theo phương thức hoán dụ (ví dụ: có chân trong đội tuyển học sinh giỏi, chân sút,…)

Lưu ý: cần phân biệt phương thức ẩn dụ và hoán dụ trong sự phát triển của từ ngữ với biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ.

+ Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ là những biện pháp tu từ được dùng với mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viễn Phương)

+ Phương thức ẩn dụ, hoán dụ dùng trong phát triển từ ngữ là ẩn dụ, hoán dụ ngôn ngữ (từ vựng học).

Ví dụ: Nó là tay cờ bạc khét tiếng.

Phát triển số lượng của từ ngữ theo hai cách: tạo từ mới và mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài. Ví dụ:

+ Tạo từ mới: cơm bụi, thế giới mạng, truyền hình cáp…

+ Mượn từ: in-tơ-nét, khả thi, lạm phát…

2. Trau dồi vốn từ

Từ là chất liệu để tạo nên câu. Muốn diễn tả chính xác và sinh động những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của mình, người nói phải hiểu rõ nghĩa những từ mình dùng và có vốn từ phong phú. Do đó, trau dồi vốn từ là việc rất quan trọng để phát triển kĩ năng diễn đạt.

Có hai hình thức trau dồi vốn từ:

+ Rèn luyện để nắm đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ.

+ Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết để làm tăng vốn từ.

II. Luyện tập Sự phát triển của từ vựng

1. Bài tập Sự phát triển của từ vựng

Cho đoạn thơ sau:

Buồn trông của bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ấm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Trong những từ in đậm trên, từ nào được dùng vói nghĩa gốc,, từ nào được dùng với nghĩa chuyển? Việc sử dụng nghĩa chuyển ở những từ ấy đem đến hiệu quả gì cho đoạn thơ?

2. Đọc các ví dụ sau:

a) Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. (Nguyễn Du)

b) Xanh cuộc đời và xanh những ước mơ. (Lời một bài hát)

c) Xanh kia thăm thẳm từng trên. (Đoàn Thị Điểm)

d) Đầu xanh có tội tình gì

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Nguyễn Du)

Hãy giải nghĩa từ xanh trong các ví dụ trên và nói rõ phương thức chuyển nghĩa của từng trường hợp.

a) Theo anh/chị, cần rèn luyện như thế nào để trau dồi vốn từ tiếng Việt?

b) Dựa vào vốn hiểu biết của anh/chị về từ vựng tiếng Việt, hãy phân biệt các từ sau: tinh tuý- tinh tú; nhuận bút – thù lao; yếu điểm – điểm yếu.

Gợi ý

– Những từ được dùng với nghĩa gốc: hoa.

Những từ được dùng vói nghĩa chuyển: cửa, cánh, ngọn, chân.

Việc sử dụng những từ với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ đã làm tăng hiệu quả diễn đạt cho đoạn thơ. Thể hiện sự giàu đẹp và tính đa nghĩa của từ vựng tiếng Việt.

– xanh: chỉ màu sắc; xanh (b): tươi trẻ, trong sáng; xanh (c): bầu trời; xanh (d): chỉ người trẻ tuổi.

Phương thức chuyển nghĩa của từng trường hợp: xanh (a): nghĩa gốc; xanh (b): nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ; xanh (c), (d): ông trời: nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ.

b) – tinh tuý: phần thuần chất, tinh khiết và quý báu nhất; tinh tú: sao trên trời;

nhuận bút tiền trả cho tác giả các công trình văn hoá, nghệ thuật, khoa học được xuất bản hoặc được sử dụng thù lao: tiền công được trả cho công lao động đã bỏ ra;

- yếu điểm: điểm quan trọng nhất;

- điểm yếu: điểm thiếu sót.

Trên đây VnDoc đã chia sẻ tới các bạn bài Sự phát triển của từ vựng – Tiếng việt – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học tốt Ngữ văn lớp 9, chuẩn bị tốt cho kì thi HSG lớp 9 sắp tới

.......................................................................

Ngoài Sự phát triển của từ vựng – Tiếng việt – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 4.398
Sắp xếp theo

    Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9

    Xem thêm