Suy nghĩ của anh (chị) về hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ của anh (chị) về hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh dưới đây gồm nhiều bài văn mẫu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng

1. Mở bài

Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng.

2. Thân bài

Dữ dội và dịu êm
….………………
Sóng tìm ra tận bể”

Tính từ trái nghĩa “dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ” thể hiện những thái cực đối lập của con sóng. Đó cũng là những tâm trạng khác nhau của người con gái trong tình yêu.

Mượn hình ảnh dòng sông không hiểu chính mình nên tìm ra biển khơi rộng lớn tìm câu trả lời để bóng gió nói về tâm tư của người con gái trong tình yêu luôn trăn trở nhiều điều và có ước muốn lớn lao là khám phá được những băn khoăn đó.

“Ôi con sóng ngày xưa
….…………………
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng: ngàn năm vẫn thế, vẫn tính chất, đặc điểm ấy không bao giờ thay đổi.

Người con gái: khát vọng tình yêu luôn thường trực, rạo rực; bao nhiêu năm vẫn hướng về tình yêu, về người yêu.

“Trước muôn trùng sóng bể
….……………………..
Từ nơi nào sóng lên?”

Trước biển lớn, người con gái suy tư về tình yêu của mình.

Câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?” là suy nghĩ của cô gái về cội nguồn của tình yêu.

“Sóng bắt đầu từ gió
….…………………
Khi nào ta yêu nhau”

Tự vấn về nguồn gốc của con sóng: sóng bắt đầu từ gió còn gió bắt đầu từ đâu thì không lí giải được.

Sự lí giải, cắt nghĩa về cội nguồn của sóng dẫn đến cắt nghĩa cội nguồn của tình yêu. Tình yêu đầy bí ẩn không thể giải thích được cội nguồn của nó, thời điểm mà nó bắt đầu.

→ Cách cắt nghĩa mới mẻ, phóng khoáng.

“Con sóng dưới lòng sâu
….……………………
Cả trong mơ còn thức”

Tâm trạng nhớ nhung da diết, khắc khoải của con sóng, dù con sóng ở bất cứ nơi nào vẫn chỉ nhớ về bờ, hướng về ngày ngày đêm đêm cho đến khi vào được đến bờ.

Người con gái luôn một lòng một dạ hướng về người mình yêu thương, nhấn mạnh nỗi nhớ triền miên luôn thường trực. Nỗi nhớ ấy theo họ cả vào trong mộng, sống trong giấc mơ của họ. Đó không chỉ là tấm lòng thủy chung sâu sắc của người con gái mà còn là khao khát tình yêu, được thể hiện yêu thương với người yêu của mình.

“Dẫu xuôi về phương bắc
….………………………
Hướng về anh - một phương”

“Dẫu…” lặp cấu trúc khẳng định dứt khoát nỗi nhớ và niềm tin tuyệt đối vào tình yêu.

Dù cho đi đến bất cứ nơi nào thì trong lòng người con gái ấy cũng luôn hướng về người yêu vì trong tim cô người yêu là phương hướng duy nhất dẫn lối cho cô vượt qua mọi khoảng cách, mọi khó khăn.

“Ở ngoài kia đại dương
….……………………..
Dù muôn vời cách trở”

Con sóng dù ở ngoài khơi xa thế nào, dù khó khăn thế nào cũng vẫn tìm được đến bến bờ.

Người con gái dù đa sầu đa cảm, suy tư trăn trở thế nào cuối cùng rồi cũng sẽ được hạnh phúc.

“Cuộc đời tuy dài thế
….……………………
Mây vẫn bay về xa”

Người con gái ấy còn nhiều lo lắng, trăn trở: năm tháng còn rất dài, biển kia bao la đến đâu nhưng liệu có đủ sức để giữ những đám mây ở lại bên mình mãi mãi?

Người con gái dù có yêu nhiều đến đâu, có khao khát nhiều đến đâu nhưng liệu có giữ được người yêu, được tình yêu này ở lại cùng mình và vẫn vẹn nguyên như lúc đầu?

“Làm sao được tan ra
….…………………..
Để ngàn năm còn vỗ”

Khi con sóng tan ra thành những bọt nước nhỏ sẽ được ở lại với biển khơi mãi mãi, sẽ không còn những đau khổ, những lo lắng. Đó cũng là ước muốn của người con gái, khao khát được sống với tình yêu, với người mình yêu thương trọn đời trọn kiếp.

→ Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ: mượn nét tương đồng của con sóng để diễn tả nội tâm của người con gái trong tình yêu giúp bạn đọc dễ hình dung ra và có những liên tưởng thú vị.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tác phẩm: Sóng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu.

Hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng mẫu 1

Thơ tình là một mảng đặc sắc và tiêu biểu nhất của thơ Xuân Quỳnh. Tình yêu vốn là một đề tài rất quen thuộc của thơ ca, thế nhưng đến Xuân Quỳnh, chúng vẫn mang một vẻ rất riêng, không quá thật thà nhưng xa lạ với những uốn éo điệu đàng, những sự "réo rắt" quá độ. Thơ tình của chị là tiếng nói bày tỏ nỗi khát khao tình yêu vừa hồn nhiên, tha thiết, vừa sôi nổi, say đắm, mãnh liệt của một trái tim người phụ nữ. “Sóng” là một trong những bài thơ hay của Xuân Quỳnh, ở đó, khát vọng tình yêu đã được thể hiện theo một cách riêng rất chân thực, rất dễ yêu, dù hình tượng sóng mà Xuân Quỳnh mượn làm ẩn dụ vốn chẳng xa lạ gì với các nhà thơ viết về tình yêu trước đó. Bài thơ “Sóng” được rút từ tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968).

Trước Xuân Quỳnh đã có rất nhiều nhà thơ viết về tình yêu. Nhưng với thơ tình Xuân Quỳnh, dường như đó chỉ là những dòng tự sự về chính cuộc đời và những câu chuyện tình của chị:

“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Chỉ với hai câu thơ thôi, ta hiểu rằng chị đang nói về chính mình, người phụ nữ trẻ với những khát khao yêu đương mãnh liệt của tuổi trẻ, với những mong ước bình dị, gần gũi của một người phụ nữ, hồn thơ sôi nổi, trẻ trung nhưng vẫn nồng thắm, thiết tha, đó là một tâm hồn gắn liền với cuộc sống, với con người, tâm hồn luôn trăn trở lo âu, khao khát tình yêu và trân trọng chăm chút cho hạnh phúc bình dị của đời thường. Nổi bật nhất trong thơ Xuân Quỳnh chính là sự dung dị đằm thắm và rất mực chân thành, chính vì thế mà thơ Xuân Quỳnh có sức rung cảm mãnh liệt với tâm hồn người đọc.

Hình tượng “sóng” trong bài thơ Xuân Quỳnh có nét đặc sắc rất mới, rất riêng, một sáng tạo nghệ thuật rất độc đáo làm nổi rõ sức sống và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu. “Sóng” là nhan đề của bài thơ nhưng cũng là hình ảnh chủ đạo của toàn bài, đó là một hình tượng ẩn dụ mang tính chất biểu tượng cho trái tim người phụ nữ đang yêu. Gắn liền với hình tượng “Sóng” là hình tượng nhân vật trữ tình “em”. Sóng chính là sự hoá thân của em, “sóng” và “em” tuy hai mà một. Nhờ vào “sóng”, người phụ nữ trong bài thơ có thể soi rõ tâm hồn mình khi đang yêu, là những đợt sóng lòng, là những trạng thái phong phú và phức tạp của tâm hồn người con gái khi yêu.

Mở đầu, “sóng” tự bộc bạch về những phẩm chất, trạng' thái khác thường của mình. Chúng vừa phong phú, đa dạng, vừa phức tạp, thậm chí là đôi lập nhau:

“Dữ dội và dịu êm
Ôn ào và lặng lẽ”

Con sóng ấy cũng như trái tim của người con gái đang yêu, cồn cào, khát khao tình yêu da diết, các trạng thái tâm lý ấy dường như muôn màu và thật nhiều biến đổi, chuyển hoá cho nhau thật lý thú và bí ẩn. Con sóng ấy mang một khát vọng lớn lao, khát vọng tìm hiểu đến tận cùng, vì “sông không hiểu nổi mình” nên “sóng tìm ra tận bể”, con sóng ấy như tâm hồn người con gái muốn thoát khỏi cái khuôn khổ chật hẹp, tìm đến chân trời cao rộng của tâm hồn. Ra nơi bể rộng, con sông mới thực sự tìm thấy bản thân mình.

Sóng cũng như tình yêu, là sự vĩnh hằng của thời gian. Sóng vỗ suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, từ ngày xưa cho đến ngàn năm sau cũng như nỗi khát khao tình yêu ngàn đời của nhân loại thật mãnh liệt, vẫn cứ xôn xao, vẫn cứ rạo rực dù bao năm tháng trôi qua:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”

Tâm hồn của “tình yêu muôn thuở có bao giờ đứng yên” luôn muốn cắt nghĩa, giải thích về cái quy luật bí ẩn của tình yêu. Nhưng làm sao con người ta có thể trả lời rạch ròi về cái thời điểm bắt đầu của một tình yêu, làm sao người ta có thể đưa ra một lý giải chính xác về thời điểm mà con người ta “phải lòng” nhau:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gỉ đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió xôn xao”

(Xuân Diệu)

Xuân Quỳnh cũng chỉ có thể giải thích được tình yêu bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình như một lời thú nhận thành thực, hồn nhiên nhưng cũng không kém sâu sắc “tình yêu cũng như sóng biển, như gió trời vậy thôi, làm sao mà hiểu hết được” (Trần Đăng Xuyền)

“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau"

Nhà thơ vẫn để nguyên vẹn lòng mình với các lắc đầu thật dễ động lòng của người con gái “Em cũng không biết nữa”, chỉ biết ta đang yêu nhau, thế là đủ. Một chút thắc mắc, một chút nghĩ suy, chỉ là để yên tâm hơn với hạnh phúc mà mình đang có. Tình yêu muôn đời vẫn vậy, vẫn động, song vẫn muốn vỗ suốt hai chiều không gian và thời gian:

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”

Tình yêu luôn đồng hành vơi nỗi nhớ như tương tư là căn bệnh phổ biến với tất cả những người đang yêu. Nguyễn Bính cũng đã từng viết:

“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Nỗi nhớ, niềm thương của người con gái trong bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh diễn tả thật cảm động và đầy nghệ thuật. Nỗi nhớ ấy như bao trùm cả không gian bao la, chiếm cả tầng sâu, bề mặt của tâm hồn và khắc khoải da diết trong mọi không gian, thời gian.

Hai câu thơ “Lòng em nhớ tới anh / Cả trong mơ còn thức” như “bồi đắp” thêm nỗi nhớ làm nó trở nên chân thực tới mức rung động. Em nhớ anh từ cõi thực cho đến cõi mơ, nỗi nhớ đã chạm đến nơi sâu thẳm nhất của cõi lòng. Khi ẩn mình trong sóng, khi đứng hẳn ra xưng “em”, cái “tôi” Xuân Quỳnh luôn thao thức, trăn trở, luôn khắc khoải bởi tình yêu, luôn khát khao tìm kiếm được một tình yêu chân chính, chung thuỷ:

“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”

Lời khẳng định sự chung thuỷ của tình yêu thật da diết, cháy bỏng nhưng cũng chứa đựng thật nhiều thách thức. Với người phụ nữ khi yêu thì có lẽ khoảng cách chỉ là con số không, không có phương Bắc, cũng chẳng có phương Nam, tất cả chỉ là anh - phương Anh. Thành thực và cháy bỏng đến da diết, táo bạo nhưng sự sâu sắc của khát vọng tình yêu đã trở thành điểm tựa cho thơ tình Xuân Quỳnh cất cánh.

Có lẽ, tình yêu chân chính là vậy, sôi nổi thiết tha, mãnh liệt nhưng vẫn trong sáng và thuỷ chung:

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sống vỗ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”

Một lần nữa, hình tượng sóng lại được mượn để diễn đạt khát vọng vươn lên trong tình yêu. Thông qua hình tượng “sóng” Xuân Quỳnh đã hiện thực hoá tính thuỷ chung, trước sau như một của người con gái khi yêu. Vượt qua những khó khăn, trắc trở, những giông gió, bão bùng của đại dương, sóng vẫn dồn dập tiến về bờ. Bờ là hiện thân của hạnh phúc, của bình yên, của sự bình an mà con người ta vẫn muôn đời tìm kiếm. Sau tất cả những khó khăn, gian khổ ngoài đại dương, sóng lại tìm về với bờ, tìm về chốn bình yên của lòng mình.

Tình yêu tuy da diết thế, cháy bỏng thế, nhưng vẫn thoáng đâu đó một chút khắc khoải, lo âu về sự chảy trôi của thời gian và cái hữu hạn của đời người:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

Biển dù có rộng đến mấy rồi cũng có bờ, có giới hạn, như những đám mây không thể cứ mãi dừng trên biển, chúng còn phải tiếp tục cuộc hành trình của mình trên bầu trời xanh để đi về cõi vô tận. Cuộc đời con người ta cũng thế, năm tháng vẫn bình thản trôi qua theo quy luật khắc nghiệt của thời gian, không gian thời gian là vô hạn; thế nhưng cuộc đời con người thì hữu hạn lắm. Có lẽ, vì đứng trước biển nên người con gái trong bài thơ luôn có cảm giác về cái nhỏ nhoi, hữu hạn của kiếp người và cái vĩnh hằng của vũ trụ. Con người luôn có khát vọng sống trọn vẹn trong tình yêu, khát khao được gắn bó mãi mãi bên người mình yêu thương

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển Lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Cuối bài thơ là sự khao khát được hoá thân, con người sẽ ra đi nhưng tình yêu sẽ còn mãi, một tình yêu vô tận, vĩnh hằng như sóng giữa biển khơi. Tình yêu dường như đã lớn hơn cả bản thân, dài hơn cả cuộc đời.

Bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu, là sức sống của tình yêu bất diệt. Người phụ nữ khi yêu luôn có một tâm hồn khát khao, luôn muốn vươn tới một tình yêu đắm say, thuỷ chung, quên mình. Một tình yêu dù rất táo bạo nhưng vẫn giàu nữ tính, hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống, tình yêu vượt khỏi giới hạn của không gian và thời gian. Hình tượng "sóng” tượng trưng cho nhân vật “em” vô cùng độc đáo, “giữa biển lớn tình yêu” con sóng ấy vẫn dào dạt vỗ.

Hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng mẫu 2

Xuân Quỳnh, thơ ca Việt Nam hiện đại mới có được tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao tình yêu vừa hôn nhiên vừa chân thật, vừa sôi nổi mãnh liệt của một trái tim phụ nữ. Sóng là một bài thơ khá tiêu biểu của hồn thơ ấy, được sáng tác vào năm 1967, khi thi sĩ vừa tròn 25 tuổi. Bài thơ là lời tác giả tự nói với mình và nói với mọi người về tình yêu và khát vọng hạnh phúc muôn đời của con người. Qua đó thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, trong thời đại mới – sôi nổi, trẻ trung, chân thực và giàu hi vọng tin tưởng.

Tình yêu và biển cả không phải là một nét mới trong thơ ca. Nhưng Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng đẻ nói về tình yêu, hình dung và so sánh với tình yêu. Sóng có đặc trưng động, và đặc trưng này rất thích hợp biểu tượng cho những trạng thái tình cảm mãnh liệt, thiết tha say đắm, day dứt khôn nguôi.

Chẳng hề giấu giếm, Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để nói về mình, với người về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với hanh phúc muôn đời của con người. Tuy nhiên, khi cảm xúc dâng chào mãnh liệt thì hình tượng sóng dương như chưa đủ để diễn ta vì vậy tác giả đã dùng hình tượng “em” bởi vậy bài thơ có hai hình tượng hai lối biểu đạt song hành nhau. Sóng là hình tượng ẩn dụ, nó là sự hóa thân của cái tôi chữ tình của nhà thơ. Sóng và em tuy hai mà một, chúng soi chiếu vào nhau để làm nổi bật cái tương đồng có lúc lại hòa làm một để cộng hưởng âm vang. Có thể nói rằng, qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ tình yêu dạt gào mênh mông và khát vọng trường cửu.

Bài thơ mở đầu bằng khát vọng về một tình yêu rộng lớn, cao đẹp đang rạo rực trong trái tim tuổi trẻ. Tuổi trẻ thì luôn khao khát yêu thương với những đam mê bất tận. Những ở đây Xuân Quỳnh lại muốn có một tình yêu chân chính, rộng lớn. Để nói về điều này tác giả đã dùng đến hình tượng những con sóng từ bỏ những con sông nhỏ bé mà vươn mình ra biển lớn

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Đây chính là một nét mới trong quan niệm tình yêu của người phụ nữ Việt Nam. Người con giái trong thơ đã không con cam chịu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà đã như con sóng biết dứt khoát từ bỏ dong sông chật hẹp để tìm ra biển rộng, đến với chân trời rộng lớn đầy bao dung. Thật là minh và cũng thật là quyết liệt. Và theo Xuân Quỳnh, đó mới đích thực là khát vọng chân chính, mãnh liệt của tuổi trẻ. Hanh trinh ra bể rộng cảu sóng cũng chính là hành trình người phụ nữ giải phóng, quyết từ bỏ những giới hạn chật hẹp của tình yêu vị kur đế với chân trời bao la của tình yêu rộng lớn. Ra bể rộng con sóng tìm thấy chính minh, thấy sức mạnh cũng như mọi khao khay của nó. Và điều ấy cũng giống như tuổi trẻ của muôn đời, tình yêu chân chính, đẹp đẽ và cao thượng bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi:“Nỗi khát vọng tình yêu. Bồi hồi trong ngực trẻ”.

Nhà thơ có một con mắt quan sát rất tinh tế, cảm nhận sóng ở nhiều tầng, nhiều lớp và liên hệ đến bản chất của tình yêu – sôi nổi, mãnh liệt với nỗi nhớ da diết đến cháy bỏng:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.”

Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách, khổ thơ bỗng nhiên thêm hai câu thơ nữa để thể hiện trạng đang trao dâng, mãnh liệt không nguôi. Tình yêu có khi lãng sâu vào hồn con người, có khi được thể hiện tất cả ra bề mặt. và chỉ có những người thật nhạy cảm, có chiều sâu mới có thể hiểu được nó. Nhịp thơ vẫn dào dạt nhưng có chút náo nữ, mãnh liệt hơn: “Em nhớ đến anh” là một lời thú nhận n bấy ngờ và tóa bạo nhưng chân thành và thiết em. Em nhớ anh như sóng nhớ bờ, nỗi nhớ ấy trờ thành trong tiềm thức chứ không còn là ý thức nữa. Nó ngực trị trong sâu thẳm của tâm hồn, không chỉ nhờ ngày đêm mà con cả trong cơn mơ nỗi nhớ ấy vẫn bao trùm, rồi tràn về như con sóng tức tưởi tìm bờ trong đêm tối.

Từ nỗi nhớ da diết trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã khẳng định tấm long son sắt thủy chung của mình đối với người yêu. Dẫu anh ở phương nào thì lòng em chỉ hướng đến anh mà thôi:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh- một phương”

Vân hình tượng song hành của song và em đẻ nói lên lòng thủy chung và niềm tin son sắt của tinh yêu đôi lứa. Hình ảnh đối lập “phương bắc” và “phương nam” “ngược” và “xuôi” đã gợi cho ta không gian xa xôi cách trở. Các nói tượng trưng cho sự xáo trộn bất thường có thể xẩy ra. Nhưng có thể khẳng định một điều bất biến không thể thay đổi được đó là tình cảm em dành cho anh không hề thay đổi dù em có ở nơi nào em vẫn luôn hướng về phương anh.

Không gian cho tình yêu cũng thật rộng lớn và thênh thang nhưng phương tình yêu của em thì luôn hướng về phương anh. Sắc thái tình yêu thì nhiều nhưng sự thủy chung của người phụ nữ thì chỉ cso một phương không bao giờ chia lìa, bởi vì đó là tình yêu vĩnh cư:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Ðể ngàn năm còn vỗ”

Tác giả đã ý thức đượ sự mong manh của tình yêu trong cuộc đời này nên giữa bao nhiều khát khao có thể danh được tình yêu thì Xuân Quỳnh chỉ khát khao một điều đó là sự trường tồn. Cuộc đời còn tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp, đáng sống và sống trong tình yêu là một điều hạnh phúc. Xuân Quỳnh mong ước được sống mãi mãi tỏng tình yêu bất tử.

Qua hình tượng sóng bài thơ đã bộc lỗ tất cả những cung bậc trong tình yêu cũng những thể hiện tình cảm sắc son, tha thiết, thủy chung cao thường cũng nỗi nhớ của một tình yêu cao thượng và vĩnh cửu. Sóng cũng là tâm hồn của phụ nữ trong tình yêu một tình yêu hiện đại mới mẻ nhưng không tách rời truyền thống. Xuân Quỳnh đã góp một hơi thở đắm say, một tiếng sóng đẹp đẽ làm tươi thắm cho thi đàn hiện đại Việt Nam.

-----------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ của anh (chị) về hình tượng “sóng” và khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Suy nghĩ và cảm xúc của anh (chị) về hình ảnh đôi bàn tay Tnú

Đánh giá bài viết
1 11.964
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm