Suy nghĩ của em về hai chữ ‘'Nhường nhịn"

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Suy nghĩ của em về hai chữ ‘'Nhường nhịn" được VnDoc sưu tầm, giới thiệu giúp các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố những kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khả chi tiết và tải về tại đây nhé.

Suy nghĩ của em về hai chữ ‘'Nhường nhịn"

Cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường ngày một sôi động quyết liệt. Cuộc mưu sinh diễn ra vô cùng khẩn trương, dữ dội đến chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy mà đề cập đến hai chữ “nhường nhịn” có gì lạc điệu chăng?

Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, để cho người khác được nhường phần hơn trong quan hệ đối xử (Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê). Những từ ngữ như nhân nhượng, nhường bước, nhường lời, nhường cơm sẻ áo, nhẫn nhịn,... đều gần nghĩa, cùng trường từ vựng với từ nhường nhịn.

Có người quan niệm nhường nhịn lẫn nhau là sự thua thiệt, là non kém, chịu thất bại, là nhục nhã, mất mặt trước thiên hạ. Tại sao không dám đôi co, tranh giành? Tại sao không dám ăn miếng trả miếng để giữ lấy thể diện, để bảo vệ uy tín, danh dự trước mọi cặp mắt đồng loại đang nhìn vào?

Đâu phải thế! Kẻ hiếu thắng, nông cạn mới suy nghĩ và hành xử vội vàng như vậy. Người biết nhường nhịn là người cao thượng, không cố chấp, lúc nào cũng coi trọng chữ “hoa" trong giao tiếp, ứng xử. Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, rất bình tĩnh, lời nói, cử chỉ đều từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua. Nếu gặp phải một người nào đó nóng nảy, to tiếng, thô lỗ... thì con người có đức tính nhường nhịn vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng, không lời qua tiếng lại, tranh chấp. Lửa không nên đổ thêm dầu. Nóng nảy, nóng giận sẽ mất khôn. Nhường nhịn, nhẫn nhịn để chờ thời gian, lấy tình người, tình thân ái, lấy tình, lí mà bàn bạc. “Một điều nhịn, chín điều lành" đó là phương châm ứng xử của người biết nhường nhịn.

Đi đường dù có việc cần vội vàng cũng biết nhường bước, không chen lấn. Trong hội nghị, trong bàn bạc, trao đổi công việc hàng ngày cũng biết từ tốn, nhường lời. Có lúc còn chủ động nhường phần lợi cho người, còn mình chịu thua thiệt, mà vẫn cảm thấy vui lòng. Người biết nhường nhịn coi trọng hoà khí, lúc nào cũng đặt tình người, sự đoàn kết lên trên hết, trước hết.

Trong gia đình văn hoá, con cháu sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh nhường em, em kính anh, như thế là hiếu lễ. Anh chị em trong gia đình có yêu thương, đùm bọc nhau mới biết "chị ngã, em nâng", mới biết "rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”.

Những năm gần đây, giá đất ở các đô thị và vùng ngoại ô, vùng thị xã, thị trấn lên "cao ngất ngưởng”, mỗi mét vuông đất có nơi lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Con cháu, anh em một số gia đình, máu tham lam nổi lên đã tranh giành nhau quyết liệt, gây đổ máu, thậm chí án mạng xảy ra. Thật là táng tận lương tâm! Nếu biết nhường nhịn thì đâu xảy ra bao chuyện thương tâm, đau lòng mà báo chí đã nói đến!

Nhường nhịn sẽ biết thông cảm, tha thứ cho nhau, cùng nhau sống chan hoà, thân ái. Nhường nhịn là nhân tố cực kì quan trọng để xây dựng khối đoàn kết nội bộ trong nhà trường, trong cơ quan, nhà máy. Nhường nhịn để xây dựng gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc. Vì biết sống nhường nhịn nên mới biết "Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, "Láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”

Đức tính nhường nhịn phải rèn luyện lâu dài. Những kẻ có "máu nóng” như hổ tướng Trương Phi thời Tam Quốc rèn luyện đức tính nhường nhịn đâu dễ. Hàn Tín có biết nhẫn nhịn luôn trông anh hàng thịt về sau mới thành đại tướng điều khiển trăm vạn hùng binh.

Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn. Nhường nhịn là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khoá vạn năng để mở rộng cánh cửa cuộc đời.

-----------------------------------

Suy nghĩ của em về hai chữ ‘'Nhường nhịn" vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho ta thấy được nhường nhịn là một trong những đức tính vô cùng tốt đẹp, thể hiện qua việc không toan tính thiệt hơn, không tranh chấp được mất và luôn nhường những phần tốt hơn, đẹp hơn cho người khác. Người biết nhường nhịn luôn ngời sáng vẻ đẹp của những hành động như nhường cơm sẻ áo, dành những thứ tốt đẹp cho người khác và nhận lại những thiệt thòi cho bản thân. Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, để cho người khác được nhường phần hơn trong quan hệ đối xử. Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết. Nếu con người nhường nhịn lẫn nhau thì nền an ninh trật tự của xã hội sẽ được duy trì và bảo vệ. Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp. Tuy nhiên trong xã hội không ít người sống bon chen, ích kỉ, luôn toan tính thiệt hơn. Để xây dựng và bảo vệ xã hội, chúng ta cần biết bao dung, sẻ chia, giúp đỡ và nhường nhịn người khác. Đồng thời tránh xa và lên án lối sống vị kỉ, tranh giành, tước đoạt, bon chen với những thiệt hơn, được mất. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Suy nghĩ của em về hai chữ ‘'Nhường nhịn". Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Đánh giá bài viết
1 58
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

Xem thêm