Suy nghĩ của em về thái độ của nhà văn đối với người dân và quan phủ trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay”

Văn mẫu lớp 7: Suy nghĩ của em về thái độ của nhà văn đối với người dân và quan phủ trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý: Thái độ của nhà văn đối với người dân và quan phủ trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay”

1/ Đặt vấn đề:

– Giới thiệu nhà văn Phạm Duy Tốn.

– Giới thiệu truyện ngắn Sống chết mặc bay: giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc; đặt nền móng cho văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Đặc biệt, giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện rõ nét qua thái độ của tác giả đối với hai đối tượng chính: nhân dân lao động và quan phủ.

2/ Giải quyết vấn đề:

– Thái độ của tác giả đối với người dân: thương xót, cảm thông, lên tiếng kêu cứu cho họ:

+ Thể hiện qua những chi tiết miêu tả cảnh người dân nhỏ bé, đang căng ra chống chọi với mưa to nước lớn, với nguy cơ vỡ đê.

+ Thể hiện qua những câu cảm thán, trữ tình ngoại đề xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm.

– Thái độ đối với quan phủ hộ đề: bi phẫn, căm giận, lên án và tố cáo bản chất lang sói của chúng:

+ Thể hiện qua những chi tiết miêu tả tỉ mỉ khung cảnh, cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ của quan lúc ngồi chơi bài.

+ Thể hiện qua những lời bình luận của nhà văn về tình cảnh tương phản trớ trêu, nguy cấp.

3/ Kết thúc vấn đề: Nhận xét khái quát về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Thái độ của nhà văn đối với người dân và quan phủ trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay”

Phạm Duy Tốn (1883-1924) là một trong số ít nhà văn có thành tựu đầu tiên về thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Sống chết mặc bay được coi là tác phẩm thành công nhất của ông. Không chỉ có vai trò đặt nền móng cho văn xuôi hiện thực Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, truyện ngắn này còn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Đặc biệt, giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện rõ nét qua thái độ của tác giả đối với hai đối tượng chính: nhân dân lao động và quan phụ mẫu.

Đối với một tác phẩm văn học hiện đại, tư tưởng của nhà văn thường ít khi được phơi bày trực tiếp trên bề mặt câu chữ mà thường hóa thân vào thế giới hình tượng, ẩn kín đằng sau ngôn ngữ nghệ thuật hoặc thể hiện gián tiếp qua giọng điệu trần thuật. Ở truyện ngắn Sống chết mặc bay, một mặt, chúng ta nhận ra tính hiện đại của tác phẩm ở nghệ thuật xây dựng nhân vật khá chân thực, sinh động, sắc sảo, ở giọng điệu trần thuật linh hoạt, phong phú. Mặt khác, tác phẩm vẫn mang dấu vết của văn xuôi truyền thống Việt Nam; điều đó thể hiện qua những lời trữ tình ngoại đề, lời bình luận, nhận xét trực tiếp thể hiện thái độ, suy nghĩ của nhà văn.

Xây dựng hai đối tượng: người dân lao động và quan phụ mẫu, nhà văn đã thể hiện rõ hai thái độ đối lập nhau. Trước hết là thái độ của tác giả đối với người dân quê. Trong văn học Việt Nam trước đây, hình ảnh người dân lao động hiện lên phần lớn với thân phận “con sâu cái kiến” nhỏ bé, hèn mọn, đáng thương. Tuy là thành phần chiếm số đông trong xã hội, là lực lượng lao động sản xuất chính, nhưng cũng chính người dân lao động lại là đối tượng phải chịu ách bóc lột tàn ác, nặng nề nhất trong chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến.

Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn mở ra bằng cảnh tượng hàng nghìn người dân đang căng ra chống chọi với mưa to nước lớn, với nguy cơ vỡ đê. Ngòi bút của nhà văn đi từ viễn cảnh đến cận cảnh, xoáy vào hành động nỗ lực cứu để khỏi vỡ và nguy cơ đê vỡ đang ngày càng tăng cao: “Hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ các tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột”.

Tình cảnh của người dân càng trở nên nguy khốn khi được đặt trong thế đối lập giữa sức người nhỏ bé với sức trời, sức nước: “… Xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên”.

Sống chết mặc bayCó thể nói, những câu văn vẽ lên chi tiết, sống động cảnh tượng lao đao, khốn quẫn của người dân. Chưa hết! Người dân không chỉ chịu thảm họa, đe dọa mất mọi tài sản, của cải, tính mạng do thiên tai; họ còn chịu sự bất công do thái độ bàng quan, vô trách nhiệm và bản chất tàn ác, bất nhân của quân phụ mẫu. Trong khi muôn dân cơ cực đang lo chống đỡ với nguy cơ vỡ đê thì bậc cha mẹ dân vẫn ung dung ngồi chơi bài, chờ ù. Ngay cả khi người dân quê hốt hoảng, tất tả chạy vào báo tin đê vỡ thì lại bị “giới một gáo nước lạnh” bằng lời quát đầy quyền uy của quan phủ: “Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?…”. Có thể nói, thân phận, tính mạng của muôn dân không được coi trọng bằng một ván bài của quan phụ mẫu, thật là đau xót!

Thái độ của tác giả đối với người dân quê thể hiện rõ rệt nhất qua những lời cảm thán, lời trữ tình ngoại đề, ví như: “Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế để không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất”. Dường như nhà văn đang dõi theo từng bước tình cảnh của người dân, phập phồng lo lắng cùng với họ. Cho đến câu kết truyện, “trong khi quan lớn ù oán bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!”. Không kìm được lòng mình, tác giả đã cất lên lời kêu than xót xa cho nỗi khốn khổ của người dân vì thiên tai và sự vô nhân tâm, vô trách nhiệm của quan phủ. Cảm quan nhân đạo của nhà văn cũng được thể hiện trực tiếp trên bề mặt câu chữ.

Cùng với hình ảnh người dân hộ đê, hình ảnh quan phủ cũng là hình ảnh trung tâm trong tác phẩm. Thái độ của tác giả đối với nhân vật này vừa thể hiện trực tiếp qua những lời bình luận, nhận xét, vừa ẩn trong những chi tiết miêu tả tư thế, cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ của quan trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” kia.

Ngòi bút nghệ thuật của Phạm Duy Tốn tập trung dựng nên khung cảnh “tĩnh mịch, nghiêm trang” trong đình, nơi quan phụ mẫu hiện lên, khi thì “uy nghi, chễm chệ ngồi”, hai bên có kẻ hầu người hạ tấp nập, khi thì “ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi”, chờ bài ù. Tất cả đều thể hiện một vẻ “nhàn nhã, đường bộ”. Duy chỉ một lần quan lộ sắc diện giận dữ là khi có một dân quê hốt hoảng chạy vào báo tin đê vỡ, làm phá vỡ không khí tôn nghiêm nơi đây, khi ván bài của quân sắp ù đến nơi. Và ở đoạn kết, không kìm được niềm vui sướng, quan “vỗ tay xuống sập”, vừa cười vừa hớn hở báo tin bài của quan ù thông và ù to. Nghệ thuật tương phản và tăng cấp được khai thác đến tối đa đã vẽ lên chân dung khá sắc nét của quan phủ- một kẻ không chỉ bàng quan, vô trách nhiệm mà còn vô cùng tàn ác, nhẫn tâm. Được tôn là “cha mẹ dân” nhưng quan lớn lại coi sinh mạng con dân của mình không bằng một lá bài. Sự lạnh lùng, thản nhiên trước số phận đồng loại ở quan phụ mẫu khiến độc giả cũng phải rùng mình kinh sợ. Thái độ phẫn nộ, căm giận của nhà văn cũng thể hiện qua những chi tiết miêu tả chân dung nhân vật quan phủ.

Bên cạnh đó, nhà văn còn thể hiện trực tiếp thái độ của mình qua những lời bình luận, với những giọng điệu khác nhau. Khi thì là giọng điệu mỉa mai, chế giễu sâu cay như câu: “So với cảnh trăm họ đang vất vả lắm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sau lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh”; hay tiếng quan và các thầy để lại đối đáp “lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười, khi nói vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh”. Tính chất mỉa mai trào phúng không che giấu thể hiện ở cách nói ngược đó.

Có khi, lời bình luận của tác giả lại mang giọng điệu vừa than thở, chua xót, lại vừa như những câu hỏi xoáy vào tâm não: y đó, quan phụ mẫu cùng với nhau lại đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình ấy. Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thấy kệ..

Ôi! Trăm hai mươi lá bài đen đỏ, có cái ma lực gì mà run rủi cho quan mê được như thế… Này, này để vỡ mặc đê, nước sông dù nguy, không bằng nước bài cao thấp. Than ôi! Cứ như cái cách quan ngồi ung dung như vậy… thì đố ai dám bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch!….

Có khi, nhà văn dường như “nhập” sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật quan phủ, phơi bày đến tận chiều sâu tâm tư, suy nghĩ của hắn:

“Mặc! Dân, chẳng dân thời chở! Con bài ngon hà nỡ bỏ hoài ru! Quan lớn ngài ăn, ngài đánh người hầu kẻ dạ, kẻ vâng. Sướng bao nhiêu, thích bao nhiêu! Lúc quan hạ, bài ù, ai ai là người chẳng ngợi khen tấm tắc! Một nước bài cao, bằng mấy mươi để lở, ruộng ngập!”.

Biện pháp so sánh và tương phản càng bộc lộ rõ thân phận của những dân đen con đỏ đặt trong tương quan đối sánh với niềm đam. mê bài bạc của quan phụ mẫu. Với cách diễn đạt trực tiếp đó, nhà văn đã lên tiếng tố cáo gay gắt bản chất của quan phủ

Như vậy, qua truyện ngắn Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn đã thể hiện rõ cảm quan hiện thực và nhân đạo sâu sắc của mình. Sự thể hiện rõ ràng hai thái độ đối lập nhau với hai đối tượng như trên đã phân tích là minh chứng rõ nét nhất cho lập trường, tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh của nhà văn. Do đó, có thể khẳng định đây là một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu, một trong những người mở đường cho dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Suy nghĩ của em về thái độ của nhà văn đối với người dân và quan phủ trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
2 1.704
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm