Suy nghĩ về câu nói: Con nhà người ta

Văn mẫu lớp 11: Suy nghĩ về câu nói: Con nhà người ta gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Dàn ý nghị luận xã hội về câu nói: Con nhà người ta

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu nói: Con nhà người ta.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Con nhà người ta: không ám chỉ một cá nhân cụ thể nào nhưng được hiểu là những người tài giỏi, nhân hậu, tử tế, có cốt cách, có hiếu,… vô cùng hoàn hảo, không có bất cứ khuyến điểm nào để chê trách.

Con nhà người ta theo cách hiểu trên thường không có thật trong cuộc sống nhưng lại thường được cha mẹ lấy ra để so sánh với con của mình mỗi khi chúng làm điều chưa đúng → Đây là cách so sánh gây tổn thương rất lớn.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, con người không tránh khỏi việc mắc sai lầm, chính những sai lầm mới giúp ta rút ra bài học và hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn. Việc bị so sánh với con nhà người ta gây ra sự tổn thương vô cùng nặng nề.

Mỗi người sinh ra có một cá tính riêng, một nét đặc trưng riêng không ai là giống ai, việc so sánh với nhau không những không giúp cho các em tốt hơn mà ngược lại làm cho các em tự ti về chính con người của mình.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về hậu quả vì việc so sánh với con nhà người ta để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có rất nhiều cha mẹ văn minh, luôn yêu thương, thấu hiểu con cái của mình, lắng nghe, khuyên nhủ con hãy sống là chính mình mà không so sánh chúng với bất kì ai,… Những người cha mẹ này thật đáng để học tập và noi theo.

e. Liên hệ thực tiễn

Mỗi người cha mẹ hãy yêu thương con cái của mình bằng chính những đặc điểm vốn có mà ta trao cho chúng, hãy để chúng được là chính mình, được tỏa sáng bằng khả năng của mình chứ không phải giống bất cứ một hình mẫu nào khác.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói: Con nhà người ta.

Suy nghĩ về câu nói: Con nhà người ta

Hôm nay, con muốn nói về sự so sánh. Nếu như trong trường học, so sánh là một thủ pháp đưa chủ thể - cái được so sánh bật rõ giá trị của mình, thậm chí là đề cao những giá trị ấy thì trong trường đời, so sánh ngày càng vượt xa ý nghĩa tích cực ban đầu của nó, nếu như con không muốn nói nó đang đi ngược lại hoàn toàn. Bài ca “Con nhà người ta” mà ba mẹ, gia đình, xã hội dành cho chúng con đang là một áp lực rất lớn, tạo nên những ảnh hưởng trái chiều không chỉ cho chúng con mà còn cho nhiều đối tượng khác nữa.

Vì sao con nói như vậy?

Con đi từ những nguyên cớ sâu xa nhất để giải thích cho nhận định đó. Con muốn nhắc đến chủ thể “con” ở đây được mở rộng ra từ tư cách là một đứa trẻ trong gia đình cho đến một học sinh, sinh viên trong nhà trường và sau cùng, là một công dân của một đất nước. Bởi lẽ, từ “con” được mở rộng tỉ lệ thuận với việc mọi người dùng bài ca “con nhà người ta” ngày càng mở rộng hơn, trong nhiều không gian, bối cảnh hơn. Chẳng có một lời buộc tội hay khiển trách gì khi con suy nghĩ nhiều về chủ đề ấy. Vì con biết, tất cả mọi người so sánh chúng con với một đối tượng khác cũng chỉ vì mục đích tốt đẹp. Mọi người mong chúng con phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, không ỷ lại để thành công hơn nữa, mong chúng con nhận thấy niềm tin, hi vọng của mọi người dành cho chúng con là vô bờ, vô tận.

Nhưng, một khi bị so sánh với cường độ quá nhiều, quá mạnh, chúng con như muốn buông xuôi và không còn động lực để cố gắng!

Ai cũng có lòng tự trọng và cái tôi của riêng mình. Cộng hưởng với việc nỗ lực phấn đấu suốt cả một hành trình nhưng vẫn bị đem ra so sánh với con nhà người ta sẽ dẫn đến biết bao cảm xúc tiêu cực trong chính bản thân họ. Nỗi buồn, sự tự ti, mặc cảm, thấy mình kém cỏi là điều dễ dàng xuất hiện trong tâm lí mỗi người. So sánh quá nhiều làm mỗi người dần không nhận ra giá trị của mình, không chủ động nắm bắt những cơ hội và không thể phát huy hết khả năng nội tại của bản thân. “Con nhà người ta” không thể tránh trường hợp chỉ là được “tô vẽ”, “xây dựng” nên. Và điều chắc chắn là con người sẽ mãi không thể vươn tới hình tượng quá hoàn hảo như thế. Đôi khi, con người vì sợ việc phải so sánh quá nhiều với người khác mà dần trở thành cái bóng, cố trở thành bản sao của hình tượng “con nhà người ta”. Còn đâu là giá trị riêng của mỗi người nữa. Và con muốn nói với ba mẹ, gia đình, thầy cô rằng: rồi sẽ có trường hợp con người ta tìm mọi cách để đạt được điều mà mọi người mong muốn, bất chấp mọi thủ đoạn. Vì lẽ gì?

Con nhà người ta

Con muốn nhìn ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với bản thân người bị so sánh mà còn với cả người được lấy làm hình mẫu so sánh và người thực hiện việc so sánh. Khi bị đem ra làm chuẩn mực cho người khác nhiều lần, chắc chắn con cũng sẽ mệt mỏi, áp lực vì luôn phải giữ vững và vượt qua cái hình tượng mà mọi người đang xây dựng cho con. Hay có đôi lúc con sinh tâm lí tự kiêu, cho mình hơn người. Lại có đôi khi, con buộc phải nhận những thái độ ganh ghét, bất mãn của các bạn bị đem ra so sánh với con. Vô tình, việc tác động đến người phía bên kia “cái cân” lại cũng tác động nhiều đến con ở khía cạnh tiêu cực. Là cha mẹ, gia đình, thầy cô cũng dễ có mối quan hệ xấu đi chúng con- chủ thể được so sánh. Con đã thấy nhiều bạn khiển trách, căm ghét ba mẹ mình: “Vì sao không nhận thấy sự nỗ lực của con mà luôn luôn so sánh con với người khác?” Rất nhiều mối quan hệ trở nên xấu đi!

Khi mang quá nhiều tảng đá nặng trên vai: là sự kì vọng quá lớn của mọi người, là thái độ tự trách bản thân kém cỏi, là sự buồn chán, là hình tượng con nhà người ta mình cần đạt được, …, nó làm chúng con sụp đổ! Buông xuôi. Lúc này, ai là người chịu thiệt? Là chính con, người đánh mất giá trị nơi mình. Là ba mẹ, gia đình, thầy cô, người buồn bã, thất vọng vì không dạy dỗ con thành người tốt. Là xã hội, người gánh thêm một gánh nặng vì một người trẻ không có ý chí cầu tiến, không giúp ích cho xã hội mà có thể còn “ăn bám”, phạm pháp,…

Mọi người so sánh khi chúng con thất bại, không làm được điều gì đó. Nhưng tại sao cả khi chúng con đạt được và thành công rồi, bài ca ấy vẫn được đem ra? “Lòng tham con người là vô đáy” - Đó là triết lí đôi khi quá tàn nhẫn. Con hiểu, con người sống luôn cần sự phát triển và vươn lên, không được tự thỏa mãn, kiêu căng vì chút thành tích cá nhân. Vậy thì, suy cho cùng, mục đích của bài ca “Con nhà người ta” không phải không tốt. Nó không sai. Có lẽ, chúng ta sai ở cách thể hiện.

Có một video ghi lại cảnh một đứa trẻ Nhật Bản thất bại bốn lần môn nhảy sào thể dục. Cô giáo vẫn kiên nhẫn cho em thêm một cơ hội nữa, bạn bè đứng hai bên vẫn không ngừng hò reo cổ vũ em. Và em đã nhảy qua thành công ở lần thứ năm sau cái ôm chân thành, lời khuyến khích của các bạn. Những đứa trẻ ấy mới chỉ học mẫu giáo! Cô gái bật khóc vì thấy nghị lực con người sao kiên cường quá, vì biết sức mạnh của bản thân đến từ những người xung quanh, từ những người yêu thương ta nhất. Cách truyền “lửa”, động viên khuyến khích của nhiều người Việt liệu có thành công như vậy? Và nếu như, mọi người thay đổi thái độ khi ca “bài ca” ấy: không còn bực tức, khiển trách, không hài lòng mà chính là sự đồng cảm, thấu hiểu, hi vọng, tin tưởng chúng con, thì, có lẽ “Con nhà người ta” không trở thành một nỗi ám ảnh. Nếu như, mọi người thay câu “Con phải…” bằng “Con có thể…”, thì, chắc chắn, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng và đầy hứng khởi hơn.

Có bao giờ, các Người so sánh chúng con với người khác còn vì để được người đời tung hô, hay để viết tiếp ước mơ các Người còn dang dở,…?

Một khi hiểu được nỗi lòng các Người, chúng con sẽ không thấy hờn trách. Một khi hiểu được nỗi lòng chúng con, các Người sẽ không đặt áp lực lớn một cách vô tình qua câu “Con nhà người ta”!

------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Suy nghĩ về câu nói: Con nhà người ta. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Suy nghĩ của anh chị về quan niệm của Lưu Trọng Lư trong “Liên tưởng tháng hai”

Đánh giá bài viết
3 5.797
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • lbi lbi
    lbi lbi

    bài này của bạn kia trên wattpad mà ad

    Thích Phản hồi 09:25 12/10

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm