Suy nghĩ về câu: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy

Văn mẫu lớp 8: Suy nghĩ về câu: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý nghị luận về câu nói Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy.

2. Thân bài

a. Giải thích

Câu nói khuyên nhủ con người ta hãy biết kiên trì, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt ta sẽ tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình và hướng đến thành công.

b. Phân tích

Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần kiên trì theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, lòng kiên trì chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người.

Người có tinh thần vượt khó là người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình; khi vấp ngã không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy sau vấp ngã để đi tiếp con đường mình đã chọn.

Người có tinh thần vượt khó sẽ tôi luyện những phẩm chất quý giá: chăm chỉ, cần cù, lạc quan, từ đó, đường đi đến thành công sẽ được rút gọn hơn.

Tinh thần vượt khó, sẵn sàng đi tiếp sẽ mang đến cho con người những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực, cố gắng và khiến chúng ta được người khác yêu thương, tin tưởng và học tập theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

Gợi ý: nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Thomas Edison,…

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng, lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy; đồng thời liên hệ bản thân.

Suy nghĩ về câu: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy mẫu 1

Viết về con đường Lỗ Tấn nói: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi", Nhà thơ Robert Frost viết: "Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người",và trong Mùa lạc Nguyễn Khải đã nhắc đến con đường cùng: "Ở đời này không có con đường đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy". Có thể nói khác với nhiều nhà văn khi nói đến con đường đời là nói đến sự khai phá, tìm kiếm một phương thức, một lối đi riêng mang dấu ấn cá nhân, thì Nguyễn Khải lại là người đem đến suy tư về những trở ngại, ranh giới gặp trên con đường đời ấy, mà đôi lần nó vẫn bị nhầm tưởng thành con đường không thể bước tiếp - con đường cùng. Câu nói của ông là một triết lý sâu sắc, nó vừa khích lệ, động viên một bộ phận lớn những con người luôn mang trong mình tư tưởng cùng đường khó khăn, cũng mở ra cho những người khác nữa một niềm tin, một ý chí tất thắng để sẵn sàng cho những chặng đường mình sắp đi qua.

Vậy đường cùng là gì? Một cách đơn giản thì đó là con đường không lối thoát, dẫn đến những ngõ cụt không thể giải quyết, đem đến cho con người sự bất lực, bế tắc và chán nản. Cón "ranh giới" chính là giới hạn phân chia giữa cái này với cái kia, nó có thể hữu hình như ranh giới lãnh thổ, vô hình như ranh giới giữa người với người, giữa sự sống và cái chết, giữa thành công và thất bại,... Và trong đa số các trường hợp theo nghĩa bóng thì ranh giới luôn là một thứ gì đó rất mỏng manh nhưng lại khó có thể vượt qua, quá trình vượt qua nó là cả một thử thách mà yêu cầu con người phải có tính kiên trì nhẫn nại vô cùng. Con đường trong câu nói của Nguyễn Khải chính là đường đời, và mỗi một con người đều có cho mình một lối đi riêng, từ khi thơ bé đến khi trưởng thành, bất kể lúc nào chúng ta cũng đều gặp phải những khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua được. Khi còn đi học, đó là đống bài tập không lời giải, khi đã lớn lên rồi đó là những ngày tháng chông chênh, thất tình, thất nghiệp, thậm chí đến tiền để ăn một bữa đàng hoàng cũng không có đủ. Đó có phải bước đường cùng không, xin thưa rằng đối với một vài người đó thực sự là khó khăn và bế tắc vô cùng, nhưng xét lại nó đâu phải là con đường cùng, chẳng qua là nội tâm chúng ta tự mặc định nó như thế thôi. Và theo như ý Nguyễn Khải nói, chỉ cần bản thân chúng ta đủ sức mạnh đủ kiên trì thì chắc hẳn rằng khó khăn nào, đường cùng, ngõ cụt nào cũng trở thành một cái ranh giới mà chúng ta có thể vượt qua được, mặc dù có thể nó sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Như đã nói ở trên, cuộc sống chính là đề toán lô-gíc nhiều bẫy và nhiều câu đố nhất, nhiệm vụ của chúng ta là phải giải ra kết quả của từng câu để có thể bước tiếp đến những chặng tiếp theo. Đặc biệt chúng ta không thể mong một cuộc đời bình phàm trong cái xã hội lắm đổi thay này được, Khổng Tử đã nói: "Ở đời đừng cầu không khó khăn bởi không có khó khăn thì kiêu sa dễ nổi dậy", hay một ý khác cũng có nghĩa tương đồng "Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường". Có thể nói rằng chính những cái chông gai, những cái tưởng như là bước đường cùng ấy lại là sự rèn luyện, giúp con người trở nên mạnh mẽ, cường đại hơn trước cuộc sống, càng trải nghiệm nhiều, con người càng có tri thức có kinh nghiệm, thì có lẽ đến một lúc nào đó họ sẽ không bao giờ còn biết đến khái niệm đường cùng, có chăng chỉ là ranh giới. Như lời Van Gogh đã nói: "Chúng ta càng tiến bước trên đường đời, mọi việc lại càng khó khăn hơn, nhưng chính trong khi chống lại gian khổ mà sức mạnh nội tâm của con tim được hình thành.", bởi suy cho cùng khái niệm đường cùng là xuất phát từ nội tâm yếu mềm của mỗi chúng ta, chỉ khi nó trở nên lớn mạnh thì sẽ chẳng còn thứ gì có thể lay động được nó nữa, và dĩ nhiên việc có một trái tim kiên cường cần phải có thời gian rèn luyện thách thức, những "con đường cùng" chính là bài tập của chúng ta mỗi ngày.

Câu nói của Nguyễn Khải mục đích chính yếu là muốn thay đổi khái niệm của mỗi chúng ta về con đường cùng, bởi xét thấy khái niệm này luôn khiến người ta chùn bước và sinh ra tính ỷ lại, phó mặc cho số phận. Trái ngược thì khái niệm "ranh giới" lại khiến người ta thấy dễ dàng hơn, bởi trong tiềm thức con người, ranh giới luôn là một cái gì đó mong manh và chỉ cần một bước chân thôi cũng sẽ vượt qua được. Chính sự chuyển đổi câu từ triết lý đã làm cho câu nói của Nguyễn Khải có sức thuyết phục và hấp dẫn đối với đa số người đọc. Đó là một lời khuyên chân thành đối với những con người còn bi quan, chán nản về cuộc đời, những con người có nội tâm yếu đuối, chúng ta đừng bao giờ chán nản và buông xuôi bất kỳ điều gì, bởi phàm là việc gì khi bắt đầu ta cũng thấy khó khăn nhưng khi đã đi được bước thứ nhất, thứ hai ta lại thấy rằng hóa ra nó chẳng khó như ta nghĩ. Điều ấy giống như một sinh viên bắt đầu một luận văn tốt nghiệp, họ phải bắt đầu với một đề tài mà họ chưa thấy bao giờ, không ai hướng dẫn, chỉ bảo, không thể tra được tài liệu liên quan, quả thực rất bế tắc, thế nhưng một khi đã viết được phần tổng quan, một khi đã nắm được điểm mấu chốt thì dường như họ đã đặt được nửa bàn chân sang ranh giới phía bên kia rồi. Và đường cùng đã được khai sáng như thế đấy, nói cho vui thì nếu như ngõ cụt của bạn bị chắn bởi một bức tường, bạn có hai cách một là lấy sức nhảy bật sang bên kia, hai là kiếm búa và dùi đến đục một lỗ trên bức tường để chui qua.

Les Brown cũng đã nói rằng: "Bạn không thể yếu đuối trên con đường theo đuổi giấc mơ. Hãy dám vượt qua các rào chắn để tìm con đường của riêng mình". Đúng như vậy, chỉ có sức mạnh mới có thể nâng bước chúng ta trên đường đời, khi đã trưởng thành đôi cánh của cha mẹ đã dần mỏi mệt, chúng ta phải tự sải cánh để bay xa, nhưng nếu như bạn cứ mãi tự ti về đôi cánh chưa mọc đủ lông, mãi sợ hãi những cái "đường cùng" mà thực tế nó là "ranh giới" có thể bước qua được, thì tin tôi đi, bạn là người thất bại. Mỗi chúng ta phải biết học cách mạnh mẽ và vươn lên trong cuộc sống, bởi sức mạnh ấy giúp chúng ta hạnh phúc hơn, sống hữu ích hơn trong cuộc đời. Ai đó đã nói rằng: "Hạnh phúc không phải là không có rắc rối mà là có khả năng đối phó với chúng", phải vậy khi khó khăn ập đến từ nhiều phía, dù là khách quan hay chủ quan nhưng chúng vẫn luôn đem đến cho chúng ta thật nhiều bài học kinh nghiệm, một khi ta đã vượt qua được khó khăn ấy thì tin chắc rằng bản thân ta cũng sẽ có cái niềm hạnh phúc vì đạt được thành tựu, vì thấy mình sống không uổng phí, không vô dụng. Từ những điều tưởng nhỏ nhoi ấy sẽ gây dựng cho chúng ta một tâm thế tự tin, sẵn sàng vượt qua bão to sóng lớn, dần dà chúng ta sẽ ngày càng trưởng thành hơn, bởi sự trưởng thành là dựa trên những khó khăn, kinh nghiệm bạn trải qua chứ chẳng phải là dựa vào số tuổi. Như Samuel Johnson đã nói: "Cuộc sống không có lạc thú nào hơn ngoài vượt qua gian khó, bước từng bước tiến tới thành công, lập nên những ước vọng mới và chứng kiến chúng được thỏa mãn". Hơn tất cả, không có người thành công nào chưa từng cảm thấy bế tắc, chán nản và tuyệt vọng nhưng họ đã vượt qua nó bằng chính ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng một trái tim kiên cường, bằng một niềm tin chắc thắng. Bởi vậy nên khi nghe một doanh nhân thành đạt kể về những tháng ngày khởi nghiệp thất bại, gia đình không tin tưởng, người yêu chia tay họ luôn có thái độ trân trọng và vui vẻ bởi chính những thứ ấy đã khiến họ trở thành được như ngày hôm nay.

Khi nghe một ai đó than thở, chán nản và cho rằng cuộc sống đang dồn họ đến đường cùng tôi thường không cho đấy là điều đúng đắn. Điều đó chỉ cho thấy rằng bạn là một kẻ yếu đuối, thiếu tự tin và nhu nhược trước cuộc đời mà thôi. Bạn đừng bao giờ đổ lỗi rằng cuộc đời bất công không cho bạn may mắn, ngược lại đem cho người khác, bạn cũng đừng bao giờ cảm thấy đỏ mắt khi người khác có cuộc sống tốt hơn bạn, bởi biết đâu sau bề nổi ấy là một tảng băng chìm to lớn, sự thật còn có mặt trái nữa cơ mà. Tôi tương đối thích những người nói ít làm nhiều, cái họ cho người khác thấy chính là kết quả, còn ngược lại những kẻ luôn mang tâm thế bị động và đổ lỗi cho hoàn cảnh thì thường chẳng làm nên được cái gì đáng kể. Đặc biệt có một điều rằng những người thiếu niềm tin, nghị lực vào cuộc sống thường có xu hướng kéo theo cả người khác, họ không muốn vươn lên nhưng lại muốn kéo người khác xuống cùng với họ để họ bớt đi cái cảm giác thu kém, chán nản, đó là bản tính ích kỷ và vô cùng thiển cận.

Bản thân chúng ta khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng phải tự ý thức mà rèn luyện cho mình một tâm thế vững chắc, một nội tâm mạnh mẽ, một tấm lòng kiên trì không đổi, bài toán giải không ra thì cố tìm cho ra, không tìm được thì đi hỏi thầy hỏi bạn, chớ có buông xuôi, phó mặc. Quan trọng hơn cả, là thế hệ trẻ chúng ta cũng cần xác định cho mình một ước mơ hoặc một niềm đam mê để chúng ta thấy cuộc sống có hy vọng có đích đến, để rồi lấy đó làm động lực. Nếu không, ngay cả khi còn trẻ tuổi mà đã có tư tưởng tiêu cực, tương lai mù mịt thậm chí xem nó là đường cùng thì rất nguy hại, bởi khi càng lớn tuổi, khi bước chân ra xã hội khó khăn không chỉ là bài tập về nhà mà đó chính là cơm, áo, gạo, tiền, các rắc rối trong mối quan hệ xã hội thì liệu ta có thể đủ sức để vượt qua hay không?

Thế nên, các bạn trẻ à cuộc sống cũng như thời tiết vậy, mùa thu kiểu gì chẳng có vài cơn mưa tầm tã, nhưng dẫu mưa có lớn đến đâu thì cũng chẳng thắng nổi ánh mặt trời, trời sẽ lại quang, mây sẽ lại tạnh, giống như lời Jack Ma đã nói "Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng. Nhưng sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp". Chúng ta đừng quá e ngại về những gì đang và sắp sửa xảy ra, bởi suy cho cùng trời không tiệt đường sống của ai bao giờ, đường cùng hay ngõ cụt, cũng chỉ là thứ để thử thách trí thông minh và nghị lực của mỗi chúng ta mà thôi, khi đã qua được rồi nhìn lại thì ôi chao nó chỉ là một cái ranh giới quá ư bình thường.

Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy mẫu 2

Để đến được thành công chúng ta phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Sẽ có lúc ta chán nản, nhưng hãy nhớ: “Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Câu nói khuyên nhủ con người ta hãy biết kiên trì, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt ta sẽ tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình và hướng đến thành công. Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần kiên trì theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, lòng kiên trì chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người. Người có tinh thần kiên cường, biết vượt qua rào cản là người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình; khi vấp ngã không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy sau vấp ngã để đi tiếp con đường mình đã chọn. Những người này sẽ tôi luyện những phẩm chất quý giá: chăm chỉ, cần cù, lạc quan, từ đó, đường đi đến thành công sẽ được rút gọn hơn và sẽ có được những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực, cố gắng; đồng thời cũng giúp chúng ta được người khác yêu thương, tin tưởng. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng mà hấp tấp. Lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này cần thay đổi cách sống, cách nghĩ của mình nếu muốn bản thân tốt hơn. Là chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực vươn lên từng ngày, tôi luyện cho bản thân một ý chí kiên cường hơn người để từng bước tiến tới thành công, hạnh phúc. Một lần được sống, hãy sống hết mình để tạo ra những giá trị giúp đời, giúp người.

Suy nghĩ câu Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy mẫu 3

Nhà văn Nguyễn Khải đã lấy nông trường Điện Biên làm bối cảnh cho truyện ngắn Mùa lạc. Điện Biên - nơi đã ghi dấu bao nhiêu dấu tích của chiến tranh. Nơi đó, xưa kia là một vùng đất chết, sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng bị chiến tranh tàn phá và hủy diệt. Ai có ngờ đâu, sau chiến tranh, cuộc sống nơi đây đã hồi sinh. Điện Biên đã thành một nông trường rộng lớn, tràn đầy sức sống với “màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khúc của đất hoang". Đặc biệt là sự hình thành và phát triển ngày càng tốt đẹp, tươi vui, hạnh phúc của cuộc sống con người nơi đây. Dĩ nhiên là cuộc sống tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc ấy không phải tự dưng mà những con người nơi đây có được. Muốn có được cuộc sống như thế họ phải lao động cật lực, họ phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi là cả máu của họ. Chính cuộc sống được hình thành như vậy, nên họ yêu thương nhau, gắn bó với nhau và sống với lòng vị tha cao cả. Được sống trong một môi trường mới với những con người lao động mới và sự nỗ lực tự vượt lên chính bản thân mình, Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Từ hiện thực sinh động của cuộc sống ở nông trường Điện Biên, nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một câu nói đầy chất triết lí: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh đế bước qua những ranh giới ấy".

Câu nói của nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một chân lí của cuộc sống, đề cao sự nỗ lực vươn lên không ngừng của mỗi dân tộc của bản thân của mỗi con người trong việc đi tìm lẽ sống và hạnh phúc cho dân tộc, cho mỗi cá nhân con người.

Thật vậy, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã từng đánh Hán. đuổi quân Nguyên - Mông, diệt Minh, trừ Thanh, đánh Pháp, đuổi Nhật, phá tan bè lũ cướp nước và bán nước Mỹ - ngụy để giành và giữ lấy độc lập tự do cho dân tộc. Nếu không có xương máu của tiền nhân dân đổ xuống trên mảnh đất này trong suốt chiều dài lịch sử thì làm sao ta có được một dải giang sơn Việi Nam gấm vóc chạy suốt từ Bắc đến Nam như ngày hôm nay. Như vậy, không phải là “Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ" đấy ư?

Trở lại với nông trường Điện Biên, ta cũng thấy rõ điều đó. Cuộc sống nơi đây hồi sinh, con người nơi đây tìm ra cuộc sống tươi vui, hạnh phúc cũng đi từ những hi sinh gian khổ, từ ý chí, niềm tin và nghị lực, không đầu hàng cuộc sống. Đào - nhân vật trung tâm của câu chuyện cũng đi từ những bất hạnh trong cuộc đời, nhưng nhờ có lòng khát khao cuộc sống, có ý thức không đầu hàng số phận, nên Đào mới lưu lạc đến nông trường Điện Biên và ở đây, trong một môi trường mới với những con người lao động mới. Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Quả đúng là “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy". Trong cuộc sống đời thường đã có biết bao tấm gương vượt khó để thành công trong cuộc đời, có biết bao con người “tàn” mà không “phế" làm được biết bao điều để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho xã hội.

Cùng với quan điểm này của nhà văn Nguyễn Khải. Trước đó, bà Thác-kơ-rê một nữ văn sĩ nổi tiếng của nước Anh trong bộ tiểu thuyết Hội chợ phù hoa đã nói: “Cuộc đời là một tấm gương soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại với chúng ta ngay. Nếu mỉm cười với nó, nó vẽ trở thành người bạn vui tính và tốt bụng". Hoàng đế Na-pô-lê-ông của nước Pháp cũng đã từng nói: "Mất tiền là chẳng mất g ì cả, mất danh dự là mất một nửa cuộc đời, mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời

Câu nói của Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" là một chân lí, mãi là bài học cho mỗi chúng ta trong cuộc sống.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 8: Suy nghĩ về câu: Ở đời này không có đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8.

Bài tiếp theo: Thuyết minh di tích lịch sử nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đánh giá bài viết
6 31.848
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 8 Sách mới

Xem thêm