“Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên

Văn mẫu lớp 12: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Dàn ý nghị luận “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”

1. Mở bài

Nêu vấn đề nghị luận: Câu nói "Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt".

2. Thân bài

a. Giải thích câu nói

- "Gói tiền": Hình ảnh tượng trưng cho những vật chất có giá trị trong đời sống hằng ngày của con người.

- "Có thể nhặt được gói tiền": Dù không phổ biến nhưng bản thân mỗi người chúng ta đều có thể có được một lượng vật chất có giá trị một cách dễ dàng.

- "Văn hóa": Trình độ học vấn, kiến thức, vốn hiểu biết và những giá trị đẹp đẽ của con người thể hiện qua cách ứng xử, lối sống và sinh hoạt hằng ngày.

- "Không ai đánh rơi gói văn hóa cho ta nhặt": Cách nói hình ảnh, qua đó phủ nhận việc có thể có được "văn hóa", trình độ, vốn hiểu biết một cách ngẫu nhiên, đơn giản và dễ dàng.

→ Câu nói đã đưa đến cho chúng ta một bài học giàu ý nghĩa - con người có thể dễ dàng, ngẫu nhiên có được một lượng giá trị vật chất song để có được văn hóa thì không phải là sự ngẫu nhiên, không có bất cứ người nào mang đến cho chúng ta mà nó đòi hỏi sự cố gắng, tích lũy hằng ngày của mỗi người.

b. Phân tích, chứng minh, bình luận về câu nói

- "Ta có thể nhặt được một gói tiền" bởi lẽ:

+ Tiền nói riêng, những giá trị vật chất nói chung là những cái ở bên ngoài mỗi con người, chúng ta có thể cầm nắm và mang theo chúng cạnh mình.

+ Dù không nhiều nhưng ắt hẳn có những lúc con người ta sẽ đánh mất, làm rơi nó và chúng ta có thể nhặt được nó một cách dễ dàng, không phải mất thời gian và công sức

- "Không ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt" vì:

+ Văn hóa lại là những giá trị tinh thần, là những cái vô hình mà bản thân mỗi người chúng ta không thể nhìn thấy và cầm nắm được nên sẽ không bao giờ bị đánh rơi.

+ Văn hóa đòi hỏi con người phải có cả quá trình nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, học hỏi thì mới có được nên nó không thể dễ dàng xuất hiện ở mỗi người

+ Để có được văn hóa, trình độ, phẩm chất, mỗi người chúng ta phải không ngừng cố gắng, phấn đấu và tự hoàn thiện nó bằng chính nỗ lực của bản thân.

c. Đánh giá, mỏ rộng vấn đề và bài học cho bản thân

- Tiền bạc, vật chất chúng ta có thể dễ dàng có được từ người khác nhưng trong cuộc sống, điều đó rất ít khi xảy đến, vì vậy, mỗi người luôn cần tự cố gắng tạo ra những giá trị vật chất cho riêng mình không nên chỉ biết trông chờ vào may mắn.

- Văn hóa không bỗng dưng mà có, nó đòi hỏi bản thân mỗi người phải không ngừng cố gắng, tích lũy để có được

- Để có được văn hóa, mỗi người cần:

+ Chủ động học tập ở mọi lúc, mọi nơi, không ngừng nỗ lực khám phá những điều mới mẻ để tự làm giàu thêm vốn hiểu biết cho chính mình.

+ Không ngừng rèn luyện, củng cố lại những gì mình đã biết, đã học để biến nó thành kiến thức của bản thân, biến nó thành cái của mình.

+ Biến những điều thú vị đã học thành hành động thiết thực, có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày.

3. Kết bài

Khái quát giá trị, ý nghĩa của câu nói và những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.

2. “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên

Văn hoá là hành trang không thể thiếu trong hành trình cuộc đời của mỗi người. Nhưng có được nó thì không hề đơn giản. Trong một bộ phim truyền hình Việt Nam mới công chiếu gần đây, có nhân vật đã nhắc nhở người cháu của mình rằng: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”. Đây thực sự là một triết lý về cuộc sống và cách sống mà có lẽ không chỉ người cháu là cần ghi nhớ suốt đời.

“Gói tiền” tượng trưng cho những giá trị vật chất. “Nhặt được một gói tiền”' là một tình huống tuy không thường xuyên xảy ra nhưng cũng không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Đó là sự ngẫu nhiên, tình cờ, và vì thế, có thể đến với bất kì ai.

“Văn hoá” là một phạm trù trừu tượng, thuộc về ý thức của con người. Có thể hiểu một cách đơn giản: Văn hoá là những giá trị đẹp đẽ của tâm hồn như trí tuệ, nhân cách; nó thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của mỗi người. “Gói văn hoá” chỉ là cách nói hình ảnh, bởi văn hoá vốn dĩ không có hình hài, cách nói ấy chỉ có tác dụng hô ứng với vế trước để đặt ra một tương quan nhằm nhấn mạnh ý mà thôi. Đi liền với “gói văn hoá” không còn là hai tiếng “có thể” mang tính tương đối nữa mà là thái độ khẳng định quả quyết và chắc chắn: “sẽ không ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”.

Như vậy, những giá trị vật chất ta có thể nhận được từ cuộc sống mà đôi khi không cần tốn chút sức lực nào. Nhưng với những giá trị tinh thần, không ai có thể mang lại cho ta; quá trình tiếp nhận hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân những nỗ lực và sự chủ động tìm kiếm, tích lũy của ta.

Ta có thể “nhặt được một gói tiền” bởi tiền nói cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân, dù được giữ gìn vẫn có thể thất lạc, dù cẩn trọng đến mấy cũng có lúc sơ sẩy đánh rơi. Nhưng văn hoá thì khác, nó không tồn tại ở dạng vật chất mà - như đã nói ở trên - thuộc về ý thức, không thể “đánh rơi”, cũng không thế “nhặt”. Hơn thế nữa, nó là kết quả của một quá trình tích lũy, hoàn thiện lâu dài, bền bỉ nên không thể tự nhiên xuất hiện ở con người, không ai dễ dàng có được nó chỉ nhờ vào một sự may mắn, tình cờ trong cuộc sống.

Có thể nói, đây là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc. Nhất là khi nó được đưa vào lời thoại như lời khuyên của một người dành cho cháu. Vì là một lời khuyên, nên nó rất chân thành; và vì nó thuộc về một người lớn tuổi - người đã từng trải nghiệm sâu sắc cuộc đời — nên nó rất thấm thía và rất đáng để ta tin.

Và song song với việc cảm nhận bức thông điệp mà tác giả gửi gắm, có lẽ ta cũng nên và cần phải đặt ra một câu hỏi nữa. Đó là: Làm thế nào để tự nâng cao vốn văn hoá cho bản thân?

Câu hỏi này không hề khó. Bởi bản thân cụm từ “tự nâng cao vốn văn hoá” cũng đã bao hàm một phần câu trả lời trong đó. Vâng, ý thức tự giác là yếu tố căn bản nhất. Bởi như đã nói ở trên, khác với vật chất, văn hoá thuộc về ý thức. Cuộc sống khách quan chỉ có thể tác động chứ không thể thay đổi nó. Sự tồn tại, phát triển của nó được quyết định bởi chủ thể là bản thân ta. Chẳng hạn, bạn có thể có một tủ đầy sách, mẹ bắt bạn đọc sách hằng ngày,... nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu như bạn chỉ đơn thuần là đọc mà không nghiền ngẫm, không nỗ lực tiếp nhận những giá trị của cuốn sách ấy. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng có lẽ nó cũng phần nào cho thấy vai trò, tầm quan trọng của ý thức trong quá trình trau dồi vốn văn hoá của con người.

Thế nhưng, hình thành và duy trì cho mình ý thức tự giác cũng như khát khao học hỏi là điều không hề đơn giản. Vì thế, ta rất cần một điểm tựa, đó là sự xác định đúng đắn mục tiêu sống của cuộc đời. Sống là một quá trình tự hoàn thiện bản thân, và nâng cao văn hoá là phần không thể thiếu trong quá trình bền bỉ ấy. Người có văn hoá sẽ sống đúng, sống có ý nghĩa hơn, và tất nhiên, sẽ nhận được sự tôn trọng, yêu mến từ phía mọi người, đồng thời khẳng định được vị trí của mình trong xã hội.

Bên cạnh việc hình thành cho mình ý thức ham học hỏi, khao khát hoàn thiện bản thân, chúng ta cũng cần có những hành động cụ thể đề nâng cao văn hoá. Trong đó, có lẽ con đường hữu hiệu nhất là học tập.

Học trong nhà trường, với hệ thống giáo dục có bài bản, ta sẽ được trau dồi tri thức, nâng cao học vấn thông qua việc tiếp nhận khoa học hiện đại. Nói “sự học là cây cầu bắc từ bờ bên này mông muội sang bờ bên kia chân lí” là vì thế.

Học trong cuộc sống, ta sẽ được bồi đắp tâm hồn từ những bài học bình dị gần gũi quanh ta. Cô bé tật nguyền với khao khát vươn lên cho ta hiểu thế nào là sự nỗ lực trận đòn của mẹ cũng là biểu hiện của yêu thương, và thậm chí là nhóc em với những câu hỏi tưởng chừng ngây ngô nhất. 

Học từ sách vở là học từ kho tri thức khổng lồ của nhân loại, vì thế, nó giúp ta mở rộng, nâng cao tầm hiểu biết trí tuệ. Nhưng sách còn là nơi lưu giữ những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của con người, nên nó cũng giúp ta làm giàu khả năng nhận thức và năng lực cảm nhận, giúp ta nhân ái hơn, hướng thiện hơn, Người hơn. Đúng như một câu ngạn ngữ phương Đông: “Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng”.

Tất nhiên, ta không thể tách bạch rõ ràng những con đường tiếp nhận, nâng cao văn hoá. Vì, một cách rất tự nhiên, chúng luôn hòa quyện, gắn bó mật thiết với nhau. Trong nhà trường, ngoài những tri thức khoa học, ta hoàn toàn có thể học được những bài học đạo đức thấm thía, sâu xa. Cũng như trong cuộc sống, ta vẫn có được những hiểu biết, kinh nghiệm như từ trường lớp. Thế nên, cần tránh thái độ tuyệt đối hoá bất kì con đường nâng cao văn hoá, hoàn thiện bản thân nào.

“Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”. Chủ động và nỗ lực chính là cách duy nhất để ta có được “gói văn hoá” của riêng mình.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Đánh giá bài viết
1 1.995
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm