Thay đổi nguyện vọng trực tuyến không thành công phải xử lý thế nào?

Thay đổi nguyện vọng trực tuyến không thành công phải xử lý thế nào?

Nếu như đến hết ngày 21/7, thí sinh có gặp sai sót, trục trặc gì khi thay đổi nguyện vọng trực tuyến thì có thêm 2 ngày để đăng ký xét tuyển bằng phiếu.

Từ ngày 15 đến 23/7, thí sinh được thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (ĐH).

Cụ thể phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc vào 17h ngày 21/7. Phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu tại các điểm tiếp nhận sẽ kết thúc vào 17h ngày 23/7.

Sau khi hết thời gian thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng, trên cơ sở dữ liệu thay đổi nguyện vọng của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường ĐH sàng lọc thí sinh ảo. Vào 3 ngày cuối cùng là từ 28-30/7, các trường sẽ lấy dữ liệu của thí sinh về để xác định điểm chuẩn của từng ngành sao cho đúng với chỉ tiêu được giao. Đến ngày 1/8, các trường ĐH đồng loạt công bố điểm chuẩn vào từng ngành và danh sách thí sinh trúng tuyển

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) lưu ý, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định đăng ký vào ngành học và trường nào, song cũng cần lưu ý về thời gian xét tuyển ĐH.

Về mặt quy chế, Bộ cũng quy định là thí sinh nào đăng ký xét tuyển trực tuyến thì sẽ được thực hiện từ ngày 15 đến 21/7. Nếu như đến ngày 21/7, thí sinh có gặp trục trặc gì thì sẽ có thêm 2 ngày dự phòng là ngày 22 và 23/7 để đăng ký xét tuyển bằng phiếu và gửi đến các điểm tiếp nhận. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có thể thay đổi được nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo như mong muốn của mình.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), với các thí sinh đã đăng ký xét tuyển, phải kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đề nghị điều chỉnh sai sót giữa kết quả điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống với thông tin trên phiếu đề nghị đăng ký điều chỉnh nguyện vọng (nếu có) trước 17h ngày 23/7.

Ngoài ra, theo lịch tuyển sinh, ngày 1/8 các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Nếu đã có tên trong danh sách trúng tuyển, đến trước ngày 7/8, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường Bưu điện) để khẳng định việc nhập học tại trường đã trúng tuyển. Cùng đó, theo lịch nhập học của trường thí sinh sẽ đến trường nộp các giấy tờ (học bạ, giấy chứng nhận ưu tiên…) để làm thủ tục nhập học.

Nhiều thí sinh thắc mắc là nếu đủ điểm trúng tuyển nhiều nguyện vọng vào các ngành, trường thì có được lựa chọn vào học 1 trong số đó. Các bạn lưu ý dù đủ điểm trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, nhưng theo quy chế chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất. Vì vậy, các bạn phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Ngoài ra, với những trường hợp thí sinh không xác nhận nhập học coi như từ chối cơ hội thì vẫn có thể tham gia đợt xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển, các bạn cần cân nhắc lựa chọn các ngành, trường yêu thích để đảm bảo khi trúng tuyển có thể xác nhận nhập học vào trường”.

Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13/8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, ở mỗi trường, thí sinh phải nộp 1 phiếu đăng ký xét tuyển riêng và trong mỗi phiếu các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện và xác nhận nhập học theo lịch do trường quy định. Thí sinh chưa đăng ký xét tuyển đợt 1 vẫn có thể tham gia đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung.

Đánh giá bài viết
1 279
Sắp xếp theo

    Quy chế tuyển sinh

    Xem thêm