Thuyết minh về sông Hương

Thuyết minh về sông Hương cho các bạn học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo.

Thuyết minh về sông Hương - Bài tham khảo 1

Trên lãnh thổ Việt Nam thân yêu, có một điều thú vị là nhiều thành phố cùng có những cặp đôi sông núi linh thiêng và tươi đẹp. Ví như sông Kỳ Cùng núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, sông Mã núi Mường Hung ở Sơn La, sông Tô núi Nùng ở Hà Nội, sông Lam núi Hồng ở Nghệ An, sông Hương núi Ngự ở Huế hay sông Trà Khúc núi Thiên Ấn ở Quảng Nam... Trong đó, có thể nói sông Hương là một trong những con sông đẹp nhất và nổi tiếng nhất của cả nước.

Sông Hương, riêng cái tên của nó cũng là một câu chuyện dài và nhiều dư vị. Sông Hương từng được gọi bằng nhiều cái tên như sông Linh trong sách Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi, Kim Trà đại giang trong sách Ô Châu cận lục (1555), Hương Trà trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn. Ngoài ra, nó còn được gọi là Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục... Chưa dừng ở đó, tên sông còn được lí giải bằng nhiều cách rất thú vị. Theo dã sử, khi vua Quang Trung đi qua và hỏi tên sông là gì, thấy những cái tên trước đó chỉ là địa danh hữu hạn, không thể gợi sự trường tồn của dòng sông nên từ nay gọi tên Hương Giang. Cũng có người lí giải rằng hai bên sông Hương có loại cỏ thạch sương bồ có hương thơm nên gọi tên dòng sông là sông Hương. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Thuận An cho rằng: Về tên gọi sông Hương thì có nhiều giả thuyết khác nhau nhưng tôi thiên về giả thuyết bắt nguồn từ địa danh Hương Trà. Dòng sông nào cũng mang một cái tên của vùng đất. Phú Xuân - Huế ngày xưa thuộc đất Hương Trà, là một lưu vùng mà sông chảy qua suốt huyện Hương Trà. Vì thế người ta dùng tên huyện Hương Trà để đặt tên cho dòng sông. Lúc đầu gọi là sông Hương Trà, sau gọi tất là sông Hương. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? lại lí giải tên sông bằng một huyền thoại, vì yêu quý con sông xứ sở nên dân chúng đôi bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống dòng sông tạo nên hương thơm ngát, gửi cả mộng ước muốn đem cảnh đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử của nhân dân.

Về vị trí địa lí, sông Hương thuộc miền Trung Việt Nam. Sông có hai dòng chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn huyền thoại và khi về đến đồng bằng, nó không chảy qua nhiều địa phương mà nằm gọn gàng trong lòng một thành phố duy nhất, Thừa Thiên - Huế. Thủy trình hơn 80 km của sông Hương xưa nay luôn là điều hấp dẫn không chỉ với các nhà địa lí mà còn cả với những nghệ sĩ say mê cái đẹp. Từ thượng nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch chảy qua nhiều thác ghềnh, chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm, chảy chậm qua các làng mạc Kim Long, Nguyệt Biểu, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, chạy ra cửa Thuận Trạch, Biển Đông. Cùng thủy trình ấy, ngồi trên thuyền xuôi theo dòng sông Hương, chúng ta có thể ngắm cảnh xung quanh kinh thành Huế, vượt qua cầu Dã Viên, Phú Xuân, Tràng Tiền, đến thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ... hoặc xuôi về Thuận An chìm đắm trong vẻ đẹp của biển cả bao la.

Vẻ đẹp đa dạng là một đặc điểm quan trọng của sông Hương, sông Hương không chỉ giàu giá trị mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với người dân thành Huế nói riêng và với non sông Việt Nam nói, chung. Dòng sông thơ mộng ấy có vai trò quan trọng đối với địa lí nơi đây và hàng năm vẫn bồi đắp phù sa cho đôi bờ tươi tốt. Sông Hương đem lại nguồn tài nguyên thủy sản giàu có, phong phú và cung cấp nguồn nước dồi dào cho cư dân. Đặc biệt, sông Hương có giá trị kinh tế cao bởi đây là điểm nhấn du lịch đặc sắc trong hệ thống danh lam thắng cảnh của cả nước. Khách du lịch trong và ngoài nước đều rất yêu quý con sông thơ mộng này.

Nhưng ý nghĩa nhất phải nhắc đến giá trị văn hóa nghệ thuật của dòng sông danh tiếng này. Sông Hương êm đềm trôi chảy thật ngọt ngào trong văn thơ với những tác phẩm nổi tiếng như bài thơ Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu hay những trang bút kí sang trọng, lịch lãm của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?... Màu sắc lung linh, hình dáng mềm mại và vẻ thanh bình muôn thuở của dòng sông biến thành niềm cảm hứng trác tuyệt trong âm nhạc. Những ca khúc như Diễm xưa, Ai ra xứ Huế đã khiến người nghe say đắm nhưng thú vị hơn, đây còn là không gian diễn xướng của những loại hình âm nhạc cổ truyền từ điệu hò, câu hát dân gian đến âm nhạc bác học trong từng khúc Nhã nhạc cung đình Huế.

Nhưng sông Hương không chỉ bay bổng trong nghệ thuật, sông Hương còn là chứng nhân lịch sử trung thành như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói: Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại. Thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng Kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển. Từ khi nàng Huyền Trân công chúa ngàn dặm ra đi đem về cho đất Việt hai châu Ô Lí, dòng sông đã lưu giữ và tiếp nối những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc và trở thành biểu tượng riêng cho mảnh đất nơi đây.

... Và như thế, sông Hương mãi là dòng sông của thi, ca, nhạc, họa, là điệu hồn của con người xứ Huế yêu thương!

Thuyết minh về sông Hương - Bài tham khảo 2

Sông Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam.

Địa lý

Sông Hương có hai nguồn chính và đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác nguy hiểm và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.

Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông Hương dài 33 km và chảy rất chậm (bởi vì mực nước sông không cao hơn mấy so với mực nước biển). Khi chảy quanh dọc chân núi Ngọc Trản, sắc nước sông Hương xanh hơn – đây là địa điểm Điện Hòn Chén. Tại đây có một vực rất sâu.

Sông Hương rất đẹp khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và khi nó chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm và mang theo hương thơm của hệ thực vật nhiệt đới. Con sông chảy chậm qua những làng mạc xanh tươi và râm mát như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh và hòa lẫn vào với hương thơm của hoa cỏ Huế... Con sông với sắc xanh lung linh, trong trẻo như một viên ngọc dưới ánh mặt trời. Nó từng là nguồn cảm xúc của bao thế hệ du khách khi họ đi thuyền dọc theo sông Hương để nhìn ngắm phong cảnh nên thơ và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống trong đêm tĩnh mịch.
Sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế. Các công trình kiến trúc hai bên bờ sông gồm thành quách, thị tứ, vườn tược, chùa chiền, tháp và đền đài... ánh phản chiếu của chúng trên dòng nước khiến con sông thậm chí còn mang thêm nhiều chất thơ và tính nhạc. Nhiều người luôn gắn liền sự thanh bình, thanh lịch và cảnh vật lặng lẽ của Huế với dòng Sông Hương.

Lịch sử tên gọi

Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tuỳ theo thời gian có những tên khác nhau.

Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi (1435), viết là sông Linh.

Sách "Ô châu cận lục" do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang).

Sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn gọi là sông Hương Trà (Hương Trà nguyên).

Nhiều tài liệu khác cho biết cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.

Từ năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa. Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hóa (1558), huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà.

Sông Hương núi Ngự

Núi Ngự Bình (còn gọi là Bằng sơn) cao 105 mét có hình dáng cân xứng và ấn tượng. Ở hai bên Bằng Sơn là hai ngọn núi nhỏ tên là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Sau khi quan sát thấy Bằng Sơn trông giống như một tấm bình phong, nhà Nguyễn đã quyết định chọn Huế làm nơi xây dựng Kinh thành. Vua Gia Long đã đồng ý với những thầy địa lý chọn ngọn núi đó làm án thờ phía trước của của hệ thống tường bao chắc chắn có chức năng bảo vệ thành, và đổi tên nó là Ngự Bình.

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là một món quà vô giá thứ hai thiên nhiên dành cho Huế. Sông núi bổ sung cho nhau tạo nên một cảnh quan sông núi tuyệt đẹp cho Huế. Từ lâu, núi Ngự và sông Hương đã được coi là những biểu tượng của Huế, và mọi người cũng thường gọi Huế là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.

Sông Hương và lũ lụt

Sông Hương và cầu Tràng Tiền trong trận lụt ngày 13 tháng 11 năm 2007

Nước sông Hương tràn vào sông An Cựu, Huế, gây ngập lụt các đường phố. Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho thành phố Huế và các vùng phụ cận. Nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là quả Thanh Trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp...sẽ tốt tươi hơn.

Sông Hương trong văn thơ và ca nhạc

Sông Hương và núi Ngự Bình được nhắc đến trong lời bài hát Ai ra xứ Huế sáng tác bởi nhạc sỹ Duy Khánh:

Ai ra xứ Huế thì ra

Ai về là về núi Ngự

Ai về là về sông Hương

Nước sông Hương còn vương chưa cạn

Chim núi Ngự tìm bạn bay về

Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về

Nhà thơ Bùi Giáng thì viết

Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say ..

Thuyết minh về sông Hương - Bài tham khảo 3

Nếu con sông Thames ở Anh chảy ngang qua thủ đô Luân Đôn thì ở Việt Nam con sông Hương lại hiền hòa bắc ngang qua thành phố Huế - thủ phủ một thời của đất phương Nam. Sông như chiếc trâm vàng cài lên đầu xứ Huế mộng mơ. Sông đã tắm mát, là bầu sữa nuôi dưỡng bao thế hệ người Huế nói riêng và người Việt nói chung. Vì vậy, quả không ngoa khi người ta nói: Nhắc đến Huế là nhắc đến sông Hương.

Như đã nói, sông Hương là con sông chảy qua tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể là chảy qua thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang. Với lưu lượng 179 m3 /s, sông đã tắm mát cho hàng nghìn héc-ta đất màu nơi đây, chưa kể là còn bồi tụ phù sa quý báu, cung cấp nước sinh hoạt cho rất nhiều hộ dân…

Thế nhưng, vào mùa lũ, trong cơn thịnh nộ điên cuồng của mình, sông cũng lấy đi biết bao nhiêu thứ của người dân. Sông như một người thiếu nữ thùy mị, yêu kiều bỗng chốc biến thành bà già nóng nảy, cau có. Và có lẽ bà già này gây ra thiệt hại nhiều nhất vào trận lũ năm 1999. Một số nhân chứng kể lại rằng: buổi sáng đang còn ngồi uống cafe, giặt quần áo,… thì vạn sự yên bình, bỗng mưa đến, gió về, đến chiều thì làng mạc, phố xá,… ngập trong biển nước. Nhiều ngày sau trận lũ, các khu vực Sịa, Thuận An,… vẫn bị mất thông tin liên lạc và chịu nhiều thiệt hại nặng nề về cả của lẫn người. Để phòng chống thiên tai lũ lụt này và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, UBND Thừa Thiên Huế đã cấp phép xây dựng dự án hồ Tả Trạch với chi phí gần 2000 tỷ đồng. Nhờ vậy, hiện nay, tổn thất do lũ lụt mà sông Hương về giảm thiểu đáng kể.

Cau có, gắt gỏng là vậy nhưng sau khi hết mùa lũ, sông Hương lại cải lão hoàn đồng, trở thành cô gái xinh đẹp, thướt tha. Nhiều khách du lịch đến Huế do muốn được chiêm ngưỡng sông Hương từ trên cao vì sông Hương được xem là rất đẹp khi ngắm dòng nước êm ả chảy qua các cánh rừng bạt ngàn cây lá hay uốn lượn quanh những hệ thực vật nhiệt đới độc đáo ở Huế. Một số khác đến Huế lại là vì chiều chiều đứng trên cầu Trường Tiền, Phú Xuân hay Dã Viên… ngắm dòng chảy huy hoàng dưới chân. Hay một nhóm khác đến với Huế vì điệu hát âm vang trên mặt nước sông Hương vào những đêm du thuyền rồng đáng nhớ! Sông Hương đã vô tình mang du khách thập phương về bầu bạn với Huế, với người Huế.

Bên cạnh đó, cũng có thể nói rằng sông Hương là bầu sữa ngọt ngào, là chiếc nôi êm ả nuôi dưỡng thi ca đất nước. Nguyễn Du sầu muộn nhìn sông nhớ một mảnh trăng với bao mối sầu kim cổ. Cao Bá Quát lại tưởng sông là thanh kiếm dựng giữa trời xanh. Và rồi nếu không có sông Hương thì Tố Hữu và Nguyễn Trọng Tạo đã không thốt lên rằng:

“Lòng ta như nước Hương Giang ấy

Xanh biếc lòng sông những bóng thông”

Trích Quê mẹ - Tố Hữu

“Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.”

Nguyễn Trọng Tạo

Vậy đấy, sông Hương mang nhiều chất thơ và tính nhạc. Nhưng ít ai biết sông đến từ đâu và đi về đâu. Sông cứ mang trong mình cái tinh túy của trời đất rồi lặng lờ trôi theo gió, theo mây, theo nỗi niềm thương nhớ.

Thực chất, sông Hương khởi nguyên từ những cánh rừng già thuộc dãy Trường Sơn, gồm hai phụ lưu hợp lại mà thành: Nhánh chính (Tả Trạch) xuất phát từ dãy Trường Sơn Đông, chảy qua thị trấn Nam Đông theo hướng tây bắc, dài 67 km; một nhánh phụ (Hữu Trạch) bắt nguồn từ núi rừng cao A Lưới, chảy theo hướng bắc đến hợp lưu với Tả Trạch ở Ngã ba Bằng Lãng. Tại đây, hai dòng nước hôn phối với nhau và thế là sông Hương ra đời từ đấy. Nhận thì cũng có trả, sông Hương cũng có chi lưu là biển Thuận An và Biển Đông. Kể từ Ngã ba Bằng Lãng đến cửa biển Thuận An, sông dài 33km; chảy chậm, hiền hòa, yên ả vì mực nước sông không cao hơn mực nước biển là bao. Nước sông xanh một sắc xanh hiền hòa, trong vắt; thế nhưng khi chảy quanh chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén thì có chút đậm đà hơn vì xuất hiện một vực xoáy rất sâu. Khi dạo thuyền đến quanh điện Hòn Chén, dù là nơi thắng cảnh tuyệt đẹp thì cũng không nên vì thế mà quên chú ý đến vực xoáy trên vì nó rất nguy hiểm, có thể dễ dàng nuốt chửng mọi thứ đi vào phạm vi của nó.

Còn nếu muốn có kỉ niệm đáng nhớ với sông mà không thích mạo hiểm chút nào thì ta có thể đến Cồn Hến nghi ngút khói cơm. Cồn nổi lên giữa lòng sông trước khi sông đổ ra biển, vì vậy, cồn được bồi tụ biết bao là phù sa ngọc ngà quý báu, thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, sông ở đây chủ yếu trồng ngô. Du khách đến đây có thể ăn những trái bắp vàng ngọt bùi hay đặc biệt hơn là thưởng thức món cơm hến thơm lừng hương vị dân dã.

Sông Hương cũng có nhiều tên gọi khác nhau từ xưa đến nay, không chỉ đơn thuần là một chữ. Theo Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí thì sông Hương có tên là sông Linh. Còn theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục thì sông còn gọi là sông Hương Trà. Và theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An thì tên gọi sông Hương xuất phát từ cách nói gọn tên của địa danh Hương Trà từ thế kỉ XVIII - XIX.

Sông Hương, theo dòng chảy thời gian của nó, cũng đã chứng kiến biết bao lịch sử thăng trầm của người Việt và gắn liền với bao điển tích. Đó là huyền thoại về chúa Nguyễn Hoàng tìm đất định đô, nén hương vừa tàn thì cũng là lúc mà chân chúa dừng trên vùng đất bên bờ sông Hương. Đó là khi sông chứng kiến cảnh nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, chia rẽ hay Nguyễn Huệ đi đánh Thanh dẹp bắc và vua Quang Trung chiến thắng trở về trong bộ áo bào thuốc súng lấm đen. Đó còn là khi Nguyễn Ánh thâu tóm quyền lực, máu chảy đỏ sông, thây chất vô cùng. Và con sông quê cũng là nơi đã tiễn đưa bao vị vua yêu nước đi đày biệt xứ. Và có lẽ trong con sông kia, có nhiều điều mà ta chưa biết.

Sông Hương hiền hòa, êm ả trôi như trôi vào lòng người con xứ Huế. Sông đã tắm mát cho nhiều thế hệ người Việt, mát cho thân mình, mát cho cả tấm lòng son sắt thủy chung của mình! Trong thời gian tới, sông lại tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình. Là người con xứ Huế nói riêng, là người con đất Việt nói chung; chúng ta phải cố gắng tìm hiểu hay đến thăm sông một lần; thực hiện những biện pháp cần thiết để giữ gìn sông Hương mãi là một dải lụa đào trong suốt vắt qua thành phố Huế mộng mơ.

Mời các bạn tham khảo bài văn thuyết minh dưới đây

Thuyết minh về di tích lịch sử Bến Nhà Rồng

Ngữ văn lớp 9: Thuyết minh về Dinh Độc Lập

Ngữ văn lớp 9: Thuyết minh về con chó nhà em

Đánh giá bài viết
11 13.453
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm