Thuyết minh về tác phẩm Tức nước vỡ bờ

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về tác phẩm Tức nước vỡ bờ dưới đây bao gồm nhiều bài văn mẫu cho các em học sinh tham khảo, lên ý tưởng xây dựng bài viết hay, hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn 8 sắp tới. 

Thuyết minh về tác phẩm Tức nước vỡ bờ mẫu 1 

Ngô Tất Tố là nhà văn tài năng trong xã hội cũ thời bấy giờ. Một xã hội mua quan bán chức và xe thường những người dân nghèo. Do đó, từng câu từng chữ trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đã lột tả hết sự gian manh của bọn quan lại trong thời thế nhiễu nhương của xã hội. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” với câu chuyện về chị Dậu đã để lại ấn tượng mạnh xen lẫn sự phẫn uất trong lòng độc giả.

Mở đầu đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” chính là hình ảnh anh Dậu- chồng chị Dậu được người của bọn chức sắc đem “cái xác” của anh tù ngoài đình về nhà, do thiếu sưu thuế lâu ngày mà vẫn chưa trả đủ. Rồi chị Dậu cùng hàng xóm cứu anh Dậu tỉnh lại.

Nhà đã không còn gì để ăn nữa, nên chị Dậu đành phải đi vay mượn gạo về nấu cháo. Chị muốn anh Dậu khỏe hơn một tí, có thể ăn được cháo rồi mới tính đến chuyện trốn tránh.

Khung cảnh mở đầu đoạn trích đã lột tả cảnh nghèo túng của người dân lúc bấy giờ. Vợ chồng chị Dậu khổ sở đến mức không có gì để ăn, chứ đừng nói đến việc đóng thuế, vì vậy bọn quan lại mới vịn vào cớ đó mà hành hạ, đánh đập anh Dậu thừa sống thiếu chết, bởi bọn họ vốn xem trọng tiền của hơn tính mạng con người.

Sau đó, bọn cường hào ác bá vẫn không buông tha cho nhà chị Dậu, mấy tên cai lệ “ sầm sập tiến vào với những roi mây, tay thước và dây thừng”. Chúng không những hùng hổ, ra vẻ thị uy, chuẩn bị vật anh Dậu dậy, định bắt trói và tra tấn anh thêm lần nữa, chúng nhất định bắt anh “ói” tiền sưu thuế ra, nếu không thì anh Dậu chỉ còn là cái xác.

Tác giả đã miêu tả chân thật và tinh tế khung cảnh ác độc và tàn nhẫn của bọn cường hào đối với những người dân thường khốn khổ. Đầu tiên, bọn chúng muốn hù dọa vợ chồng anh Dậu nên “gõ đầu roi xuống đất”, kèm theo đó là tiếng thét “Thằng kia, ông tưởng mày chết đêm qua, còn sóng đấy à? Nộp tiền sưu ! Mau.”.

Cứ như thế bọn cai lệ ung dung “trợn ngược hai mắt”, “quát”, rồi “giọng vẫn hầm hè” đe dọa. Dã man hơn, hắn còn sai người lý trưởng lao đến trói anh Dậu, nhưng anh ta sợ hành hạ người đang bị ốm nên không dám ra tay thì “ Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu”. Thấy vậy, chị Dậu sợ chồng không chịu nổi trận đòn thứ hai nên vội van xin tên cai lệ. Ấy vậy mà hắn đánh luôn cả chị, rồi cứ thế tiến đến mà hành hung anh Dậu.

Từ những dòng văn Ngô Tất Tố miêu tả sự hung hăng của tên cai lệ, ta mới thấy được rằng sở dĩ hắn có quyền hành và ung dung đánh đập, chà đạp người khác như vậy là nhờ có sự chống lưng của bọn quan quyền phía sau. Vì thế hẳn thẳng tay tra tấn, quát tháo, thậm chí là đánh chết những người dân vô tội mà không cảm thấy thương xót cho họ dù chỉ một chút.

Thực chất, những tên cai lệ, hay người nhà lí trưởng đều là những kẻ tay sai ở nông thôn. Hán ta không có ý thức hay chức quyền gì, và cũng là một trong số những dân nghèo. Nhưng vì ham mê quyền lực mà theo làm tay sai cho bọn thống trị. Kể từ đó, hắn cũng trở nên hách dịch, tàn ác, nghĩ mình có chức có quyền mà quên đi những con người vốn cùng chung hoàn cảnh với mình.

Thậm chí “khi anh Dậu lăn đùng ra đó, không nói được câu gì”, hắn đã không động lòng thương xót, lại còn lên giọng mỉa mai, xem thường.

Hình ảnh tên cai lệ được tác giả miêu tả rõ nét tính cách ngu dốt, ham mê danh lợi mà trở thành con người xấu xa, xem thường tính mạng của đồng bào, quên đi nguồn cội, chạy theo bọn thống trị một cách vô tội vạ mà không hề biết chính mình cũng đang là người bị bọn chúng lợi dụng. Xét về phía gia đình chị Dậu, mặc dù rối ren trăm bề, nhưng điều quan trọng nhất lúc này chính là làm sao cho anh Dậu nghỉ ngơi, hồi sức để ăn được ít cháo cho đỡ xót ruột. Vì anh Dậu đã “nhịn suốt từ sáng hôm qua”.

Cũng từ lúc này, tác giả đã đẩy tình huống truyện lên cao trào khi tên cai lệ quyết lao vào hành hạ, bắt anh Dậu phải đóng thuế, anh sống chết mặc kệ, ăn uống được hay không hắn cũng không cần thương xót, chỉ có chị Dậu là xót xa, cuống quýt cầu xin, nhưng thực tế trong lòng chị sắp không nhịn nổi sự độc ác của hắn nữa.

Chị Dậu cố nhịn, chị “run run”, đồng thời chị vẫn “cố thiết tha trình bày hoàn cảnh”. Nhưng tên cai lệ nào có cần thấu hiểu cho hoàn cảnh của chị, bởi hắn làm gì có tình người, cũng làm gì biết rũ lòng thương hại cho ai, nếu không đòi được tiền sưu thuế, hắn có thể sẽ đánh chết anh Dậu ngay bây giờ.

Cách xưng hô đầy phẫn uất và hạ mình của chị Dậu khi chị nhận mình là “cháu” và xứng với tên cai lệ là “ông” đã cho thấy bước đường cùng của những con người nghèo khổ nhưng bị áp bức bóc lột mà không có tiếng nói, cũng không có khả năng phản kháng lại bọn cường hào ác bá. Chị Dậu biết bản thân mình phải “chịu nhục” như thế vì mạng sống của anh Dậu- trụ cột chính của gia đình và là chồng của chị. Chị thà hạ mình chứ không muốn anh Dậu chết đi.

Chính chi tiết này đã cho thấy sự so sánh mà tác giả muốn ám chỉ trong đoạn trích. Tuy nghèo khó, nhưng đối với chị Dậu tình thân gia đình, tình người là trên hết, chị sẵn sàng chịu lép vế, nhục nhã để đổi lấy mạng sống cho anh Dậu.

Trái ngược lại, tên người nhà lí trưởng cũng xuất thân từ người nghèo, nhưng hắn lại ngu si ham mê những điều viển vông, không ngần ngại quên đi tình đồng bào mà làm tay sai cho bọn ác độc, xem thường tính mạng, bỏ rơi luân thường đạo lý, làm đầy rẫy những chuyện tàn ác.

Thế nhưng “con giun xéo mãi cũng quằn”, cuối cùng chị Dậu cũng quá sức chịu đừng nên đành phản kháng và vùng lên đánh lại tên cai lệ. Ngô Tất Tố đã lột tả rất chân thật và đậm nét nghĩa khí khi tâm trạng của chị Dậu dần chuyển biến từ sợ sệt, run run, van xin tha thiết, xưng hô “ông, cháu”, đến gương mặt của đanh lại, chị quay sang xưng hô “tôi” với “ông” ý ngang hàng, đang muốn cho tên cai lệ cơ hội rút roi lại trước khi chị vùng lên chống lại hắn.

Tên cai lệ lúc này thấy chị có cử chỉ chống đối nên hắn càng “được nước làm tới”, hắn định xông đến đánh luôn cả chị rồi bắt trói đến anh Dậu. Lúc này, chị không thể nhân nhượng với hắn nữa chị đổi sang cách xưng hô “mày” và “bà”, cho thấy sự phẫn nộ tột cùng của chị Dậu.

Chị không còn thái độ “run run” như ban nảy, thay vào đó là giọng điệu đanh thép, dữ dằn “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Sau đó, chính là kết cục hai tên cai lệ bị chị Dậu “xô ngã chỏng quèo” và “ngã nhào ra thềm”.

Đó chính là sức mạnh “kì diệu” của người phụ nữ một khi đã quá sức chịu đựng. Chị Dậu đã phải bán chó, bán cả cái Tý, thậm chí phải chịu nhục nhã chứng kiến cảnh con ăn cơm thừa của chó. Rồi chị phải bỏ công sức cấy ruộng không công cho nhà Nghị Quế để “đóng triện”, bù tiền thuế. Vậy mà bọn chúng vẫn không hiểu cho gia cảnh của chị, cứ nhất quyết phải bắt và hành hạ cả nhà chị.

Cũng chính giai đoạn này đã cho thấy được những chuyển biến rất ngoạn mục trong tâm trạng của chị Dậu. Đây cũng chính là phân đoạn đắt giá nhất trong đoạn trích, thể hiện tâm thế “tức nước vỡ bờ” khi con người đã chịu phẫn uất đến tột cùng, không còn gì để mất. Đồng thời cũng mở ra tình huống khác bi kịch hơn, đến mức tác giả phải nhận xét ở cuối truyện “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị …”.

Thông qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” ta có thể nhận thấy rằng tác giả cũng dành sự cảm thông và đồng tình với hành động và những chuyển biến tâm lý phức tạp, “tiến thoái lưỡng nan” của chị Dậu.

Tác giả đã dùng từ “hắn” để thể hiện nhân vật cai lệ và người nhà lí trưởng trong đoạn trích, cho thấy Ngô Tất Tố cũng đang cảm thấy căm phẫn cho số phận bi thương của người dân nghèo bị bọn thực dân thống trị, và bọn tay sai bán nước cầu vinh, quên đi tình nghĩa đồng bào ruột thịt , mất đi nhân tính chỉ vì chút danh lợi phù phiếm, hão huyền.

Qua đó, nhà văn Ngô Tất Tố đã miêu tả thực tế và phản ánh hoàn cảnh của xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Thời điểm nhiễu nhương, bọn thống trị đang tìm mọi cách đồng hóa và lợi dụng người dân triệt để, đồng thời dùng chức danh ảo để gây chia rẽ tình đồng bào, dễ dàng thống trị và xâm chiếm mà không mất nhiều công sức.

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố không những khiến ta thấy được hình ảnh thực tế đầy đau thương của Việt Nam những năm 1930-1945 qua ngòi bút chân thực và sâu sắc của ông. Đồng thời cũng khiến ta đồng cảm và cảm phục trước nhân vật chị Dậu- người phụ nữ chịu thương chịu khó, thương chồng thương con nên sẵn sàng chịu nhục trước bọn thống trị gian ác, nhưng cuối cùng cũng phải vùng lên để bảo vệ những điều quan trọng nhất của mình.

Thuyết minh tức nước vỡ bờ mẫu 2

Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực xuất sắc với tiểu thuyết “Tắt đèn” – “một thiên tiểu thuyết hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác” (Vũ Trọng Phụng, Báo Thời vụ, 1939). Một trong những nét thành công của tác phẩm là đã thể hiện được sự tàn ác, dã man của bọn thống trị và sự phản kháng mạnh mẽ của người nông dân.

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” sẽ làm rõ phần nào thành công của ngòi bút tác giả.

Trước hết, cần phải nắm được vị trí của đoạn trích này.

Chị Dậu đã phải đem con và chó sang nhà Nghị Quế bán để nộp sưu. Anh Dậu vẫn không được tha vì còn thiếu suất sưu của chú Hợi. Khi anh bị ngất ở ngoài đình, bọn chức sắc đem “cái xác” của anh về nhà. Chị Dậu và làng xóm cứu anh Dậu tỉnh lại. Chị đi vay được đấu gạo về nấu cháo, muốn chồng ăn được ít cháo đã rồi mới tính chuyện trốn tránh.

Cai lệ và người nhà lí trưởng đến thúc sưu nhà anh Dậu được tác giả miêu tả “ sầm sập tiến vào với những roi mây, tay thước và dây thừng”. Chúng hùng hổ, thị oai. Không chỉ nói bằng lời, chúng còn mang theo roi mây, tay thước và dây thừng, những công cụ để đánh đập, bắt trói.

Cai lệ “sầm sập tiến vào”, y ra oai bằng cách “gõ đầu roi xuống đất”. Kèm theo là tiếng thét: “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau”. Rồi là “trợn ngược hai mắt, hắn quát”, rồi “giọng vẫn hầm hè” hắn đe dọa. Thêm một bước nữa, hắn lệnh cho người nhà lí trưởng trói anh Dậu. Khi anh này sợ không dám hành hạ một người ốm nặng thì “ Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu”. Chị Dậu van xin thì hắn đánh chị, tát chị và cứ định nhảy vào anh Dậu mà hành hung.

Có thể thấy rằng cai lệ hung hăng như một con chó dại. Y cậy quyền nên chửi bới, thét lác, xưng hô rất thô lỗ. Y không mảy may động lòng thương người chết đi sống lại, hiện vẫn còn ốm đau. Y coi việc đánh đập, trói người như là niềm thích thú…(nên nhớ rằng chính cai lệ đã bắt trói anh Dậu., đánh cái Tí khi em van xin cho bố, định “trừng phạt nốt” thằng Dần, đấm chị Dậu ngã xuống đất ở chương IV). Cai lệ là một tên tay sai tàn ác, táng tận lương tâm.

Người nhà lí trưởng là một kẻ tay sai ở nông thôn. Y không có chức quyền gì. Thậm chí, y cũng là một người nghèo (Chị Dậu từng năn nỉ: “Bạn nghèo với nhau, bác nói khéo với ông lí giúp tôi” – chương XVII). Làm tay sai cho bọn thống trị, anh ta cũng hách dịch, hoạnh họe. Khi anh Dậu “lăn đùng ra đó, không nói được câu gì” thì anh ta không động lòng thương lại còn mai mỉa.

Có điều khác cai lệ là anh ta sợ vạ nên “không dám hành hạ một người ốm nặng”. Và khi bị chị Dậu lẳng “ngã nhào ra thềm” thì không “lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu” như quan thầy, mà chỉ “vừa thở vừa chửi chị Dậu, không dám động đến thân thể chị nữa” (câu này dẫn theo tác phẩm). Người nhà lí trưởng “nhát” hơn tên cai lệ, nhưng cũng ác không kém gì hắn. việc làm tay sai đã làm cho anh ta trở nên xấu xa, tàn ác.

Mối quan tâm lớn nhất của chị Dậu là làm sao cho chồng ăn được ít cháo cho đỡ xót ruột. Vì anh Dậu đã “nhịn suông từ sáng hôm qua”, lại đang ốm, nên phải gắng để cho anh ăn. Trước sự thét mắng, quát tháo của cai lệ và người nhà lí trưởng, chị Dậu cố nhịn. Chị “run run”, chị “vẫn cố thiết tha” trình bày hoàn cảnh. Chị nhún nhường gọi chúng bằng “ông”, xưng là “cháu”. Chị phải làm như vậy vì biết thân phận mình, hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình…Chị chỉ mong chúng động lòng thương mà tha cho chồng, không đánh trói, hành hạ anh. Nhưng van xin không được, can ngăn không xong, cự lại bằng lời cũng vô ích. Kẻ cậy quyền vẫn cứ hung hăng. Cai lệ đánh chị (y đã từng đấm ngã chị trước đây) và cứ thế, xông vào hành hung anh Dậu đang đau ốm. Đến đây thì sự chịu đựng, dồn nén đã đến cực điểm. Thế là chị Dậu buộc phải đánh tên cai lệ để cứu chồng. Có thể thấy được quá trình hành động rất phù hợp với diễn biến tâm lí của chị Dậu: Từ van xin đến cãi lại bằng lời, từ cự lại bằng lời đến dùng sức mạnh chống lại. Từ nhũn nhặn xưng hô “hai ông” với “cháu”, “nhà cháu”, đến “tôi” với “ông” (chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ) và cuối cùng là “mày” và “bà” (Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!).

Kết cục là hai tên tai sai đã bị chị Dậu “xô ngã chỏng quèo” và lẳng “ngã nhào ra thềm”.

Người đàn bà có sức mạnh to lớn như vậy vì đó là sức mạnh của lòng căm hờn và uất hận bị dồn nén. Chị đã phải bán chó, bán con với giá rẻ mạt, tận mắt chứng kiến cảnh tủi nhục khi con phải ăn cơm thừa của chó. Chị phải bù tiền trả thiếu của nhà Nghị Quế, cấy không công hàng mẫu ruộng để xin được “đóng triện”…Chị phải mất bao nhiêu cố gắng mới cứu chồng tỉnh lại, mà viên cai lệ cứ nhất định hành hung.

Sức mạnh phản kháng của chị Dậu còn bắt nguồn từ tình thương chồng, thương con. Chị đã xoay xở mọi bề để cứu chồng. Tình yêu thương đã làm cho chị dám liều: “Thà bị ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”.

Hành động dã man của viên cai lệ là nguyên nhân trực tiếp làm cho sức chịu đựng của chị Dậu quá mức. Vì thế nên “tức nước vỡ bờ”. Chị đã vùng lên đánh cho hai tên tay sai một trận nhớ đời.

Nhà văn đã bộc lộ sự cảm thông, đồng tình của mình đối với gia đình chị Dậu. Dù cố gắng khách quan, ông vẫn không giấu sự căm giận đối với tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Ông gọi cai lệ và người nhà lí trưởng bằng “hắn”. Khi cai lệ bị xô ngã, ông kín đáo hả hê bằng sự miêu tả: “hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn lảm nhảm thét…”. Tên người nhà lí trưởng cũng vậy. Thật chẳng đẹp đẽ gì khi hắn bị ông tả “lóp ngóp bò dậy, hắn chỉ vừa thở, vừa chửi chị Dậu, không dám động đến thân thể chị nữa”.

Thái độ của nhà văn là một thái độ nhân hậu, tiến bộ. Ông đã đứng về phía những người cùng khổ, đồng tình với họ. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”.

Đoạn trích thể hiện sự quan sát tinh tế và miêu tả sinh động của nhà văn. “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với cai lệ là một đoạn tuyệt khéo, rất đúng với tâm lí dân quê” (Vũ Ngọc Phan).

Nhà văn đã miêu tả sắc sảo những tên tay sai đầu trâu mặt ngựa. Cùng tàn ác, cùng không có tình người, nhưng cai lệ và người nhà lí trưởng mỗi tên mỗi vẻ. Cách mỗi tên đánh nhau với chị Dậu cũng khác nhau. Cùng bị chị Dậu đánh ngã, nhưng một tên thì cố lảm nhảm thét trói, còn tên kia thì sợ không dám động đến thân thể chị nữa.

Sự diễn biến và thay đổi tâm lí của chị Dậu được miêu tả hợp lí và sâu sắc. Như một mạch nước càng lúc càng đầy, khi đến đỉnh điểm thì nước tràn, bờ vỡ. Người đàn bà từng nhẫn nhục van xin, chịu mắng, chịu đánh vùng lên đánh trả, đánh đích đáng những kẻ ức hiếp mình.

Thuyết minh đoạn trích Tức nước vỡ bờ mẫu 3

"Tắt đèn" là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của Ngô Tất Tố, cây bút truyện kí tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Tác phẩm có 26 chương mà chương XVIII là chương xảy ra xung đột cơ bản nhất của người nông dân với bọn cường hào ác bá trong làng. Qua “Tức nước vỡ bờ" (một đoạn trích của chương XVIII), Ngô Tất Tố đã vẽ lên bức tranh xã hội đương thời, một xã hội thối nát tàn bạo và bẩn thỉu ghê tởm. Cái xã hội thực dân phong kiến đã đày đọa người nông dân đến đường cùng mà biểu hiện trong "Tức nước vỡ bờ" chính là tên cai lệ hống hách, tàn ác; bọn người nhà lý trưởng hèn yếu mà cũng dã man không kém. Chúng như những con chuột ma ranh cố mà đục, mà khoét. Từ những của cải vật chất nhỏ nhoi của người nông dân đến những người sức lực điền mạnh mẽ nay chỉ còn là những hơi tàn sức kiệt chúng vẫn không buông tha, vẫn "dai như đỉa" mà hành hạ.

Cũng qua vài trang ngắn ngủi mà đậm nét chân thực, sinh động của "Tức nước vỡ. bờ", Ngô Tất Tố đã lên án gay gắt, căm ghét tột cùng cái xã hội thực dân phong kiến tàn ác, dã man kia để cho một kết thúc chị Dậu quật ngã tên cai lệ và người nhà lý trưởng; đồng thời tác giả cũng bày tỏ một sự cảm thông sâu sắc chân thành với số phận cùng quẫn, bi thương của người nông dân mà cụ thể là chị Dậu. Ôi! Cái gia đình đầm ấm yên vui của chị đã bị chính sách sưu thuế ác nghiệt kia làm cho tan nát. Số phận và tiền đồ của chị thật tối tăm như bầu trời đêm 30 không trăng sao vậy.

Không chỉ lên án gay gắt xã hội thực dân phong kiến, cảm thông sâu sắc với người nông dân, Ngô Tất Tố còn đề cao những nhân phẩm cao quý của họ với những nét đẹp truyền thống tiềm tăng: phẩm chất thương yêu chồng con tha thiết của chị Dậu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người chồng ốm yếu; phẩm chất thanh cao "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" không hám danh lợi tiền tài của chị và đặc biệt là sức sống tiềm tàng đã ấp ủ bấy lâu trong lòng người phụ nữ nông dân đã bùng cháy đúng lúc để cứu chồng thoát khỏi nanh vuốt của lũ hùm sói cai lệ và người nhà lý trưởng. Và cuối cùng qua "Tức nước vỡ bờ" Ngô Tất Tố đã quan tâm đến vấn đề hết sức bức thiết trong cuộc sống đương thời, đó là nhu cầu được sống những ngày bình yên, được hưởng hạnh phúc trong mái ấm gia đình bình dị của người nông dân. Đặc sắc nghệ thuật trong "Tức nước vờ bờ" của Ngô Tất Tố thực sự làm chúng ta khâm phục. Nhà văn đã xây dựng một nhân vật chị Dậu điển hình, là tượng trưng cho tất cả những người phụ nữ nông dân với những phẩm chất cao đẹp, đáng quý nhất của loài người chúng ta. Và đặc biệt nhà văn đã sử dụng những lời lẽ hết sức dân dã, đời thường mà sinh động, chân thực, làm chúng ta như đang sống giữa cuộc sống bất công đương thời để chứng kiến những điều ngang trái. Và chính sự kết hợp tài tình giữa 3 phương thức: tự sự, miêu tả và biểu cảm để làm nổi bật tình huống mâu thuẫn cơ bản của tác phẩm giữa hai giai cấp đối kháng đã thực sự thể hiện tài năng tiểu thuyết xuất chúng của Ngô Tất Tố.

"Tức nước vỡ bờ" nói riêng và "Tắt đèn" nói chung sẽ mãi là một tác phẩm đặc sắc trong nền văn học hiện đại nước ta. Nó đã có những thành công vang dội và ảnh hưởng rõ rệt đến xã hội đương thời. Song vẫn còn có những hạn chế nho nhỏ. Nhưng "Tức nước vờ bờ", "Tắt đèn'' sẽ luôn là một tuyệt tác để chúng ta khâm phục và nhớ đến Ngô Tất Tố - nhà văn hiện thực xuất sắc.

................................

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Thuyết minh về tác phẩm Tức nước vỡ bờ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà chúng tôi đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
50 28.422
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 8 Sách mới

Xem thêm