Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai.

2. Thân bài

a. Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên

Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích là 70.548ha, trong đó phần diện tích thuộc Đồng Nai: 39.108ha. Trụ sở Vườn Quốc gia Cát Tiên đặt tại huyện Tân Phú, Ðồng Nai.

Hệ thực vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên: có 1.610 loài, với thành phần chiếm ưu thế thuộc họ sao dầu, họ đậu và họ tử vi; được chia thành 5 kiểu rừng chính: Rừng lá rộng thường xanh, Rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá, Rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, Rừng tre nứa thuần loài, và Thảm thực vật đất ngập nước.

Hệ động vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên: Thú có 113 loài, quý hiếm là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam bộ. Chim có 351 loài, chiếm 42,39% tổng số loài chim của Việt Nam (828 loài), quý hiếm là: hạc cổ trắng, công, già đẫy java, quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, gà so cổ hung, gà tiền mặt vàng, chích chạch má xám.

Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Cát Tiên có khí hậu độc đáo. Địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi quy tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ.

b. Những giá trị của Vườn quốc gia Cát Tiên

Ngày 10 tháng 11 năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 trên thế giới.

Ngày 04 tháng 8 năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban thư ký Công ước Ramsarcông nhận và đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Vườn quốc gia Cát Tiên cũng là nơi cư trú của 2 cộng đồng dân tộc là Mạ và Stiêng với những nếp sinh hoạt và bản sắc văn hóa truyền thống.

Tại đây còn tìm thấy quần thể Di chỉ khảo cổ học có giá trị cao, kéo dài trên 10km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, với những thành phần kiến trúc của đền thờ có từ ngàn xưa.

3. Kết bài

Khái quát lại những giá trị to lớn của Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai và liên hệ bản thân.

Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai mẫu 1

Vườn Quốc gia Cát Tiên được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên và Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng. Diện tích khu vực trung tâm của vườn là 71.920 ha, trong đó, 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.

Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu vực hiện bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm; là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng – môi trường sống duy nhất (hiện còn) của loài tê giác một sừng ở Việt Nam, khu vực Đông Dương cũng như trên thế giới. Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng: rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và ngập nước.

Địa hình tự nhiên xen kẽ các đầm, bầu, suối, cộng với hơn 90km sông Đồng Nai đã tạo nên cảnh quan đặc trưng cho vườn Cát Tiên, với những ghềnh, thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước,… Những dấu tích về địa chất, địa mạo minh chứng cho quá trình biến đổi của thiên nhiên ở khu vực này hàng triệu năm trước. Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, đã được UNESCO ghi danh.

Theo số liệu thống kế, trong Vườn Quốc gia Cát tiên có 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008). Đặc biệt, có 3 loài và phân loài thuộc đặc hữu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam Bộ.

Phần lớn diện tích của Cát Tiên nằm trong vùng địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Nam Bộ, bao gồm các kiểu địa hình đặc trưng của phần cuối dãy Trường sơn và địa hình vùng Đông Nam Bộ. Vườn có hệ sinh thái đất ngập nước nội địa ven sông, một loại đất ngập nước rất độc đáo của Việt Nam và thế giới; bao quanh đất ngập nước là rừng tự nhiên, bao gồm sông, suối, thác, ghềnh, thung lũng, bàu, đầm lầy và các vùng bán ngập nước…

Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1997. Trong khu vực Cát Tiên có nhiều địa điểm cảnh quan đẹp, như thác Trời, thác Bến Cự, thác Dựng, thác Mỏ vẹt, thác Nơkrót – Nơkrót… Một trong số những hệ sinh thái nổi bật ở đây là hệ thống sông và các bàu. Sông Đồng Nai, có diện tích lưu vực là 40.800 km2; đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên dài khoảng 90km. Suối Đắc Lua dài khoảng 20 km, gom nước từ các bàu ra sông. Bàu Sấu là bàu lớn nhất, có diện tích mặt là 92,63 ha.

Trong bàu có khoảng 100 cá thể cá Sấu Xiêm. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của loài cá lăng nổi tiếng. Bàu Cá là hồ nước tự nhiên, có diện tích mặt nước 74,3 ha. Bàu Bèo có diện tích 23,92 ha. Xung quanh bàu được bao bọc bởi nhiều cây gỗ lớn… Trong khu vực Cát Tiên còn có diện tích đồng cỏ khá rộng, nơi bảo tồn các loài thú lớn quý hiếm (bò tót, hoẵng), được bảo vệ tốt, hầu như không có tác động của con người.

Về hệ thực vật của khu vực Cát Tiên: Nổi bật là rừng thường xanh lá rộng, với diện tích 17.819 ha, nơi có các loài thực vật chủ yếu thuộc họ dầu, như dầu rái, dầu lông,… cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai, gõ, giáng hương,… và các loài gỗ lớn…; rừng thường xanh nửa rụng lá có diện tích 5.097 ha, gồm những loài cây gỗ rụng lá vào mùa khô, như bằng lăng ổi, râm,….

Các loài cây gỗ lớn rụng lá và hồi lại vào mùa mưa; rừng cây gỗ xen tre nứa có diện tích 14.361 ha…; rừng tre nứa thuần loại có diện tích 29.805 ha, được hình thành dưới tác động của con người, với các loài tre Lồ Ô, mum, tre gai (la ngà); thảm thực vật ngập nước và bán ngập nước có diện tích 3.516 ha, phân bố chủ yếu ở vùng trung tâm khu vực Nam Cát Tiên.

Các dấu tích khảo cổ học cho thấy, trong khu vực này đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ. Trong lịch sử, khu vực Cát Tiên và vùng phụ cận là không gian cư trú của nhiều dân tộc thiểu số: Mạ, Chơro, S’Tiêng, Mnông, Tày, Nùng, H’mông, Dao, Hoa, Mường, Ê đê,… Các dân tộc này hiện còn bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc, như lễ hiến tế trâu của người S’Tiêng và Mạ, lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) của dân tộc Chơro, lễ mừng lúa mới của dân tộc S’Tiêng và Mnông… và nhiều phong tục, tập quán, nghề thủ công cần được nghiên cứu, bảo tồn.

Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được 12 di chỉ khảo cổ học dạng gò (vốn là phế tích những đền, tháp) trong khu vực Cát Tiên, cùng nhiều hiện vật, phế tích kiến trúc khác. Tại di tích Gò 1, nằm trên “Đồi Khỉ” (cao khoảng 50m) đã phát hiện được phế tích kiến trúc bằng gạch, gồm tháp thờ, tiền sảnh và kiến trúc ở hai bên đường phía trước…

Trong khu vực này cũng đã tìm được một tượng Ganesa, gạch, đá, ngẫu tượng Linga – Yoni, Linga nhỏ bằng thạch anh đặt trên Yoni bằng đồng, hai Linga bằng cuội sông với Yoni bằng gạch, Linga nhỏ bằng vàng,…

Từ góc độ bảo tồn di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, có thể nhận thấy, vườn Quốc gia Cát Tiên bao hàm các mặt giá trị cơ bản sau:

Vườn Quốc gia Cát Tiên là một khu vực cảnh quan đẹp, còn duy trì được hệ sinh thái ngập nước nhiệt đới, có hệ động, thực vật phong phú, với lịch sử địa chất hàng trăm triệu năm. Mặt khác, tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được quốc tế công nhận và khẳng định (Khu Dự trữ sinh quyển thế giới – năm 2001; Khu hệ đất ngập nước bàu Sấu được ghi tên vào danh sách Ramsar năm 2005).

Đây chính là cơ sở cho việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác các giá trị cảnh quan để phát triển du lịch, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Trong khu vực Vườn Quốc gia Cát tiên và vùng phụ cận đã phát hiện được nhiều di chỉ, di tích khảo cổ, với niên đại khá sớm, trải dài nhiều thế kỷ. Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học, bước đầu có thể khẳng định: trong khu vực này ít nhất đã từng tồn tại một nền văn hóa hưng thịnh từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau CN.

Ngoài ra, khu vực Cát Tiên còn là địa bàn luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, khám phá những bí ẩn về thế giới thiên nhiên và hệ sinh thái, là trường học thực tế quan trọng trong việc nghiên cứu về hệ động, thực vật, địa chất, địa mạo cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới.

Thuyết minh về Vườn quốc gia Cát Tiên mẫu 2

Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích là 70.548ha, trong đó phần diện tích thuộc Đồng Nai: 39.108ha; phần diện tích thuộc tỉnh Lâm Đồng: 26.969ha; phần diện tích thuộc tỉnh Bình Phước: 4.469ha. Trụ sở Vườn Quốc gia Cát Tiên đặt tại huyện Tân Phú, Ðồng Nai.

Khu vườn có cảnh thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên.

Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên các hòn đảo chạy dài theo con nước. Trên đảo, cây cổ thụ mọc xen với đám cỏ rộng có thể làm nơi cắm trại, đốt lửa đêm lý tưởng. Dọc ven sông, theo lộ chính về phía tay trái là toàn bộ các kiểu rừng già, hỗn giao của các loại cây gỗ quý: gõ, giáng hương, trắc, cẩm lai, gụ... Bên phải của con đường rừng là thác trời, một ghềnh thác kỳ thú nhất của Cát Tiên. Tiếp tục băng rừng, qua các thung lũng sâu sẽ đến Bàu Sấu, nơi chứa nước rộng nhất, nằm ở khu trung tâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Lòng bàu chứa nhiều loại cá, đặc biệt có cả cá sấu nước ngọt. Ven bàu là nơi tập hợp của nhiều đàn chim lớn như công, trĩ, gà lôi, sếu, giang, mòng, két, le le, cù đen...

Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng NaiCát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Cát Tiên có khí hậu độc đáo. Địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Ðây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. Rừng có nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gỗ đỏ. Hệ thực vật có hơn 1.362 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, 133 loài hoa phong lan...

Về động vật có 62 loài thú, 121 loài chim, có những loài chim quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác một sừng, voi...

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một đền thờ vật linh thuộc nền văn hoá Phù Nam trên đỉnh ngọn đồi A1 (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Ðồng) tại khu vực đầu nguồn sông Ðồng Nai. Ðó là khu đền thờ được xây bằng gạch thô, bệ, khung diềm cửa, cột trụ bằng đá xanh granit chạm trổ hoa văn, các Linga bằng vàng hoặc bằng vàng bịt bạc, một Linga - Yoni cao 2,1m, đường kính 0,7m bằng đá xanh mài bóng, lớn nhất Ðông Nam Á cùng hơn một trăm miếng vàng có chạm hình mô tả cảnh sinh hoạt thời đó: các vũ nữ, chiến binh, voi, bò, hoa sen...

Vườn Quốc gia Cát Tiên cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 150km theo quốc lộ 20. Cát Tiên là một điểm du lịch sinh thái và văn hoá hấp dẫn của vùng miền Ðông Nam Bộ với nhiều loại hình du lịch như đi bộ, quan sát chim thú, cắm trại, du thuyền, du lịch mạo hiểm…

Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai mẫu 3

Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích là 70.548ha, trong đó phần diện tích thuộc Đồng Nai là 39.110ha, thường gọi Nam Cát Tiên, tại đây đặt trụ sở Vườn và cũng là nơi đón tiếp khách du lịch; phần diện tích thuộc tỉnh Lâm Đồng là 26.969ha; phần diện tích thuộc tỉnh Bình Phước là 4.469ha. Vườn quốc gia Cát Tiên nằm giữa 2 vùng địa lý từ vùng cao nguyên Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam Bộ, hội tụ được các luồng hệ động-thực vật đa dạng và phong phú.

Hệ thực vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên: có 1.610 loài, với thành phần chiếm ưu thế thuộc họ sao dầu, họ đậu và họ tử vi; được chia thành 5 kiểu rừng chính: Rừng lá rộng thường xanh, Rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá, Rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, Rừng tre nứa thuần loài, và Thảm thực vật đất ngập nước. Có thể kể tên một số loài cây quý hiếm có tên trong sách đỏ như: gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai nam, cẩm lai vú, giáng hương...

Hệ động vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên: Thú có 113 loài, quý hiếm là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam bộ. Chim có 351 loài, chiếm 42,39% tổng số loài chim của Việt Nam (828 loài), quý hiếm là: hạc cổ trắng, công, già đẫy java, quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, gà so cổ hung, gà tiền mặt vàng, chích chạch má xám.

- Bò sát có 109 loài, quý hiếm là: cá sấu Xiêm, trăn gấm, trăn đen... Lưỡng cư có 41 loài, quý hiếm là: cóc mắt chân dài, cóc rừng, chàng andecson... Côn trùng có 756 loài, gồm 450 loài bướm, chiếm hơn 50% tổng số loài bướm ở Việt Nam, quý hiếm là: bướm phượng cánh sau vàng, và bướm phượng cánh kiếm. Cá nước ngọt có 159 loài.

Vườn quốc gia Cát Tiên còn có nhiều kiểu địa hình xen kẽ các bàu, đầm, các hệ suối, cộng với hơn 90km chiều dài sông Đồng Nai đã tạo nên những cảnh quan đặc trưng với những ghềnh thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước... Đặc biệt là khu vực Bàu Sấu rộng lớn và độc đáo, một điểm tham quan lý thú.

Ngày 10 tháng 11 năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 trên thế giới. Ngày 04 tháng 8 năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban thư ký Công ước Ramsarcông nhận và đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Vườn quốc gia Cát Tiên cũng là nơi cư trú của 2 cộng đồng dân tộc là Mạ và Stiêng với những nếp sinh hoạt và bản sắc văn hóa truyền thống. Tại đây còn tìm thấy quần thể Di chỉ khảo cổ học có giá trị cao, kéo dài trên 10km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, với những thành phần kiến trúc của đền thờ có từ ngàn xưa.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8.

Đánh giá bài viết
20 21.327
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm