Tổng hợp câu hỏi thi tình huống hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" cấp mầm non

Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" không chỉ thể hiện được sự duyên dáng và tài ứng biến nhanh nhạy của các cô giáo tiểu học, mà còn là dịp để tôn vinh sự sáng tạo; khơi dậy và phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương quý mến học trò của đội ngũ các nhà giáo. Dưới đây là Tổng hợp câu hỏi thi tình huống hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" cấp mầm non dành cho các thầy cô tham khảo.

Câu hỏi thi tình huống hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng cấp Mầm non

Câu hỏi 1:

Trong giờ học hát, có trẻ hát ngọng chữ n với l nếu là giáo viên lớp đó cô xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Cô hát chuẩn lại lời câu hát đó chậm rãi để trẻ lắng nghe.

- Cô cho trẻ hát lại câu đó cùng với cô

- Cô cho trẻ hát lại câu hát đó

- Cho trẻ hát lại cùng các bạn khác

- Động viên trẻ kịp thời khi trẻ hát đúng

- Cô chú ý sửa sai cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, mỗi khi thấy trẻ nói ngọng n với l

Câu hỏi 2: Trong lớp có trẻ cân nặng cao hơn so với tuổi (béo phì) nhưng cháu lại ăn rất nhiều. Trong trường hợp này bạn xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Điều chỉnh chế độ ăn của trẻ bằng cách cho trẻ ăn tăng cường canh, rau thêm ngoài khẩu phần ăn của trẻ như các bạn trong lớp (hạn chế cho trẻ ăn thức ăn có nhiều tỉ lệ bột đường và chất béo).

- Chú ý cho trẻ tham gia nhiều các hoạt động thể chất để cơ thể trẻ vận động tiêu hao năng lượng dư thừa.

- Phối kết hợp với phụ huynh cùng thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa bệnh thừa cân, béo phì cho trẻ.

Câu hỏi 3: Có trẻ trong lớp quá hiếu động, không chú ý nghe cô dạy, tổ chức chơi. Cô cần xử lý trương hợp này như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Thu hút trẻ vào hoạt động của cô bằng các cách hợp lý (đặt câu hỏi, giao nhiệm vụ và tạo nhiều cơ hội cho trẻ hoạt động).

- Thường xuyên quan tâm và tìm biện pháp giáo dục đặc biệt đối với trẻ.

Câu hỏi 4: Sắp đến giờ ra về, cô giáo nhắc các cháu cất đồ chơi vào chỗ quy định. Cô giáo quan sát thấy một cháu trong khi dọn đồ chơi đã lén nhét vào túi quần vài cái đồ chơi nhỏ. Là cô giáo, lúc đó bạn xử lý như thế nào?.

Gợi ý trả lời:

- Khéo léo nhắc nhở trẻ, giải thích cho trẻ hiểu đó là hành vi không nên làm.

- Có biện pháp giáo dục để hình thành ở trẻ có những hành vi tốt (biết hỏi ý kiến mọi người khi muốn mượn đồ dùng, đồ chơi..., biết chân thành bày tỏ ý thích của mình).

Câu hỏi 5: Có một vài trẻ trong lớp kén món ăn, không chịu ăn hết xuất. Cô giáo nên xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời

- Bằng nhiều hình thức tạo hứng thú cho trẻ với các món ăn mà trẻ không thích (Qua câu chuyện kể, trang trí món ăn tạo sự hấp dẫn cho trẻ)

- Động viên, khuyến khích trẻ tập ăn được nhiều các loại thực phẩm khác nhau.

- Phối kết hợp với phụ huynh cho trẻ tập ăn nhiều loại thực phẩm khi trẻ ở nhà.

Câu hỏi 6: Có một học sinh mới hôm nào tới lớp cũng khóc. Phụ huynh thắc mắc với giáo viên không hiểu lí do gì mà cháu không thích đi học. Bạn sẽ giải quyết tình huống này thế nào?

Gợi ý trả lời:

Với những học sinh mới khi nhận cháu vào lớp giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh về sức khỏe, tâm sinh lí của trẻ. Khi phụ huynh phản ánh cháu không thích đi học tôi sẽ trò chuyện, trao đổi cởi mở với phụ huynh: Mỗi một đứa trẻ đều có sự thích nghi hoàn cảnh khác nhau. Khi con đi học là con tới một môi trường mới, ở trường cái gì cũng mới, lạ với trẻ. Cô mới, bạn mới nên trẻ chưa quen hòa nhập, thích nghi còn chậm. Mặt khác có thể do con nhút nhát, chưa mạnh dạn tự tin. Chính vì vậy con cần có thời gian để thích nghi dần nên anh (chị) yên tâm cho con đi học đều. Bên cạnh việc giải thích với phụ huynh giáo viên phải chú ý quan tâm, trò chuyện, vỗ về trẻ để trẻ có cảm giác mình được yêu thương, che chở. Động viên các bạn cùng chơi với trẻ, tổ chức các giờ học, giờ chơi thú vị sẽ làm cho trẻ hứng thú thích được đi học. Trẻ có cảm giác mỗi ngày đi học là một ngày vui.

Câu hỏi 7:

Trong lớp có trẻ suy dinh dưỡng, là GV lớp đó, bạn sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời:

- Quan tâm trẻ hơn trong mọi hoạt động ở nhà trường đặc biệt trong hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

- Thực hiện nghiêm túc công tác cân và theo dõi cân nặng cho trẻ

- Tuyên truyền kết hợp với phụ huynh trong công tác bổ sung chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại gia đình.

CÂU HỎI THI HIỂU BIẾT VÀ ỨNG XỬ SƯ PHẠM VÀ ĐÁP ÁN

HỘI THI “CÔ GIÁO TÀI NĂNG DUYÊN DÁNG”

CẤP HỌC MẦM NON NĂM HỌC 2015 - 2016

 

I- Phần thi hiểu biết:

Câu 1: Bạn hãy trình bày các tiêu chí về đạo đức nhà giáo trong việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo làm một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo ”.Bạn đã làm gì để thực hiện tốt các tiêu chí về đạo đức nhà giáo góp phần thực hiện cuộc vận động này?

Gợi ý đáp án:

- Trình bày được các tiêu chí về đạo đức nhà giáo (Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định đạo đức nhà giáo gồm 4 tiêu chí lớn là:

+ Phẩm chất chính trị

+ Đạo đức nghề nghiệp

+ Lối sống, tác phong

+ Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo

- Liên hệ bản thân. Luôn có ý thức, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tác phong, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.

Câu 2: Bạn hiểu thế nào về các tiêu chí xây dựng nhà giáo mẫu mực trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” do Công đoàn Ngành và Sở GD&ĐT Hà Nội phát động.

Gợi ý đáp án:

- Nêu được các tiêu chí về nhà giáo mẫu mực và phân tích nội dung các tiêu chí

+ Phẩm chất tốt: Yêu nước, yêu Thủ đô, yêu nghề, yêu trẻ, thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của nhà nước, quy định, quy chế của ngành. Có tinh thần tập thể, ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết. Có đạo đức trong sáng, tận tuỵ với nghề, gương mẫu, trung thực, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

+ Chuyên môn giỏi: Tích cực tham gia các sinh hoạt chuyên môn, đảm bảo ngày công lao động cao. Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới dạy học. Thường xuyên tham gia hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, thực hiện có chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, đúc kết sáng kiến kinh nghiệm, có ý thức học hỏi, được đồng nghiệp tin cậy. Chất lượng dạy học và công tác tốt, được học sinh và phụ huynh tin tưởng.Đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua hoặc Lao động giỏi cấp cơ sở trở lên.

+ Phong cách đẹp: Có nề nếp làm việc khoa học, lối sống lành mạnh, ứng xử giao tiếp văn hoá. Quan hệ tốt với đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Trang phục, tác phong, ngôn ngữ, cử chỉ thể hiện nếp sống thanh lịch của người Hà Nội, có tác dụng làm gương cho học sinh noi theo. Gia đình được công nhận là “Gia đình văn hoá”

- Liên hệ bản thân, đối chiếu với các tiêu chí và đề ra phương hướng phấn đấu.

Câu 3: Bạn hãy kể một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà bạn tâm đắc góp phần tuyền truyền việc thực hiện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Gợi ý đáp án:

- Kể được một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chi Minh, gắn gọn, cảm động.

- Nêu được ý nghĩa của câu chuyện.

Câu 4: Bạn hãy nêu mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Bản thân bạn và đơn vị đã làm gì để thực hiện cuộc vận động này?

Gợi ý đáp án:

Nêu được mục đích, ý nghĩa cuộc vận động:Vận động các nhà giáo trong các trường quan tâm, tham gia giúp đỡ học sinh có khó khăn.Tạo thành một hoạt động có sự tham gia đông đảo, thể hiện nét đẹp nhân ái và trách nhiệm vì học sinh thân yêu của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập giáo dục - đào tạo, hướng tới hoàn thiện chuẩn mực, đạo đức nhân cách nhà giáo.Chủ động, sáng tạo thực hiện, khuyến khích sự huy động các nguồn lực của nhà trường và xã hội tham gia, hỗ trợ, động viên, khích lệ hoạt động giúp đỡ học sinh có khó khănNêu được các hoạt động của nhà trường, kết quả các hoạt động: Đã ủng hộ bao nhiêu cháu, bao nhiêu giáo viên tham gia ủng hộNêu được các hoạt động của bản thân trong thực hiện cuộc vận động.

Câu 5: Bạn hãy trình bày hiểu biết của bạn về cuộc vận động “Ủng hộ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng bị thiên tai lũ lụt”. Liên hệ thực tế của bản thân và đơn vị bạn trong việc thực hiện cuộc vận động này.

Gợi ý đáp án:

- Nêu được một số hiểu biết về cuộc vận động ngắn gọn, xúc tích (là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn. Cuộc vận động được ngành GD&ĐT phát động từ năm học 2011 – 2012 nhằm hỗ trợ giáo dục cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn, bị bão lụt thiên tai được đến trường. Cuộc vận động đã tạo cơ hội cho các nhà trường giáo dục lòng nhân ái, thể hiện tính nhân văn cao cả của đội ngũ nhà giáo và học sinh Thủ đô, cụ thể hóa nét đẹp "Hà Nội vì cả nước" do Thành ủy và UBDN TP Hà Nội triển khai)

- Nêu được các hoạt động của bản thân và nhà trường trong thực hiện cuộc vận động, các kết quả đã đạt được, phương hướng trong thời gian tới.

Câu 6: Bạn hãy trình bày hiểu biết của bạn về cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Bản thân bạn đã làm gì để thực hiện tốt cuộc vận động này?

Gợi ý đáp án:

- Trình bày được các hiểu biết về cuộc vận động ngắn gọn. (Giáo dục Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước khởi xướng cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”. Xuất phát từ thực tế những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi đó Hà Nội đã sáp nhập thêm 6 quận huyện của Hà Tây và huyện Mê Linh của Vĩnh Phú, trong điều kiện đời sống khó khăn, nhiều giáo viên bỏ nghề. Để góp phần cùng chuyên môn trong việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ, Ban Chấp hành CĐGD Hà Nội khóa XVIII (1988 – 1993) đã thống nhất mở cuộc vận động xây dựng phong cách giáo viên Hà Nội và lấy khẩu hiệu vận động là “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Khẩu hiệu ra đời nhằm nhắc nhở, định hướng cho giáo viên, cho mỗi nhà trường trong điều kiện khó khăn thế nào cũng phải “Thi đua dạy tốt, học tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trước lúc đi xa. Nghĩa là nhà trường phải có kỷ cương, nền nếp, giáo viên phải đảm bảo giờ dạy trên lớp, không được bỏ trường, bỏ lớp tùy tiện. Giáo viên phải hết lòng thương yêu học sinh “Tất cả vì học sinh thân yêu”; “Mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Mặt khác cuộc vận động nhằm khích lệ thầy cô giáo nêu cao bản chất tốt đẹp của nghề dạy học, vững vàng trong điều kiện khó khăn, càng khó khăn càng phải thể hiện lòng yêu người, yêu nghề, thể hiện tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm trước kết quả đào tạo. Với ý nghĩa thiết thực đó, cuộc vận động đã được đông đảo giáo viên hưởng ứng, thực hiện.

- Nêu được các việc làm cụ thể của bản thân trong thực hiện cuộc vận động.

Câu 7: Bạn hãy trình bày hiểu biết của bạn về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Liên hệ thực tế của bản thân và đơn vị bạn trong việc thực hiện phong trào thi đua này.

Gợi ý đáp án:

Nêu được các hiểu biết về cuộc vận động ngắn gọn: Cuộc vận động được Bộ giáo dục và đào tạo phát động năm 2008.

- Mục tiêu: Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.

- Yêu cầu (có 5 yêu cầu)

a. Tập trung các nguồn lực để giải quyết dứt điểm những yếu kém về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được an toàn, thân thiện, vui vẻ.

b. Tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của học sinh trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng, với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo.

c. Phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục trong điều kiện hội nhập quốc tế.

d. Huy động và tạo điều kiện để có sự tham gia hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức, cá nhân trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh.

đ. Phong trào thi đua phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, sát với điều kiện ở cơ sở. Nội dung cụ thể của phong trào là do cơ sở tự chọn, phù hợp với điều kiện của nhà trường, làm cho chất lượng giáo dục được nâng lên và có dấu ấn của địa phương một cách mạnh mẽ.

- Nội dung (5 nội dung)

a) Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn

b) Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập.

c) Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh

d) Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh

đ) Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương

- Nêu được các hoạt động, kết quả đạt được của nhà trường và bản thân trong việc thực hiện gắn với mục tiêu và các nội dung của phong trào.

Câu 8: Bạn hãy kể tên 3 cuộc vận động do Công đoàn ngành & Sở GD&ĐT Hà Nội phát động trong những năm gần đây. Bạn thấy tâm đắc nhất với cuộc vận động nào?Vì sao?

Gợi ý đáp án:

- Kể tên ba cuộc vận động

- Nêu được cuộc vận động tâm đắc nhất và giải thích lý do

- Liên hệ thực tế bản thân

Câu 9: Để có thể vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà, các cô giáo đã phải rất cố gắng hoàn thành 2 nhiệm vụ này. Bạn hãy bật mí một số kinh nghiệm mà bạn đã làm để làm tròn 2 vai này.

Gợi ý đáp án:

- Giải thích thế nào là “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Giỏi việc trường là:Luôn thực hiện tốt quy chế chăm sóc- nuôi dưỡng-giáo dục trẻ.Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, hoàn thành tốt công việc cấp trên giao phó; có trình độ chuyên môn vững vàng, không ngừng học hỏi kinh nghiệm của chị em đồng nghiệp.Đam mê, tận tụy với công việc, yêu nghề, mến trẻ.Giỏi việc nhà là người phụ nữ đóng vai trò nòng cốt trong chăm lo đời sống tinh thần của gia đình, vừa là người mẹ mẫu mực, người vợ hiền, người con hiếu thảo, luôn tạo được bầu không khí ấm cúng, tích cực lành mạnh trong gia đình. Tổ chức gia đình ngăn nắp, chăm sóc dạy dỗ con cái ngoan ngoãn, bữa ăn gia đình đầy đủ dinh dưỡng, chi tiêu hợp lí. Luôn có tình thương và trách nhiệm đối với chồng con, bố mẹ, anh em trong gia đình, giữ gìn đức tín, phẩm chất tốt đẹp mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam.

- Liên hệ bản thân đối với việc thực hiện các tiêu chí “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

Câu 10: Hiện nay trên đài truyền hình Việt Nam có chương trình “Cặp lá yêu thương” để kêu gọi mọi người ủng hộ đóng góp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Trong lớp bạn chủ nhiệm cũng có một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học, cô giáo sẽ làm gì để giúp em không bị lỡ dở con đường học hành

Gợi ý đáp án:

- Giải thích hiểu biết về chương trình “cặp lá yêu thương” và ý nghĩa của chương trình. Chương trình “Cặp lá yêu thương” là dự án do Trung tâm tin tức VTV24 phối hợp với Bộ LĐTB-XH và NHCSXH thực hiện, trong đó Trung tâm tin tức VTV24 chủ trì làm đầu mối kết nối giữa các nhà hảo tâm (lá lành) và những người có hoàn cảnh khó khăn (lá chưa lành, ưu tiên học sinh nghèo vượt khó ở các tỉnh, thành phố) nhằm hình thành các “Cặp lá yêu thương” giúp nhau vượt qua gian khó.

- Liên hệ bản thân giải quyết tình huống tại lớp:

+ Tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn

+ Trao đổi với phụ huynh học sinh, động viên phụ huynh cố gắng khắc phụ khó khăn cho trẻ đi học

+ Trao đổi với BGH, Ban chấp hành công đoàn, Ban đại diện hội CMHS nhà trường để tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh.

+ Bản thân cô giáo hỗ trợ cho học sinh.

Câu 11: Thông tư20/2015/TTLT-BGDĐT-BNVQuy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non được ban hành ngày tháng, năm nào?Thông tư 20 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non có mấy hạng? Đối chiếu với các tiêu chuẩn phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên mầm non, bạn thấy mình được xếp vào hạng mấy? Hướng phấn đấu của bạn trong thời gian tới?

Gợi ý đáp án:

- Nêu được ngày tháng năm, ban hành: 14/9/2015.

- Nêu được các hạng, bậc chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên mầm non

- Nêu được hạng chức danh nghề nghiệp phù hợp với mình và giải thích vì sao.

- Nêu được hướng phấn đấu của bản thân để hoàn thành các nhiệm vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo hạng mà mình được xếp, hướng phấn đấu để nâng hạng cao hơn.

Câu 12: Thông tư 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định giáo viên mầm non hạng IV cần có những Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ như thế nào? Đối chiếu với các tiêu chuẩn đó, bạn thấy mình cần phấn đấu như thế nào?

Gợi ý đáp án:

Nêu được các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, năng lực chuyên môn của giáo viên hạng IV.

+ Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo:

- Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên;

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

+ Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn:

- Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các quy định và yêu cầu của Đảng, Nhà nước, ngành và địa phương về giáo dục mầm non;

- Thực hiện đúng chương trình giáo dục mầm non;

- Biết phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;

- Biết quản lý, sử dụng, bảo quản và giữ gìn có hiệu quả tài sản cơ sở vật chất, thiết bị của nhóm/lớp, trường.

- Nêu được trình độ năng lực của bản thân có đáp ứng được các tiêu chuẩn trên hay không? Hướng phấn đấu của bản thân để đạt được các tiêu chuẩn giáo viên hạng IV, và nâng hạng cao hơn.

II- Phần thi xử lý tình huống ứng xử sư phạm:

Câu 1: Một số phụ huynh học sinh đề nghị bạn dạy trẻ trước Chương trình lớp 1: dạy trẻ đọc, viết và có chấm điểm bài tập viết hàng ngày. Nếu bạn dạy ở lớp đó, bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Gợi ý đáp án:

+ Giải thích rõ cho cha mẹ hiểu chương trình giáo dục mầm non ở lớp giáo viên đã làm tốt việc chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về đọc, làm quen chữ cái, nhận biết số, chữ số từ 1 đến 10 cũng như những nề nếp, thói quen, tâm thế tốt cho trẻ vào học lớp 1.

+ Giải thích về tác hại của việc dạy trẻ trước chương trình lớp 1: Trẻ biết trước 1 chút so với các bạn có thể dẫn đến trẻ chủ quan, cho rằng mình đã biết nên không chú ý, tập trung vào học ở tiểu học hoặc dẫn đến sự nhàm chán ở trẻ khi đi học tiểu học. Đồng thời, để dạy trẻ tập đọc, tập viết, làm tính như ở tiểu học sẽ dẫn đến việc cho trẻ phải ngồi lâu dễ dẫn đến cận thị, cong vẹo cột sống... do sự phát triển tâm sinh lý của cơ thể trẻ ở giai đoạn lứa tuổi mầm non chưa cho phép.

+ Xuất phát từ những lý do trên, sẽ không nhận lời dạy thêm nội dung mà cha mẹ đề xuất, đồng thời củng cố lòng tin của cha mẹ bằng việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non ở trên lớp thật tốt.

Câu 2: Phụ huynh đến đón con nhìn thấy trẻ đang kê bàn ghế, phơi khăn mặt, lau và tưới cây cảnh. Phụ huynh tỏ ý không hài lòng. Trước tình huống này bạn giải quyết như thế nào?

Gợi ý đáp án:

- Giải thích cho phụ huynh về nội dung các hoạt động giáo dục trẻ mầm non theo chương trình giáo dục mầm non (có 4 nội dung: chơi, học, hoạt động lao động, ăn ngủ và vệ sinh cá nhân) trong các nội dung giáo dục có nội dung lao động

- Nêu tác dụng của lao động đối với trẻ. Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống, bên cạnh việc giáo dục kiến thức cho trẻ

- Liên hệ thực tế bản thân.

Câu 3: Có phụ huynh chiều con, hàng ngày khi đưa con đến lớp đều mua cho con kẹo, gói bim bim hoặc 1 thứ đồ chơi để trẻ cầm mang vào lớp trong khi các bạn khác không có. Bạn xử lý tình huống này như thế nào?

Gợi ý đáp án:

- Trao đổi với phụ huynh về chế độ ăn bán trú của trẻ tại trường mầm non (trẻ mẫu giáo được ăn hai bữa: 1 bữa chính và 1 bữa phụ, trẻ nhà trẻ được ăn hai bữa chính, 1 bữa phụ). Trẻ được cung cấp đầy đủ lượng calo theo quy định, thực đơn được xây dựng cân đối tỷ lệ các chất, hợp lý và khoa học.

- Phân tích đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non. Trẻ dễ bị chi phối, mất tập trung. Nếu trẻ cầm kẹo, đồ chơi, trẻ sẽ không tập trung vào tham gia các hoạt động trên lớp cùng cô và các bạn, làm ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp.

- Nêu tác hại của việc cho trẻ ăn bim bim và kẹo. Trẻ không ăn được hết xuất ăn của trẻ trên lớp, dễ bị mắc các bệnh về rặng, miệng...

Câu 4: Có một cô giáo trẻ, dạy giỏi trong trường, cô luôn hoàn thành tốt công tác chuyên môn của mình, nhưng khi phân công cô tham gia các phong trào văn nghệ thể thao hay các hoạt động tập thể thì cô đều từ chối với lí do không có năng khiếu về văn nghệ thể thao, bận việc gia đình. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Gợi ý đáp án:

- Tìm hiểu nguyên nhân tại sao giáo viên không tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao và các hoạt động tập thể

- Trao đổi với giáo viên đó về lợi ích, ý nghĩa của việc nên tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao và các hoạt động tập thể, tìm ra hướng khắc phục nguyên nhân không tham gia

- Giúp đỡ giáo viên đó theo khả năng của bản thân để giáo viên đó có thể tham gia các hoạt động và các phong trào

Câu 5: Theo bạn phụ nữ ngày nay cần hiểu “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” như thế nào để xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc?

Gợi ý đáp án:

- Giải thích được ý nghĩa của 4 từ: công, dung, ngôn, hạnh (Công ở đây người phụ nữ không thể chỉ hiểu là sự khéo léo về nữ công gia chánh, đảm đang việc nội trợ, chăm lo gia đình mà còn là có óc tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngoan, khỏe, học giỏi. Ngoài ra họ còn phải là người lao động giỏi có trình độ, có tay nghề.Dung là vẻ đẹp hình thức kết hợp với vẻ đẹp tâm hồn. Nếu người phụ nữ chỉ là người duyên dáng ăn mặc đẹp nhưng không có một tâm hồn cao đẹp thì thật sự không có vẻ đẹp. Cái đẹp hình thể hiện nay không phải là “Yểu điệu thục nữ” mà là khỏe và đẹp. Khỏe để lao động tốt, để gìn giữ hạnh phúc gia đình và để sinh ra những đứa con thông minh khỏe mạnh.Ngôn là lời nói dịu dàng có duyên. Ngày nay, chữ ngôn còn đòi hỏi người phụ nữ biết cách nói lịch thiệp, thẳng thắn thể hiện được sự thông minh, có kiến thức và biết ứng xử.Hạnh ở đây thể hiện phẩm chất đạo đức của người con gái, người vợ, người mẹ giàu lòng nhân ái phẩm hạnh, chung thủy với chồng. Là tình yêu chân thật và chung thủy trong hôn nhân.

- Nêu được ý nghĩa của công, dung, ngôn, hạnh với việc xây dựng gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.

- Liên hệ bản thân

Câu 6: Bạn quan niệm thế nào là người phụ nữ đẹp? Theo bạn câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” có còn phù hợp trong thời đại ngày nay không? Tại sao?

Gợi ý đáp án:

- Nêu được định nghĩa về người phụ nữ đẹp. Một người phụ nữ đẹp là đẹp cả về hình thức và tâm hồn. Vẻ đẹp về tâm hồn làm nên vẻ đẹp cho người phụ nữ

- Giải thích được ý nghĩa câu tục ngữ. Khẳng định được giá trị của câu tục ngữ trong giai đoạn hiện nay. Nết là tác phong sinh hoạt và thái độ ứng xử của con người bao gồm hành vi, cử chỉ, lời nói, dáng vẻ... Nết là yếu tố quan trọng làm cho người đẹp càng đẹp thêm, là cái duyên tạo thêm sự hấp dẫn cho người đẹp.Một người không đẹp nhưng nết na luôn được nhiều người yêu quý, ngược lại người đẹp nhưng vô duyên không nết thì như một bông hoa không có hương, nhưng lại nhiều gai, ít có người dám gần. Nói cách khác, chính cái nết mới quyết định giá trị của con người chớ không phải đẹp, bởi thế câu tục ngữ "Cái nết đánh chết cái đẹp" của người xưa vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến bây giờ và mai sau nữa.

- Liên hệ bản thân.

Câu 7: Trong lớp của bạn có một đồng nghiệp thường hay đùn đẩy né tránh công việc, tỏ thái độ ỷ lại, là giáo viên cùng lớp bạn giải quyết tình huống trên như thế nào?

Gợi ý đáp án:

- Tìm hiểu nguyên nhân vì sao giáo viên đó đùn đẩy né tránh công việc

- Đề xuất được các cách giải quyết phù hợp với nguyên nhân

- Bản thân luôn gương mẫu, hỗ trợ giúp đỡ đồng nghiệp khi cần thiết.

Câu 8: Trong một cuộc họp chuyên môn, một giáo viên mới ra trường mạnh dạn trình bày ý kiến về đổi mới phương pháp giáo dục trong trường mầm non. Một đồng nghiệp lớn tuổi ngồi cuối nói bâng quơ:”Ngựa non háu đá”. Nếu bạn là giáo viên mới ra trường đó, trong trường hợp này bạn sẽ ứng xử như thế nào và giải thích tại sao bạn chọn cách đó?

Gợi ý đáp án:

-Tự xem xét lại cách mình trình bày, nếu bạn quá tự tin thì đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân mình. Vì, mới ra trường, bản thân còn chưa có kinh nghiệm, chưa giỏi giang, sẽ khiêm tốn để học hỏi. Những vấn đề đưa ra có thể mình rất tâm đắc, nhưng các giáo viên đi trước có thể đã biết mà không tìm ra cách giải quyết vấn đề.

- Sẽ gặp riêng giáo viên lớn tuổi kia và chia sẻ suy nghĩ của mình về việc nêu ý kiến của mình. Mong được sự góp ý của các cô, các chị có sự nhìn nhận vấn đề đúng mức và có sự đồng cảm, hiểu nhau hơn, để công tác chuyên môn của trường tốt hơn.

Câu 9: Bạn hiểu thế nào là một cô giáo tài năng duyên dáng? Để trở thành một cô giáo tài năng duyên dáng bạn cần làm những gì?

Gợi ý đáp án:

- Giải thích được thế nào là tài năng (giáo viên có chuyên môn, năng lực, sáng tạo, linh hoạt trong công việc, tích cực học hỏi nâng cao trình độ, năng lực...

- Giải thích được thế nào là duyên dáng (duyên dáng trong phong cách sư phạm, trongtrang phục, trang điểm, kiểu tóc, ứng xử, giao tiếp....)

- Liên hệ bản thân.

Câu 10: Trong lớp bạn có một đồng nghiệp hay trách phạt trẻ. Là giáo viên cùng lớp, bạn xử lý tình huống này như thế nào?

Gợi ý đáp án:

-Tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao giáo viên đó hay có thái độ như vậy.

-Trò chuyện, phân tích với đồng nghiệp đó nhiệm vụ của người GVMN và những điều GV không được làm, tác hại của việc thường xuyên trách phạt trẻ như vậy.

- Luôn gần gũi, cùng giáo viên đó xử lý các tình huống trong việc quản lý lớp.

- Nếu góp ý mà giáo viên đó không hài lòng, vẫn tiếp tục tình trạng trên sẽ nghiêm túc nêu vấn đề trên trong buổi sinh hoạt chuyên môn để tổ chuyên môn cùng giải quyết.

---------------------

Mời các thầy cô cùng tham khảo thêm các tài liệu dành cho giáo viên, giáo án điện tử bậc mầm non khác đã được VnDoc.com đăng tải và cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 4.639
Sắp xếp theo

Thi giáo viên dạy giỏi

Xem thêm