Tổng hợp thành ngữ, tục ngữ, ca dao theo chủ đề

Tổng hợp thành ngữ, tục ngữ, ca dao theo chủ đề về mọi mặt trong cuộc sống, được ông cha ta đúc kết, truyền lại cho các thế hệ sau học tập, noi theo. Để tham khảo chi tiết kho tàng tục ngữ Việt Nam, các bạn theo dõi bài viết sau đây và tải về chi tiết.

Kho tàng ca dao, tục ngữ đóng góp vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Ca dao tục ngữ nói về tất cả các chủ đề, hiện tượng, sự việc khác nhau trong đời sống nhân dân. Từ những đức tính tốt đẹp con người cần có như cần cù, chăm chỉ, đoàn kết, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình đến tình yêu thương đồng bào; những bài học lao động sản xuất được đúc kết qua nhiều đời; các hiện tượng thiên nhiên như nắng mưa, bão, khô hạn,... đều được chia thành các chủ đề lớn. VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để khám phá kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam.

1. Tục ngữ là gì?

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc.

2. Ca dao là gì?

Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Ca dao là một từ Hán Việt, theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

3. Thành ngữ là gì?

Thành ngữ (dt) là tập hợp từ cố định quen dùng, có nghĩa định danh, gọi tên sự vật, thường không thể suy ra từ nghĩa của từng yếu tố cấu thành, được lưu truyền trong dân gian và văn chương.

4. Những câu ca dao tục ngữ về thầy cô hay nhất

4.1. Tục ngữ về thầy cô

1. Tiên học lễ, hậu học văn

Câu tục ngữ này rất nổi tiếng, có nghĩa là trước tiên phải học lễ nghĩa sau đó mới học văn hóa. Hoặc có một cách hiểu khác là trước tiên phải học lễ nghĩa cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, sau đó mới học chữ.

2. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Câu tục ngữ này rất nổi tiếng, dịch ra là “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, có ý nghĩa là chúng ta phải tôn kính, biết ơn người dạy bảo( dù chỉ là nửa chữ ).

3. Không thầy đố mày làm nên

Có nghĩa là không có thầy dạy thì chúng ta không thể nên người, không biết từng con chữ mặt giấy nó như thế nào, dặn dò chúng ta phải luôn tôn sư trọng đạo.

4. Một kho vàng không bằng một nang chữ

“Vàng” dù nhiều đến đâu thì dùng mãi rồi cũng hết, còn “chữ” thì ở trong đầu, không bao giờ mất được. có “vàng” mà không có chữ thì cũng không được người khác nể trọng, còn có “chữ” thì việc làm giàu chỉ là một sớm một chiều. Câu nói có ý nghĩa coi trọng học thức hơn vàng, do vậy mà phải luôn tôn trọng biết ơn những người thầy cô đã dạy dỗ chúng ta.

5. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

Câu tục ngữ trên có ý nghĩa là chẳng có ai sinh ra đã giỏi giang, mà phải trải qua trường lớp, qua công ơn dạy bảo của thầy cô thì chúng ta mới giỏi được. Qua đó dặn dò chúng ta phải biết ơn thầy cô.

6. Người không học như ngọc không mài

Về câu này thì con người mình cũng như 1 hòn đá bình thường thôi. Nếu như không học thì sẽ mãi chỉ dậm chân tại chỗ chẳng có kiến thức, thiếu hiểu biết và sẽ lạc hậu. Câu nói này nhắn nhủ chúng ta nên trau dồi học hỏi thêm kiến thức sẽ thông minh và sáng suốt hơn.

7. Trọng thầy mới được làm thầy

Muốn nhắn nhủ những ai đó đang có ý nghĩ hoặc ước mơ muốn làm thầy cô giáo, làm “người lái đò” thì ngay bây giờ hay tôn trọng những thầy cô giáo hiện tại của mình để sau này học sinh của mình cũng sẽ tôn trọng mình như vậy.

8. Một gánh sách không bằng một giáo viên giỏi

Câu tục ngữ trên cho ta thấy được tầm quan trọng của thầy cô giáo, cho dù bạn có đọc một gánh sách đi chăng nữa thì vẫn không bằng những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt lại cho mình.

9. Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc.

Câu thơ trên có ý nghĩa là thầy giáo chỉ là người giúp chúng ta học tập, chỉ là người lái đò, còn thành công sau này s ẽ là của chúng ta và phụ thuộc vào chúng ta.

10. Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy

Câu tục ngữ này nói đến phong tục rất là đẹp của dân tộc ta, đó là sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với cha và thầy trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Thầy cũng giống như là người cha thứ 2 của chúng ta vậy.

4.2. Ca dao về thầy cô

1. Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.

Hai câu ca dao này rất nổi tiếng, có nghĩa như sau: từ xưa, quan niệm học tốt gắng liền với hình ảnh người thầy. Cha mẹ ai muốn con mình học giỏi đều mang biếu ông giáo gói xôi, con gà để mong thầy dạy cho con của mình chữ để trở thành tài.

2. Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.

Hai câu thơ trên có nghĩa là “cơm cha áo mẹ chữ thầy” mọi thứ luôn bày sẵn ra cho chúng ta con đường chúng ta đi bao giờ cũng dễ dàng rất nhiều, do vậy mà sau này có thành tài thành công thì đừng quên ơn nghĩa những người đã dạy dỗ ta.

3. Ơn thầy soi lối mở đường

Cho con vững bước dặm trường tương lai

Muốn nhắn nhủ chúng ta là những người thầy cô đã soi lối mở đường cho tương lai của chúng ta, qua đó khuyên nhủ chúng ta hãy luôn nhớ về công ơn cảu thầy cô.

4. Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây

Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu.

So sánh hình ảnh gươm vàng với ơn nghĩa cha thầy, và dù cho hồ Tây có sâu cỡ nào đi nữa thì công ơn của cha thầy cũng chẳng thua kém .

5. Mười năm rèn luyện sách đèn

Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy.

Hai câu ca dao có hàm ý là thầy cô đã dạy dỗ ta “mười năm đèn sách” vì thế sau này “công thành danh toại” thì chúng ta đừng quên những năm tháng thầy cô đã dưỡng dục chúng ta.

6. Ơn Thầy không bằng gốc bễ,

Nghĩa Thầy gánh vác cuộc đời học sinh.

Hai câu thơ ý muốn nói cho chúng ta biết rằng công ơn dạy dỗ của thầy cô đối với chúng ta rất lớn vì vậy phải cố gắng học hành để không phụ lòng thầy cô.

7. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

Hai câu ca dao này có hàm ý muốn nhắn nhủ chúng ta đừng bao giờ quên công ơn của thầy cô, sau khi “công thành danh toại” thì hãy nhớ đến những người đã dạy dỗ chúng ta có được như ngày hôm nay.

8. Ở đây gần bạn gần thầy

Có công mài sắt có ngày nên kim.

Câu thơ rất ý nghĩa nhắn nhủ ta phải luôn cố gắng học hành thật tốt, “gần bạn gần thầy” hàm ý muốn nói luôn phải học hỏi từ bạn bè và thầy cô.

9. Con hơn cha là nhà có phúc

Trò hơn thầy là đất nước yên vui.

Hàm ý muốn nói con cái giỏi hơn cha thì nhà đó có phúc, còn thầy dạy mà sau này trò giỏi hơn cả thầy thì sẽ đóng góp rất nhiều cho đất nước thông qua hình ảnh “đất nước yên vui”

10. Con ơi ghi nhớ lời này Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.

Nhắn nhủ chúng ta phải luôn ghi nhớ công lao nuôi nấng, dạy dỗ ta khôn lớn từ những bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy.

5. Những câu ca dao, tục ngữ về học tập

– Học là học biết giữ giàng
Biết điều nhân nghĩa biết đàng hiếu trung.

– Làm người mà được khôn ngoan
Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay
Nghề gì đã có trong tay
Mai sau rồi cũng có ngày ích to.

– Học là học để làm người
Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.

– Học trò học hiếu học trung
Học cho đến mực anh hùng mới thôi.

– Học là học để mà hành
Vừa hành vừa học mới thành người khôn.

– Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.

– Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.

– Học ăn học nói, học gói học mở.

– Học hay cày biết.

– Học một biết mười.

– Học thầy chẳng tầy học bạn.

– Học thầy học bạn, vô vạn phong lưu.

– Ăn vóc học hay.

– Bảy mươi còn học bảy mươi mốt.

– Có cày có thóc, có học có chữ.

– Có học, có khôn.

– Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.

6. Những câu ca dao, tục ngữ về thiên nhiên về sản xuất và lao động

1. Con trâu là đầu cơ nghiệp

Câu tục ngữ này được hiểu là con trâu gần gũi và quan trọng hàng đầu đối với cuộc sống của người nông dân. Câu tục ngữ nói về tầm quan trọng của việc tạo duyên và giữ duyên trong định hướng nghề nghiệp và xây dựng cơ nghiệp

2. Chuồng gà hướng đông cái lông chẳng còn

Câu tục ngữ này là hoàn toàn chính xác. Tự cổ chí kim không ai làm chuồng gà, chuồng gia cầm, gia súc theo hướng Đông là vì nguyên nhân hướng gió. Một việc làm đầy tính khoa học và đúng đắn.

3. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm.

Kinh nghiệm này phản ánh khá đúng thực tiễn. Chuồn chuồn bay thấy hay bay cao phụ thuộc vào áp suốt của khí quyển. Ông cha ta nhận thấy khi sắp mưa những hạt hơi nước nhỏ bé sẽ đọng lại trên các cánh mỏng của chuồn chuồn, làm tăng tải trọng và khiến chúng phải bay thấp là đà sát mặt đất. Do vậy mà đã nghĩ ra câu tục ngữ này để có thể dễ dàng dự báo thời tiết.

4. Đầu năm gió to, cuối năm gió bấc

Câu tục ngữ này cho thấy kinh nghiệm quan sát hiện tượng tự nhiên của ông cha ta, qua đó mà có thể dự báo được trước thời tiết để sản xuất.

5. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối

Đây là câu ca dao mà ông cha đã truyền lại cho chúng ta rất chính xác nhờ vào những gì mà mình đã đúc kết được trong cuộc sống mà ngày nay nó vẫn rất khả thi. Ý nghĩa là tháng năm thì thời gian ban ngày dài hơn thời gian ban đêm, còn vào tháng mười thì thời gian ban ngày ngắn hơn thới gian ban đêm.

6.Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

Ngày xưa, ông cha ta thấy kiến bò là đoán lụt và hay đề phòng lũ lụt sau tháng 7 âm. Do kiến là loại bò sát nên có thể biết được những thiên tai trước con người 1 cách nhanh nhạy , nó bò để chuẩn bị thức ăn , nơi trú ẩn để tránh nạn (các bạn quan sát sẽ thấy trước khi mưa kiến thường bò đoàn dài trên tường)

7. Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.

Cũng là một kinh nghiệm về việc dự đoán trời mưa. Ếch là một loài động vật rất mẫn cảm với việc đổi thay thời tiết, nhất là khi trời trở trời mưa. Khi trời chuẩn bị kéo cơn mưa, ếch thường cất tiếng kêu lên bờ ao, hồ, đồng ruộng. Chính vì thế mà dựa vào tiếng kêu của ếch, dân gian ta có thể biết trước trời sắp có mưa, mà hệ quả của trời mưa chính là “ao chuôm đầy nước”.

8. Gió thổi là đổi trời.

Câu tục ngữ này phản ánh thực tiễn về hiện tượng tự nhiên, gió thổi là đổi trời dễ dàng nhận biết để giữ gìn cơ thể.

9. Giàu đâu những kẻ ngủ trưa Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày. Câu tục ngữ này có lẽ muôn đời đúng. Ám chỉ những thanh niên lười biếng.

10. Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Lúa Chiêm là giống lúa có xuất xứ từ khu vực Nam Trung Bộ, gieo vào tháng giêng và thu hoạch khoảng tháng năm âm lịch. Khoảng tháng 2 tháng 3 khi mùa mưa bắt đầu, có nhiều sấm sét là điều kiện quan trọng giúp cố định một lượng lớn nitơ bổ sung dinh dưỡng cho đất, đặc biệt nó là là nguồn dinh dưỡng khoáng quan trọng cho cây lúa.

7. Những câu ca dao, tục ngữ hay về gia đình, tình cảm gia đình

1. Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy

Bài ca dao như một lời khuyên, lời răn dạy của cha ông cho những người làm anh em trên cuộc đời này, cần phải biết yêu thương lẫn nhau, đùm bọc nhau những lúc dở hay bất thường. Quan hệ anh em còn được ví với hình ảnh chân – tay, đó là những bộ phận gắn bó khăng khít trên một cơ thể thống nhất, cùng được nuôi chung bởi một dòng máu huyết thống của gia đình. Hình ảnh đó nói lên tình nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.

2. Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ “Hiếu” mới là đạo con.

Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu. Cô ng cha đi liền với nghĩa mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta mượn hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn vô tận để so sánh với công lao nghĩa mẹ

3. Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ca dao nói ít mà gợi nhiều. Chỉ hai từ quê mẹ mà gợi ra cho người đọc một trường liên tưởng vô cùng lớn. Người con xa quê trông về quê mẹ mà lòng day dứt khôn nguôi. Bốn chữ “ruột đau chín chiều” diễn tả nỗi nhớ da diết đó

4. Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Cái hay của bài ca dao này là cách nói so sánh cụ thể, nên thơ. Cái đẹp của bài ca dao là thể hiện sự ca ngợi, nói lên lòng biết ơn công cha nghĩa mẹ vô cùng to lớn. Ý nghĩa bài ca dao vô cùng sâu sắc nó dạy chúng ta bài học về lòng hiếu thảo của đạo làm con.

5. Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm cho mẹ,mẹ già yếu răng.

Bài thơ muốn nói lên công lao và tình yêu của bậc làm cha mẹ dành cho con cái là rất to lớn không gì có thể so sánh được, không thể nào liệt kê hết được.

7. Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

Hai câu thơ cho ta thấy mẹ còn đem đến ngọn gió mát trong đêm hè, giúp cho con ngủ say, có thể nói mẹ là người luôn đem đến cho con những điều tót đẹp trong suốt cuộc đời

8. Những câu ca dao, tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất của ông cha ta

1. Tấc đất tấc vàng

Qua câu tục ngữ, ông cha ta muốn khẵng định giá trị của đất. có đất có thể làm ra tất cả nhưng vàng thì không thể. Vì vậy khi có phải biết tôn trọng những gì mình có, đừng bỏ lãng phí nó một cách vô nghĩa.

2. Nhất canh trì, nhị canh viên , tam canh điền Câu tục ngữ này đề cập đến giá trị kinh tế của các mô hình lao động của nhà nông. Theo đó, làm ao mang lại giá trị kinh tế lớn nhất, tiếp đến là làm vườn rồi mới đến làm ruộng.

3. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

Câu tục ngữ này được đúc kết từ kinh nghiệm trồng trọt bao nhiêu năm của ông cha ta. Bốn yếu tố qua trọng nhất trong việc để cho thu hoạch cao là: nước, phân bón, sự cần cù, cuối cùng là giống có tốt hay không.

4. Nhất thì,nhì thục.

Câu tục ngữ này khẳng định tầm quan trọng của thời vụ, đất đai đã được khai phá, chăm bón đối với cây trồngNhất thì là ám chỉ phải đúng thời vụ, nhì tục là nói đến đất đai phải.

5. Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân.

6. Tốt giếng tốt má, tốt mạ tốt lúa.

7. Trồng tre đất sỏi, trồng tỏi đất bồi.

Câu tục ngữ có nghĩa là khi trồng tre thì bạn nên trồng ở đất sỏi, còn trồng tỏi thì trồng ở đất bồi. Đây là kinh nghiệm mà ông cha ta quan sát và truyền lại cho con cháu.

8. Một cục đất ải bằng một bãi phân.

Câu tục ngữ này đối với bà con nông dân miền Bắc hay miền Trung thì khá tinh thông, ai ai cũng biết. Vì vậy, đã từ lâu kỹ thuật làm đất này đã được đúc kết thành câu nói này.

9. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

Đây là câu ca dao mà ông cha đã truyền lại cho chúng ta rất chính xác nhờ vào những gì mà mình đã đúc kết được trong cuộc sống mà ngày nay nó vẫn rất khả thi.Ý nghĩa là tháng năm thì thời gian ban ngày dài hơn thời gian ban đêm, còn vào tháng mười thì thời gian ban ngày ngắn hơn thới gian ban đêm.

10. Mau sao thì nắng , vắng sao thì mưa

Câu tục ngữ này là một kinh nghiệm hay và đúng đắn về dự báo thời tiết khi trời đang ở vào lúc mùa hè.

11. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

Câu tục ngữ là một kinh nghiệm quý báu về dự báo thời tiết. Ráng mỡ gà là ráng vàng tươi óng ánh. Có ráng mỡ gà xuất hiện ở trên bầu trời, nhân dân ta biết trời sắp nói gió to, sắp bão, cần phải chuẩn bị giữ gìn, chằng buộc, chống đỡ, nhất là nhà gianh vách đá

12. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

Ngày xưa, ông cha ta thấy kiến bò là đoán lụt và hay đề phòng lũ lụt sau tháng 7 âm. Do kiến là loại bò sát nên có thể biết được những thiên tai trước con người 1 cách nhanh nhạy , nó bò để chuẩn bị thức ăn , nơi trú ẩn để tránh nạn (các bạn quan sát sẽ thấy trước khi mưa kiến thường bò đoàn dài trên tường)

13. Mây xanh thì nắng mây trắng thì mưa

Đây là kinh nghiệm dân gian về dự báo thời tiết : khi nhìn lên bầu trời thấy trời cao , mây trong xanh thì không có mưa , người lại thấy mây trắng bay đầy, bầu trời thấp thì sẽ có mưa

14. Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão

Tháng bảy (âm lịch) có gió bấc thổi và chuồn chuồn bay ra nhiều là trời sắp có bão. Đây là kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc kết được để nhắc nhở con cháu trong sản xuất

15. Gió nam đưa xuân sang hè

Khi thấy gió nam thì chúng ta sẽ biết được trời xuân đã chuyển sang hè, câu tục ngữ này giúp ta biết được thời tiết để có thể chuẩn bị cho việc sản xuất đạt kết quả tốt.

16. Nhai kĩ no lâu cày sâu tốt lúa

Đây là câu tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, cụ thể hơn là sản xuất nông nghiệp, mà trong canh tác nông nghiệp thì cây lúa là cây lương thực số một của người Việt nam ta. Muốn lúa sinh trưởng và phát triển tốt, một trong những điều quan trọng là cần chuẩn bị đất thật kĩ, điều này thể hiện qua vế câu: cày sâu tốt lúa.

17. Giàu nuôi lợn nái lụi bại nuôi bồ câu

Ông cha ta muốn nói là nuôi lợn thì sẽ giàu có và thành công hơn bồ câu, tuy nhiên đây là quan niệm đã quá xư cũ.

18. Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà

Tháng ba thì đậu đã già

Ta đi ta hái về nhà phơi khô

Tháng tư đi tậu trâu bò

Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm.

Với người Việt, cho dù làm nghề gì, cũng đều nhất thiết phải có thời gian nghỉ ngơi tích cực, dài ngắn khác nhau tùy mùa vụ cụ thể từng ngành nghề để bù lại thời gian lao động cực nhọc. Và bài thơ này đã nêu lên cụ thể về vấn đề ấy.

19. Đất thiếu trồng dừa đất thừa trồng cau

Đây là kinh nghiệm mà ông cha ta đã để lại cho con cháu, một sự quan sát rất tinh tế của người xưa.

20. Qua giêng hết năm qua rằm hết tháng

Ý muốn nói qua giêng là qua những ngày lễ nghỉ tết của dân tộc ta thì con người lại phải đi làm vất vả, còn qua rằm là ngày 15 đã nữa tháng phóng đại thành hết tháng ám chỉ sự nhanh chóng.

9. Ca dao tục ngữ về đạo đức kinh doanh

Kinh doanh cũng cần phải có đạo đức. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà ông cha ta để lại, rất nhiều câu nói đã đề cập đến vấn đề này.

1. Quen mặt đắt hàng.

2. Buôn có bạn bán có phường.

3. Bán quạt mùa đông, buôn hồng mùa hè.

4. Mua trâu bán chả, mua vải bán áo.

5. Tiền trong nhà tiển chửa, tiền ra cửa tiền đẻ.

6. Treo đầu dê, bán thịt chó.

7. Ăn gian nó giàn ra đấy.

8. Mua bán chợ đen, thân quen nhiều ngách.

9. Chợ đang đông em không toan liệu,

Chợ tan rồi em bán chịu không ai mua.

10. Đi buôn không lỗ thì lời,

Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng.

11. Chẳng lo bán ế chợ ròng,

Khách năng qua lại, đói lòng phải mua.

12. Cái vòng danh lợi cong cong,

Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

13. Vay chín thì phải trả mười,

Phòng khi túng lỡ có người cho vay.

14. Bánh đúc mà đổ ra sàng

Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua.

15. Phước đức quí hơn bạc vàng

Mấy người gian ác giàu sang ích gì?

16. Dò sông, dò bể, dò nguồn,

Biết sao được bụng lái buôn mà dò.

Ngoài những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao theo chủ đề được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi tiểu học, giải bài tập các lớp tiểu học mới nhất.

Đánh giá bài viết
793 144.176
6 Bình luận
Sắp xếp theo
  • 11K22B- Dương Hiếu
    11K22B- Dương Hiếu

    còn thiếu khá nhiều ca dao ý nhĩa, mong các bạn thêm ca dao

    Thích Phản hồi 15/10/21
    • 11K22B- Dương Hiếu
      11K22B- Dương Hiếu

      còn thiếu khá nhiều ca dao ý nghĩa, mong các bạn thêm ca dao

      Thích Phản hồi 15/10/21
      • Nguyễn Thanh Nhàn
        Nguyễn Thanh Nhàn

        😊👌rất hay và ý nghĩa👍

        Thích Phản hồi 08/04/21
        • 20_Đỗ Thị Hương Ly
          20_Đỗ Thị Hương Ly

          còn thiếu khá nhiều ca dao ý nghĩa,mong các bạn thêm ca dao

          Thích Phản hồi 26/01/22
          • Ming Anh
            Ming Anh

            bạn có thể sắp xếp câu này đc ko 

            núi/miền/Bộ/Trung/Bắc/du

            Thích Phản hồi 14/03/22
            • Nguyễn Hữu Quỳnh Anh
              Nguyễn Hữu Quỳnh Anh

              con ơn cha nhà có phúc ko phải con hơn cha nhà có phúc hơn cái gì tiền , thành công ?


              Thích Phản hồi 26/12/22

              Dành cho Giáo Viên

              Xem thêm