Trắc nghiệm bài Lòng yêu nước

Trắc nghiệm bài Lòng yêu nước

Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6: Lòng yêu nước bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức toàn bộ bài 30 Ngữ văn 6 chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.

Trắc nghiệm bài Lòng yêu nước lớp 6

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, -yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người thành Lê-nin-grát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lich sử. Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.

Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điều giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa”.

Câu 1. Văn bản Lòng yêu nước là của tác giả nào?

A. Vich-to Huy-gô.

B. I-li-a Ê-ren-bua.

C. H. Ban-zắc.

D. An-phông-xơ Đô-đê.

Câu 2. Tác giả của bài Lòng yêu nước làm nghề gì?

A. Viết văn và viết báo.

B. Viết văn và tham gia đội quân giải phóng,

C. Viết báo và tham gia đội quân giải phóng.

D. Làm thơ và viết văn.

Câu 3. Văn bản Lòng yêu nước được trích từ bài báo nào của tác giả?

A. Gào thét.

B. Buổi học cuối cùng.

C. Thử lửa.

D. Lòng yêu nước.

Câu 4. Văn bản Lòng yêu nước ra đời vào thời gian nào?

A. Trước khi Đức tấn công Liên Xô vào năm 1941, bài viết ra đời nhằm kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân Liên Xô sẵn sàng chống lại quân xâm lược.

B. Vào cuối tháng sáu năm 1942, thời kì khó khăn nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân Liên Xô chống lại sự xâm lược của phát xít Đức.

C. Vào tháng 5 năm 1945 khi Hồng quân chuẩn bị tấn công tiêu diệt căn cứ cuối cùng của bọn phát xít là Béc-lin.

D. Sau năm 1945 khi chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, nhân dân Xô Viết bắt tay xây dựng lại đất nước.

Câu 5. Trong bài viết, tác giả cho rằng lòng yêu nước bắt nguồn từ:

A. Lòng yêu nước chân chính của mỗi người.

B. Lòng yêu những vật tầm thường nhất.

C. Lòng yêu quê hương, gia đình và những người đồng chí.

D. Lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước.

Câu 6. Đặc điểm nào của vùng đất U-crai-na được tác giả nêu ra trong đoạn trích trên?

A. Những bóng thùy dương tư lự bên đường.

B. Rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê.

C. Những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm.

D. Cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô.

Câu 7. Những vật tầm thường mà tác giả nêu ra trong bài viết là gì?

A. Cái cây trồng ở trước nhà,

B. Cái phố nhỏ đổ ra bờ sông.

C. Vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.

D. Cả ba câu A, B và C.

Câu 8. Tác giả đã nêu ra đặc điểm gì nổi bật của thành phố Lê-nin- grát?

A. Có tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên.

B. Có công viên mùa hè với lá hoa rực rỡ.

C. Có sương mù bao phủ.

D. Phố phường với mỗi căn nhà là những trang lịch sử.

Câu 9. Chân lí được tác giả nêu ra trong bài thơ là gì?

A. Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

B. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể.

C. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương.

D. Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa.

Câu 10. Câu nào trong bài viết khẳng định lòng yêu nước của tác giả cũng như toàn thể nhân dân Xô viết?

A. Người ta giờ đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết.

B. Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa.

C. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương.

D. Nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử.

II. TỰ LUẬN

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

BÀI THAM KHẢO

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến cát cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyền đất ruộng cho Chính phủ... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật)

Đáp án Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6 Lòng yêu nước

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

B

A

C

B

B

A

D

C

A

B

Trên đây VnDoc tổng hợp các kiến thức Trắc nghiệm Lòng yêu nước, ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các bài giải SGK môn Toán lớp 6, Môn Ngữ văn 6, Môn Vật lý 6, môn Sinh Học 6, Lịch sử 6, Địa lý 6....và các đề thi học kì 1 lớp 6 đề thi học kì 2 lớp 6 để chuẩn bị cho các bài thi đề thi học kì đạt kết quả cao.

Đánh giá bài viết
1 309
Sắp xếp theo

    Trắc nghiệm Ngữ văn 6

    Xem thêm