Trắc nghiệm Địa lí 12 bài 42

Trắc nghiệm Địa lí 12 bài 42: Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp gồm các câu hỏi trắc nghiệm kèm theo đáp án sẽ giúp các bạn học sinh nắm chắc nội dung bài học môn Địa lí 12.

Trắc nghiệm môn Địa lí lớp 12 bài: Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo

Câu 1. Đảo nào sau đây không được xếp vào các đảo đông dân của vùng biển nước ta?

A. Cái Bầu. B. Cát Bà. C. Lý Sơn. D. Cồn Cỏ.

Đáp án: D

Các đảo đông dân như Cái Bầu, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc. Đảo Cồn Cỏ là đảo không được xếp vào đảo đông dân thuộc vùng biển nước ta.

Câu 2. Điều kiện nào của vùng biển nước ta thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển?

A. Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có.

B. Có nhiều sa khoáng với trữ lượng công nghiệp.

C. Có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt.

D. Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

Đáp án: D

Giải thích: Điều kiện của vùng biển nước ta thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển là nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Dọc bờ biển có nhiều vịnh biển kín thuận lợi cho xây dựng các cảng nước sâu. Nhiều cửa sông cũng thuận lợi cho xây dựng cảng.

Câu 3. Việc khai thác xa bờ ngày càng được đẩy mạnh do

A. Nước ta nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

B. Dọc bờ biển có nhiều vụng biển kín thuận lợi phát triển thủy sản.

C. Nước ven bờ có nhiều cửa sông thuận lợi cho việc nuôi trồng hơn đánh bắt.

D. Giúp bảo vệ vùng biển, vùng trời và vùng thềm lục địa.

Đáp án: D

Giải thích: Việc khai thác xa bờ ngày càng được đẩy mạnh do tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ và các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phát triển đánh bắt xa bờ giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản; giúp bảo vệ vùng trời, vùng biển và vùng thềm lục địa.

Câu 4. Ý nào sau đây không phải là ý nghĩa của các đảo và quần đảo ở nước ta?

A. Là cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa quanh các đảo.

B. Là hệ thống tiền tiêu góp phần bảo vệ bảo vệ đất liền.

C. Là cơ sở để khẳng định chủ quyền quốc gia trên đất liền.

D. Là căn cứ để nước ta tiến ra biển lớn trong thời đại mới.

Đáp án: C

Giải thích: Các đảo và quần đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ giúp ta tiến ra biển và đại dương, khai thác có hiệu quả nguồn lợi biển đảo và là cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa quanh các đảo.

Câu 5. Điều kiện thuận lợi phát triển du lịch biển - đảo ở nước ta là:

A. Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

B. Dọc bờ biển có nhiều vụng biển kín thuận lợi cho xây dựng các cảng nước sâu.

C. Nhiều cửa sông cũng thuận lợi cho việc xây dựng cảng.

D. Suốt từ Bắc vào Nam có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt.

Đáp án: D

Giải thích: Điều kiện thuận lợi phát triển du lịch biển - đảo ở nước ta là suốt từ Bắc vào Nam có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt. Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam không có mùa đông lạnh nên có thể phát triển du lịch biển quanh năm.

Câu 6. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, hãy cho biết các cảng biển của nước ta tập trung chủ yếu ở ven biển của khu vực nào sau đây?

A. Bắc Bộ.

B. Duyên hải miền Trung.

C. Đồng bằng sông Cửu Long.

D. Nam Bộ.

Đáp án: B

B1. Nhận dạng kí hiệu cảng biển ở Atlat ĐLVN trang 3.

B2. Kí hiệu cảng biển tập trung nhiều nhất ở khu vực duyên hải miền Trung. Các cảng biển của nước ta tập trung chủ yếu ở ven biển của khu vực Duyên hải miền Trung.

Câu 7. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, hãy cho biết đảo (quần đảo) nào sau đây ở nước ta có hệ thống sân bay nội địa?

A. QĐ. Cô Tô

B. Đ. Lý Sơn

C. Đ. Phú Quý

D. QĐ. Côn Sơn

Đáp án: D

B1. Nhận dạng kí hiệu sân bay nội địa ở Atlat ĐLVN trang 3.

B2. Quần đảo có hệ thống sân bay nội địa là QĐ. Côn Sơn.

Câu 8. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25, hãy cho biết các khu du lịch biển nước ta theo thứ tự từ Bắc vào Nam ở khu vực Bắc Trung Bộ là

A. Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương và Lăng Cô.

B. Sầm Sơn, Cửa Lò, Đá Nhảy, Thiên Cầm, Thuận An, Cảnh Dương và Non Nước.

C. Cửa Lò, Sầm Sơn, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương và Lăng Cô.

D. Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương và Non Nước.

Đáp án: A

Giải thích: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25, ta thấy các khu du lịch biển của nước ta theo thứ tự từ Bắc vào Nam ở khu vực Bắc Trung Bộ là Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương và Lăng Cô.

Câu 9. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, hãy cho biết các cảng biển Dung Quất và Nhật Lệ thuộc lần lượt tỉnh/thành phố nào dưới đây?

A. Quảng Bình và Quảng Ngãi.

B. Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

C. Quảng Ngãi và Hà Tĩnh.

D. Quảng Ngãi và Quảng Bình.

Đáp án: D

Giải thích: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, ta thấy, các cảng biển Dung Quất và Nhật Lệ thuộc lần lượt tỉnh/thành phố Quảng Ngãi và Quảng Bình.

Câu 10. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25, hãy cho biết các bãi biển ở nước ta theo tứ tự từ Bắc vào Nam là

A. Cửa Lò, Mỹ Khê, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né.

B. Cửa Lò, Quy Nhơn, Mỹ Khê,Nha Trang, Mũi Né.

C. Mỹ Khê, Cửa Lò, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né.

D. Mỹ Khê, Cửa Lò, Quy Nhơn, Mũi Né, Nha Trang.

Đáp án: A

B1. Nhận dạng kí hiệu bãi biển ở Atlat trang 3.

B2. Đọc tên các bãi biển từ Bắc vào Nam, gồm: Cửa Lò, Mỹ Khê, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né.

Câu 11. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, hãy cho biết đảo (quần đảo) nào sau đây ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sân bay nội địa?

A. QĐ. An Thới

B. QĐ. Thổ Chu

C. Đ. Phú Quốc

D. QĐ. Côn Sơn

Đáp án: C

B1. Nhận dạng kí hiệu sân bay nội địa ở Atlat ĐLVN trang 3.

B2. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 23, ta thấy, các đảo (quần đảo) có hệ thống sân bay nội địa là Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và QĐ. Côn Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Câu 12. Việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Việt Nam và các nước không có liên quan trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa?

A. Là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực.

B. Bảo vệ được lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân ta.

C. Giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

D. Bảo vệ người lao động hoạt động nông nghiệp.

Đáp án: D

Giải thích: Việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Việt Nam và các nước có liên quan trong giải quyết các vấn đề về biển và thềm lục địa có ý nghĩa trong việc giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, bảo vệ được lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân ta và là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực.

Câu 13. Cảng nước sâu nào sau đây không thuộc địa phận miền Trung?

A. Nghi Sơn. B. Vũng Áng. C. Dung Quất. D. Vũng Tàu.

Đáp án: D

Giải thích: Cảng Vũng Tàu là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, đầu mối quốc tế của Việt Nam. Cảng thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đông Nam Bộ.

Câu 14. Phát biểu nào sau đây không đúng với hoạt động du lịch biển của nước ta trong những năm gần đây?

A. Các trung tâm du lịch biển đã được nâng cấp.

B. Nhiều vùng biển, đảo mới được đưa vào khai thác.

C. Có nhiều khu du lịch biển nổi tiếng cả Bắc, Trung, Nam.

D. Du khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu du lịch biển.

Đáp án: D

Giải thích: Các hoạt động du lịch biển của nước ta trong những năm gần đây là: Các trung tâm du lịch biển đã được nâng cấp cùng với đó là nhiều vùng biển, đảo mới đã được đưa vào khai thác và ở nước ta có rất nhiều khu du lịch biển nổi tiếng cả Bắc, Trung, Nam.

Câu 15. Phát biểu nào sau đây không đúng với hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta hiện nay?

A. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng thềm lục địa đã được đẩy mạnh.

B. Khi lọc, hoá dầu hoạt động sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của dầu khí.

C. Phải hết sức tránh để xảy ra các sự cố môi trường trong các hoạt động dầu khí.

D. Nước ta đã làm chủ hoàn toàn việc thăm dò, không liên doanh với nước ngoài.

Đáp án: D

Giải thích: Đặc điểm không đúng với hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta hiện nay là việc nước ta đã làm chủ hoàn toàn việc thăm dò, không liên doanh với nước ngoài.

Câu 16. Hiện nay, khí thiên nhiên ở nước ta chưa được sử dụng cho

A. Công nghiệp làm khí hoá lỏng.

B. Hoá dầu.

C. Làm phân bón.

D. Sản xuất điện.

Đáp án: B

Giải thích: Hiện nay, khí thiên nhiên ở nước ta chưa được sử dụng cho ngành hoá dầu. Mà khí thiên nhiên ở nước ta đang được sử dụng cho ngành công nghiệp làm khí hoá lỏng, làm phân bón và sản xuất điện.

Câu 17. Hoạt động du lịch biển của các tỉnh phía Nam có thể diễn ra quanh năm vì

A. Giá cả hợp lí.

B. Nhiều bãi biển đẹp.

C. Cơ sở lưu trú tốt.

D. Không có mùa đông lạnh.

Đáp án: D

Giải thích: Hoạt động du lịch biển của các tỉnh phía Nam có thể diễn ra quanh năm vì không có mùa đông lạnh do không chịu tác động trực tiếp của gió mùa đông bắc.

Câu 18. Ý nào sau đây không phải là chiến lược phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta?

A. Sử dụng hợp lí nguồn lợi thiên nhiên biển

B. Phòng chống ô nhiễm môi trường biển.

C. Tập trung khai thác tài nguyên ven bờ.

D. Thực hiện những biện pháp phòng tránh thiên tai.

Đáp án: C

Giải thích: Chiến lược phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta bao gồm: Sử dụng hợp lí nguồn lợi thiên nhiên biển; Phòng chống ô nhiễm môi trường biển. Thực hiện những biện pháp phòng tránh thiên tai.

Câu 19. Điều kiện nào sau đây của vùng biển nước ta thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển?

A. Có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt.

B. Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có.

C. Có nhiều sa khoáng với trữ lượng công nghiệp.

D. Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

Đáp án: D

Giải thích: Điều kiện của vùng biển nước ta thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển là: Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Dọc bờ biển có nhiều vịnh biển kín thuận lợi cho xây dựng các cảng nước sâu. Nhiều cửa sông cũng thuận lợi cho xây dựng cảng.

Câu 20. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa

A. Là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.

B. Là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

C. Là cơ sở để nước ta tiến hành mở cửa, hội nhập, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

D. Là cơ sở để nước ta giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đáp án: B

Giải thích: Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

Câu 21. Ngành khai thác dầu khí phát triển mạnh nhất ở nơi nào sau đây của vùng biển nước ta?

A. Đông Nam Bộ.

B. Duyên hải Nam Trung Bộ.

C. Bắc Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáp án: A

Giải thích: Ngành khai thác dầu khí phát triển mạnh nhất ở các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ. Với các mỏ dầu, khí nổi bật như Rồng, Lan Tây, Rạng Đông,...

Câu 22. Điều kiện thuận lợi của vùng biển nước ta để phát triển du lịch biển - đảo là

A. Có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt.

B. Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

C. Sinh vật biển phong phú, giàu thành phần loài.

D. Có nhiều sa khoáng và thềm lục địa có dầu mỏ.

Đáp án: A

Giải thích: Điều kiện thuận lợi của vùng biển nước ta để phát triển du lịch biển - đảo là có nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, khí hậu tốt.

Câu 23. Vì sao các ngành kinh tế biển có vai trò ngày càng cao trong nền kinh tế nước ta?

A. Vùng biển nước ta rộng, đường bờ biển dài.

B. Biển giàu tài nguyên khoáng sản, hải sản.

C. Kinh tế biển đóng góp ngày càng lớn trong GDP của cả nước.

D. Biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông, du lịch.

Đáp án: C

Giải thích: Nguyên nhân các ngành kinh tế biển có vai trò ngày càng cao trong nền kinh tế nước ta, vì kinh tế biển đóng góp ngày càng lớn trong GDP của cả nước.

Câu 24. Phương hướng khai thác nguồn lợi hải sản vừa có hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển và thềm lục địa nước ta là

A. Đánh bắt xa bờ.

B. Đánh bắt ven bờ.

C. Trang bị vũ khí quân sự.

D. Đẩy mạnh chế biến tại chỗ.

Đáp án: A

Xác định từ khóa “phương hướng khai thác thủy sản bảo vệ thềm lục địa”

Khai thác thủy sản có hai hướng là ven bờ và xa bờ. Hiện nay nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm và để bảo vệ vùng thềm lục địa ở ngoài khơi, bảo vệ vùng biển rộng lớn thì cần đánh bắt xa bờ ⇒ phương hướng khai thác hợp lí nhất là đánh bắt xa bờ.

Câu 25. Điểm nào sau đây không đúng đối với việc khai thác tài nguyên sinh vật biển và hải đảo?

A. Tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ.

B. Tránh khai thác quá mức các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao.

C. Hạn chế việc đánh bắt xa bờ để tránh thiệt hại do bão gây ra.

D. Cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi.

Đáp án: C

Giải thích: Việc hạn chế đánh bắt xa bờ không thể tránh được thiệt hại do bão gây ra.

Câu 26. Tài nguyên nào không thể phục hồi khi khai thác quá mức ở vùng biển nước ta?

A. Dầu, khí. B. Muối biển. C. Hải sản. D. Rừng ngập mặn

Đáp án: A

Giải thích: Dầu, khí là tài nguyên nào không thể phục hồi khi khai thác quá mức ở vùng biển nước ta.

Câu 27. Nước ta chưa cần phải quan tâm đến vấn đề nào khi tiến hành khai thác tài nguyên sinh vật biển và hải đảo?

A. Khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ.

B. Khai thác quá mức các đối tượng có nguồn lợi kinh tế.

C. Sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi.

D. Mở rộng hợp tác với nhiều nước hơn nữa.

Đáp án: D

Giải thích: Việc khai thác tài nguyên sinh vật biển và hải đảo ở nước ta chưa cần phải quan tâm tới việc: mở rộng hợp tác với nhiều nước hơn nữa.Vì biển Đông vốn đã là biển chung của nhiều nước. Việc quá nhiều nước tham gia sẽ gây ra vấn đề chủ quyền, an ninh.

Câu 28. Việc giữ vững chủ quyền của một hòn đảo, dù nhỏ, lại có ý nghĩa rất lớn, vì các đảo là

A. Hệ thống căn cứ để tiến ra khai thác biển và đại dương trong thời đại mới.

B. Nơi có thể tổ chức quần cư, phát triển sản xuất.

C. Cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa của nước ta.

D. Hệ thống tiền tiêu của vùng biển nước ta.

Đáp án: C

Việc giữ vững chủ quyền của một hòn đảo, dù nhỏ, lại có ý nghĩa rất lớn, vì các đảo là cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa của nước ta.

Câu 29. Vì sao nước ta cần đẩy mạnh đánh bắt xa bờ?

A. Nguồn lợi hải sản ven bờ đã hết.

B. Mang lại hiệu quả kinh tế cao lại bảo vệ được vùng trời, vùng biển và thềm lục địa.

C. Góp phần bảo vệ môi trường và vùng biển.

D. Nước ta có nhiều ngư trường xa bờ hơn.

Đáp án: B

Giải thích: Nước ta cần phải đẩy mạnh đánh bắt xa bờ vì mang lại hiệu quả kinh tế cao lại bảo vệ được vùng trời, vùng biển và thềm lục địa.

Câu 30. Vì sao việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng?

A. Mang lại hiệu quả cao về KTXH, bảo vệ tài nguyên sinh vật ven bờ.

B. Khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo, vùng biển và thềm lục địa xung quanh.

C. Tăng sản lượng đánh bắt, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế địa phương.

D. Giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Đáp án: B

Giải thích: Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng vì khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo, vùng biển và thềm lục địa xung quanh.

Câu 31. Có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng về điều kiện phát triển giao thông vận tải biển nước ta?

1. Có mạng lưới sông ngòi dày đặc với một số sông lớn.

2. Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông.

3. Dọc bờ biển có nhiều vụng biển kín thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu.

4. Dọc bờ biển có nhiều cửa sông thuận lợi cho xây dựng cảng.

A. 1 B. 2 C. 3 D. 4

Đáp án: C

Các điều kiện phát triển giao thông biển là:

- Nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông, dọc bờ biển có nhiều vụng biển kín thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu và bờ biển có nhiều cửa sông thuận lợi cho xây dựng cảng ⇒ ý 2, 3, 4 đúng.

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc là điều kiện phát triển giao thông đường sông, không phải là điều kiện phát triển giao thông biển ⇒ Loại.

Câu 32. Ý nghĩa của đánh bắt xa bờ đối với ngành thủy sản là

A. Bảo vệ được vùng trời

B. Bảo vệ được vùng thềm lục địa

C. Giúp bảo vệ vùng biển

D. Giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi thủy sản

Đáp án: D

Giải thích: Tác dụng của đánh bắt xa bờ đối với ngành thủy sản là giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi thủy sản và hạn chế khai thác nguồn thủy sản ven bờ đã suy giảm nhiều. Đồng thời, góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển và thềm lục địa nước ta.

Câu 33. Loại hình du lịch thu hút nhiều nhất khách du lịch trong nước và quốc tế hiện nay ở nước ta là

A. Du lịch thể thao mạo hiểm.

B. Du lịch biển – đảo.

C. Du lịch nghỉ dưỡng.

D. Du lịch văn hóa.

Đáp án: B

Giải thích: Loại hình du lịch thu hút nhiều nhất khách du lịch trong nước và quốc tế hiện nay ở nước ta là du lịch biển – đảo.

Câu 34. Sản phẩm nổi tiếng và có giá trị ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chính là

A. Dầu khí.

B. Cà phê.

C. Đậu tương.

D. Nước mắm và hồ tiêu.

Đáp án: D

Giải thích: Sản phẩm nổi tiếng và có giá trị ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chính là nước mắm và hồ tiêu.

Câu 35. Các tài nguyên biển và hải đảo nước ta phải được khai thác tổng hợp vì

A. Nhằm khai thác triệt để các nguồn lợi biển và hải đảo làm cơ sở cho sự phát triển các ngành kinh tế biến.

B. Đảm bảo việc khai thác hợp lí, có hiệu quả đối với các nguồn tài nguyên biển và hải đảo.

C. Môi trường biển và hải đảo đang bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng.

D. Để giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho lực lượng lao động trong cả nước.

Đáp án: B

Khai thác tổng hợp vì: Tài nguyên biển nước ta đa dạng: có nhiều ngành (khai thác hải sản, du lịch biển, khoáng sản biển, vận tải biển) và môi trường biển – đảo đồng nhất, nhạy cảm, dễ bị tác động, nơi này ô nhiễm có thể dễ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Do đó cần khai thác tổng hợp để khai thác và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển đảo, tránh gây ra các hiểm họa môi trường, gây tác động xấu qua lại giữa các ngành kinh tế biển.

Câu 36. Ý nào sau đây không đúng với tài nguyên khoáng sản biển ở vùng biển nước ta?

A. Vùng biển nước ta có một số mỏ sa khoáng ôxit Ti tan có giá trị xuất khẩu.

B. Dọc bờ biển của vùng đồng bằng sông Hồng có điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất muối.

C. Cát trắng ở các đảo thuộc Quảng Ninh, Khánh Hòa là nguyên liệu quý để làm thủy tinh, pha lê.

D. Vùng thềm lục địa có trữ lượng dầu khí lớn, đang được thăm dò và khai thác.

Đáp án: B

Giải thích: Dọc bờ biển của vùng Đồng bằng sông Hồng không có điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất muối. Vì chịu tác động của gió mùa đông bắc, số giờ nắng ít hơn vùng biển khác.

Câu 37. Vấn đề nào đang đặt ra khi khai thác dầu khí ở thềm lục địa nước ta?

A. Tránh để xảy ra các sự cố môi trường trong thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí.

B. Tăng cường hợp tác với các nước để được chuyển giao công nghệ hiện đại

C. Xây dựng nhà máy lọc dầu tại nơi khai thác

D. Hợp tác toàn diện lao động nước ngoài

Đáp án: A

Giải thích: Vấn đề đặt ra trong khai thác dầu khí ở thềm lục địa nước ta là tránh để xảy ra các sự cố môi trường trong thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí. Vì khi đã xảy ra các vấn đề này rất khó giải quyết và gây thiệt hại lớn đến môi trường, sinh vật.

Câu 38. Để đảm bảo việc khai thác hợp lí, có hiệu quả đối với các nguồn tài nguyên biển và hải đảo thì các nguồn tài nguyên biển và hải đảo nước ta phải

A. Khai thác tổng hợp.

B. Khai thác có kế hoạch.

C. Chọn ngành mũi nhọn.

D. Khai thác có trọng điểm.

Đáp án: A

- Tài nguyên biển nước ta đa dạng: có nhiều ngành (khai thác hải sản, du lịch biển, khoáng sản biển, vận tải biển).

- Môi trường biển – đảo đồng nhất, nhạy cảm, dễ bị tác động, nơi này ô nhiễm có thể dễ ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

⇒ Cần khai thác tổng hợp để khai thác và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển đảo, tránh gây ra các hiểm họa môi trường, gây tác động xấu qua lại giữa các ngành kinh tế biển.

Câu 39. Vì sao kinh tế biển ngày càng có vai trò quan trọng đối với nước ta?

A. Biển nước ta giàu nguồn lợi sinh vật, khoáng sản.

B. Nước ta có đường bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế rộng.

C. Biển nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển-đảo, giao thông vận tải biển.

D. Việc giao lưu hợp tác với các nước khác thông qua kinh tế biển ngày càng quan trọng.

Đáp án: D

Giải thích: Việc giao lưu hợp tác với các nước khác thông qua kinh tế biển ngày càng có vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung của nước ta. Đồng thời bảo vệ và khẳng định được vị thể chủ quyền biển, đảo.

Câu 40. Vì sao nước ta phải khai thác tổng hợp kinh tế biển, đảo?

A. Hoạt động kinh tế biển rất đa dạng.

B. Tài nguyên biển đang bị suy thoái nghiêm trọng.

C. Nước ta giàu có về tài nguyên biển.

D. Biển Đông là biển chung của nhiều quốc gia.

Đáp án: A

Giải thích: Nước ta cần phải khai thác tổng hợp kinh tế biển vì hoạt động kinh tế biển rất đa dạng. Chỉ có khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Trắc nghiệm Địa lí 12 bài 42: Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo . Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 12, Giải bài tập Địa lí 12, Giải tập bản đồ Địa lí 12, Giải Vở BT Địa Lí 12, Tài liệu học tập lớp 12

Đánh giá bài viết
1 494
Sắp xếp theo

    Trắc nghiệm Địa lý 12

    Xem thêm