Trích dẫn tác phẩm có phải xin phép và trả tiền không

Các trường hợp sử dụng tác phẩm không xin phép

Trích dẫn tác phẩm có phải xin phép và trả tiền không? Các trường hợp nào trích dẫn tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao? VnDoc mời các bạn cùng tham khảo bài viết chi tiết dưới đây để có được câu trả lời và nắm rõ về quyền sở hữu trí tuệ.

Các trường hợp trích dẫn tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định tại Điều 25 bao gồm:

1. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình

Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm:

1. Trích dẫn; 2. Minh hoạ phục vụ giảng dạy; 3. Chỉ dẫn nguồn gốc và tác giả. Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo.

Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009, Điều 23 Nghị định số 22/2018 cũng nêu:

Trường hợp trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Tác phẩm đã được công bố (được hiểu là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả);

- Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

- Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn;

- Phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

2. Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu

Theo điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, trích dẫn tác phẩm để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu không phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Tác phẩm đã được công bố;
  • Việc trích dẫn tác phẩm không được làm sai ý tác giả;
  • Việc trích dẫn tác phẩm được dùng để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.

3. Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại

Theo điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thì việc trích dẫn tác phẩm để giảng dạy không phải xin phép tác giả, chủ sở hữu tác giả khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:

  • Tác phẩm đã được công bố;
  • Việc giảng dạy được thực hiện trong nhà trường;
  • Việc trích dẫn tác phẩm không được làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
  • Việc sử dụng tác phẩm không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Đánh giá bài viết
1 32
Sắp xếp theo

Hỏi - Đáp thắc mắc

Xem thêm