Truyện cổ tích cho bé: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Đọc truyện: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Lẫy bẩy như Cao Biền dậy non câu chuyện ý nói chúng ta rằng sự nóng nẩy vội vàng sẽ thiếu chu đáo và thế nào cũng sẽ thất bại. Mời các bé cùng đón đọc câu chuyện tại đây nhé.

Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Ngày xưa ở Trung Quốc có Cao Biền rất giỏi nghề địa lý. Những phép hô thần tróc quỷ, ông đều thông thạo. Tiếng đồn vang khắp nơi. Hoàng đế Trung Quốc nghe tiếng liền triệu Biền vào cung ủy thác cho việc kiếm một ngôi đất xây dựng lăng tẩm. Cao Biền vâng lệnh và sau năm năm tìm tòi, đã kiếm được một kiểu đất quý mà theo ông có thể giữ ngôi nhà Đường vững như bàn thạch. Sau khi công việc hoàn thành, hoàng đế rất khen ngợi, sai ban nhiều vàng bạc cùng phong tước lớn cho Biền. Nhưng Biền vốn biết trong kho tàng của hoàng đế có một ngòi bút thần có phép mầu nhiệm mà chính hoàng đế và cả triều thần không một ai biết cả. Vì thế Biền không nhận vàng, chỉ nói:

- Tâu bệ hạ, hạ thần không muốn lấy vàng bạc của bệ hạ. Chỉ muốn xin một kho trong trăm ngàn kho đồ dùng của bệ hạ bằng cách là để hạ thần tự tay rút trong chùm chìa khóa kho tàng mà quan tổng quản đang nắm giữ, nhằm đúng chìa kho nào thì được phép lấy kho ấy. Hoàng đế nghe nói hơi ngạc nhiên nhưng vốn trọng tài Biền, lại thấy ý kiến hay hay nên vui lòng để Biền làm chuyện may rủi xem thử thế nào. Quả nhiên kho mà Biền chỉ, đúng là kho đựng toàn bút lông dùng cho triều đình. Khi được sử dụng hàng vạn cây bút, Biền mang đến một hòn đá, lần lượt đem chọc mạnh từng ngòi lông vào đá. Nhưng chẳng có ngòi nào được toàn vẹn. Mỗi lần thấy tòe ngòi, ông lại vứt đi và tiếp tục chọc ngòi khác vào đá. Cứ thế cho đến lúc trong kho sắp vợi cả bút thì bỗng có một quản bút chọc thủng vào đá mà ngòi lông vẫn còn nguyên vẹn, Biền mừng quá reo lên:

– Ta tìm được ngòi bút thần rồi!

Biền liền cầm bút thần vẽ thử một con rồng lên mặt tường, chừa hai con mắt. Đến khi điểm nhãn, rồng tự nhiên cuộn mình được và tách ra khỏi bức tường. Rồi rồng vụt lên trời, bay biến vào đám mây trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Biền lại vẽ thêm nhiều con vật khác và những con vật ấy đều hoạt động không khác gì những con vật có thực. Sau cùng Cao Biền vẽ một con diều rất lớn, dùng bút thần nhúng mực điểm mắt cho diều. Diều đập cánh bay lên. Lập tức Biền cưỡi lên lưng và diều đưa vút lên trên không. Thế là Biền cưỡi diều vượt qua muôn trùng núi sông sang đến nước Nam. Trên lưng diều, Biền đưa mắt xuống tìm huyệt đất quý. Quả nhiên không bao lâu, ông tìm thấy ở gần một con sông, cứ như bây giờ là sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi, một huyệt đất phát đế vương. Huyệt đất ấy quý không đâu bằng mà lại chỉ trong một ngàn ngày là phát. Đó là một cái hàm con rồng lấp dưới nước mà chỉ có con mắt của Biền mới khám phá được. Từ đó, Biền có ý muốn hưởng một cuộc sống sung sướng xa xỉ vào bậc nhất thiên hạ. Nhưng khi nghĩ lại thì hắn rất tiếc là không có con trai mà thân mình lại đã già mất rồi; nếu được làm vua cũng không còn hưởng được mấy nỗi. Biền mới tính sẽ nhường cho rể. Nếu nó làm vua thì ông bố vợ tất cũng được bội phần trọng đãi, mà dòng dõi con gái mình cũng hưởng phúc lâu dài. Nhưng muốn thực hiện công việc “đại sự” này cần phải giữ hết sức bí mật, nếu không sẽ mất đầu như chơi. Nghĩ vậy, Biền trở về Trung Quốc bảo người con rể đào lấy hài cốt cha y đem sang nước Nam để cải táng. Trong việc này Biền chỉ bàn kín với một người học trò mà thôi. Nhưng người học trò mà Biền tin cậy lại muốn miếng đất quý ấy hoàn toàn thuộc phần mình hưởng, nên khi được lệnh thầy mang hài cốt thì hắn cũng đào luôn hài cốt của cha mình sang Nam.

* * *

Bấy giờ hàm rồng đang thời kỳ há miệng. Biền bảo học trò lặn xuống ném gói xương vào giữa miệng rồng, chờ cho nó ngậm lại hãy lên. Người học trò đem gói xương của cha mình đánh tráo vào, còn gói xương kia thì bỏ ở một bên mép. Xong việc đó, Cao Biền bảo con rể chọn năm giống lúa, mỗi thứ một thúng mang đến huyệt đất nói trên, sai đào đúng vào chỗ vai rồng thành năm cái huyệt. Mỗi huyệt Biền sai rấm một thúng lúa rồi lấp đất lại thành năm ngôi mộ. Hắn giao cho chàng rể một ngàn nén hương, dặn mỗi ngày thắp một nén, đúng hai năm chín tháng mười ngày thì tự khắc quân gia dưới huyệt nhất tề dậy cả. Dặn đâu đấy, Biền trở về Trung Quốc. Thời gian trôi qua. Hôm ấy chỉ còn mười ngày nữa là hết hạn công việc mà Cao Biền đã dặn, thì tự nhiên con gái hắn ở nước Nam đẻ luôn một lúc ba bé trai, mặt mũi dị kỳ. Vừa mới sinh ra, ba đứa đã biết đi biết nói: một đứa mặt đỏ tay cầm ấn, một đứa mặt màu thiếc, một đứa mặt màu xanh, đều cầm dao sáng quắc. Cả ba nhảy tót lên giường thờ ngồi, đòi đem quân thu phục thiên hạ. Người nhà ai nấy xanh mặt.

Chỉ trong một buổi tiếng đồn rầm lên. Mọi người thấy sự lạ đổ tới xem như đám hội. Người rể của Biền sợ quá, bảo vợ: “Mày đẻ ra ma ra quỷ, nếu không sớm trừ đi thì khó lòng sống được với triều đình. Chẳng qua cha mày làm dại, nên mới sinh ra như thế”. Thế rồi y chém tất cả. Trong lúc bối rối người nhà của y vì lầm nên đốt luôn một lúc hết thảy những nén hương còn lại. Bỗng dưng mặt đất chuyển động. ở dưới năm ngôi mộ có tiếng rầm rầm mỗi lúc một lớn. Rồi nắp mộ bật tung ra, bao nhiêu quân gia từ dưới đó nhảy lên. Nhưng vì còn non ngày nên sức còn yếu, đứng chưa vững, người nào người ấy đi lại bổ nghiêng bổ ngửa, cuối cùng đều chết sạch. Lại nói chuyện Cao Biền chờ cho đến tận ngày hẹn mới cưỡi diều bay sang nước Nam. Nhưng lần này diều bị ngược gió nên sang không kịp. Khi diều hạ cánh xuống thì người con rể đã phá hỏng mất công việc của hắn. Hắn bực mình vô hạn. Sau khi căn vặn để hiểu rõ câu chuyện, hắn rút gươm chém chết cả học trò lẫn rể. Từ đó Cao Biền sinh ra chán đời, chả thiết gì nữa. “Không được ăn thì đạp đổ”, nghĩ thế, hắn bèn cưỡi diều đi khắp nước Nam để ếm huyệt và phá tất cả những long mạch của nước này. Ngay chỗ hàm rồng nói trên, hắn dùng phép chém đứt cổ con rồng đó đi. Cũng vì vậy mà ngày nay người ta nói nước sông Trà Khúc đỏ như máu là bởi máu tự cổ con rồng chảy ra đến nay vẫn chưa dứt.

Đến Nghệ An, Biền thấy trên một hòn núi mà ngày nay còn gọi là núi Đầu Rồng ở sát bờ biển có huyệt đế vương. Hắn bèn làm bùa bằng gang đóng vào đỉnh núi. Từ đó trở đi trên đỉnh núi ấy không một cây cối gì còn mọc được. ở Thanh Hóa, Cao Biền cũng thấy có huyệt đất quý. Nhưng hắn thấy con rồng đó què một chân, cho rằng nếu có phát đế vương thì không thể phát to được. Cho nên hắn cho diều đi thẳng không ếm nữa. Cũng vì thế người ta nói mấy đời vua chúa trị vì ở nước Nam đều phát tích ở Thanh Hóa. Khi diều bay qua làng Thiên Mỗ (bây giờ là làng Đại Mỗ, tỉnh Hà Đông) Biền thấy có cái giếng ở vệ sông mà bây giờ là Nhuệ Giang cũng có huyệt đế vương. Hắn bèn cho diều hạ xuống là là sát mặt đất, đoạn thuận tay ném luôn cây bút thần của mình xuống lòng giếng. Người ta nói cây bút ấy sau rồi hóa thành một khúc gỗ cắm chặt xuống đáy giếng. Không một a i dám động đến nó. Mãi về sau trong làng có một ông thám hoa có tính hiếu kỳ mới tâu vua xin hai con voi về kéo thử khúc gỗ đó lên. Họ tết một chiếc thừng lớn: một đầu buộc vào khúc gỗ, còn một đầu buộc vào cổ voi. Nhưng khi voi cất bước thì tự nhiên ở những xóm làng bên cạnh, đất chuyển động ầm ầm, đồng thời nhà cửa phát hỏa tứ tung. Lần ấy ông thám đành bỏ dở công việc vì ông ta sợ con rồng bị đau giẫy giụa làm hại đến dân sự. Điều đặc biệt là từ bấy đến nay nước giếng ấy không bao giờ cạn. Mỗi khi nước trong, người ta vẫn thấy có bóng khúc gỗ đen đen ở dưới đáy. Để tâng công với hoàng đế, Cao Biền vẽ bản đồ từng kiểu đất một rồi viết thành sách ghi chú rất tinh tường đem dâng lên vua Đường. Đại ý nói tất cả những mạch đất quý nhất của nước Nam, hắn đều đã trấn áp xong. Duy có kiểu đất ở chỗ trung độ (tức bây giờ là Hà Nội) thì hắn đã sai đắp một cái thành gọi là thành Đại La để chặn long mạch. Lễ trấn áp này Biền làm rất công phu và linh đình. Trên hòn núi ở xa xa về phía Bắc thành Đại La, hắn cho dựng một cái đàn tràng. Trong thành Đại La, hắn sai nung một lúc tám vạn cái tháp bằng đất nhỏ. Nung xong, Biền huy động tám vạn quân, mỗi tên quân vai vác giáo, mũi giáo xóc một cây tháp, đi từ Đại La tiến dần lên núi. Vừa đi họ vừa hô mấy tiếng “Thống vận hoàng đế”. Đến nơi đặt tháp xuống đỉnh núi rồi tám vạn quân ấy lại rùng rùng kéo về Đại La. Cũng vì có những việc kỳ dị như thế nên núi ấy từ đó mang tên là núi Bát Vạn. Hoàng đế Trung Quốc đọc sách của Cao Biền lại càng khen ngợi hắn. Nhưng việc làm của Biền bị dân chúng nước Nam oán ghét. Họ lập tâm chờ dịp giết hắn cho bõ hờn. Một hôm, Biền cưỡi diều bay vào miền cứ như bây giờ là Ninh Bình. ở đây người ta đã chuẩn bị cung nỏ chờ khi diều của hắn bay qua là là mặt đất, là cả bao nhiêu người cùng nhất tề phóng tên. Diều bị gãy cánh rơi xuống núi. Biền bị trọng thương, sau đó phải đưa về Trung Quốc. Hòn núi ấy ngày nay còn mang tên là núi Cánh Diều, một trong ba ngọn núi ở gần trị sở Ninh Bình. Cao Biền về nước được ít lâu bị thủ hạ giết chết. Người ta theo lời dặn của hắn, đem hài cốt chôn ở một cái gò cát ở mé biển miền Nam, cứ như bây giờ thuộc tỉnh Phú Yên. ở đó mặc dầu sóng dồi gió dập thế nào đi nữa, cát ở mả vẫn cũng không bay đi chỗ khác. Người đi thuyền qua đó vẫn gọi là mả Cao Biền. Ngày nay chúng ta có câu:

Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Là ý nói nóng nẩy vội vàng sẽ thiếu chu đáo và thế nào cũng thất bại.

Nghe kể chuyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

Mời các bé cùng đón đọc:

Truyện cổ tích cho bé: Bảy điều ước

Truyện cổ tích cho bé: Sự tích núi Ngũ hành

Đánh giá bài viết
1 234
Sắp xếp theo

Truyện kể bé nghe

Xem thêm