Từ đa nghĩa thường gặp trong tiếng Anh

Từ đa nghĩa thường gặp trong tiếng Anh

Cũng như phần lớn ngôn ngữ khác, trong tiếng Anh có một bộ phận từ, ngoài nghĩa thông dụng chúng còn có nghĩa khác. VnDoc.com xin giới thiệu đến các bạn Từ đa nghĩa thường gặp trong tiếng Anh do VnDoc.com sưu tầm và đăng tải dưới đây nhằm đem đến cho các bạn một số dạng từ này. Sau đây mời các bạn vào tham khảo.

1. Company

Ngoài nghĩa là công ty, “company” còn có nghĩa là bạn bè.

Ví dụ: “We’re judged by the company we keep” – Người ta sẽ xét đoán bạn qua bạn bè mà bạn giao du.

Khi xem phim thấy 2 người trong xe hơi nhìn vào gương chiếu hậu rồi nói “We’re got company” thì bạn sẽ hiểu như thế nào? Ở đây “company” nghĩa là “cái đuôi” – Chúng ta có cái đuôi bám theo.

Thật thú vị phải không các bạn?

2. Good

– “Good” từ này đơn giản ai cũng biết. Nhưng trong câu này lại khác: “I’m moving to Europe for good”. Vì “for good” là thành ngữ “mãi mãi, đi luôn”.

– Hay từ “good” trong câu sau chỉ tương đương như “very”: “I’ll do it when I’m good and ready”.

– Cụm từ “as good as” tưởng đâu là so sánh bằng, nhưng thật ra chúng mang nghĩa “gần như, hầu như” trong câu sau: “The US$2,000 motorbike is as good as new”.

– Good được thêm ”s” (Goods) thì lại mang nghĩa là hàng hóa

3. Rather và Fairy

– “Rather” và “fairly” đều dịch là “khá” nhưng ý nghĩa lại rất khác nhau. “We’re having rather cold weather for October” – “Tháng mười mà thời tiết như thế này thì hơi lạnh”, “rather” mang ý nghĩa chê, thất vọng.

– Trong khi đó “fairly” mang ý nghĩa khen: Oh, it’s fairly easy” – “Ồ, bài tập này khá dễ”. Sẽ khác với câu “Oh, it’s rather easy” – “Ồ, bài tập này xoàng quá”.

4. Continuous và Continual

“Continuous” và “continual” đều có nghĩa là “liên tục”.

– Nhưng “continual loss of power during the storm” có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (có điện rồi lại mất điện)

– Còn “continuous loss of power during the storm” lại là mất điện hẳn suốt trận bão.

5. Housewife và Homemaker

– “Housewife” nghĩa là người nội trợ theo nghĩa người Anh. Nhưng người Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò phụ nữ. Họ thích từ “homemaker” hơn.

6. Trade

Ngay cả những loại từ thương mại như “trade” có nghĩa là buôn bán, trao đổi, nghề nghiệp. Nhưng khi dùng với các từ “down, up, in, on” lại có những hàm ý khác nhau.

Ví dụ: Bạn có một chiếc xe hơi, bạn đổi lấy một chiếc mới hơn, tốt hơn và bù thêm một khoản tiền thì dùng “trade up”, đổi xe cũ hơn và nhận một khoản tiền bù thì dùng “trade down”. “Trade in” mang ý nghĩa chung, đổi hàng này lấy hàng khác. Còn “trade on” thì mang ý nghĩa xấu “lợi dụng” như “Children of celebrities who trade on their family names”.

7. Heavy

– Từ heavy có thể được dùng đi kèm với những danh từ khác nhau trong tiếng Anh và nó sẽ có nghĩa khác nhau trong các cụm từ đó.

Ví dụ: That was a very heavy sigh – một tiếng thở dài mạnh, rõ, nặng nề.

– Từ heavy thường được dùng với nghĩa “nặng” trái ngược với nhẹ.

Ví dụ: So how heavy are you? – Anh/chị nặng bao nhiêu?

Am I getting too heavy? – Tôi đang trở nên nặng cân quá à?

– Và một cách dùng không trịnh trọng khác nữa và có nghĩa là khó.

Ví dụ: That was a heavy lecture! I had trouble understanding it all. – Đó là một bài giảng khó. Tôi gặp khó khăn để có thể hiểu được toàn bộ bài giảng.

– Chúng ta cũng có thể dùng từ ‘heavy’ với nghĩa là ‘intense’ (mãnh liệt, dữ dội, cường độ lớn):

Ví dụ: There was such a heavy fog I couldn’t see where I was going. - Có sương mù dày đặc tôi không thể nhìn được mình đang đi đâu.

The flooding was caused by days of heavy rain. – Lụt lội do nhiều ngày mưa lớn.

Heavy fighting broke out after the government’s announcement. – Giao tranh dữ dội bùng nổ sau tuyên bố của chính phủ.

– Ngoài ra heavy còn được dùng với các danh từ drinker, smoker: “a heavy drinker” hay “a heavy smoker”. Trong trường hợp này, heavy có nghĩa là (uống/hút) nhiều – một người uống nhiều bia rượu, hay một người hút nhiều thuốc lá.

8. Up

– Nghĩa của UP rất dễ hiểu. Nó có nghĩa là hướng lên trên hoặc nằm ở đầu danh sách, nhưng tại sao khi chúng ta thức giấc vào buổi sáng, chúng ta lại ‘wake UP’ (thức dậy)?

– Trong một cuộc họp, tại sao ‘a topic comes UP’ (chúng ta lại đề cập đến một đề tài)? Tại sao chúng ta ‘speak UP’ (nói thẳng ý kiến của mình), các viên chức ‘are UP for election’ (các viên chức chuẩn bị cho cuộc bầu cử), ‘it is UP to the secretary to write UP a report’ (Thư ký có nhiệm vụ viết báo cáo)

– Chúng ta ‘call UP’ (gọi điện thoại cho) bạn mình và chúng ta ‘brighten UP a room’ (làm nhộn nhịp cả căn phòng), và ‘polish UP the silver’ (đánh bóng đồ dùng bằng bạc)

– Chúng ta ‘warm UP the leftovers’ (hâm nóng thức ăn cũ), ‘put on make UP’ (trang điểm) và ‘clean UP the kitchen’ (lau dọn nhà bếp).

Chúng ta ‘lock UP the house’ (khóa cửa) và vài người ‘fix UP the old car’ (sửa sang lại chiếc xe cũ).

– Trong một số ngữ cảnh khác, từ này lại mang những nghĩa thật sự đặc biệt. Người ta ‘stir UP trouble’(gây phiền toái), ‘line UP for tickets’ (xếp hàng mua vé), ‘work UP an appetite’ (tỏ ra ngon miệng), và ‘think UP excuses’ (bịa ra một lý do để bào chữa).

– ‘To be dressed’ (mặc đồ) là một việc, còn ‘to be dressed UP’ (diện bảnh, chải chuốt) lại là việc khác.

Điều này thì mới thật là rối rắm: ống dẫn nước phải được ‘opened UP’ (thông) bởi vì nó bị ‘stopped UP’(nghẽn).

Chúng ta ‘open UP a store’ (mở cửa vào buổi sáng), và chúng ta lại ‘close it UP’ (đóng cửa) vào buổi tối. Chúng ta thật sự là ‘mixed UP’ (điên đầu) về từ ‘UP’ này!

9. Green

“Green” ngoài hai nghĩa là màu xanh và thân thiện với môi trường, thì còn có thể dùng trong nhiều trường hợp với nghĩa khác nữa

Ví dụ:

+ Charles was green with envy when I took first place in the exam. (Charles đã rất ghen tị khi tôi đứng nhất trong kỳ thi.)

+ Excuse me; could you help me please, I’m a bit green at this!

Green at something có nghĩa là mới, là chưa có kinh nghiệm trong việc gì hay lĩnh vực nào đó.

Đánh giá bài viết
1 2.217
Sắp xếp theo

    Luyện thi TOEIC

    Xem thêm