Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) của Hồ Chí Minh

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) của Hồ Chí Minh

Bài văn mẫu dưới đây với đề tài: Phân tích bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) của chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong Nhật kí trong tù là tài liệu văn mẫu lớp 11 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp ích cho quá trình dạy và học của quý thầy cô giáo và các em học sinh, giúp những tiết học Văn sinh động và hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Nhớ Đồng của Tố Hữu

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Đề bài: Phân tích bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) của Hồ Chí Minh (Trích Nhật kí trong tù).

Hai bài Tảo giải ở vị trí thứ 41 và 42 của tập Nhật kí trong tù. Hồ Chí Minh viết chùm thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An đến nhà lao Đồng Chính, sau khi dã phải đi bộ gần 200 km và bị giam cầm hơn 60 ngày. Có hiểu thấu tất cả những nỗi gian khổ, cay đắng của Bác trong những ngày trên đường chuyển lao, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa sâu sắc của hai bài thơ đó, và quan trọng hơn là hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của thi nhân.

Tảo giải có nghĩa là giải đi sớm, chính xác hơn là bị giải đi sớm. Bác ghi lại rất thực cảnh mình bị chuyển lao trong đêm khuya và vào lúc rạng đông. Nếu đứng riêng, mỗi bài thơ có một nội dung tương đối độc lập. Đứng chung dưới một đầu đề, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau.

Cảnh chuyển lao diễn ra trước mắt chúng ta như thật. Bác kể và tả về chuyện bản thân là một người tù bị áp giải trên đường chuyển lao nhưng ý nghĩa thẩm mĩ mà hai bài thơ để lại cho người đọc lại là hình ảnh của một chiến sĩ – thi sĩ vượt lên trên đau khổ đọa đày để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và hòa vào thiên nhiên tâm hồn tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Bị giải đi sớm giữa đêm thu khuya khoắt và lạnh lẽo nơi đất khách quê người, nỗi cô đơn, hiu quạnh của Bác lẽ ra phải nhân lên gấp bội, nhưng ngược lại, bài thơ đã cho chúng ta thấy một niềm lạc quan, tin tưởng không gì lay chuyển nổi. Đó chính là biểu hiện của một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.

Câu thơ mở đầu bài thứ nhất:

Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
(Gà gáy một lần, đêm chửa tan,)

Bác dùng tiếng gà gáy để chỉ thời điểm lên đường. Đây là cách tính thời gian khá quen thuộc trong dân gian cũng như trong văn chương. Bác muốn nhấn mạnh ý mình bị giải đi rất sớm, từ lúc mới quá nửa đêm một chút. Đây là một câu thơ bình thường, nhưng đến câu thứ hai thì đã khác:

Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;
(Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn;)

Câu thơ tả thực cho thấy bầu trời còn rất nhiều sao và trăng vẫn còn lơ lửng trên đỉnh núi mùa thu. Những hình ảnh này bổ sung cho ý Bác bị giải đi rất sớm ở câu trên; đồng thời thể hiện hồn thơ nhạy cảm, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong cảnh ngộ đi đày, người ta thường thấy thiên nhiên buồn bã, quạnh hiu nhưng với tâm hồn thi sĩ, Bác lại thấy thiên nhiên trở nên gần gũi, sinh động. Dường như Bác không cô độc mà có trăng sao làm bạn trên đường đi gian nan, khổ ải.

Sự cực khổ của người tù trên đường bị giải đi sớm được Bác ghi lại ở câu thơ thứ ba:

Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
(Người đi cất bước trên đường thẳm,)

Nhưng không chỉ có thế mà còn có một hình ảnh lớn hơn, là hình ảnh một con người tự nâng mình vượt lên trên hoàn cảnh, không chịu khuất phục trước thử thách khắc nghiệt. Bóng dáng khổ ải của người tù nhòa đi, nhường chỗ cho người chiến sĩ chủ động chấp nhận gian khổ vì nghĩa lớn với dân, với nước.

Phân tích giải đi sớm

Tâm thế chủ động của Bác tạo nên tư thế chủ động:

Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
(Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.)

Tiếc rằng câu thơ dịch không lột tả được đúng ý nghĩa của câu thơ trong nguyên bản chữ Hán, dịch nghĩa là Đối mặt, trận trận gió thu lạnh. Đi trong đêm khuya, giữa những trận gió lạnh thấu xương liên tiếp thổi tới, Bác cũng thấy lạnh như mọi người nhưng khác ở chỗ là Bác không để cho cái lạnh áp đảo mình. Tư thế hiên ngang, chủ động mà vẫn khiêm tốn, kín đáo phản ánh rất đúng cốt lõi con người Bác. Khí lạnh dường như bị át đi bởi tâm hồn Bác đang hướng tới và chia sẻ với khung cảnh thiên nhiên ấm áp, quần tụ mà Bác đã miêu tả ở trên. Bốn câu thơ đã phác họa khá sinh động cảnh chuyển ngục khi trời chưa sáng, rất thực mà cũng rất nên thơ.

Bài thơ thứ hai mở đầu bằng vẻ đẹp tinh khôi của bầu trời lúc rạng đông:

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
(Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng,)

Ẩn chứa trong câu thơ này là một niềm vui. Bác vui vì ánh binh minh đang dần dần toả sáng, xua tan màn đêm tối tăm, lạnh lẽo. Không gian thoáng đãng hơn và ấm áp hơn:

U ám tàn dư tảo nhất không;
(Bóng tối đêm tàn quét sạch không;)

Những tia nắng mặt trời như một cây chổi vô hình kì diệu quét sạch bóng đêm còn rơi rớt đó đây. Trước mắt Bác, tạo vật tắm trong một màu hồng thanh khiết đầy sức sống. Niềm vui thưởng thức cảnh đẹp của Bác giờ như được tăng lên gấp bội và Người sung sướng cảm thấy:

Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,)

Bao la, toàn vũ trụ là những chữ gợi lên cái rộng lớn, mênh mông. Hơi ấm của mặt trời bao trùm vạn vật và sưởi ấm lòng người. Thi hứng vì thế mà đột ngột dâng cao và mở rộng ra vô tận:

Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
(Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.)

Trước cảnh đẹp của buổi bình minh, cảm xúc dạt dào trong tâm hồn Bác. Bác không còn là một tù nhân mà đã là một thi nhân. Thi hứng vốn đã có sẵn từ trước nay càng thêm nồng, cảm xúc khiến cho Bác phát hiện ra vẻ đẹp của hình ảnh Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san và Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng. Tâm hồn Bác rung động mãnh liệt trước sự chuyển hóa kì diệu của thiên nhiên buổi sớm mùa thu. cả một vừng hồng bát ngát trước mắt, không gian như rộng đến vô cùng và Người đi thi hứng bỗng dạt dào tỏa sáng.

Giải đi sớm là bài thơ thể hiện sự hài hòa tuyệt đẹp giữa phẩm chất cách mạng với tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tiêu biểu cho bút pháp tả thực mà trữ tình, hiện thực mà lãng mạn, cổ điển mà hiện đại của tập thơ Nhật kí trong tù. Một bài thơ đi đày mà giống như một hành khúc lên đường, trầm hùng ở đoạn đầu và tràn đầy âm hưởng vui tươi, ấm áp, sảng khoái ở đoạn sau. Cuối cùng vút lên nét lạc quan, trong sáng của tâm hồn chiến sĩ – thi sĩ Hồ Chí Minh.

Đánh giá bài viết
1 1.532
Sắp xếp theo

Ngữ văn lớp 11

Xem thêm