Văn mẫu lớp 6: Cảm nhận về bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Cảm nhận về bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Văn mẫu lớp 6: Cảm nhận về bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng được VnDoc biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 giúp các em học sinh ôn tập, từ đó học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 6 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Đề bài: Em hãy cảm nhận về bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Từ xưa đến nay, ông cha ta luôn có một nhận thức đúng về đoàn kết, mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa các cá nhân trong đời sống cộng đồng. Không một ai có thể tách biệt xa khỏi cộng đồng vì khi đó sẽ bị cô lập và sẽ không thể làm được bất cứ việc gì. Truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” đã phản ánh chân thực nhất hiện tượng trên, để lại một bài học vô cùng quý giá và cho chúng ta có một cách nhìn nhận đúng đắn về thế giới khách quan.

Câu chuyện xoay quanh năm nhân vật: Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, đó là những bộ phận trên cơ thể con người, mỗi cái có một nhiệm vụ và chức năng riêng biệt nhưng đều phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Tác giả dân gian đã nhân hóa những bộ phận ấy như một con người cụ thể.

Chuyện kể về suy nghĩ dại dột của năm nhân vật Chân, Tay, Tai và Mắt vì suy nghĩ rằng lão Miệng không làm gì mà cũng có ăn trong khi họ phải làm việc vất vả suốt ngày. Suy nghĩ nông nổi ấy được đẩy lên cao trào khi cô Mắt đã đưa ra quan điểm của mình và lôi kéo bác Tai, anh Chân, anh Tay đến nhà lão Miệng để nói rõ đầu đuôi câu chuyện là từ nay họ sẽ không làm việc nữa, tự lão Miệng tự tìm cách mà kiếm ăn. Ai nấy đều nghĩ rằng hành động của mình như vậy là hợp lí.

Sai lầm là ở chỗ Chân, Tay, Tai, Mắt không nhận thức được rõ mỗi người sẽ đảm nhận một nhiệm vụ, không có ai là ăn không ngồi rồi mà có ăn cả. Suy nghĩ nông cạn ấy đã làm cho các nhân vật phải trả một hậu quả nghiêm trọng. Mỗi ngày trôi qua, những con người ấy dường như không thể hoạt động, sinh hoạt được như mọi ngày. Mặc dù họ không làm việc nữa nhưng họ còn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ hơn là khi họ làm việc, sinh sống bằng chính sức lao động của mình. May mắn thay, trong tất cả bọn họ đã có bác Tai phát hiện ra vấn đề. Cuối cùng, sau 7 ngày không chịu đựng được nữa, Chân, Tay, Tai và Mắt đến nhà lão Miệng và xin lỗi lão về hành động dại dột của mình. Khi đến nhà lão Miệng, cả 4 nhân vật đều thấy lão Miệng cũng sống dở chết dở, môi thì nhợt nhạt, hai hàm khô cứng, không buồn nhếch mép. Sau đó, tất cả mọi người đều quay trở lại làm việc như cũ, mỗi người làm một công việc khác nhau để rồi cùng chung sống vui vẻ, hòa đồng với nhau.

Thông qua câu chuyện, tác giả dân gian muốn nhắn nhủ đến chúng ta nhiều điều. Trong một xã hội cần có sự đoàn kết, thống nhất, không nên so bì, tỵ nạnh nhau. Nếu ai cũng như Chân, Tay, Tai, Mắt trong truyện ngụ ngôn kia thì lấy ai làm việc, lấy ai xây dựng và phát triển đất nước, làm cho xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp. Nếu một cá nhân tự tách mình ra khỏi xã hội thì sẽ khó tồn tại, sống sốt.

Ông cha ta đã từng quan niệm:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Điều thú vị của truyện ngụ ngôn này ở chỗ, mỗi người có một năng lực khác nhau, sự phân công công việc phụ thuộc vào khả năng của người đó, vì vậy chúng ta không nên ghen ghét, đố kỵ nhau. Mỗi cá nhân là một phần tử của xã hội.Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng làm hết khả năng của mình trong công viêc thì xã hội mới tốt đẹp và phát triển được. Quả thật, đây là một câu chuyện ngụ ngôn có ý nghĩa quan trọng đối với nhận thức của không ít người trong xã hội hiện nay. Hi vọng rằng, thông qua câu chuyện, chúng ta có thể hiểu rõ hơn và làm tốt nhiệm vụ mà mình được phân công. Thử hỏi trong xã hội, ai cũng như những nhân vật trong câu chuyện thì ai sẽ là người làm việc, ai sẽ xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Đánh giá bài viết
3 503
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

    Xem thêm