Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44: “Hãy viết một bức thư kể về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó”

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 44: "Hãy viết một bức thư kể về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó"

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015 (UPU 44) có chủ đề "Write a letter describing the world they want to grow up in" (Hãy viết một bức thư kể về thế giới em muốn lớn lên) bao gồm những bài văn mẫu hay giúp các em có thêm vốn từ vựng phong phú cho các bài văn viết thư. Sau đây mời các em cùng tham khảo và tải về.

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: "Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi"

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46

Lưu ý:

Hiện tại, các em học sinh đang chuẩn bị cho bài Viết thư UPU 47 chủ đề Hãy tưởng tượng em là một bức thư có khả năng du hành vượt thời gian, khi đó thông điệp nào em muốn truyền tải tới người đọc. VnDoc.com đã cập nhật bài viết mẫu về cuộc thi viết thư upu lần thứ 47 năm 2017 - 2018 này. Mời các em tham khảo.

Bài tham khảo 1

Xứ sở Tình Thương, ngày 15 tháng 02 năm 2015.

Nhà văn Andersen kính mến!

Ông còn nhớ cháu chứ? Cháu là "Cô bé bán diêm" trong truyện ngắn cùng tên của ông đây ạ, cô bé nghèo khổ phải dò dẫm lê bước trên tuyết giữa mùa đông lạnh giá và từ giã cuộc sống trong một đêm Giáng Sinh - đêm mà ai cũng đều cầu chúc những điều tốt lành.

Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết nên câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhân vật đáng thương đến vậy. Cháu muốn được lớn lên trong một thế giới đẹp đẽ hơn, sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng ngặt nỗi số phận và chính ông đã chẳng cho cháu có quyền được lựa chọn.

Cháu đã phải sống trong cảnh mồ côi mẹ, không lâu sau đó người bà thân thương nhất cũng qua đời; gia sản tiêu tán bởi người cha nghiện ngập, suốt ngày đánh đập, hành hạ con gái, nhất là khi cả ngày cháu chẳng bán được bao diêm nào.

Không chỉ nuôi ước mơ về một gia đình hạnh phúc, cháu còn muốn được đi học, được vui chơi như biết bao bạn bè cùng trang lứa, không phải mang bên mình chiếc túi đầy những bao diêm và canh cánh nỗi lo rằng sẽ không bán hết, bị mắng, bị chửi, bị đánh đập...

Cháu buồn và tủi thân lắm ông ạ! Giá như năm ấy, ông tặng cho cháu một mái ấm trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ để cháu được học, được đến trường cùng bạn bè thì hay biết mấy!

Thực lòng, thế giới cháu luôn mơ về trong những đêm say giấc không hẳn là một thế giới hiện đại, văn minh bậc nhất, cháu chỉ cần một cuộc sống mà ở đó con người chẳng bao giờ phải đối mặt với chiến tranh, hận thù, bệnh tật, đói nghèo, tệ nạn xã hội...

Chính người bà mà cháu yêu quý đã rời xa cháu vĩnh viễn chỉ vì bệnh tật và nghèo khổ đấy ông ạ! Những cánh chim bồ câu trắng khẽ bay lượn trên bầu trời trong lành, thoáng đãng, chẳng chút bụi bặm, ô nhiễm, bên dưới là mái nhà có dây thường xuân bao quanh, có tiếng mẹ, tiếng cha ấm áp, dịu dàng... Đó mới là một cuộc sống mà cháu hằng mong ước, ông có biết?

Điều mà cháu tiếc nhất ở câu chuyện của ông đó là giữa những con người còn có một khoảng cách vô hình tồn tại, ngăn cản sự chan hòa của tình thương. Ông cũng biết đấy, trông thấy một bé gái nhỏ lạnh co vì rét giữa đêm giao thừa giá buốt chào diêm mà chẳng ai dừng lại mua giúp lấy một bao. Để rồi khi cô bé ấy "nắm tay bà bay lên", bay về một thế giới khác, người ta cũng chẳng buồn quan tâm, họa chăng chỉ là đôi lời bàn tán để thỏa mãn cho sự hiếu kỳ của họ.

Ông ơi! trước khi chết vì cái đói, cái rét, cô bé kia đã chết vì chính sự lạnh lùng vô cảm, tàn nhẫn và ích kỷ của người đời. Càng ngẫm nghĩ, cháu lại càng thấm thía câu nói, tuy đơn giản ngắn gọn nhưng lại vô cùng ý nghĩa của Loilla Cather: "Nơi nào có tình thương yêu thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu".

Giá như con người biết quan tâm đến nhau nhiều hơn thì có lẽ điều kỳ diệu đã xảy ra và cháu đã chẳng về với Thượng đế. Tình thương, sự sẻ chia, giúp đỡ đồng loại, chỉ mơ ước nhỏ bé ấy thôi mà chẳng ai giúp cháu, giúp những em bé có hoàn cảnh như cháu thực hiện được ông nhỉ?

Ông ơi! Chắc hẳn ông ngạc nhiên lắm! Cô bé của ông ngoan ngoãn ngày nào nay lại viết thư để phiền trách ông với lý do ông chưa cho nó được một cuộc sống như nó vẫn mơ ước. Không đâu ông, cháu hiểu vì nỗi lòng trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết nên một câu chuyện buồn như thế. Ông viết nó bằng cả tâm huyết của mình với hi vọng có thể thức tỉnh được trái tim vô cảm của một số con người, để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phải rồi ông ơi, từ ngày "Cô bé bán diêm" được xuất bản và phát hành ở nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều fan hâm mộ viết thư cho cháu. Bức thư gần nhất mà cháu nhận được là những dòng tâm sự đầy cảm xúc của một cậu bé giấu tên đến từ Việt Nam. Trong thư, cậu có nhắc đến một cuộc thi với chủ đề rất hay: "Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó".

Vậy là cháu quyết định viết và gửi thư cho ông với mong muốn qua nhưng chuyến xe bưu chính UPU, lá thư này sẽ đến được tay ông, giúp ông hiểu được nhiều hơn những ước mơ, hoài bão của cháu cũng như bao trái tim bé bỏng khác về một thế giới mà mọi đứa trẻ đều muốn lớn lên và phát triển ở đó.

Ông ơi! Hi vọng ông sẽ nhớ về cháu, về truyện ngắn mang tên đứa bé này hơn 166 năm về trước. Luôn ấp ủ một niềm tin là ông vẫn khỏe mạnh, luôn ấp ủ một tình yêu đối với Andersen của cháu! Chúc ông một buổi tối thật nhiều niềm vui!

Cô bé bán diêm.

"Đây là bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 của em Trương Hải Nam học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hữu Lập, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)''

Bài tham khảo 2

Trái Đất, ngày 16 tháng 12 năm 2014

Thư gửi Bồ Câu!

Hôm nay trên truyền hình có phát đi một tin tức chấn động rằng: "Phiến quân IS đã hành quyết con tin như thời trung cổ", một sự hành quyết vô cùng man rợ và độc ác. Vì vậy mình lập tức biên thư gửi gấp cho Bồ Câu đây.

Bồ Câu ơi! Thế giới hiện tại vẫn còn chiến tranh, khủng bố, giết chóc đẫm máu. Một hiểm hoạ ảnh hưởng đến toàn nhân loại chúng ta và có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3. Đẩy con người vào chỗ khốn cùng của sự tang thương, mất mát. Hai cuộc chiến trước đã huỷ hoại thế giới tàn khốc đến mức nào? Hơn 70 triệu người chết, hơn 110 triệu người bị thương, thành phố, làng mạc, đường sá, công trình bị phá huỷ nghiêm trọng. Người chết thì xương phơi đồng, núi – người sống thì tàn tật, đau ốm suốt đời. Các thế hệ con cháu cũng mang trong mình những di chứng của chất độc hoá học, chất phóng xạ, ... Biết bao nhiêu của cải vật chất, động thực vật cũng bị huỷ hoại theo. Dẫn đến thiên tai, dịch hoạ, đói kém,... cướp đi không biết bao nhiêu triệu người nữa?

Bồ câu ơi! Xương máu, mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống trái đất này quá nhiều rồi, vậy mà loài người vẫn chưa tỉnh ngộ. Giờ đây, hoà bình lập lại chưa được bao lâu, thì đâu đó trên hành tinh này ngọn lửa chiến tranh vẫn còn âm ỉ cháy. Giao tranh ở Ukraina, xung đột Israel - Palestine, phiến quân IS ở Iraq và Syria, ... Hằng ngày, hằng giờ bom rơi, đạn nổ, ... vẫn ung dung lấy đi sinh mạng của con người, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ và trẻ em như chúng ta đấy Bồ Câu ạ!

Giải pháp nào? Lối thoát nào? Cho nhân loại đây. Bồ Câu có biết không? Các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm hành tinh mới, nhưng với bản chất con người như hiện nay thì cũng chỉ đem đến chết chóc cho hành tinh đó mà thôi. Con người đã đầu tư quá nhiều vào việc phát triển vũ khí, đạn dược. Tại sao không ngưng ngay việc này lại để tập trung phát triển y tế, kinh tế, giáo dục?

- Với những bệnh nan y như: Ung thư, HIV/AIDS, tai biến, thần kinh, các bệnh dịch ... chưa có thuốc đặc trị. Thay vì chạy đua vũ trang hãy chạy đua tìm ra phương thuốc mới.

- Mỗi năm trên trái đất hứng chịu biết bao nhiêu thiên tai, bão lũ, ... sao không dồn sức tìm ra giải pháp ứng phó phù hợp để hạn chế thiệt hại?

- Thế giới ngày càng văn minh nhưng đạo đức con người lại càng xuống thấp? Vậy sao không quan tâm đầu tư phát triển giáo dục hơn nữa?

Những điều tốt đẹp, ý nghĩa không làm, lại đi bành trướng, cướp bóc, tàn sát lẫn nhau. Không gì có thể đẩy con người vào chỗ tuyệt chủng, ngoại trừ chính con người.

Bồ Câu thân mến! Mình mong muốn rằng sau này khi mình lớn lên bóng ma chiến tranh sẽ không còn hiện diện trên thế giới này nữa. Con người sống hoà đồng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau không phân biệt màu da hay địa vị xã hội, cùng nhau bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống bình yên trên mọi đất nước. Bởi suy cho cùng, mỗi chúng ta đều sống có giới hạn, mỗi ngày trôi qua thì giới hạn đó càng gần. Hãy sống để xây dựng, đừng sống để phá hoại. Bồ Câu có đồng ý với mình không?

Khi nhận được thư, mong Bồ Câu và bạn bè khắp năm châu, cố gắng tìm ra giải pháp hữu hiệu, cho vấn đề sống còn của hành tinh này. Và cũng là để cho ước muốn của mình thành sự thật. Bồ Câu nhé!

Mến chúc Bồ Câu nhiều sức khoẻ!

Bạn thân của Bồ Câu!

Đánh giá bài viết
33 3.340
Sắp xếp theo

Viết thư UPU lần thứ 53

Xem thêm