Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: Bài mẫu về người hùng là mẹ

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: Bài mẫu về người hùng là mẹ được VnDoc sưu tầm chọn lọc cho các bạn tham khảo thêm nhiều ý tưởng, khai thác tốt các chủ đề khác nhau chuẩn bị cho bài dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2019. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề Viết thư UPU lần 48 năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng". "Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình".

Các bài văn mẫu hay viết về các thầy giáo như người hùng hay cô giáo như người hùng phù hợp với đề bài năm nay.

Bên dưới sẽ là phần giới thiệu một vài bài văn mẫu hay về những người mẹ luôn hết lòng chăm lo cho chúng ta như những người hùng thực sự của gia đình, đó chính là ý tưởng cho bức thư UPU 2019. Lưu ý đối với phần chào hỏi đầu thư, nội dung viết cho ai, viết lúc nào, viết để làm gì thì các bạn nên tự sáng tạo.

Ví dụ phần mở đầu thư thường phải có câu chào hỏi như: "Chào bạn. Tôi vẫn khỏe, còn bạn dạo này thấy nào. Tôi rất vui vì qua thư chúng ta có thể trao đổi nhiều điều thú vị như vậy. Hôm nay tôi muốn kể với bạn về một người mà tôi rất ngưỡng mộ...".

Bài mẫu viết thư UPU về người hùng của em là mẹ

Bài mẫu về người hùng là mẹ

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: Người hùng là mẹ - Bài tham khảo 1

Xin chào bạn!

Người hùng trong bạn là ai, bạn từng kể cho mình nghe người hùng trong bạn, thần tượng của bạn là chị ca sĩ người Hàn Quốc. Còn với mình, thần tượng của mình, người hùng trong lòng mình không ai khác chính là mẹ. Người mẹ tần tảo vất vả vì 3 anh em mình.

Năm mình lên 3 tuổi thì bố mình bị cảm lạnh và qua đời. Lúc ấy, mẹ mình vừa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Mẹ mình đi làm giúp việc gia đình vất vả lắm. Bố mất, mẹ mình không được về. Còn nhỏ, mình chưa hiểu được sự thiếu vắng tình cảm của bố và của mẹ như thế nào.

Mình sống với bà nội và hai anh trai. Bà lúc nào cũng thương vì mình là con gái út mà phải xa mẹ lại mồ côi cha khi còn quá nhỏ nên lúc nào bà cũng cưng chiều mình.

Năm mình học lớp 1, mẹ mình mới được về từ khi bố mất. Mẹ làm gấp 4, 5 người bình thường để gửi tiền về nuôi 3 anh em mình và xây lại căn nhà cũ nát để bốn bà cháu ở che nắng che mưa.

Ngày mẹ về quê, mẹ khóc rất nhiều. Cảm nhận của mình về mẹ xa vời quá vì khi ấy mình còn nhỏ mẹ đã đi xa. Mình đã không theo mẹ. Mẹ gọi Minh ngủ với mẹ nhé, mình lắc đầu từ chối. Dù bà nội, bà ngoại nịnh nọt thế nào mình cũng không ngủ cùng mẹ.

Có lẽ mẹ buồn lắm. Mẹ ở gần chăm sóc rồi kể nhiều chuyện cho mình nghe. Mình dần yêu mẹ hơn. Lúc ấy, mình thấy đêm nào mẹ cũng khóc vì thương mình mồ côi cha và tuổi thơ phải xa mẹ.

Năm anh trai học lớp 10. Khi đó nhà nghèo lắm tiền mẹ đi giúp việc 4 năm ở xứ người cũng chỉ đủ sửa nhà, nuôi mấy anh em mình. Mẹ lại tần tảo đi chạy chợ. Mẹ lấy hàng này, hàng kia về bán.

Hôm đó, mẹ về nhà khi tan chợ trưa và không may bị xe ô tô đâm phải. Mẹ được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Anh em mình tưởng mất mẹ vì mẹ hôn mê hai tuần. khi mẹ tỉnh được hai ngày lại hôn mê tiếp.

Cả nhà mình chỉ khóc và mỗi tuần anh em mình được ông chú đưa lên thăm mẹ điều trị ở Hà Nội 1 lần. Lúc nào chúng mình cũng khóc mong mẹ tỉnh.

Mẹ mình tỉnh dậy như một phép màu, mẹ trở về nhà lúc đầu đi hơi lệch do mẹ bị gãy xương bả vai. Rồi mẹ chịu khó dưỡng thương. Thời gian ấy, gia đình mình nợ nần nhiều lắm.

Ăn cơm, miếng nào ngon bà và mẹ lại gạt sang bát anh em mình. Bà và mẹ chỉ ăn phần thừa hoặc tý nước kho cá, kho thịt. Hoàn cảnh gia đình càng khó khăn, mẹ lại phải đi làm ở Ma Cao để kiếm tiền nuôi anh em mình ăn học. Anh cả thi được đại học. Mẹ mừng nhưng mẹ chỉ khóc vì lo không biết nuôi anh ra sao. Bà nội động viên mẹ và mẹ lại lên đường đi kiếm tiền. Mỗi năm, mẹ chỉ về với anh em mình vào dịp Tết.

Lần nào gọi điện về, mẹ cũng dặn dò anh em mình phải chịu khó học để sau này bớt khổ. Lúc nào mẹ cũng bảo anh em mình không được hư đốn. Dù ở xa, mẹ luôn gửi tin nhắn về dạy dỗ con cái để anh em mình nên người không làm điều xấu.

Mỗi dịp Tết về, mẹ lại ngồi cạnh mình để cùng mình học bài. Mẹ luôn khen mình giỏi vì mẹ không làm được bài tập của mình. Mẹ luôn biết tạo niềm tin cho mình. Lại sắp đến dịp mẹ về thăm mình. Người mẹ như người hùng trong lòng mình. Mình luôn tự hứa sẽ cố gắng học thật tốt, trở thành người có ích giúp mẹ đỡ khổ.

Chào tạm biệt bạn!

Vũ Anh Minh

Bài văn mẫu viết thư UPU lần thứ 48 năm 2019 ấn tượng - Bài tham khảo 2

Gửi người hùng của con!

Khi đặt bút viết lá thư này, con tự hỏi người hùng trong con là ai, và con chỉ có duy nhất một câu trả lời chính là mẹ.

Mẹ, người phụ nữ tần tảo nuôi dưỡng con suốt 14 năm qua. Mẹ là người phụ nữ nhiễm HIV, kể từ ngày con sinh ra đời cũng là ngày mà cả khu phố tất cả mọi người đều tránh xa hai mẹ con mình.

Trong mắt con chỉ có mẹ, bố là một ai đó vô cùng xa lạ. Con chỉ được nghe về bố từ bà ngoại. Bà kể, mẹ yêu bố nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khác biệt nên hai người không thể đến được với nhau một cách danh chính ngôn thuận.

Mẹ và bố vẫn yêu nhau cho tới khi bố biết mình bị nhiễm HIV. Dù giấu giếm nhưng mọi người xung quanh biết bố đã mắc phải căn bệnh thế kỉ ấy. Cái án bệnh HIV lại lan sang mẹ. Bà nói, những tháng ngày mẹ mang thai, cả xã tránh xa mẹ. Mẹ lên tận Bệnh viện tỉnh cách nhà 40 km để sinh ra con.

Con ra đời, cả xóm làng xa lánh, ông bà nội kiên quyết không đón nhận mẹ con mình. Bà ngoại còn nói chẳng ai bế con vì họ sợ lây nhiễm HIV. Đến năm con 3 tuổi, mẹ và bà mừng rơn vì con được thông báo không nhiễm HIV nhưng xóm làng có ai hiểu.

Rồi bố không may gặp tai nạn và qua đời. Bà cũng nói, khi còn sống bố là người có trách nhiệm, khi biết mẹ mang thai bố chuyển đến ở cùng hai mẹ con để tiện chăm sóc. Bố mất đi hai mẹ con mất đi chỗ dựa.

Con biết mẹ đã phải khổ cực thế nào để kiếm tiền nuôi con. Mẹ đã phải lăn lộn khắp nơi đi xin việc để có thể lo cho con một cuộc sống no đủ. Đã có lúc mẹ ngồi ở một góc tối và khóc 1 mình vì không thể tìm được công việc tử tế do mọi người kì thị do nhiễm HIV.

Con nhớ ngày con vào lớp 1, đến trường bạn bè xa lánh, bố mẹ của các bạn trong lớp cũng cấm con mình chơi cùng con. Thậm chí, bạn cùng bàn còn gọi con là con nhà Ết. Tuy ở tuổi đó con chưa hiểu Ết là gì nhưng con ghét cay ghét đắng mẹ ạ. Con không nói cho mẹ biết nhưng con đã đem chuyện đó kể lại cho bà ngoại nghe.

Sau này, mẹ đi làm tại một tổ chức tuyên truyền phòng chống HIV ở Hải Phòng. Từ đó hai mẹ con mình phải xa nhau. Con còn nhớ mỗi lần về thăm mẹ đều mang cho con đồ ăn ngon, quần áo đẹp và luôn động viên con phải cố gắng hơn trong cuộc sống.

Để tiện chăm sóc và có điều kiện học tập tốt hơn, mẹ đã đưa con ra thành phố để ở cùng. Mẹ đi khắp nơi tuyên truyền và chia sẻ với những người đang mắc phải căn bệnh HIV giống như mình. Con nhớ có lần mẹ vừa về tới nhà đã ôm chặt lấy con và khóc khi hôm đó mẹ cùng các cô chú trong hội lúc đi vận động bị đuổi đánh thậm tệ. Nhìn chân tay mẹ bầm tím con rất xót xa, lúc ấy mẹ nói dù có khó khăn thế nào nhưng nghĩ đến con, vì con nên mẹ đã cố gắng vượt qua tất cả.

Khi con lớn hơn, mẹ bắt đầu kể nhiều cho con về bố, cả căn bệnh mà cả hai người đều mắc phải. Mẹ nói với con bệnh không đáng sợ và con đừng ngại khi bị mọi người xa lánh. Hãy tự lập và phải vươn lên để chiến thắng bản thân, chiến thắng cuộc sống khắc nghiệt này.

Con vẫn còn nhớ như in hồi con vì đánh nhau với bạn mà mẹ phải chịu thay đòn roi từ mẹ của bạn kia. Con cũng mãi nhớ những đêm mẹ phải làm thêm tới 2 - 3 giờ sáng để có thu nhập lo cho cuộc sống của cả nhà, khi thì gấp phong bì, lúc thì đính hạt cườm hay thêu tay.

Cuộc sống của mẹ vất vả, mẹ phải làm hết mọi việc như người đàn ông. Khi ấy con bỗng ước mình có thể giúp đỡ mẹ và ước gì bố còn sống. Dù mang căn bệnh thế kỷ nhưng chí ít còn có ông ở bên đỡ đần và cùng mẹ trải qua quãng thời gian khó khăn. Đôi khi con cũng thầm nghĩ nếu mình mang căn bệnh giống mẹ thì cả hai mẹ con sẽ cùng nhau đi trên con đường dài hơn.

Năm ngoái, mẹ bị suy giảm miễn dịch rồi qua đời. Sau 18 năm mắc HIV mẹ đã rời xa con, rời xa bà ngoại để đến một thế giới mà con nghĩ sẽ yên bình và hết thị phi. Bà ngoại khóc nhiều lắm mẹ ạ, bà nói mẹ sống 18 năm với HIV là một điều may mắn, ngày bà biết mẹ mắc căn bệnh này bà tưởng đã mất con. Nhiều khi bà đã mua chai thuốc sâu về bảo mẹ cùng chết nhưng nhờ nghị lực và sự kiên cường mẹ đã xin bà mạnh mẽ lên để chống lại xa lánh, dị nghị của xã hội.

Mẹ con là thế từ khi mang bệnh, đẻ ra con rồi đến khi qua đời bà luôn là người anh hùng. Chưa một lần mẹ bỏ cuộc, bỏ qua dư luận mẹ vẫn nuôi con và chăm sóc bà. Khi mẹ đi xa, cuộc sống của con chỉ còn bà ngoại nhưng hai bà cháu vẫn kể về những câu chuyện mà mẹ đã làm đó là tuyên truyền về phòng chống HIV cho cộng đồng. Hai bà cháu tự hào về mẹ lắm. Người anh hùng trong con là mẹ.

Còn các bạn, những người hùng trong các bạn là ai và con chắc chắc không ít người tự viết về cha, mẹ, ông, bà mình.

Thân mến!

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: Bài mẫu về người hùng là mẹ - Bài tham khảo 3

"Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời".

Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chợt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là người như vậy.

Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc.

Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ.

Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ. Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy.

Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái.

Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.

"Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Đúng vậy! Nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lớn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trải bao nhiêu là mưa nắng.

Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều. Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào.

Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà... thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.

Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em.

Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua. Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.

Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều.

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: Người hùng là mẹ - Bài tham khảo 4

Ở lứa tuổi cấp 1 mẹ thường bắt tôi ngủ trưa và học bài, tôi không nghe thì bị mẹ đánh, lúc đó tôi rất ghét mẹ, đôi khi tâm trí tôi thấy "mẹ thật là ác". Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, đến khi lên cấp 2, tôi ghét mẹ vì luôn bị xét nét. Lúc đó, tôi chỉ muốn xách ba lô ra ở riêng. Tôi ghét mẹ lắm! Tôi từng muốn không có mẹ trên đời này...

Tôi có tính đua đòi mà gia đình thì không khá giả lắm. Năm tôi học lớp 8, tôi bắt mẹ phải cho tôi học trường tư dù học phí rất cao, lúc đó tôi suy nghĩ thật nông cạn. Mỗi lần ba tôi về, thấy tôi hư là lại gọi mẹ ra la và ba mẹ tôi thường cãi nhau vì tôi...

Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ là năm lớp 9, tôi chuyển về gần nhà học, đây là năm tôi không thể quên những gì tôi đối xử với mẹ. Ngày Noel tôi đã dặn mẹ đón sớm hơn mà mẹ lại quên. Báo hại là hôm đó, tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà, tôi cãi lộn với mẹ, nói những câu nói mà chính tôi cũng không tưởng tượng được.

Tối Giáng sinh, tôi đi Nhà thờ chơi nhưng khi bước xuống cổng, mẹ vẫn cằn nhằn và la tôi trước mặt bạn bè. Tôi đã không suy nghĩ mà ném cả khóa cổng vào người mẹ, làm bàn tay mẹ bị bầm tím cả tháng trời. Lúc đó tôi rất giận mẹ, nhưng tôi cũng thấy chưa có đứa con gái nào lại hư như tôi.

Trong thâm tâm, tôi biết rằng mẹ cũng rất quan tâm tới tôi nhưng vì mẹ hay la mắng và bắt tôi phải theo khuôn phép nên tôi thấy khó chịu. Thêm vào đó, thấy bạn bè của mình có được nhiều thứ và được ba mẹ chiều chuộng, dễ dãi nên lúc nào tôi cũng chỉ muốn mẹ mình bằng một góc nhỏ của mẹ đứa bạn...

Nhưng mọi việc đã bắt đầu đổi thay. Tôi đã gặp khó khăn lớn với đám bạn cùng khối. Đó là những đứa bạn mà tôi từng nói với mẹ là chúng còn tốt với tôi hơn cả mẹ. Chúng tôi bắt đầu chia phe và lên Facebook lời qua tiếng lại, rồi chúng kéo nhau đến tận nhà để đòi đánh tôi. Rồi chúng cô lập để bạn bè trong lớp dần xa lánh tôi.

Mâu thuẫn kéo dài, nhiều ngày liền và điều đó khiến tôi mất ăn mất ngủ. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng của mình, tôi kể cho mẹ nghe những rắc rối và xin mẹ cho chuyển trường. Hôm đó, tôi bị mẹ la rất nhiều, và quyết định cho tôi nghỉ học luôn. Tuy nói vậy, nhưng mẹ vẫn bên tôi những lúc tôi suy sụp. Mẹ cho tôi một cơ hội mới tại ngôi trường khác.

Tối hôm đó, mẹ không ngủ được và trằn trọc suốt đêm. Lúc ấy, tôi bắt đầu thấy hận vì đã đi theo bạn bè mà quay lưng với mẹ. Sáng hôm sau, mẹ dậy từ sớm để chở em tôi đi học, sau đó quay lại chở tôi lên trường xin rút học bạ cho tôi. Trưa nắng, mẹ không ngủ trưa mà chở tôi lên trường mới để xin học. Chiều mẹ với tôi về, mẹ vừa chạy vừa đi đón em, vừa lo soạn đồ ăn để đưa tôi vào trường nội trú học.

Hơn 7 giờ tối, vì nội quy trường không được mặc quần ngắn, mẹ lại chạy đi mua quần cho tôi. Cả ngày mẹ không ăn uống đủ, lại lăn lộn ngoài đường vì tôi. Điều đó đã thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi về mẹ. Đi học nội trú xa nhà, tôi lại muốn quay về khoảnh khắc đẹp khi có mẹ bên cạnh. Tôi thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn.

Mẹ không hề ghét bỏ tôi như tôi nghĩ, hồi bé mẹ bắt tôi ngủ trưa và học bài thì tốt cho tôi chứ mẹ có được gì. Đánh tôi đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần mẹ đánh tôi là tối mẹ lại ngồi bóp mật gấu cho tôi.

Tôi dần thấy và cảm nhận rằng, dù mẹ có thể là người phụ nữ quê mùa nhưng mẹ đã hy sinh cả công việc và sự nghiệp của mình để chăm sóc chị em tôi... Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải là bạn bè mà là gia đình, là mẹ, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi tôi lớn lên.

Giờ đây, khi đã đủ nhận thức để trưởng thành, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ! Vì con không bao giờ chịu ngồi xuống lắng nghe lời mẹ dạy, con đã luôn để ngoài tai những gì mẹ dặn dò, răn bảo. Con hư đốn lắm phải không mẹ? Những việc mà con gây ra chắc chắn đã làm mẹ tổn thương nhiều lắm. Nhưng dù sao con cũng thấy mình may mắn vì đã kịp nhận ra để biết tôn trọng mẹ từng phút, từng giây khi mẹ còn bên cạnh…

Đánh giá bài viết
143 17.050
Sắp xếp theo

    Viết thư UPU lần thứ 53

    Xem thêm