Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu Thông điệp gửi một người lớn là bố em

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về Thông điệp gửi một người lớn là bố em cho các bạn tham khảo thêm nhiều ý tưởng, khai thác tốt các chủ đề khác nhau chuẩn bị cho bài dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2020. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ. Ngoài ra thì cách tiếp cận không bị giới hạn.

Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ, quy định viết thư UPU 2020Gợi ý cách viết thư UPU lần 49. Và để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, VnDoc cũng sẽ tổng hợp, sưu tầm những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu và hay nhất.

Về kỹ thuật viết thư, các bức thư phải viết dưới dạng văn xuôi và theo đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư luôn có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết. Bài viết nên rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 thông điệp gửi người lớn là bố em

Viết thư UPU lần 49

Hà Nội ngày 21/12/2020

Gửi bố thân yêu!

Bố luôn mong rằng con sẽ được học ở một ngôi trường tuyệt nhất, con sẽ có những kỉ niệm tuổi thơ lấp lánh như ánh nắng mặt trời, nhưng bố biết không, con sẽ chỉ nhớ nhất nụ cười rạng rỡ của bố mỗi buổi chiều khi đón con ở cửa lớp học.

Bố lúc nào cũng bận rộn lao vào công việc, nỗ lực hết sức để đủ tiền mua cho con những bộ quần áo đẹp hơn, đồ chơi thông minh hơn, căn hộ rộng rãi hơn… nhưng bố biết không, con chỉ cần "được ở bên bố mẹ nhiều hơn", để khoe bố mẹ chiếc răng đầu tiên vừa rụng, để được mẹ đính thêm một chiếc nơ thật xinh mẹ tự làm lên chiếc áo cũ, để được ăn món trứng luộc "nhà hàng" của bố, hay đơn giản chỉ là để có thể rúc ngay vào lòng bố mẹ mỗi khi buồn.

Con biết bố luôn kì vọng ở con những điều lớn lao, mong con nói tiếng Anh trôi chảy, mong con luôn đứng đầu lớp, mong con vào trường Đại học danh tiếng… nhưng bố biết không tất cả những gì con muốn, có khi đơn giản chỉ là "làm bố mẹ vui" mà thôi.

Bố luôn nghĩ rằng mình là người hiểu con nhất và cố gắng bao bọc con trong vòng tròn an toàn mà bố nghĩ là tốt nhất cho con. Bố nghĩ rằng, thế giới của con là trong vòng tay bố mẹ, tất cả những điều tiêu cực, những câu chuyện u ám, những điều "trẻ con không cần biết" sẽ ở ngoài vòng an toàn đó. Nhưng thực sự những gì con hiểu và con biết có nằm trong vòng tròn an toàn của bố mẹ?

Bố có xót xa khi nhận thấy, người mà con gắn bó, chia sẻ nhiều nhất lại là những thiết bị thông minh, điện thoại, máy tính bảng hoặc người giúp việc… mà không phải bố mẹ.

Cuộc sống hiện đại gấp gáp và bận rộn cuốn bố mẹ vào những mục tiêu và ước mơ to tát, khiến chúng ta để vụt qua hoặc quên đi những niềm vui nhỏ bé, những niềm hạnh phúc giản dị ở xung quanh mình, bố mẹ cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những chia sẻ vụn vặn bé xinh của con, để sự vội vã cuốn phăng mình đi khỏi những phút giây ấm áp, bình dị trong tổ ấm của chúng mình. Điều con muốn gửi thông điệp tới một người lớn đó là con mơ hạnh phúc giản dị nhất.

Con chào bố!

Con gái của bố.

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 Thông điệp gửi bố mẹ về vấn đề dùng Facebook

Gửi bố mẹ thân yêu của con

Năm ngoái bố mẹ có nhờ con lập hộ mẹ tài khoản Facebook mà con nhất quyết không chịu làm nhỉ. Nhớ lại lúc đấy con cũng thật ương ngạnh, nhưng chỉ là con thấy thế giới trên Facebook của mình sẽ mất đi sự tự do nếu bố mẹ tham gia vào.

Với cả con cũng rất ngại nếu bố mẹ thấy những mặt trái trên mạng xã hội rồi lại suốt ngày lo lắng về con. Trên Facebook nhiều người có thể đăng những hình ảnh nội dung không lành mạnh chỉ với mục đích là được chú ý, hay dùng những lời nói không văn minh.

Rồi trên mạng còn thường xuyên diễn ra các kiểu lừa đảo mà nhiều người sẽ dễ mắc bẫy nếu thiếu tỉnh táo. Nhiều cô bác đã bị mất tiền khi nghe theo tin nhắn trúng thưởng trên Facebook, có khi lại mất cả chục triệu vì tưởng rằng đang chuyển tiền cho người thân mà không biết rằng tài khoản đó đã bị hack.

Hơn nữa Facebook cũng rất dễ gây phụ thuộc và xao nhãng những việc cần thiết. Người ta không cần giao lưu hay tham gia những chương trình ngoại khóa vẫn có thể kết bạn và nói chuyện với mọi người khắp nơi, người ta không cần đi nhiều mà vẫn có thể cập nhật thông tin các ngóc ngách trên thế giới.

Đến nỗi nhiều khi người ta dùng Facebook quá nhiều đến nỗi khi bước ra thế giới thật cảm thấy thật lạ lẫm, thiếu thực tế, không xác định được hướng đi của mình. Nhiều khi vì Facebook mà tình cảm của bố mẹ và con cái ngày càng rạn nứt, bạn bè thì xa dần nhau...

Nhưng giờ suy nghĩ kỹ lại thì con thấy cũng không cần quá lo lắng đến vậy, chỉ cần mất thời gian đầu để làm quen và có thêm sự trợ giúp của các con thì sẽ ổn.

Bố, mẹ và tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào đều còn có cuộc sống riêng và muốn chia sẻ với mọi người, nên thực ra con thấy nên ủng hộ mẹ dùng Facebook. Nhưng việc dùng Facebook cần hạn chế và đúng mục đích.

Và con cũng sẽ khá vui vì có bố mẹ sẵn sàng cùng các con cập nhật tìm hiểu những cái mới.

Hy vọng mẹ và các con sẽ có thêm một nơi để hiểu nhau hơn.

Con gái của bố mẹ

Bài mẫu viết thư UPU lần 49 Thông điệp gửi người lớn trên toàn thế giới

Thư gửi những người lớn

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và nhiều thăng trầm. Ai cũng mong được hạnh phúc, trẻ em cũng như vậy. Chúng con, chúng cháu với tư cách là những người của thế hệ sau muốn gửi vài lời thông điệp và nguyện vọng của mình để cả người lớn và trẻ em có thể cùng chung sống hạnh phúc trên thế gian.

Thứ nhất, người lớn hãy tôn trọng ý kiến của con trẻ, đừng phán xét mà hãy tôn trọng những ý kiến đó, vì biết đâu những sáng kiến tưởng chừng điên rồ đó lại giúp cho những đứa trẻ hoàn thành được mơ ước của mình? Ai cũng cần được tôn trọng và thấu hiểu, trẻ em cũng vậy. Chỉ cần là ý kiến đó không gây hại gì cho pháp luật hay cuộc sống thì hãy tôn trọng con em mình vì mỗi bộ óc đều thiên tài theo những cách khác nhau, không ý tưởng nào là đồ bỏ đi và cũng không có ý tưởng nào là xuất sắc ngay từ đầu. Điều mà trẻ em mong đợi nhất chính là nhận được sự lắng nghe,thấu hiểu, giúp đỡ và động viên từ người lớn. Ngay cả khi người lớn ko giúp được gì thì cũng làm ơn đừng phán xét, lắng nghe là điều tối thiểu nên làm.

Thứ hai, người lớn hãy thỏa sức cho con trẻ được khám phá thế giới xung quanh bằng chính đôi chân của mình. Dù cho đôi chân có đau, dù cho tấm áo lấm bẩn thì sau đó cũng sẽ là những trải nghiệm đầu đời tuyệt vời của đứa trẻ. Người lớn hãy chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, hay thực sự nguy cấp. Còn đâu, cách dạy con trẻ tốt nhất là hãy để cho đứa trẻ có ý thức tự học hỏi ngay từ nhỏ, người lớn chỉ đóng vai trò là định hướng và dẫn dắt.

Thứ ba, người lớn hãy dạy con em mình sống trung thực và nhân ái ngay từ nhỏ. Đây là hai phẩm chất tối thiểu cần có ở mỗi đứa trẻ. Chưa cần biết đứa trẻ giỏi giang cỡ nào, nó phải biết trung thực và nhân ái với những bạn bè xung quanh hẵng. Chỉ khi con trẻ biết yêu thương thì chúng mới có thể sẵn sàng cho những bài học văn hóa khác trên trường lớp.

Thứ tư, người lớn hãy bỏ điện thoại thông minh xuống, dành thời gian cho con em mình nhiều hơn. Việc được gần gũi bố mẹ làm cho các em phát triển theo xu hướng tự tin và năng động hơn. Những bậc làm cha làm mẹ hãy dành thời gian chơi hoặc trò chuyện với con em mình bất cứ khi nào có thể. Và hãy nhớ, làm một người bạn lắng nghe con chứ đừng làm 1 người lớn suốt ngày đe nẹt con.

Trên đây là 4 thông điệp mà người lớn nên làm để giúp con em mình có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn. giúp cho con em mình cũng chính là giúp đỡ cho những thế hệ tương lai của xã hội. Người lớn hãy vì trẻ em mà hy sinh, mà phục vụ.

Ký tên

Các em cũng cần lưu ý là những bức thư chép lại từ bài mẫu hoặc chép giống nhau bị loại ngay từ vòng chấm đầu tiên. Các em cần tuân thủ phần kỹ thuật viết thư được ghi rất rõ trong Thể lệ Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 (2020) để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu. Đặc biệt là quy định về độ dài không quá 800 từ, không viết tên hay địa chỉ của mình trong nội dung bức thư.

Bài mẫu viết thư UPU lần 49 năm 2020 không quá 800 từ

Thư gửi cầu thủ Đoàn Văn Hậu

Anh hiện nay đúng là biểu tượng mới của thế hệ trẻ Việt Nam. 2 bàn thắng anh ghi được trong trận chung kết SEA Games vừa qua đã mang lại tấm huy chương vàng mà bóng đá Việt Nam chờ đợi bấy lâu. Và trong 2 năm vừa qua thì những thành tích vẻ vang của các Đội tuyển Việt Nam có rất nhiều dấu ấn của một cầu thủ còn rất trẻ như anh.

Giờ đây Đoàn Văn Hậu đã mở đường sang Châu Âu thi đấu cho một đội bóng của Hà Lan, trở thành niềm tự hào của gia đình, bạn bè, và người hâm mộ nói chung. Nhưng em, một học sinh cấp 2, còn cảm thấy khâm phục anh hơn khi biết rằng trước đây Đoàn Văn Hậu từng nghiện game đến mức suýt mất sự nghiệp bóng đá.

Em nghe kể trên báo chí rằng, hồi đó những quán net mọc lên như nấm khắp nơi, và khu vực xung quanh trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ của CLB Hà Nội cũng không phải ngoại lệ; khi đó Văn Hậu 14 tuổi thậm chí còn cả gan trèo tường ra ngoài bỏ học, chơi điện tử thâu đêm suốt sáng. Và cuối cùng Văn Hậu cũng bị các thầy ở CLB bắt quả tang, huấn luyện viên Vũ Hồng Việt giận tới mức ông gọi điện về nhà, mời cha của Văn Hậu đến để nói chuyện.

Nhưng sau vụ việc nghiêm trọng đấy dường như đã có sự biến chuyển mạnh mẽ của Đoàn Văn Hậu, chắc hẳn sự nỗ lực và chuyên tâm đã làm nên Đoàn Văn Hậu ngày nay.

Vì câu chuyện này mà em quyết định viết thư chia sẻ với anh một vấn đề chung của nhiều bạn trẻ hiện nay, chính là chứng nghiện game. Trò chơi điện tử có thể giúp người chơi phát triển óc sáng tạo, sự kiên trì, khéo léo, nhưng nếu không tự chủ sẽ dẫn đến nghiện và dẫn đến không biết bao nhiêu hậu quả xấu.

Thực tế hiện nay không ít bạn vì quá đam mê game mà đã sao nhãng việc học tập, quên đi mất nhiệm vụ chính cùa mình khiến kết quả học tập giảm sút, gia đình phiền lòng. Việc này có khi còn làm mất đi sự tự tin của chính bản thân và còn biết bao những hệ quả khác không đáng có nữa mà chúng ta không thể ngờ tới...

Và sẽ ra sao nếu nghiện game mà không có tiền để chơi, lúc đó họ sẽ làm gì? Nói dối bố mẹ để lấy tiền đi chơi, kiếm cớ vay tiền người khác hay trộm cắp? Đã có nhiều vụ gây án, cướp giật cũng xuất phát từ nguyên nhân đối tượng thiếu tiền chơi game.

Và cũng thật đáng lo nếu học sinh đắm chìm vào thế giới game mà bỏ quên những hình thức giải trí bổ ích cho mình như thể thao, nghệ thuật, đọc sách, học kỹ năng sống, hay tham gia chiến dịch mùa hè xanh, thanh niên tình nguyện...

Nhìn chung lại sau khi chia sẻ vấn đề trên thì em cũng chỉ biết chúc anh luôn phấn đấu thành công trong sự nghiệp để trở thành tấm gương cho giới trẻ, nhất là với những bạn trẻ vì nghiện game mà quên mất mục đích sống của mình.

Các bài văn mẫu viết thư UPU lần 49 năm 2020 khác

Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.

Viết thư UPU 2020 cần lưu ý gì để không lạc đề?

Để bài dự thi UPU lần thứ 49 hay, không lạc đề, dễ đạt giải, các bạn học sinh cần lưu ý một số vấn đề cơ bản như sau:

- Bài dự thi cần được trình bày giống như một bức thư. Bài viết không quá 1000 từ và phải viết tay. Theo như mọi năm, các bài viết gửi dưới dạng đánh máy hoặc photocopy sẽ được tính là không hợp lệ.

- Bài viết cần trình bày rõ ràng, mạch lạc, không dài dòng và quan trọng là bám sát đề tài.

- Cần có sự sáng tạo để mang đến bài viết hay có ý tưởng mới mẻ. Tránh sao chép các bài viết có trước.

Lưu ý, nếu bài viết được viết bằng tiếng nước ngoài thì cần có thêm bản dịch tiếng Việt để tiện cho công tác chấm thi.

Thời hạn nộp bài dự thi cuộc thi viết thư UPU năm 2020 là khi nào?

Theo thông báo của ban tổ chức, các bạn học sinh gửi bài dự thi cần chú ý một số thông tin sau:

Do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhiều em học sinh ở các địa phương vẫn chưa thể hoàn thành việc gửi bài dự thi theo đúng quy định.

Để khuyến khích các em học sinh tham dự cuộc thi, BTC thống nhất lùi thời hạn nộp bài đến ngày 25/3/2020 (hạn cũ là 10/3/2020).

Địa chỉ nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội.

Bài dự thi dài không quá 800 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi thường qua đường Bưu điện.

Trong thời gian nghỉ dịch bệnh do virus corona, các em học sinh tham khảo các dạng bài tập tự luyện ôn tập tại nhà sau đây:

Đánh giá bài viết
800 183.453
Sắp xếp theo

    Viết thư UPU lần thứ 53

    Xem thêm