Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về dịch bệnh do Virus Corona

Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về dịch bệnh Virus corona bao gồm các bài văn mẫu hay thực tế về dịch bệnh Viêm phổi cấp cho các bạn tham khảo thêm nhiều ý tưởng, khai thác tốt các chủ đề khác nhau chuẩn bị cho bài dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2020. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ, đồng thời vẫn bám sát vào những mối quan tâm chính của xã hội.

Với mỗi chủ đề được chọn, cuộc thi viết thư quốc tế UPU hướng tới việc giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới. Cuộc thi cũng là dịp để các em trau dồi tư duy và khả năng viết văn, và hiểu biết thêm về vai trò của Bưu chính trong đời sống xã hội.

Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ, quy định viết thư UPU 2020Gợi ý cách viết thư UPU lần 49. Và để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, VnDoc cũng sẽ tổng hợp, sưu tầm những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu và hay nhất.

Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.

Trước khi viết bài viết thư UPU lần 49, các em học sinh có thể tham khảo dàn ý để biết thêm các chủ đề cũng như các viết thư triển khai bài: Dàn ý Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 cho học sinh.

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về Virus Corona mẫu 1

Thư gửi những người lớn!

Hiện nay, trước tình trạng dịch bệnh do Virus corona tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Chúng ta cần có những hiểu biết rõ ràng đề phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn kịp thời sự gia tăng ngày một nhiều của đại dịch.

Theo số liệu mới thống kê tổng số ca nhiễm virus Corona mới trên toàn thế giới đã tăng lên trên 40.000 người, trong đó khoảng 3.300 người được xác nhận là khỏi bệnh nhưng cũng đã có hơn 900 người chết, chủ yếu ở Trung Quốc - quốc gia đang là tâm dịch. Ở Việt Nam đã có 16 ca nhiễm virus corona, và con số này vẫn tiếp tục gia tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chúng ta phải nắm kỹ được nguồn gốc cũng như các dấu hiệu của bệnh và cách phòng chống để đối phó với đại dịch này.

Virus corona (nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.

Virus corona giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi.

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Như vậy có 4 con đường lây lan của loại nCoV (corona) này

  • Thứ nhất, lây truyền qua không khí: tiếp xúc với nước bọt từ người ho, hắt hơi, rồi virus xâm nhập vào đường hô hấp.
  • Thứ hai, lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay khi không thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay...
  • Thứ ba, lây truyền khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn như bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải,... có thời gian tồn tại khá lâu, khi con người sờ vào các bề mặt đó rồi đưa lên mắt mũi miệng dễ bị nhiễm.
  • Thứ tư, lây truyền qua đường phân, chủ yếu do chăm sóc người bệnh.

Theo ước tính, mỗi người mắc bệnh COVID-19 có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác. Thực tế cho thấy, cơ chế lây nhiễm của virus này gần giống với H1N1 hay cúm hơn là SARS. Nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh). Có nghĩa là những người này có thể truyền virus trước khi phát bệnh mà không phát hiện được. Bởi vậy, số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng, một “sự lây lan chưa từng thấy”.

Vậy triệu chứng khi mắc bệnh do virus này như thế nào? Hãy chú ý sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Do đó để phòng chống dịch bệnh, chúng ta nên chú ý một số điều như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
  • Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
  • Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
  • Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…

Cháu hi vọng chúng ta có những hiểu biết về dịch bệnh này để không chỉ giúp bản thân mà còn cùng cả cộng đồng chung tay chống lại đại dịch do Virus corona gây ra cho nhân loại.

Một lần nữa cháu rất hi vọng mỗi chúng ta – những người lớn hãy chung tay tự bảo vệ sức khỏe vì một một thế giới không có dịch bệnh.

Ký tên

Trần Yến

Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu viết thư UPU về các dịch bệnh trên thế giới. Các em tham khảo chi tiết tại đây: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về xóa bỏ các dịch bệnh.

Bài mẫu lần thứ 49 năm 2020 về Virus Corona mẫu 2

Kính gửi bác Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam

Thưa bác,

Những ngày này (từ sau Tết Nguyên đán Canh tý 2020), cháu và em cháu được nghỉ học ở nhà. Tuy rằng còn nhỏ tuổi, nhưng qua những cuộc trò chuyện của bố mẹ và các bản tin phát trên truyền hình, chúng cháu biết được rằng, Việt Nam và thế giới đang phải chống chọi với một đại dịch khủng khiếp - có tên Covid-19.

Ở nhà cháu, mẹ mua rất nhiều cồn, cồn khô, tỏi, hành, xà bông diệt khuẩn và đặc biệt nhiều khẩu trang y tế. Mẹ bảo, giá mua giờ rất đắt, nhưng vẫn phải trữ trong nhà, để dành phòng cho sắp tới bọn cháu trở lại trường.

Hôm qua, qua FB của mẹ, cháu được mẹ đọc cho nghe bài viết của một bác sĩ viện Tai Mũi Hong. Bác sĩ kể rằng ở bệnh viện bây giờ họ phải dùng khẩu trang vải thay khẩu trang y tế, và tình trạng thiếu thốn là đã rõ ràng.

Cũng hôm qua, cháu đọc báo, được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo phải cung cấp đủ dụng cụ phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19. WHO cũng cho biết thêm, tình trạng thiếu PPE đang khiến các bác sĩ, y tá và các nhân viên tuyến đầu khác rơi vào tình trạng nguy hiểm khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Thưa bác Bộ trưởng,

Trong 2 ngày đến trường trước khi nghỉ vì dịch, cháu được cô giáo cho biết, dịch bệnh này lây từ người sang người rất dễ qua tiếp xúc gần và giọt bắn. Những người có nguy cơ lây cao là người tiếp xúc và các bác sĩ.

Những hình ảnh mỗi ngày phát trên truyền hình đủ để một đứa trẻ nhỏ tuổi như cháu hiểu rằng, hiện nay tình hình dịch vẫn đang căng thẳng. Chính các bác sĩ là những chiến sĩ ở tuyến đầu. Họ bảo vệ an toàn cho mọi người, chữa bệnh cho những người đã nhiễm, là lực lượng tiên phong phòng chống dịch bệnh lây lan.

Các bác sĩ, nhiều người sống luôn tại bệnh viện, nỗ lực chữa bệnh, dập dịch.

Thế mà, WHO lại bảo rằng, họ đang trong tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, như khẩu trang y tế.

Bác Nhạ kính mến,

Cả nước ta có tới mấy chục triệu học sinh. Bọn cháu luôn được chăm lo, bảo vệ tốt nhất từ bố mẹ, nhà trường, xã hội.

Trong những ngày chúng cháu nghỉ học, bố mẹ và thầy cô vẫn đến trường mỗi tuần 1,2 lần để vệ sinh lớp học.

Nếu chúng cháu theo bố mẹ ra ngoài, chúng cháu luôn được nhường cho vị trí thoáng rộng, tốt nhất, be bịt kỹ nhất.

Nếu sắp tới chúng cháu đi học, cháu cũng tin trường lớp đã sẵn sàng. Hơn nữa, môi trường học tập của chúng cháu là môi trường khép kín, rất ít nguy cơ có nhiều người ra vào để có cơ hội truyền nhiễm bệnh...

Vậy nên, cháu nghĩ, với cương vị một Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bác có thể ra lời kêu gọi các phụ huynh, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng khẩu trang hợp lý, tiết kiệm, hoặc không dùng khẩu trang y tế nếu không thật sự cần thiết.

Cháu mong muốn có lời kêu gọi, đóng góp khẩu trang y tế cho các bác sĩ có thiết bị phòng hộ. Các gia đình hãy tăng cường dùng khẩu trang vải, khẩu trang sợi vải diệt khuẩn. Nếu còn tích trữ trong nhà, hãy sẵn lòng dành tặng khẩu trang y tế cho những người đang cần nhất.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, nên cháu nghĩ, chăm lo và tạo điều kiện tốt nhất cho người giữ gìn sức khỏe cho mình - các bác sĩ, là một việc làm chính đáng.

Vì sao cháu viết thư cho bác, chứ không phải Bộ trưởng Bộ Y tế, vì cháu biết, tác động của bác tới lực lượng giáo viên, học sinh sẽ giúp truyền tải thông điệp tới mọi gia đình, nhanh nhất, bao phủ nhất và hiệu quả nhất.

Về phần mình, nếu sắp tới được trở lại trường, cháu sẽ đeo khẩu trang vải. Cháu sẽ tiết kiệm tối đa việc dùng khẩu trang y tế để mẹ không phải tìm cách mua giá đắt, để các bác sĩ không bị thiếu đồ dùng do thị trường cháy hàng.

Cháu chào bác. Chúc bác thật nhiều sức khỏe!

Bài mẫu viết thư UPU lần 49 Thông điệp gửi người lớn trên toàn thế giới

Thư gửi những người lớn

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và nhiều thăng trầm. Ai cũng mong được hạnh phúc, trẻ em cũng như vậy. Chúng con, chúng cháu với tư cách là những người của thế hệ sau muốn gửi vài lời thông điệp và nguyện vọng của mình để cả người lớn và trẻ em có thể cùng chung sống hạnh phúc trên thế gian.

Thứ nhất, người lớn hãy tôn trọng ý kiến của con trẻ, đừng phán xét mà hãy tôn trọng những ý kiến đó, vì biết đâu những sáng kiến tưởng chừng điên rồ đó lại giúp cho những đứa trẻ hoàn thành được mơ ước của mình? Ai cũng cần được tôn trọng và thấu hiểu, trẻ em cũng vậy. Chỉ cần là ý kiến đó không gây hại gì cho pháp luật hay cuộc sống thì hãy tôn trọng con em mình vì mỗi bộ óc đều thiên tài theo những cách khác nhau, không ý tưởng nào là đồ bỏ đi và cũng không có ý tưởng nào là xuất sắc ngay từ đầu. Điều mà trẻ em mong đợi nhất chính là nhận được sự lắng nghe,thấu hiểu, giúp đỡ và động viên từ người lớn. Ngay cả khi người lớn ko giúp được gì thì cũng làm ơn đừng phán xét, lắng nghe là điều tối thiểu nên làm.

Thứ hai, người lớn hãy thỏa sức cho con trẻ được khám phá thế giới xung quanh bằng chính đôi chân của mình. Dù cho đôi chân có đau, dù cho tấm áo lấm bẩn thì sau đó cũng sẽ là những trải nghiệm đầu đời tuyệt vời của đứa trẻ. Người lớn hãy chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết, hay thực sự nguy cấp. Còn đâu, cách dạy con trẻ tốt nhất là hãy để cho đứa trẻ có ý thức tự học hỏi ngay từ nhỏ, người lớn chỉ đóng vai trò là định hướng và dẫn dắt.

Thứ ba, người lớn hãy dạy con em mình sống trung thực và nhân ái ngay từ nhỏ. Đây là hai phẩm chất tối thiểu cần có ở mỗi đứa trẻ. Chưa cần biết đứa trẻ giỏi giang cỡ nào, nó phải biết trung thực và nhân ái với những bạn bè xung quanh hẵng. Chỉ khi con trẻ biết yêu thương thì chúng mới có thể sẵn sàng cho những bài học văn hóa khác trên trường lớp.

Thứ tư, người lớn hãy bỏ điện thoại thông minh xuống, dành thời gian cho con em mình nhiều hơn. Việc được gần gũi bố mẹ làm cho các em phát triển theo xu hướng tự tin và năng động hơn. Những bậc làm cha làm mẹ hãy dành thời gian chơi hoặc trò chuyện với con em mình bất cứ khi nào có thể. Và hãy nhớ, làm một người bạn lắng nghe con chứ đừng làm 1 người lớn suốt ngày đe nẹt con.

Trên đây là 4 thông điệp mà người lớn nên làm để giúp con em mình có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn. giúp cho con em mình cũng chính là giúp đỡ cho những thế hệ tương lai của xã hội. Người lớn hãy vì trẻ em mà hy sinh, mà phục vụ.

Ký tên

Lùi thời hạn nộp bài viết thư UPU lần 49 vì dịch Corona

Hôm nay, trang Facebook "Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam" vừa có thông báo lùi thời hạn nộp bài dự thi đến ngày 10/3, nguyên nhân vì tình hình viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trang Facebook này đăng tải: "Căn cứ tình hình thực tế, nhiều trường học trên cả nước đã xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học và có kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình giáo dục. Vì vậy, Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam quyết định lùi thời gian nộp bài đến 10/3/2020 (tính theo dấu bưu điện) để các nhà trường có thời gian tập hợp và gửi bài thi theo đúng quy định"

Các bài văn mẫu viết thư UPU lần 49 năm 2020 khác

Đánh giá bài viết
1.210 126.412
Sắp xếp theo

Viết thư UPU lần thứ 53

Xem thêm