10 Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

10 Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán vô cùng thiêng liêng và quan trọng, thế nhưng dường như không phải ai cũng biết những ý nghĩa thật sự của Tết Nguyên Đán. Đồng thời, Tết còn là những ngày người Việt ta hướng về cội nguồn, tổ tiên. Dưới đây là các ý nghĩa các bạn nên biết.

Tết Nguyên Đán vẫn là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống, vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, phát huy ngày Tết truyền thống này để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

1. Ngày sum họp, đoàn viên

Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm của người Việt Nam. Đây là dịp mọi người có thời gian tạm gác công việc chính, về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách bôn ba vì miếng cơm manh áo. Những khoảnh khắc sum vầy, đoàn tụ thành viên trong gia đình thật quý báu và hạnh phúc làm cho ngày Tết Nguyên Đán càng thêm ý nghĩa biết dường nào!

Trong kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều ngày, người Việt Nam thường dành bữa cơm tất niên ấm cúng nhất bên gia đình và những người thân yêu nhất của mình. Các cụ ta từ xưa đã có câu: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy", đây chính là thời gian để mỗi người có thời gian vui vẻ, thăm hỏi những người thân của mình, không chỉ là bậc sinh thành mà còn là những người có công dạy giỗ

2. Ngày giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh

Ngày Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, được xem là một ngày tốt đẹp, là dịp giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩ, những mong ước, hành động của mình sẽ được các vị Chư Thần nghe thấy, thấu hiểu và ban cho phước lành. Vì vậy, trong ngày Tết Nguyên Đán, mọi người thường làm việc thiện như tặng quần áo mới, chia sẻ miếng ăn, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,…

Vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, các gia đình sẽ tiến hành cúng ông Táo. Theo truyền thống, ông Công ông Táo sẽ về trời vào ngày này để báo cáo tình hình dưới nhân gian với Ngọc Hoàng trong một năm vừa qua. Đây chỉ là một nghi lễ khiêm tốn, được tổ chức trong gia đình. Ngoài ra, vào ngày 30 âm lịch, trước khi thời khắc giao thừa đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới diễn ra, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng giao thừa.

3. Ngày rước tài lộc

Ngày Tết Nguyên Đán được nhiều người quan niệm là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sự thịnh vượng, sung túc. Vì vậy, đây là dịp để mọi người tranh thủ mở rộng cửa rước tài lộc vào nhà, rước những điều may mắn, tốt đẹp, giàu có nhất từ ông Thần Tài. Nhiều gia đình thường mở cửa suốt ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng về tiền tài của cải đầy ắp. Và một số gia đình buôn bán còn mở cửa bán hàng từ mùng 1 nếu tốt ngày và hợp với tuổi của gia chủ để đón tài lộc năm mới.

Ngoài ra, trong truyền thống của người Việt, ngày đầu tiên của năm mới trẻ em mỗi nhà sẽ mặc quần áo mới và đến chúc Tết những người lớn tuổi trong gia đình trước khi nhận được lì xì. Những câu chúc Tết truyền thống mang ý nghĩa may mắn trong phong tục tập quán của người Việt từ xưa đến nay vẫn được lưu giữ là "Chúc mừng năm mới", "Sống lâu trăm tuổi", "An khang thịnh vượng", "Vạn sự như ý", "Sức khỏe dồi dào", "Tiền vô như nước",...

4. Ngày hướng về cội nguồn

Trước khi Tết đến, vào những ngày cuối năm, mọi nhà có tập tục tảo mộ là để tưởng nhớ đến những người đã mất. Sau đó, đến đêm giao thừa, trên bàn thờ của ông bà tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thể hiện sự hướng về nguồn cội của thế hệ đi sau dành cho thế hệ đi trước qua hình thức rước ông bà. Đây là một trong những cách thể hiện được lòng kính yêu, hiếu đạo vốn có của người Việt ta.

Các gia đình người Việt Nam thường bày một mâm có năm loại quả khác nhau trên bàn thờ, thường được gọi là "mâm ngũ quả". Trước và trong những ngày Tết, bàn thờ phải được lau chùi kỹ lưỡng và được để những loại đồ Tết đặc trưng theo truyền thống của từng vùng miền và thói quen của mỗi gia đình.

5. Ngày khởi nghiệp cho năm mới

Ngày Tết đánh dấu sự khởi đầu cho cả một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Nhiều người thường đi xem giờ tốt, ngày lành, tháng tốt để khởi nghiệp, khai trương cho công việc trong năm mới với hy vọng may mắn, thuận lợi, thành công hơn năm cũ. Vì vậy, ngày Tết mang ý nghĩa không kém phần quan trọng cho sự khởi đầu của công việc trong năm mới.

Ngoài ra, những ngày Tết còn rất thích hợp để một số gia đình khởi công xây dựng nhà cửa, mua bán đất đai. Nhiều gia đình cũng lựa chọn những ngày đầu năm mới là ngày để khởi nghiệp đi khắp nơi làm ăn, buôn bán, khai trương cho công việc năm mới với hy vọng, mong muốn sẽ gặp nhiều thuận lợi.

6. Ngày may mắn

Nhiều người quan niệm rằng những ngày đầu năm thường là những ngày may mắn, tốt đẹp. Sự may mắn ấy hòa quyện trên những cánh hoa mai, hoa đào, trên những chiếc lá non xanh, trên những mâm ngũ quả. Vì vậy, nhiều người thường ngắt một vài cành hoa tươi mang về với hy vọng thu thập được sự may mắn của mùa xuân. Đó gọi là " hái lộc " đầu xuân.

Người Việt cũng tin rằng vị khách đầu tiên mà mỗi gia đình tiếp đón trong ngày đầu tiên của năm mới sẽ quyết định vận may của cả năm của họ. Theo truyền thống, nếu những điều tốt đẹp đến với gia đình vào ngày mùng 1 Tết thì cả năm sau gia đình sẽ tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Những người có đức tính tốt và thành đạt sẽ đem lại điềm may mắn trong năm mới cho gia chủ. Đây là hoạt động được gọi là "xông đất" hay "xông nhà". Quét nhà trong dịp Tết cũng là điều tối kỵ vì người Việt Nam tin rằng quét nhà sẽ quét đi vận may, tài lộc của cả năm. Nếu một gia đình có người mất đi thăm một gia đình khác trong dịp Tết cũng là một điều không may mắn và cấm kỵ trong ngày Tết.

7. Ngày cầu duyên

Trong tâm tưởng của nhiều người, ngày Tết cũng là ngày ông Tơ bà Nguyệt, ông Mai bà Mối se duyên cho những người còn đang độc thân, dang dở trong chuyện tình cảm. Hòa trong không khí sum họp, vui tươi của mùa xuân là niềm hân hoan, hạnh phúc lứa đôi của những mối lương duyên cầu được, ước thấy. Ngày xuân nhiều nam thanh nữ tú cũng rủ nhau lên chùa cầu duyên và người dân còn tổ chức những chuyến du xuân để mong cầu may mắn và những mối duyên lành.

Không chỉ những nơi thanh tịnh như chùa chiền, những lễ hội hay những chuyến du xuân đầu năm là cơ hội để những người độc thân có thể trải qua những niềm vui năm mới, bỏ qua những muộn phiền của năm cũ, kết giao bạn bè mới và tìm được những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp. Chính vì ngày Tết thường là ngày cầu duyên, nên duyên và đẹp đôi nên ở tại nhiều nơi, chúng ta không những được nghe bao câu hát xuân nhộn nhịp mà còn rất phấn khích bởi những bài nhạc đám cưới náo nức, tưng bừng rộn vang.

8. Ngày của sự đổi mới, lạc quan và hy vọng

Người Việt Nam ta tin rằng ngày Tết Nguyên Đán khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với những niềm tin mới, tạm biệt những quá khứ của năm cũ. Vì vậy, mọi người thường tân trang lại nhà cửa cho thật sạch đẹp, ngăn nắp, mới mẻ để chào đón cái mới của năm mới. Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều lạc quan, đầy hy vọng, đầy đẹp tươi trong năm mới đến.

Chính bởi mang ý nghĩa là năm mới nên nhiều người còn tranh thủ dọn dẹp những món đồ cũ không dùng tới, mua những món đồ mới có nhiều công dụng hơn. Các thành viên trong gia đình cũng được mặc những bộ quần áo mới được chuẩn bị để mặc trong những ngày Tết, đi thăm ông bà, họ hàng, người thân và thầy cô, bạn bè.

9. Ngày để yêu thương, hòa thuận

Ngày Tết Nguyên Đán là cơ hội để mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau, gửi đến nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất. Hiển nhiên, vào những ngày này, người lớn nên hạn chế la rầy trẻ em, hạn chế cãi vã nhau để tạo nên một không gian thuận hòa, gần gũi, nồng ấm trọn vẹn nhất. Những hiềm khích, mâu thuẫn nên tạm gác lại để thay bằng những lời thân thương, ấm lòng nhau nhằm tạo cho nhau sự thiện cảm, chan hòa cho cả một năm mới đến.

Bởi theo truyền thống, ngày Tết có ý nghĩa là một ngày may mắn, tất cả các thành viên trong gia đình đều tránh xô xát, cãi vã, mất may mắn trong cả năm nên họ sẽ cố gắng giữ hòa khí, hòa thuận và yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên, đây cũng có thể hiểu là cách thể hiện tình cảm với các thành viên trong gia đình, sau một năm làm việc vất vả, gian truân. Yêu thương, hòa thuận, làm những điều tốt lành là cách tất cả các thành viên chia sẻ, giữ hòa khí cho gia đình, bạn bè.

10. Ngày của sự tạ ơn

Người Việt Nam ta thường chọn ngày Tết làm ngày của sự tạ ơn. Hòa trong không gian sum vầy ấm cúng, hân hoan, con cái tạ ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ, cha mẹ tạ ơn tổ tiên qua đĩa thịt, mâm ngũ quả, nhân viên tạ ơn cấp trên qua những lời chúc chân thành, kính trọng, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng Tết,…

Theo truyền thống, ngày mồng một sẽ dành để đến thăm họ hàng và gia đình. Theo truyền thống của người Việt nhưng không quá khắt khe và cũng tùy vào phong tục và thói quen của mỗi gia đình họ sẽ ghé thăm bạn bè hay thầy cô. Thông thường ngày mồng một và mồng hai sẽ là ngày dành cho gia đình, ngày mồng ba sẽ đến thăm thầy cô và ngày mồng bốn và năm sẽ là những ngày vui chơi bên bạn bè thân thiết.

Đánh giá bài viết
2 576
Sắp xếp theo

Tết Nguyên Đán 2024

Xem thêm