Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với hàng hóa công cộng

Chúng tôi xin giới thiệu bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với hàng hóa công cộng được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Do các tính chất đặc thù, việc cung ứng HHC thông qua thị trường tư nhân có thể không thực hiện được do vấn đề "kẻ ăn không". Một khi người sở hữu hàng hóa không có khả năng ngăn cản người khác sử dụng, thì những kẻ "khôn ngoan" sẽ có xu hướng sử dụng "nhờ" hàng hóa của người khác mà không muốn trực tiếp trả tiền để mua sắm. Khi tất cả đều không muốn trả tiền để mua sắm, thị trường tư nhân sẽ không thể cung cấp được loại hàng hóa này do không có khả năng bù đắp chi phí, cho dù nó có quan trọng như thế nào đối với xã hội.

Có một số HHC khi cung ứng có khả năng thu phí và có thể tính toán để mang lại hiệu quả kinh tế như: cầu, đường cao tốc, v.v nhưng khu vực tư ngại cung ứng vì đầu tư vào những hàng hóa này đòi hỏi vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu.

Một số HHC tạo ra lợi ích xã hội từ việc sử dụng một đơn vị lớn hơn nhiều so với lợi ích tư nhân của nhà cung ứng như y tế cộng đồng, hệ thống chiếu sáng công cộng. Nếu tư nhân cung ứng hàng hóa trong những trường hợp này, do họ thường bỏ qua lợi ích xã hội mà chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, lượng hàng hóa được cung ứng sẽ nhỏ hơn mức xã hội mong muốn.

Đây là những cơ sở cho sự can thiệp của Chính phủ vào cung ứng HHC. Có hai hình thức can thiệp chính.

1. Khu vực công cộng trực tiếp sản xuất và cung ứng hàng hóa công cộng

Đối với những HHC tối quan trọng cho sự vận hành của đất nước như quốc phòng, đê điều, an ninh trật tự xã hội, hệ thống luật pháp,.. khu vực công cộng thường đứng ra sản xuất và cung ứng sử dụng nguồn thu từ thuế. Nhờ quyền lực và các chế tài xử phạt của mình, khu vực công cộng có thể duy trì việc cung ứng những HHC này mà không cần bận tâm tới vấn đề kẻ ăn không.

Với hình thức cung ứng HHC này, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ là lực lượng sản xuất chính với chi phí lấy trực tiếp từ ngân sách. Hình thức khu vực công cộng trực tiếp sản xuất và cung ứng có lợi thế lớn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, phương thức này cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, việc khu vực công cộng nắm quyền sản xuất và phân phối hàng hóa có thể gây nên tình trạng độc quyền. Tình trạng này dẫn tới chi phí sản xuất rất lớn do các doanh nghiệp Nhà nước không có động lực để đổi mới sản xuất hay phát triển công nghệ. Thứ hai, do chủng loại HHC là rất đa dạng và sản lượng cần cung ứng lại nhiều trong khi quy mô của khu vực công cộng là có giới hạn, không thể kì vọng khu vực công cộng đứng ra sản xuất tất cả các loại HHC. Kể cả khi quy mô cho phép thì việc khu vực công cộng sản xuất và cung ứng HHC không có chọn lọc có thể gây thâm hụt chi tiêu và dẫn tới nợ công. Do đó, phương thức thứ hai đó là hợp tác công - tư trong sản xuất và cung ứng HHC với những lợi thế riêng đang dần trở nên phổ biến hơn.

2. Khu vực công cộng và khu vực tư hợp tác sản xuất và cung ứng hàng hóa công cộng

Ví dụ đầu tiên của phương thức cung ứng PPP (Public - Private Partnership -) cho HHC đó là việc khu vực công cộng tổ chức đấu thầu để tư nhân tham gia sản xuất. Đối với một số loại HHC, Chính phủ cũng có thể trợ cấp tiền cho người dân để họ tự mua hàng trên thị trường tư nhân. Như vậy, lực lượng sản xuất chính trong phương thức sẽ là các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, khu vực công cộng chỉ đóng vai trò xây dựng khuôn khổ luật pháp, giám sát chất lượng hàng hóa và trong một số trường hợp là phân phối hàng hóa. Các loại HHC thường được cung ứng theo phương thức PPP thường là cơ sở hạ tầng như đường sá, bệnh viện, trường học, trạm y tế. Lợi thế chủ yếu của phương thức PPP đó là khả năng hạ chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm nhờ sự chuyên môn hóa và cơ chế cạnh tranh tự do giữa các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp sẽ luôn luôn phải tìm cách đổi mới sản xuất và phát triển khoa học công nghệ nhằm hạ chi phí nếu không muốn bị đào thải ra khỏi thị trường.

Trong một số trường hợp đặc thù, thị trường tư nhân có thể cung ứng được HHC song thường lại cung ứng ở mức không hiệu quả do chi phí sản xuất lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Để khắc phục vấn đề này của thị trường, phương thức PPP có thể được áp dụng bằng cách Chính phủ đảm nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng còn tư nhân đảm nhiệm cung ứng dịch vụ. Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nêu ra một số hình thức hợp tác:

BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao): Khu vực tư sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hồi vốn và tạo lợi nhuận thông qua thu phí từ người dân cho việc sử dụng dịch vụ. Sau một thời gian nhất định, thường là trên 50 năm, quyền sở hữu hạ tầng sẽ trở về với khu vực công.

BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh): Hình thức này tương tự với BOT. Điểm khác biệt duy nhất là quyền sở hữu hàng hóa sẽ của khu vực công cộng ngay sau khi việc xây dựng hoàn thành.

BT (Xây dựng - Chuyển giao): Khu vực tư đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển giao lại cho khu vực công cộng và được thanh toán bằng tiền hoặc quỹ đất để đầu tư các dự án khác.

Như vậy, ngoài lợi ích có được do chi phí sản xuất thấp nhờ chuyên môn hoá và cạnh tranh tự do, phương thức PPP cũng tạo động lực cho khu vực tư nhân san sẻ gánh nặng cho khu vực công, qua đó đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách. Tuy nhiên, phương thức này vẫn tồn tại nhược điểm. Do tình trạng thông tin bất đối xứng, khu vực công cộng thường phải gánh chịu chi phí nhằm kiểm soát và đảm bảo chất lượng hàng hóa và các hành vi của khu vực tư nhân.

Nhìn chung, qua phân tích, ta thấy rằng cả hai phương thức cung ứng trực tiếp và đều có những ưu nhược điểm riêng của mình. Do đó, nhằm đảm bảo hiệu quả cung ứng HHC ở mức cao nhất và tối ưu hóa phúc lợi xã hội, khu vực công cộng cần cân nhắc kết hợp cả hai phương thức. Việc lựa chọn phương thức nào sẽ phụ thuộc vào chủng loại HHC, quy mô của khu vực công cộng và khu vực tư, cùng với đó là năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với hàng hóa công cộng về người sở hữu hàng hóa không có khả năng ngăn cản người khác sử dụng, thì những kẻ "khôn ngoan" sẽ có xu hướng sử dụng "nhờ" hàng hóa của người khác mà không muốn trực tiếp trả tiền để mua sắm....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với hàng hóa công cộng. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 343
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm