Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán

VnDoc xin giới thiệu bài Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Thị trường chứng khoán để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Cơ quan quản lý nhà nước

Đầu tiên, thị trường chứng khoán hình thành một cách tự phát khi có sự xuất hiện của cổ phiếu và trái phiếu và hầu như chưa có sự quản lý. Nhưng nhận thấy cần có sự bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư và đảm bảo sự hoạt động bình thường, ổn định của thị trường chứng khoán, bản thân các nhà kinh doanh chứng khoán và các quốc gia có thị trường chứng khoán hoạt động cho rằng cần phải có cơ quan quản lý và giám sát về hoạt động phát hành và kinh doanh chứng khoán. Chính vì vậy, cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán đã ra đời.

Cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán được hình thành dưới nhiều mô hình hoạt động khác nhau, có nước do các tổ chức tự quản thành lập, có nước cơ quan này trực thuộc chính phủ, nhưng có nước lại có sự kết hợp quản lý giữa các tổ chức tự quản và nhà nước. Nhưng nhìn chung cơ quan quản lý này do chính phủ (nhà nước) của các nước thành lập, nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người đầu tư và bảo đảm cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, suôn sẻ và phát triển vững chắc. Cơ quan này có thể có những tên gọi khác nhau, tùy thuộc từng nước và nó được thành lập để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán.

Tại Trung Quốc, ban đầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động của thị trường chứng khoán. Cùng phối hợp thực hiện chức năng quản lý với Ngân hàng còn có cơ quan Hội đồng Nhà nước trong lĩnh vực cổ phần hóa các doanh nghiệp. Do không nằm trong cùng một tổ chức độc lập nên việc quản lý thị trường không được chặt chẽ, kém hiệu quả. ngày 29-12-1998, luật chứng khoán Trung Quốc được thông qua đã tập trung việc giám sát, quản lý thị trường chứng khoán vào một cơ quan duy nhất, đó là cơ quan Giám quản chứng khoán của Quốc vụ viện Trung Quốc.

Tại Anh có Ủy ban đầu tư chứng khoán (SIB - Securities Investment Board). Ủy ban này là một tổ chức được thừa nhận trong đạo luật về các dịch vụ tài chính ban hành năm 1986.

Tại Mỹ, Ủy ban chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (SEC - Secunties and Exchange Commission) là một cơ quan của liên bang có tư cách pháp lý thực hiện việc kiểm soát thị trường chứng khoán. Tất cả các tổ chức hoạt động trong ngành chứng khoán đều phải đăng ký, báo cáo và chịu sự kiểm tra giám sát của Ủy ban chứng khoán và Giao dịch chứng khoán. Tại Nhật Bản, năm 1992 Ủy ban Giám sát chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (ESC, - Exchange Surveillance Commission) được thành lập và năm 1998 đã đổi tên thành Financial Supervision Agency (FSA) với chức năng cơ bản là tiến hành điều tra và xử lý các giao dịch gian lận trên thị trường chứng khoán. Các chức năng quản lý thị trường chứng khoán chung do Bộ Tài chính Nhật Bản đảm nhiệm. Tại Hàn Quốc có Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (ESC - Securities and Exchange Commission) và Ban Giám sát chứng khoán (SSB - Securities Supervise Board) (từ năm 1998 đổi tên thành Financial Supervision Commision) được đặt dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế - Tài chính. Ban Giám sát chứng khoán là cơ quan chấp hành của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Từ những kinh nghiệm học tập được ở những nước có thị trường chứng khoán phát triển, với sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, Việt Nam đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán trước khi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28-11-1996 của Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Sở giao dịch chứng khoán

Sở giao dịch chứng khoán thực hiện vận hành thị trường thông qua bộ máy tổ chức bao gồm nhiều bộ phận khác nhau phục vụ các hoạt động trên sở giao dịch. Ngoài ra, sở giao dịch cũng ban hành những quy định điều chỉnh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên sở, phù hợp với các quy định của luật pháp và uỷ ban chứng khoán.

Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán

Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán là tổ chức của các công ty chứng khoán và một số thành viên khác hoạt động trong ngành chứng khoán, được thành lập với mục đích bảo vệ lợi ích cho các công ty thành viên nói riêng và cho toàn ngành chứng khoán nói chung. Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán thường là một tổ chức tự quản, thực hiện một số chức năng chính như sau:

- Khuyến khích hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán.

- Ban hành và thực hiện các quy tắc tự điều hành trên cơ sở các quy định pháp luật về chứng khoán.

- Điều tra và giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên.

- Tiêu chuẩn hóa các nguyên tắc và thông lệ trong ngành chứng khoán

Hợp tác với chính phủ và các cơ quan khác để giải quyết các vấn đề có tác động đến hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán

Là tổ chức nhận lưu giữ các chứng khoán và tiến hành các nghiệp vụ thanh toán bù trừ cho các giao dịch chứng khoán.

Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán

Là tổ chức phụ trợ, phục vụ cho các giao dịch chứng khoán. Công ty này cung cấp hệ thống máy tính với các chương trình để thông qua đó có thể thực hiện được các lệnh giao dịch một cách chính xác, nhanh chóng. Thông thường, công ty dịch vụ máy tính chứng khoán ra đời khi thị trường chứng khoán đã phát triển đến một trình độ nhất định, bắt đầu đi vào tự động hoá các giao dịch.

Các tổ chức tài trợ chứng khoán

Là các tổ chức được thành lập với mục đích khuyến khích mở rộng và tăng trưởng của thị trường chứng khoán thông qua các hoạt động cho vay tiền để mua cổ phiếu, và cho vay chứng khoán để bán trong các giao dịch bảo chứng. Các tổ chức tài trợ chứng khoán ở các nước khác nhau có đặc điểm khác nhau, có một số nước không có loại hình tổ chức này.

Công ty đánh giá hệ s tín nhiệm

Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm là công ty chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá năng lực thanh toán các khoản vốn gốc và lãi đúng thời hạn và theo những điều khoản đã cam kết của công ty phát hành đối với một đợt phát hành cụ thể. Các mức hệ số tín nhiệm vì thế thường được gắn cho một đợt phát hành, chứ không phải cho công ty, vì thế, một công ty phát hành có thể mang nhiều mức hệ số tín nhiệm cho các phát hành nợ của nó.

Hệ số tín nhiệm được biểu hiện bằng các chữ cái hay chữ số, tuỳ theo quy định của từng công ty xếp hạng. Ví dụ, theo hệ thống xếp hạng của Moody's sẽ có các hệ số tín nhiệm được ký hiệu là Aaa, Aa1, Baa1, hay B1... theo hệ thống xếp hạng của S&P, có các mức xếp hạng AAA, AA+, AA, AA-, A+, A…

Các nhà đầu tư có thể dựa vào các hệ số tín nhiệm do các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm cung cấp để cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư của mình.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán về đặc điểm của cơ quan quản lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán, công ty dịch vụ máy tính chứng khoán, các tổ chức tài trợ chứng khoán...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 67
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm