Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các yếu tố cấu thành văn phòng

VnDoc xin giới thiệu bài Các yếu tố cấu thành văn phòng được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Con người: mọi hoạt động của văn phòng đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến yếu tố con người. Sự hiểu biết và tinh thần của mọi người sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả văn phòng.

Hệ thống trang thiết bị: là một yếu tố không thể thiếu trong văn phòng bao gồm: máy móc văn phòng, trang bị kĩ thuật, yếu tố vật chất... Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, hệ thống trang thiết bị văn phòng ngày càng hiện đại giúp cho văn phòng thực hiện các hoạt động xử lý thông tin, lưu trữ và truyền thông tin trong phạm vi một cơ quan, một địa phương, một ngành, cả nước và giữa các quốc gia với nhau một cách nhanh chóng, thuận lợi, chính xác.

Hệ thống nguyên tắc thủ tục: là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân. Những nguyên tắc thủ tục này là căn cứ để mọi bộ phận, cá nhân thực thi công việc của mình trong đó có văn phòng.

Hệ thống nghiệp vụ hành chính văn phòng: Các nghiệp vụ hành chính văn phòng được xây dựng đầy đủ, hoàn chỉnh có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại giúp cho công việc hành chính văn phòng được vận hành trôi chảy, thông suốt theo những quy tắc, quy trình thống nhất, hợp lý. Các nghiệp vụ hành chính văn phòng có vai trò kết nối các thiết bị kỹ thuật với con người làm văn phòng, làm cho cấu trúc văn phòng trở nên hài hòa.

Hiệu quả hoạt động hành chính văn phòng phụ thuộc vào chất lượng và mối quan hệ giữa các yếu tố trên.

1. Sử dụng và sắp xếp mặt bằng văn phòng

Yêu cầu của thiết kế và sắp xếp mặt bằng văn phòng

Bố trí các bộ phận của văn phòng là một nội dung quan trọng của công tác tổ chức văn phòng và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác văn phòng. Vì vậy nó đòi hỏi bố trí các bộ phận của văn phòng phải mang tính khoa học. Tùy theo nội dung, tính chất công việc và hoàn cảnh cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị mà cách bố trí các bộ phận văn phòng có thể khác nhau song phải quán triệt đầy đủ các yêu cầu sau đây:

  • Tận dụng tối ưu mặt bằng, tiết kiệm và sử dụng cơ động diện tích văn phòng.
  • Giảm thiểu thời gian và công sức cho việc di chuyển giữa các bộ phận của người lao động nói chung và nhân viên văn phòng nói riêng.
  • Tạo môi trường làm việc khoa học cho nhân viên văn phòng nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo vệ sức khỏe.
  • Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác thu thập, xử lý thông tin.
  • Tiết kiệm chi phí văn phòng
  • Bảo đảm yêu cầu kĩ thuật, tuân thủ những quy định về bảo mật, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động theo quy định.

Các phương pháp bố trí văn phòng

Văn phòng bố trí đóng (Văn phòng chia nhỏ): đây là cách bố trí truyền thống theo kiểu tách bạch từng phòng, bộ phận với tường xây ngăn cách, có cửa ra vào, có thể đóng kín, khóa khi cần thiết. Bố trí theo kiểu này có ưu điểm là bảo đảm sự độc lập giữa các bộ phận, không gây ồn ào, mất trật tự, đáp ứng được yêu cầu bí mật thông tin khi cần thiết. Tuy nhiên nó lại vấp phải nhược điểm là tốn diện tích sử dụng mặt bằng, thiếu năng động, chi phí lắp đặt lớn, tốn thời gian di chuyển giữa các bộ phận của văn phòng. Mặt khác, người phụ trách rất khó kiểm soát được hoạt động của nhân viên.

Văn phòng bố trí mở: trong thực tế kiểu bố trí văn phòng chia nhỏ đang dần dần thu hẹp thay vào đó là kiểu văn phòng bố trí mở. Toàn văn phòng là một khoảng không gian rộng lớn được ngăn thành từng ô, từng khoang bằng các vật liệu, dụng cụ thích hợp. Bố trí kiểu văn phòng này có nhiều ưu điểm như: tận dụng được diện tích mặt bằng tối đa vì không có tường ngăn, diện tích được điều chỉnh theo số lượng người nhằm tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhất, cơ động do không có tường ngăn nên dễ bố trí lại khi cần thiết, vừa nhanh vừa giảm phí tổn. Do có thể bố trí các nhóm nhân viên phụ trách các công việc có liên quan với nhau sát cạnh nhau nên giảm thiểu được thời gian, công sức cho việc di chuyển, nâng cao hiệu quả công việc. Mặt khác, bố trí theo kiểu này, nhân viên có điều kiện gần gũi nhau hơn, người phụ trách có thể quán xuyến theo dõi nhân viên của mình. Tuy nhiên, bố trí theo kiểu mở có nhược điểm như gây ồn ào ảnh hưởng đến xung quanh, giảm sự tập trung trong công việc, khó đảm bảo bí mật thông tin khi cần thiết.

Văn phòng bố trí hỗn hợp: để tận dụng ưu điểm và hạn chế nhược điểm của hai cách bố trí trên, người ta có thể áp dụng cách bố trí hỗn hợp: có bộ phận của văn phòng bố trí đóng, có bộ phận bố trí mở.

2. Các điều kiện vật lý trong văn phòng

Trong 24 giờ ngoài số giờ dành cho việc nghỉ ngơi ăn uống, ít nhất ai cũng làm việc 8h/ngày và sống tại nơi làm việc. Nhưng nếu nhân viên có đủ sự khoan khoái hứng thú trong công việc họ sẽ cảm thấy thời gian trên rút ngắn lại. Khi nhân viên hứng thú trong công việc, năng suất lao động sẽ cao. Do đó, trong hoạt động hành chính cần tạo những điều kiện lao động để tăng năng suất, hào hứng và an toàn, cũng như giữ gìn khả năng công tác lâu dài. Trong kĩ thuật tổ chức nơi làm việc ngày nay người ta chú trọng đến sự tạo ra hoàn cảnh thuận tiện cho nhân viên làm việc và nhận thấy hoàn cảnh ảnh hưởng vào năng suất rất nhiều. Hoàn cảnh làm việc ảnh hưởng tới con người trên hai phương diện tâm lý và sinh lý.

Ảnh hưởng tâm lý: Nhân viên làm việc trong một khung cảnh thuận tiện, mát mẻ, hòa thuận với đồng nghiệp, cấp trên tin cậy… họ sẽ cảm thấy dễ chịu và làm việc hăng hái thêm.

Ảnh hưởng về sinh lý: khi bị nóng nực, ồn ào, chói mắt… làm con người khó chịu không muốn làm việc. Trái lại với một bầu không khí mát mẻ dễ chịu… người ta sẽ cảm thấy hăng hái thoải mái trong công việc làm. Do đó khi bố trí nơi làm việc cần tạo khung cảnh thuận tiện, thoải mái.

Các điều kiện vật lý trong văn phòng bao gồm: Không khí, âm thanh, ánh sáng, màu sắc.

* Không khí

Không khí trong phòng làm việc rất quan trọng. Tiêu chuẩn về khối lượng không khí cần thiết cho một người trong một phòng được ấn định là trong bốn giờ làm việc ít nhất phải có 7m3 không khí trong sạch.

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Ở nhiệt độ thấp phần lớn năng lượng của cơ thể bị tiêu phí không phải làm việc mà để chống lạnh và vì vậy khả năng tập trung sự chú ý của nhân viên bị giảm nhanh. Sự hạ thấp nhiệt độ của ngoại cảnh làm cho hoạt động của các cơ chế trao đổi nhiệt và điều hoà nhiệt của cơ thể tăng lên, sự hao tốn năng lượng của cơ thể tăng lên, điều đó giảm năng suất lao động. Khi làm việc ở nhiệt độ cao, cơ thể lại mất thêm năng lượng để giữ cho nhiệt độ cơ thể được bình thường. Điều đó lại làm cho sự hô hấp tăng nhanh, tăng sự bài tiết mồ hôi, giảm hàm lượng muối trong cơ thể. Kết quả là nhân viên cảm thấy uể oải và hậu quả là các động tác thực hiện sẽ chậm và năng suất lao động sẽ giảm xuống. Do đó tuỳ thuộc vào nhiệt độ mà chúng ta sử dụng các thiết bị bảo hộ khác nhau như hệ thống thông gió, quần áo đặc biệt, máy điều hòa không khí, màu sắc tương ứng của các bức tường.

* Âm thanh

Tiếng động không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn ảnh hưởng đến thần kinh của con người. Khung cảnh quá ồn ào làm cho con người bị lãng trí. Nếu tiếng động cứ liên tục và lớn có thể gây nên một tình trạng rối loạn thần kinh. Vì vậy nhà quản trị hành chính văn phòng phải tìm cách để giảm tiếng động. Một tiêu chuẩn được ấn định để đo cường độ của tiếng động là decibel (d). Sau đây là một vài con số tính ra decibel tính từ cường độ thấp nhất đến cao nhất:

0d: không có tiếng động

10d: tiếng động của hơi thở

20d: tiếng nói thì thầm

30d: tiếng động thường ở một nơi yên tĩnh

40d: trong thư viện, tiếng xì xào nói chuyện hoặc đi lại

50d: tiếng động trong nhà theo tiêu chuẩn bình thường

60d: tiếng phố xá đông người

70d: tiếng động trong phòng đánh máy

80d: tiếng trong xưởng máy

90d: tiếng xe lửa chạy

100d: tiếng máy động cơ mở

110d: tiếng máy búa

120d: tiếng động cơ máy bay

Từ 0d -10d là cường độ thích hợp để nghỉ ngơi, từ 40d có thể nghỉ ngơi được, từ 50d - 80d là khung cảnh ồn ào, từ 90d trở lên là nguy hiểm cho sức khỏe, 130d tiếng động nguy hiểm có thể làm rách màng nhĩ. Trong văn phòng các tiếng động thường xảy ra do các nguyên nhân: Nhân viên nói chuyện với nhau, cánh cửa khi khép lại gây tiếng động, tiếng chuông điện thoại, nhân viên nói điện thoại, nhân viên đứng lên ngồi xuống đụng ghế gây tiếng động, người đi lại trong phòng… Tùy theo từng nguyên nhân gây ồn mà có biện pháp khắc phục hạn chế giảm tiếng ồn. Ví dụ:

  • Nhắc nhở và quy định nhân viên nói nhỏ
  • Dùng nẹp cao su ở cửa để khi đóng lại cửa không bị kêu.
  • Đặt điện thoại gần người trực khi điện thoại reo nhấc máy ngay.
  • Lót chân ghế bằng cao su.

Sắp xếp những người mà công việc cần giao dịch với nhau ngồi gần nhau hoặc bố trí phòng kín, hạn chế di chuyển trong phòng.

* Màu sắc

Màu sắc tạo một tổng thể hình dáng bên ngoài của một văn phòng do đó có thể để lại ấn tượng hài lòng hay khó chịu cho người đến cơ quan. Mặt khác màu sắc ảnh hưởng đến cảm xúc, làm chán nản hay kích thích, làm cho các hoạt động tinh thần phấn chấn hay trì trệ.

Màu sắc được chia thành hai lại chính: các màu nóng và các màu lạnh. Các màu nóng như hồng, đỏ, da cam, vàng.… thúc đẩy hoạt động, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động ngay lập tức, trong khoảng thời gian ngắn. Các màu lạnh gồm xanh nước biển, xanh da trời… tạo nên sự mát mẻ, giúp cho việc tập trung tinh thần, giữ vững và ổn định năng suất.

Màu sắc không thích hợp có thể gây cảm giác không gian nóng và lạnh. Đối với phòng có cửa sổ hướng Bắc thì những màu nóng là thích hợp. Đối với phòng có chiều ánh sáng mặt trời thì sử dụng các màu lạnh là thích hợp.

Trong việc chọn độ đậm nhạt của màu sắc cần tính đến đặc tính của các loại ánh sáng (ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo). Bởi vì dưới ánh sáng của tự nhiên hay ánh sáng của bóng đèn sẽ làm cho độ đậm nhạt của một lại màu sắc sẽ khác nhau.

* Ánh sáng

Việc chiếu sáng thích hợp sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động có thể phân chia ánh sáng làm hai loại.

Ánh sáng tự nhiên: các phòng cần thiết kế cửa sổ thích hợp để đón nhận ánh sáng tự nhiên.

Ánh sáng nhân tạo: là ánh sáng của các loại đèn. Văn phòng có thể sử dụng cả hai loại ánh sáng nhân tạo của hai loại chiếu sáng: chiếu sáng trực tiếp: ánh sáng từ đèn rọi thẳng xuống nơi làm việc và chiếu sáng gián tiếp: rọi ánh sáng vào chỗ khác (thường là trần nhà) để phản chiếu xuống chỗ làm việc.

Khi sử dụng đèn chiếu sáng cần chú ý: Nếu ánh sáng chói và quá gần sẽ làm rối loạn thị giác, gây ra sự mệt mỏi. Và trong việc mắc đèn, người ta nhận thấy, những trần nhà và tường bẩn làm giảm 50% năng suất đèn, vậy tường phòng nên sơn màu càng sáng thì hệ số phản chiếu ánh sáng càng tăng.

Tóm lại, khung cảnh văn phòng với bầu không khí mát mẻ, không nóng, không lạnh, yên tĩnh, màu sắc hài hòa hấp dẫn, lôi cuốn, có đầy đủ ánh sáng cho từng loại công việc sẽ tạo ra sự hứng thú thoải mái cho nhân viên làm việc với năng suất cao.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các yếu tố cấu thành văn phòng về đặc điểm của các điều kiện vật lý trong văn phòng, sử dụng và sắp xếp mặt bằng văn phòng...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các yếu tố cấu thành văn phòng. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 5.573
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm