Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Câu chuyện về túi khoai tây có đáp án

Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 phần đọc hiểu trả lời câu hỏi Câu chuyện về túi khoai tây. Dưới đây là chi tiết đáp án cho từng câu hỏi để các em học sinh so sánh đối chiếu với bài làm của mình.

1. Đọc hiểu Câu chuyện về túi khoai tây

Câu chuyện về túi khoai tây

Vào một buổi học, thầy giáo tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên những người mình không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí, có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.

Sau đó thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi cùng bạn bè cũng phải mang theo.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tồi tệ hơn khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy giáo cho quẳng hết chõ khoai tây ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.

Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: "Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà nó còn là một món quà tốt đẹp để mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình."

Lại Thế Luyện

Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Thầy giáo mang túi khoai tây đến lớp để làm gì?

a. Để cho cả lớp liên hoan.

b. Để giáo dục cho cả lớp một bài học về lòng vị tha.

c. Để cho cả lớp học môn sinh học.

d. Để hướng dẫn học sinh cách trồng cây khoai tây.

Câu 2: Túi khoai tây đã gây ra điều gì phiền toái?

a. Đi đâu cũng mang theo.

b. Các củ khoai tây bị thối rữa, rỉ nước.

c. Đi đâu cũng mang theo những củ khoai tây vừa nặn vừa bị thối rữa, rỉ nước.

d. Muốn vứt nhưng thầy giáo lại không đồng ý.

Câu 3: Theo thầy giáo, vì sao nên có lòng vị tha, cảm thông với lỗi lầm của người khác?

a. Vì sự oán giận hay thù ghét không mang lại lợi ích gì; nếu có lòng vị tha và có sự cảm thông sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân và cũng là món quà tặng cho mọi người.

b. Vì càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng.

c. Vì lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà đó còn là một món quà tốt đẹp để mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình.

d. Vì lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở!

Câu 4: Theo em, thế nào là lòng vị tha

a. Rộng lòng tha thứ.

b. Cảm thông và chia sẻ.

c. Rộng lòng tha thứ, không hề có sự cố chấp; biết cảm thông và chia sẻ.

d. Không hẹp hòi, ích kỉ và biết tha thứ cho người khác khi họ biết lỗi.

Câu 5: Hãy nêu suy nghĩ của em về cách giáo dục của thầy giáo thú vị ở chỗ nào?

Câu 6: Từ câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Câu 7: Hãy đặt 1 câu văn có sử dụng dấu gạch ngang được dùng để chú thích?

Câu 8: Em hãy đặt 1 câu văn theo kiểu câu Ai thế nào?

Câu 9: Tất cả các bạn đều tham gia đêm Hội diễn văn nghệ 26-3.

Hãy viết câu trên thành câu khiến?

Câu 10: Em hãy đặt 1 câu kể "Ai làm gì?" có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa?

2. Đáp án Đọc hiểu Câu chuyện về túi khoai tây

Câu 1: b (0,5 điểm)

Câu 2: c (0,5 điểm)

Câu 3: a (0,5 điểm)

Câu 4: c (0,5 điểm)

Câu 5: (0,5 điểm)

Cách giáo dục của thầy giáo thú vị ở chỗ: Thầy không bắt ai phải tha thứ nhưng bằng hình ảnh những củ khoai tây thối rữa, thầy đã giúp cả lớp hiểu ra giá trị của sự tha thứ, lòng vị tha và sự cảm thông với lỗi lầm của người khác.

Câu 6: (0,5 điểm)

Bài học: Sống phải có lòng vị tha, cảm thông, chia sẻ và không gây thù oán.

Câu 7: (1 điểm)

Ví dụ: Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – một người đã giành cả đời để nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa – sắp tới sẽ phát hành một cuốn sách mới.

Câu 8: Đặt đúng kiểu câu "Ai thế nào?" (1 điểm)

Mai luôn chăm chỉ học tập và tham gia các hoạt động của lớp.

Câu 9: Học sinh chuyển được từ câu kể sang câu khiến (1 điểm)

Ví dụ: Mong tất cả các bạn đều tham gia đêm Hội diễn văn nghệ 26-3 nhé!

Câu 10: (1 điểm)

Học sinh đặt đúng câu kể Ai làm gì có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa.

Cánh đồng đang mặc một bộ cánh vàng lộng lẫy.

Tham khảo chi tiết: Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2023 để chuẩn bị cho bài thi giữa học kì 2 lớp 5 đạt kết quả cao.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
219
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Lê Viết Thăng
    Lê Viết Thăng

    Cảm ơn trường mình chúng bài này ạ!🥰

    Thích Phản hồi 27/03/23
    • Yên Nguyễn
      Yên Nguyễn

      huhu


      Thích Phản hồi 21:23 21/06

      Đề thi giữa kì 2 lớp 4

      Xem thêm