Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Sơn La 2024

Sáng 1/6, các thí sinh tỉnh Sơn La sẽ làm bài thi môn Ngữ văn kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024. VnDoc gửi tới các bạn đề thi và đáp án đề thi vào 10 môn Văn Sơn La 2024 ngay khi hết thời gian làm bài. Mời các bạn chú ý theo dõi.

1. Đáp án đề thi vào 10 Văn Sơn La 2024

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Thể thơ: tự do

Câu 2

Hình ảnh đại bàng con được miêu tả qua: ngượng ngùng, nhảy bay loạng choạng

Câu 3.

Các câu thơ có thể hiểu: những điều mới mẻ, những bí mật vô cùng hấp dẫn mà đại bàng không được biết đến để tìm hiểu, khám phá. Cuộc sống tù túng đã làm hạn chế sự khám phá, tìm hiểu của đại bàng con.

Câu 4.

Câu thơ gợi cho em thông điệp: mạnh dạn tự thử thách để trưởng thành, dũng cảm vượt lên giới hạn của bản thân.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 200 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được ý nghĩa khát vọng trong đời sống. Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của

1. Nêu vấn đề: ý nghĩa những khát vọng trong đời sống con người.

2. Giải thích vấn đề

- Khát vọng là những mong muốn lớn lao, tốt đẹp của mỗi con người, nó mang một sức thôi thúc mạnh mẽ mà khiến họ cần phải hành động để đạt được khát vọng của bản thân.

- Mỗi con người sẽ có những khát vọng riêng trong cuộc sống của mình. Khát vọng là động lực để con người phát triển và vươn tới thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Vai trò của khát vọng với con người:

+ Có khát vọng tức là con người có những ước mơ. Một người sống không thể thiếu ước mơ vì những ước mơ, khát vọng giúp con người nỗ lực và phấn đấu không ngừng.

+ Có khát vọng, con người sẽ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống.

+ Con người có khát vọng là con người sống có lí tưởng riêng và những người như vậy nhất định sẽ thành công.

- Khát vọng khác với tham vọng. Cần phải tỉnh táo để không biến những khát vọng của mình thành những tham vọng.

- Phê phán những người sống không có khát vọng, sống như những cỗ máy.

- Liên hệ bản thân: Em đã phải là người sống có khát vọng chưa? Hãy chia sẻ về những khát vọng của mình?

4. Tổng kết vấn đề.

Câu 2.

* Yêu cầu về hình thức:

Bài viết đảm bảo cấu trúc của một bài văn gồm 3 phần: - Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

* Yêu cầu về nội dung:

Bài viết đảm bảo những nội dung sau đây:

1. Mở bài:

Lê Minh Khuê thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

- Đoạn trích nói về khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định cùng hai nữ đồng đội ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn. Khung cảnh đó đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động qua đoạn trích trên. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh.

2. Phân tích.

- Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận, nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.

- Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ qua trong giây lát.

- Lúc đến gần quả bom:

+ Mặc dù đã quen thuộc với công việc này, nhưng lần nào tới gần quả bom cô cũng thấy hồi hộp, căng thẳng “thần kinh căng như chão”. Bởi khung cảnh ẩn chứa sự nguy hiểm “im lặng đến phát sợ”, cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ, không khí ngột ngạt báo hiệu điềm chẳng lành, sự sống trở nên mong manh. Nhưng  khi nghĩ đến ánh mắt của những chiến sĩ đang dõi theo từng cử chỉ của mình, Phương Định không thấy sợ nữa, cô quyết định đi thẳng thay vì đi khom lưng.

=> Lòng dũng cảm của cô được kích thích bởi sự tự trọng khiến cô bình tĩnh và can đảm.

- Lúc đặt mìn, phá bom:

+ Ở bên cạnh quả bom, kề sát với cái chết im lìm, bất ngờ cảm giác của cô trở nên sắc nhọn để bình tĩnh, quyết đoán thực hiện các thao tác phá bom “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom... thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng sắc nhọn đến gai người cứa thịt tôi. Tôi rùng mình”. Cái rùng mình ấy của Phương Định chính là thử thách đối với mỗi con người.

+ Nhưng ngay sau đó cô đã nhận định “Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Suy nghĩ ấy đã cho ta thấy sự can đảm, bản lĩnh, dũng cảm của Phương Định khi đối mặt với cái chết. Để sau đó cô chạy đua với thời gian thực hiện chính xác từng thao tác phá bom.

- Lúc chờ bom nổ và cảnh bom nổ:

+ Toàn bộ tâm trí hướng vào quả bom, Phương Định hồi hộp đến mức tim đập không rõ.

+ Cảm giác căng thẳng, lo lắng khi nhìn kim đồng hồ chạy “một cách bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung”, khi thấy “lửa đang chui vào cái dây mìn”.

+ Nhưng ngay cả cảm giấc ấy cũng trở nên quá quen thuộc bởi công việc nguy hiểm đến khủng khiếp này như bóp nghẹt trái tim Phương Định không chỉ một lần trong đời mà là hàng ngày “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần. Ngày nào ít, 3 lần”.

+ Lúc này Phương Định nghĩ về cái chết nhưng nó chỉ là một khái niệm mờ nhạt. Bởi trong tâm trí cô chỉ băn khoăn một câu hỏi duy nhất: “Liệu bom có nổ không? Nếu không thì làm thế nào để châm lần thứ hai”. Phương Định hiện lên là một người có tinh thần trách nhiệm cao.

+ Và giây phút chờ đợi đã qua “Thật may bom đã nổ. Thắng rồi”. Phương Định đã hoàn thành công việc. Đây quả là một cuộc đấu trí gan góc, kiên cường. Từ đó ta thấy tinh thần, ý chí và lòng dũng cảm của người con gái nhỏ bé, bình dị nhưng không bao giờ chịu khuất phục.

- Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính....

3. Tổng kết

Phương Định, một hình tượng đẹp, có ý nghĩa tiêu biểu về người thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cùng với những hình tượng nghệ thuật khác như hình tượng anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính... thì nhân vật Phương Định đã góp phần phong phú hóa hình tượng cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu.

HẾT

2. Đề thi vào 10 Văn Sơn La 2024

đề thi vào 10 môn văn năm 2024 tỉnh Sơn La trang 1
đề thi vào 10 môn văn năm 2024 tỉnh Sơn La trang 2

Lịch thi vào lớp 10 tỉnh Sơn La năm 2024 trường THPT công lập và THPT Chuyên:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian làm bài

Thời gian phát đề thi

Giờ bắt

đầu làm bài

01/6/2024

SÁNG

Ngữ văn

120 phút

7h55’

8h00’

CHIỀU

Toán

120 phút

14h25’

14h30’

02/6/2024

SÁNG

Tiếng Anh

60 phút

7h55’

8h00’

CHIỀU

Các môn chuyên

150 phút

14h25’

14h30’

3. Đáp án đề thi vào lớp 10 Văn Sơn La 2023

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Theo lời người cha, cái tên có nhiều ý nghĩa:

- Cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời của một đứa trẻ.

- Là cái để phân biệt đứa trẻ này với đứa trẻ khác.

- Là thứ giúp gợi nhớ về con người (khi nhớ tới một cái tên tức là nhớ về một con người có cái tên đó).

- Tạo ra tình cảm đặc biệt giữa người với người.

Câu 2:

Theo đoạn trích, ta cảm thấy không gì tuyệt diệu hơn khi gọi tên người thân của mình.

Câu 3:

Học sinh tự trình bày quan điểm cá nhân của mình, có lý giải.

Gợi ý.

- Đồng tình. Mẹ chính là tên gọi đẹp nhất. Bởi lẽ cái tên đó khiến chúng ta nhớ đến người đã sinh thành, nuôi nấng, hi sinh, chăm sóc chúng ta. Tình yêu thương và sự hi sinh lớn lao của mẹ đối với mỗi con người là điều đẹp đẽ và tuyệt với nhất.

Câu 4:

Học sinh tự trình bày theo ý kiến cá nhân, phù hợp với quan niệm đạo đức, pháp luật.

Gợi ý.

Để xứng đáng với cái tên của mình, con người có thể:

- Sống tích cực, sống lương thiện.

- Yêu thương giúp đỡ người khác.

- Yêu cái tên và trân trọng cái tên do cha mẹ đặt.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm):

a. Mở đoạn:

- Giới thiệu vấn đề: Tình yêu thương của cha mẹ có thể là động lực nhưng cũng có thể là áp lực cho con cái.

b. Thân đoạn:

* Giải thích vấn đề:

- Tình yêu thương là sự quan tâm, chăm sóc đối với những người xung quanh.

- Động lực là những nhân tố thúc đẩy mỗi cá nhân cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình để đạt mục tiêu đã đã đề ra.

- Áp lực là những yếu tố khiến con người sống trong sự đè nén, mệt mỏi khiến trạng thái tinh thần con người rơi vào tình trạng tồi tệ nhất.

=> Tình yêu thương của cha mẹ là sự quan tâm, chăm sóc đôi khi là sự kì vọng vào con cái. Điều đó có thể tạo cho con động lực để phát triển, hoàn thiện nhưng cũng có thể vô hình tạo ra những áp lực cho con cái.

* Bàn luận vấn đề:

- Tình yêu thương của cha mẹ tạo động lực cho con cái.

+ Tình yêu thương của cha mẹ khiến con cái cảm thấy vững vàng hơn, an tâm hơn.

+ Tình yêu thương của cha mẹ khiên con cái có cảm giác được động viên, khích lệ từ đó tạo động lực cố gắng, phấn đấu tốt hơn.

+ Tình yêu thương đôi khi là điểm tựa, là nơi xoa dịu những lúc con gặp khó khăn.

- Tình yêu thương của cha mẹ vô tình tạo áp lực cho con.

+ Tình yêu thương đôi khi tạo ra những kì vọng vượt năng lực của con gây nên áp lực cho con.

+ Tình yêu thương quá lớn đôi khi tạo ra sự kiểm soát, áp đặt cho con khiến con cảm thấy áp lực, ngột ngạt.

* Bàn luận mở rộng.

- Con cái cần học cách đón nhận và trân trọng tình yêu thương của cha mẹ.

- Cha mẹ cũng cần học cách yêu thương con sao cho đúng.

* Liên hệ bản thân.

c. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

Câu 2 (5.0 điểm):

1. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa.

- Hoàn cảnh bài thơ ra đời

- Khái quát nội dung chính của đoạn thơ: Suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa.

2. Thân bài:

a. Phân tích đoạn trích - Suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa.

– Giữa tro tàn, giữa đau thương bà lại nhóm lửa, bà vẫn nhóm lửa. Bếp lửa ân cần, ấm cúng,

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chửa niềm tin dai dẳng”

- Từ hình ảnh tả thực “Bếp lửa bà nhen” mỗi sớm, tác giả đã khóe léo chuyển thành hình ảnh “ngọn lửa” ngọn lửa tỏa sáng câu thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Đến đây, bếp lửa bà nhen không còn là bếp lửa thông thường trong mỗi gian bếp bởi nó chứa ngọn lửa của lòng bà, ngọn lửa của tình yêu thương và đức tin trong sáng, mãnh liệt. Từ ngọn lửa của lòng bà đã nhóm lên trong cháu tình yêu thương, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.

- Bà chính là người nhóm lửa và giữ lửa – ngọn lửa niềm tin và hy vọng. – Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

+ Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc đời bà, một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

+ Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ một rất đỗi bình dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó 1 những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp.

=> Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau.

– Khám phá ra nhữn nghĩa kì diệu, cao cả, thiêng liêng từ bếp lửa của bà, cháu sung sướng thốt lên:

“Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa”

Phép đảo ngữ, câu cảm thán với từ “ôi” đặt ở đầu câu bộc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, và vui sướng của cháu. Bếp lửa ấy luôn hiện diện cùng bà, tỏa sáng vẻ đẹp của bà. Đứa cháu nhỏ cảm thấy thật bất ngờ khi phát hện được những điều kì diệu thiêng liêng từ những thứ bình thường, giản dị. Cháu nhớ về bà, nhớ về Bếp lửa cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với tấm lòng tri ân sâu nặng.

b. Nghệ thuật:

- Sự kết hợp hài hòa các phương thức biểu cảm, tự sự, miêu tả và bình luận.

- Hình ảnh vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.

- Cảm xúc mãnh liệt.

- Triết lí sâu sắc.

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận (nội dung + nghệ thuật).

4. Đề thi tuyển sinh lớp 10 Văn Sơn La 2023

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La năm 2023

5. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

Quê hương là vòng tay ấm

con nằm ngủ giữa mưa đêm

Quê hương là đêm trăng tỏ

hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương là vàng hoa bí

là hồng tím giậu mồng tơi

là đỏ đôi bờ dâm bụt

màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một

như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương có ai không nhớ…

(Trích Bài học đầu cho con, Đỗ Trung Quân, Cỏ hoa cần gặp, NXB Thuận Hóa - Huế, 1991)

Câu 1. (0,5 điểm) Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

Câu 2. (0,75 điểm) Xác định một biện pháp tu từ trong những câu thơ sau:

“Quê hương là vòng tay ấm

con năm ngủ giữa mưa đêm

Quê hương là đêm trăng tỏ

hoa cau rụng trắng ngoài thềm”

Câu 3. (1,0 điểm) Tìm và phân tích ý nghĩa của những hình ảnh diễn tả vẻ đẹp quê hương trong đoạn thơ sau:

“Quê hương là vàng hoa bí

là hồng tím giậu mồng tơi

là đỏ đôi bờ dâm bụt

màu hoa sen trắng tinh khôi”

Câu 4. (0,75 điểm) Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho quê hương.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung của phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải trân trọng quê hương nguồn cội.

Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận hình tượng anh Sáu trong đoạn trích sau:

“Những đêm rừng, nằm trên võng mắt, chỉ thấy tấm ny lông nóc, lúc nhớ con, anh cứ ân hận sao mình lại đánh con. Nỗi khổ tâm đó cứ giày vò anh.

[...] Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đỏ - buổi chiều sau một ngày mưa rừng giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ny lông mốc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được ngà.

Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Mỗi ngày anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi… cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” … Những đêm nhớ con,… anh lấy cây lược ra ngắm nghía, rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra… Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.

- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.

Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.”

(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr 199-200)

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

6. Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Sơn La 2022

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm