Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 2

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 2

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 2 để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia 2023 nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn bám sát đề minh họa

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

Phủ Lý tháng hai

Thị xã dựng những khung nhà mới

Trên dãy tường đổ nát mùa đông

A B C tiếng trẻ học vỡ lòng

Cỏ trên những nấm mồ xanh nõn

Lá ướt cây bàng lao xao chim hót

Những mảnh bom của hai cuộc chiến tranh

Han gỉ trong bùn

Nhà xây chưa xong vôi vữa ngổn ngang

Mẹ đã ngồi nhóm lửa

Mấy năm rồi anh không về thị xã

Chẳng còn đi trên dãy phố quen

Dải đồi xa anh nằm lại một mình

Chắc cỏ mọc như nơi này xanh nõn

Tháng hai mưa có nở nhiều hoa tím

Mảnh bom thù trong ngực buốt không anh?

Phủ Lý chiều nay thoáng mưa xuân

Bè bạn gặp nhau nhớ anh biết mấy

Thuyền chở đá ngược dòng sông Đáy

Nắng tắt dần trên những vạt buồm căng

Như câu thơ anh viết nửa chừng

Mai bưởi chín anh không về hái nữa

Năm lửa cháy các anh đi dập lửa

Tin tương lai như chùm quả ngọt ngào

Dẫu không về chẳng khuất xa đâu

Nấm mộ xuân sang phập phồng cỏ mát

Trái tim anh vẫn đập dồn dưới đất

Gửi lại mến thương hy vọng chờ mong

Chúng tôi nào có thể sống dửng dưng

Gió mạnh thổi ngoài ga giục giã

Ánh sáng toả ra từ nụ cười em nhỏ

Và chân trời như mắt anh trong

(Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Trong khổ thơ đầu, tác giả đã sử dụng những hình ảnh nào để thể hiện sự đổi thay của cuộc sống.

Câu 3. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:

Năm lửa cháy các anh đi dập lửa

Tin tương lai như chùm quả ngọt ngào

Câu 4. Suy nghĩ của anh/chị về hình tượng nhân vật “anh” được đề cập đến trong văn bản.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về giá trị của hòa bình.

Câu 2. (5,0 điểm)

Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc mà ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của Sông Gâm , Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190 - 191)

Anh/ chị hãy phân tích hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về phong cách nghệ

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn bám sát đề minh họa

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

3,0

1

Thể thơ: tự do

0,75

2

Những hình ảnh được sử dụng để thể hiện sự đổi thay của cuộc sống: những khung nhà mới; nhà chưa xây xong vôi vữa ngổn ngang; tiếng trẻ học vỡ lòng…

0,75

3

- Biện pháp tu từ được sử dụng:

+ so sánh “Tin tương lai như chùm quả ngọt”

+ ẩn dụ “năm lửa cháy” chỉ những năm tháng chiến tranh ác liệt. - Tác dụng:

+ Làm tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho lời thơ

+ Thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của những người chiến sĩ đã ra đi chiến đấu dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. + Thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca của tác giả với tinh thần lạc quan, lí tưởng sống cao đẹp của những người chiến sĩ đã chiến đấu và hi sinh bì đất nước.

1,0

4

- Hình tượng nhân vật “anh” được thể hiện trong bài thơ: người chiến sĩ đã dũng cảm từ giã quê hương Phủ Lí, xa mẹ già ra đi chiến đấu với niềm tin vào tương lai tươi đẹp và đã anh dũng hi sinh, nằm lại nơi núi đồi xa xôi.

- Hình tượng nhân vật “anh” đại diện cho cả một thế hệ đã sống và chiến đấu vì đất nước. Qua hình tượng, mỗi chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, ý thức hơn trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

0,5

II

LÀM VĂN

7,0

1

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về giá trị của hòa bình.

2,0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

giá trị của hòa bình

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề

Có thể theo hướng:

- Hòa bình là điều kiện cần thiết để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống của con người: hạnh phúc, ước mơ, tình yêu, niềm tin… - Hòa bình giúp con người có thể cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa, giá trị của cuộc sống; có điều kiện phát triển toàn diện…

- Hòa bình là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ, của những hi sinh, mất mát không thể kể hết và chỉ trong hòa bình con người mới biết trân trọng những gì đang có, thêm động lực phấn đấu để có một cuộc sống tốt đẹp, bình yên cho hôm nay và mai sau.

- Hòa bình là mơ ước của mọi đất nước, mọi cộng đồng cư dân trên thế giới bởi chỉ có sống trong hòa bình thì mới có thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội….

1,0

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Phân tích đoạn văn trong “Người lái đò Sông Đà”. Từ đó, nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

5,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn trích; nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:

*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích.

0,5

* Phân tích hình tượng Sông Đà

- Dáng hình dòng sông

+ Dáng hình Sông Đà được cảm nhận như “một cái dây thừng ngoằn nghèo”, “từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây”. Cách cảm nhận từ trên cao, đặt giữa không gian Tây Bắc đem đến một cái nhìn mới mẻ về dòng sông khác hẳn với cách mọi người vẫn nghĩ về nó gắn với câu chuyện truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh” và câu ca xưa khi “hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc”.

+ Dáng hình sông Đà hiện lên trong vẻ thướt tha, dịu dàng “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc, bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”

-> Điệp từ và cấu trúc đặc biệt của lời văn khiến câu văn trải dài, dài mãi trong âm điệu nhẹ nhàng. Nó vẽ lên dáng mềm mại, tha thướt của sông Đà khi nhìn ở khoảng cách rất cao, rất xa. Phép so sánh cho thấy sông Đà như một người thiếu nữ đẹp, điểm tô cho cả vùng non nước bằng “một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải”. Nó giống như nhịp cầu nối thơ mộng giữa không gian của miền núi cao Tây Bắc với những dải đồng bằng mênh mông

+ Diện mạo của sông Đà còn là nét đẹp đầy gợi cảm. Tác giả say sưa, mê mẩn nhìn ngắm vẻ gợi cảm của màu nước sông Đà đổi thay theo từng mùa. Dòng sông chẳng khác nào cô gái lộng lẫy điểm tô cho nét đẹp diễm lệ của đất nước nên nó mang một nét riêng, nét độc đáo: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích… Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Chỉ với hai câu văn, người nghệ sĩ không chỉ họa nên nét đẹp sinh động của dòng sông mà con cung cấp cho người đọc những thông tin, sự hiểu biết về một nét độc đáo của dòng sông đất nước. - Sông Đà “gợi cảm” như một “cố nhân”

+ Vẻ đẹp trữ tình của con sông được khám phá từ cảm giác của “một người ở rừng, đi núi đã hơi lâu thấy thèm chỗ thoáng”, Sông Đà hiện lên trong nét tươi vui đầy sức sống: “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui nối lại chiêm bao đứt quãng”

+ Nắng trên sông Đà được tập trung thể hiện từ ấn tượng ban đầu “Trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”, đến những liên tưởng thú vị với “màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” ”

+ Tính cách của dòng sông còn là sự gần gũi và thân thuộc: “nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”.

=> Bằng trí tưởng tượng phong phú với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình, tác giả giúp người đọc dễ dàng liên tưởng và hình dung ra hình ảnh một con sông êm đềm thơ mộng, dịu dàng, khả ái, đầy quyến rũ. Sông Đà là một thực thể tự nhiên nhưng không vô tri vô giác. Qua ngòi bút của tác giả Nguyễn Tuân, Sông Đà là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, tạo nên chất men trong cuộc sống.

2,5

*Nhận xét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện qua đoạn trích.

- Đoạn trích đã thể hiện phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Nhà văn đã sử dụng trí tưởng tượng phong phú một cách rất tài tình và khéo léo để khắc họa lên hình tượng con sông Đà trữ tình từ nhiều góc nhìn: không gian, thời gian, tâm trạng.

- Nghệ thuật nhân hoá, so sánh được nhà văn sử dụng tài tình, rất lôi cuốn, hấp dẫn. Mỗi so sánh về sông Đà của Nguyễn Tuân trong tác phẩm thực sự là một phát hiện sắc sảo, độc đáo về thiên nhiên Tây Bắc. - Việc sử dụng thể tùy bút pha chất bút kí với kết cấu phóng túng, câu văn dài, nghệ thuật dùng từ độc đáo đã in đậm cá tính sáng tạo của bậc thầy ngôn từ Nguyễn Tuân.

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

TỔNG ĐIỂM

10

Trên đây vnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 2. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn nhé.

Đánh giá bài viết
1 896
Sắp xếp theo

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm