Luật tố tụng hành chính Việt Nam

Chúng tôi xin giới thiệu bài Luật tố tụng hành chính Việt Nam được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Các vấn đề chung về luật tố tụng hành chính

1.1. Khái niệm Luật tố tụng hành chính

Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm pháp chế trong hoạt động quản lí nhà nước.

Luật TTHC là cơ sở pháp lí để cá nhân, tổ chức yêu cầu cơ quan Tòa án phán quyết về tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1.2. Các nguyên tắc của Luật Tố tụng hành chính

Các nguyên tắc của Luật TTHC Việt Nam là những quan điểm tư tưởng có tính chỉ đạo, mang tính định hướng cần phải tuân thủ trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật TTHC.

Hệ thống các nguyên tắc của ngành luật TTHC Việt Nam được quy định từ Điều 4 đến Điều 26 Luật TTHC năm 2015, bao gồm những nguyên tắc cụ thể như: Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHC; Nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua việc khởi kiện vụ án hành chính; Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện; Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Nguyên tắc đối thoại trong TTHC; Nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính; Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo luật pháp; Nguyên tắc Tòa án xét xử tập trung; Nguyên tắc xét xử công khai; Nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử; Nguyên tắc tiếng nói và chữ viết dùng trong TTHC...

1.3. Vụ án hành chính

Vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, danh sách cử tri, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh và được Tòa án thụ lí giải quyết.

Ví dụ: Ngày 23/12/2015, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh L đến kiểm tra nhà trọ HM và đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 11/BB-VPHC đối với bà M là chủ cơ sở nhà trọ. Căn cứ biên bản vi phạm trên, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh L đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-XPHC ngày 10/3/2016 phạt bà M số tiền 5.000.000 đồng về hành vi lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động mại dâm, ma túy, cờ bạc hoặc các hoạt động khác trái pháp luật. Không đồng ý, ngày 04/5/2016, bà M khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 23/QĐ-XPHC.

Vụ án hành chính có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, đối tượng tranh chấp trực tiếp trong vụ án hành chính là tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, danh sách cử tri, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh. Quyền tài sản và quyền nhân thân không phải là đối tượng tranh chấp trực tiếp trong vụ án hành chính.

Thứ hai, người khởi kiện trong vụ án hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, danh sách cử tri, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh.

Thứ ba, người bị kiện trong vụ án hành chính là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao quản lí hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó.

1.4. Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân

Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân được xem xét theo ba khía cạnh: thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thẩm quyền theo loại việc

Theo quy định tại Điều 30 Luật TTHC năm 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau đây:

Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lí hành chính, xử lí hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức

  • Khiếu kiện quyết định kỉ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
  • Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh.
  • Khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử.

Thẩm quyền theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ

Thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp Tòa án xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền xét xử sơ thẩm khiếu kiện hành chính. Hiện nay, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, thẩm quyền xét xử sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Thẩm quyền xét xử hành chính theo lãnh thể xác định Tòa án ở huyện nào, tỉnh nào để giải quyết đối với các khiếu kiện hành chính cụ thể. Do Tòa án ở Việt Nam tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và trùng với cơ quan hành chính cả về lãnh thổ lẫn về cấp nên việc nghiên cứu thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thể không tách rời nhau.

Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện

Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định cụ thể tại Điều 31 Luật TTHC năm 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau đây:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.
  • Khiếu kiện quyết định kỉ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc quyền quản lí của cơ quan, tổ chức đó.
  • Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 32 Luật TTHC năm 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện sau đây:

  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1, Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
  • Khiếu kiện quyết định kỉ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỉ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
  • Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Ngoài ra, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện trong trường hợp cần thiết.

1.5. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng

Cơ quan tiến hành tố tụng hành chính

Cơ quan THTT là cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Cơ quan tiến hành TTHC gồm có Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân.

Người tiến hành tố tụng hành chính

Người THTT là người theo quy định của pháp luật có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong việc giải quyết vụ án hành chính và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Những người tiến hành TTHC gồm có: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư kí Tòa án, Thẩm tra viên, Viện trưởng Viện

Kiểm sát, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên. Nhiệm vụ, quyền hạn của người THTT hành chính được quy định cụ thể từ Điều 37 đến Điều 44 Luật TTHC năm 2015.

Người tham gia tố tụng hành chính

Người tham gia TTHC là người tham gia vào việc giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác hoặc hỗ trợ Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Người tham gia TTHC bao gồm đương sự và những người tham gia tố tụng khác.

Đương sự

Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Người khởi kiện: là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (khoản 8, Điều 3 Luật TTHC năm 2015).

Người bị kiện: là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện (khoản 9, Điều 3 Luật TTHC năm 2015).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nến họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khoản 10, Điều 3 Luật TTHC năm 2015).

Những người tham gia tố tụng khác

Những người tham gia tố tụng khác bao gồm người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Địa vị pháp lí của những chủ thể này được quy định cụ thể từ Điều 60 đến Điều 64 Luật TTHC năm 2015.

1.6. Chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hành chính

Chứng minh trong TTHC là hoạt động của các chủ thể tố tụng theo quy định của pháp luật trong việc làm rõ các sự kiện, tình tiết của vụ án hành chính.

Nghĩa vụ chứng minh trong TTHC chủ yếu thuộc về các đương sự. Người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng có nghĩa vụ chứng minh. Ngoài ra, trong trường hợp Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu hoặc trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án có nghĩa vụ chứng minh nhằm làm rõ cơ sở quyết định của mình.

Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục luật định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hành chính.

Chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn được quy định tại Điều 78 Luật TTHC năm 2015 và phải được xác định theo Điều 98 Luật TTHC năm 2015.

2. Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

2.1. Khởi kiện vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính là hành vi tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện bằng cách gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền. Nội dung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 118 Luật TTHC năm 2015.

Khi khởi kiện vụ án hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện sau đây:

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể: Chủ thể khởi kiện phải có quyền, lợi ích bị xâm phạm từ quyết định hành chính, hành vi hành chính, danh sách cử tri, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh và phải có năng lực hành vi TTHC.

Thứ hai, đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 30 của Luật TTHC năm 2015.

Thứ ba, điều kiện về thời hiệu khởi kiện: Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải khởi kiện trong thời hạn được quy định tại Điều 116 Luật TTHC năm 2015. Cụ thể là:

Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc. Trong trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

  • 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
  • 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh thì thời hiệu khởi kiện là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh.

Danh sách cử tri thì thời hiệu khởi kiện là từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đen trước ngày bầu cử 05 ngày.

Thứ tư, vụ việc chưa được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Thứ năm, điều kiện về thủ tục khiếu nại hành chính.

Đối với khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND, khiếu nại là thủ tục bắt buộc. Đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

2.2. Thụ lí vụ án hành chính

Thụ lí vụ án hành chính là việc Tòa án chấp nhận việc khởi kiện của người khởi kiện bằng cách ghi vào sổ thụ lí vụ án hành chính đế giải quyết vụ án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 10 kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lí vào ngày người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lí vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lí.

2.3. Chuẩn bị xét xử

Giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn TTHC từ khi thụ lí vụ án hành chính đến khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được tiến hành theo trình tự sau đây:

  • Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
  • Thông báo về việc thụ lí vụ án.
  • Xác minh, thu thập chứng cứ.
  • Lập và nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lí do chính đáng, thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.

2.4. Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính

Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính là phiên tòa xét xử vụ án hành chính lần đầu.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Bên cạnh tuân thủ các nguyên tắc chung của TTHC, phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính phải xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính trải qua các thủ tục: Khai mạc phiên tòa, thủ tục hỏi, thủ tục tranh luận, nghị án và tuyên án được quy định từ Điều 169 đến Điều 195 Luật TTHC năm 2015.

2.5. Thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính

Phúc thẩm vụ án hành chính là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại đối với vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Trong thời hạn luật định (quy định tại Điều 206, 213 Luật TTHC năm 2015), đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo, Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo các thủ tục như phiên tòa sơ thẩm. Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính, Hội đồng xét xử phúc thẩm có các thẩm quyền được quy định tại Điều 241 Luật TTHC năm 2015.

2.6. Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Thủ tục giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Khi bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 của Luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn của người đề nghị theo quy định tại Điều 257 và Điều 258 của Luật này, trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần thiết phải có đơn đề nghị.

Khi xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm có các thẩm quyền quy định tại Điều 272 Luật TTHC năm 2015.

Thủ tục tái thẩm

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có những căn cứ quy định tại Điều 281 Luật TTHC năm 2015, trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện.

Khi xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng tái thẩm có các thẩm quyền quy định tại Điều 285 Luật TTHC năm 2015.

Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Là thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo yêu cầu của UBTV Quốc hội, kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự không biết được khi ra quyết định đó.

2.7. Thi hành án hành chính

Thi hành án hành chính là một giai đoạn tố tụng độc lập, kết thúc quá trình TTHC, trong đó các chủ thể có liên quan sẽ tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Đối tượng thi hành án hành chính bao gồm: Bản án, quyết định hoặc phán bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.

Đối với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về khiếu kiện danh sách cử tri và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Đối với các trường hợp khác người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền làm đơn đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Luật tố tụng hành chính Việt Nam về các vấn đề chung về luật tố tụng hành chính và thủ tục giải quyết các vụ án hành chính...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Luật tố tụng hành chính Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 349
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm