Mức lương, phụ cấp của công chức tập sự là bao nhiêu?

Mức lương, phụ cấp của công chức tập sự là bao nhiêu? VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết để nắm được cách tính lương công chức tập sự chi tiết và chuẩn nhất.

Mức lương, phụ cấp của công chức tập sự? Cách tính lương công chức tập sự như thế nào? Công chức tập sự có được hưởng nguyên lương không? Công chức có được hưởng phụ cấp khi đang tập sự không? VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhằm có được giải đáp chi tiết, chính xác.

1. Công chức tập sự có được hưởng nguyên lương không?

Điều 40 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ:

Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, người được tuyển dụng vào vị trí công chức loại C (công chức ngạch chuyên viên) phải tập sự 12 tháng và công chức loại D phải tập sự 06 tháng (công chức ngạch cán sự và ngạch nhân viên).

Về chế độ lương của công chức tập sự, Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định như sau:

- Hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng.

- Hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng: Người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng.

- Hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng: Người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng.

- Hưởng 100% mức lương của ngạch tuyển dụng tương ứng trình độ đào tạo nêu trên trong trường hợp:

  • Công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Làm việc tại các ngành, nghề độc hại, nguy hiểm.
  • Là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
  • Là sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành.
  • Là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đã đăng ký sĩ quan dự bị.
  • Là đội viên thanh niên xung phong, trí thức trẻ tình nguyện tham gia và đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên.

Như vậy, nếu thuộc các đối tượng trên và có trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm thì công chức tập sự được hưởng nguyên lương bậc 1 của vị trí việc làm. Nếu thuộc trường hợp nêu trên, có trình độ thạc sĩ phù hợp yêu cầu thì hưởng nguyên lương bậc 2; nếu có trình độ tiến sĩ thì hưởng nguyên lương bậc 3.

2. Công chức có được hưởng phụ cấp khi đang tập sự không?

Cũng tại Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, bên cạnh lương thì công chức còn được hưởng phụ cấp như sau:

- Trong thời gian tập sự, người tập sự hưởng các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật.

- Nếu thuộc trường hợp được hưởng 100% lương (gồm các đối tượng đã nêu ở trên) thì cũng đồng thời được hưởng nguyên các khoản phụ cấp được hưởng.

Theo đó, hiện nay, công chức được hưởng một số loại phụ cấp như phụ cấp độc hại, công vụ, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, thâm niên vượt khung, thâm niên, chức vụ lãnh đạo…

Dưới đây là một số loại phụ cấp công chức tập sự vẫn được hưởng gồm:

1/ Phụ cấp độc hại

Theo khoản 1 Điều I Thông tư 07/2005/TT-BNV, công chức trong thời gian tập sự cũng thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm nếu làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm mà yếu tố này cao hơn mức bình thường chưa được tính vào hệ số lương.

Mức phụ cấp độc hại gồm bốn hệ số 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 tùy vào từng vị trí việc làm với các yếu tố độc hại, nguy hiểm tương ứng. Hiện nay, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đang dao động từ 149.000 - 596.000 đồng/tháng.

2/ Phụ cấp khu vực

Tại Thông tư liên tịch số 11/2005, công chức được hưởng phụ cấp khu vực với 07 mức hệ số gồm 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 áp dụng với cả công chức dự bị hoặc công chức đang trong thời gian tập sự, thử việc nếu làm việc ở nơi có điều kiện khí hậu xấu, khắc nghiệt…

Cụ thể, mức phụ cấp này sẽ dao động từ 149.000 đồng/tháng - 1,49 triệu đồng/tháng tùy vào điều kiện cụ thể của từng khu vực.

3/ Phụ cấp trách nhiệm công việc

Tương tự như hai loại phụ cấp nêu trên, phụ cấp trách nhiệm công việc cũng áp dụng với công chức dự bị, công chức đang trong thời gian tập sự (Căn cứ Thông tư 05/2005/TT-BNV).

Theo đó, mức phụ cấp trách nhiệm công việc của người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao thì có hệ số phụ cấp này gồm 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 nên sẽ dao động từ 149.000 - 745.000 đồng/tháng.

Với người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã thì hệ số chỉ gồm 03 mức là 0,1; 0,2 và 0,3 với mức phụ cấp tương ứng gồm 149.000 đồng/tháng, 298.000 đồng/tháng và 447.000 đồng/tháng theo quy định của Thông tư số 07/2017/TT-BNV.

4/ Phụ cấp lưu động

Ngoài ba loại phụ cấp nêu trên, công chức tập sự còn được hưởng phụ cấp lưu động với mức hưởng lần lượt là 298.000 đồng/tháng, 596.000 đồng/tháng và 894.000 đồng/tháng tương ứng với hệ số 0,2; 0,4 và 0,6 theo quy định tại Thông tư 06/2005/TT-BNV.

5/ Phụ cấp vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn

Khi công chức dù là tập sự đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn… đều được hưởng phụ cấp khó khăn theo quy định tại Nghị định 76/2019.

Trong đó, các loại phụ cấp được hưởng gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; phụ cấp ưu đãi theo nghề và phụ cấp lưu động…

Như vậy, mặc dù chỉ đang tập sự nhưng công chức vẫn có thể được hưởng nguyên lương (nếu đáp ứng điều kiện) hoặc 85% mức lương bậc 1, bậc 2 (nếu là thạc sĩ) hoặc bậc 3 (nếu là tiến sĩ) và các khoản phụ cấp nêu trên.

Đánh giá bài viết
1 85
Sắp xếp theo