Những tác động kinh tế của thương mại

Những tác động kinh tế của thương mại được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức trong chương trình học tập của bậc Đại học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Thương mại với tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là mức tăng lượng của cải vật chất của cải của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Mức gia tăng của cải có thể được tính bằng hiện vật hoặc tiền (giá trị).

Các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế: lao động, vốn đầu tư, khoa học công nghệ, thông tin, cơ chế chính sách... Các yếu tố này có vai trò không giống nhau đối với tăng trưởng kinh tế trong một thời kỳ. Thương mại có thể tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia trong một giai đoạn nhất định trên các mặt: số lượng và chất lượng của tăng trưởng.

Tác động của thương mại đến tăng trưởng thể hiện ở chỗ: Thương mại tạo khả năng huy động các nguồn lực sẵn có của quốc gia cũng như tác động tới việc di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia. Nhờ vậy mà góp phần to lớn vào mở rộng quy mô sản xuất của mỗi quốc gia

Thương mại còn tác động đến tăng khả năng tiêu dùng của một nước và gián tiếp sản xuất ra các sản phẩm có hiệu quả hơn là tự sản xuất (điều này đã được chứng minh trong các lý thuyết của A. Smith, D. Recardo và các lý thuyết khác của Heckscher Ohlin).

Thương mại tác động đến chất lượng của tăng trưởng ở phương diện nâng cao hiệu quả sản xuất. Thứ nhất, nhờ lợi thế về quy mô do các công ty có thể tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn ở nước ngoài. Thương mại cho phép các công ty tiếp cận được với các công nghệ hiện đại hóa, do vậy năng suất lao động được cải thiện. Ngoài ra việc mở cửa thị trường trong nước cho các công ty nước ngoài làm cho cạnh tranh gia tăng trên thị trường nội địa và nhờ vậy có tác dụng kích thích các công ty trong nước nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.

Thương mại một mặt trực tiếp làm gia tăng GDP nhờ chính hoạt động của mình, mặt khác gián tiếp tác động đến việc gia tăng GDP của các ngành khác nhờ ảnh hưởng có tính chất lan truyền như đã phân tích trong các lí thuyết của kinh tế học hiện đại.

2. Thương mại với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế được hiểu là cách thức liên kết, phối hợp giữa các phân tử cấu thành hệ thống kinh tế biểu hiện quan hệ tỷ lệ cả về mặt lượng và chất của các phần tử hợp thành của hệ thống kinh tế. Cơ cấu kinh tế thường được xem xét trên các phương diện: cơ cấu lãnh thổ, cơ cấu ngành và cơ cấu thành phần của nền kinh tế.

Thương mại có thể tác động làm thay đổi cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng đa dạng hóa thành phần kinh tế, thay đổi vai trò của các thành phần kinh tế xu hướng biến đổi có thể không giống nhau trong các nền kinh tế. ở Việt nam sự biến đổi theo xu hướng xuất hiện nhiều thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân, kinh tế vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chiếm tỷ trọng gia tăng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân.

Thương mại có thể tác động làm biến đổi cơ cấu lãnh thổ của nền kinh tế theo xu hướng làm xuất hiện những vùng kinh tế trọng điểm, các vùng kinh tế đặc biệt có tác động lớn tới nền kinh tế, làm thay đổi cơ cấu kinh tế thành thị, nông thôn, kích thích phát triển kinh tế của các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế biên giới...

Thương mại có thể tác động làm biến đổi cơ cấu kinh tế ngành của nền kinh tế. Xu hướng chung tác động thương mại là kích thích phát triển những ngành kinh tế có lợi thế so sánh, kích thích phát triển các ngành dịch vụ đặc biệt là các ngành dịch vụ hạ tầng của nền kinh tế như: vận tải, viễn thông, ngân hàng... và các ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống: y tế, giáo dục, thể thao, giải trí, du lịch...Nhờ vậy mà làm biến đổi cơ cấu khu vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp.

3. Thương mại với cán cân thanh toán quốc gia

Cán cân thanh toán quốc gia là một bảng cân đối hay một bản báo cáo thống kê tổng kết tất cả các giao dịch tài chính với nước ngoài mà một quốc gia tham gia trong 1 thời gian nào đó. Cán cân thanh toán quốc gia mô tả mối quan hệ giữa 2 luồng thanh toán vận hành liên tục một vào và một ra mà một đất nước phải có.

Cán cân thương mại là một bộ phận rất quan trọng của cán cân thanh toán quốc gia. Đó là mức chênh lệch của giá trị xuất khẩu và nhập khẩu các hàng hóa và các dịch vụ và giá trị nhập khẩu của chúng trong một thời kỳ nhất định.

Nếu giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của 1 quốc gia lớn hơn so với giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thì cán cân thương mại dương (hay thặng dư). Điều đó sẽ làm cải thiện cán cân thanh toán của quốc gia và ngược lại.

Thương mại quốc tế là một nhân tố quan trọng góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ của một quốc gia. Thiếu ngoại tệ gây ra những hạn chế về nguồn tài chính cho sự phát triển kinh tế của một đất nước. Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng đối với những nền kinh tế của các nước đang phát triển.

Thông thường chính sách của các quốc gia đều cố gắng khai thác tối đa các lợi thế so sánh của đất nước mình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ hàng hóa mà cả các dịch vụ kể cả trên thị trường quốc tế và xuất khẩu tại chỗ nhằm tăng nguồn thu về ngoại tệ. Với nguồn ngoại tệ này có thể bù đắp được những nhu cầu nhập khẩu của quốc gia mình. Và nếu thặng dư thì nguồn ngoại tệ dư thừa có thể bù đắp về thâm hụt ngoại tệ do những nhu cầu khác hoặc tăng cường dự trữ quốc gia.

Việc đánh giá tác động của thương mại đối với việc cải thiện cán cân thanh toán của một quốc gia không giống với các quốc gia khác và ngay cả các thời kỳ khác nhau của một quốc gia cũng cần phải được đánh giá một cách thận trọng.

4. Những tác động kinh tế khác của thương mại

Ngoài những tác động nói trên, thương mại còn có những tác động kinh tế khác như: thúc đẩy phân công lao động quốc tế, thúc đẩy quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Tác động của thương mại hết sức to lớn tới quá trình phân công lao động không chỉ ở phạm vi từng quốc gia mà ảnh hưởng tới quá trình phân công lại lao động sâu hơn giữa các quốc gia trong phạm vi toàn cầu và phạm vi các khu vực của nền kinh tế thế giới.

Thương mại thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình phát triển đan xen của các nền kinh tế trên thế giới, hình thành nên các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình khách quan thể hiện mức độ phù hợp của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất ở quy mô toàn cầu và khu vực. Hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng hoàn thiện và góp phần tích cực vào dàn xếp các quan hệ kinh tế giữa các nước trong từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Hội nhập kinh tế quốc tế bắt đầu từ hội nhập về thương mại, tiếp đó là vốn và cuối cùng là sản xuất kinh doanh. Điều này nói lên ảnh hưởng quan trọng của thương mại đối với quá trình này. Thực tiễn của hội nhập kinh tế của tất cả các quốc gia đều khẳng định tác động to lớn và không thể bỏ qua của sự phát triển và hội nhập về thương mại.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những tác động kinh tế của thương mại về tác động của thương mại đến tăng trưởng thể hiện ở chỗ: Thương mại tạo khả năng huy động các nguồn lực sẵn có của quốc gia cũng như tác động tới việc di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Những tác động kinh tế của thương mại. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
2 607
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm