Quá trình quản trị rủi ro dự án

Quá trình quản trị rủi ro dự án được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Quá trình quản trị rủi ro dự án

Quá trình quản trị rủi ro của dự án với những nội dung cụ thể sau:

Bước 1: Lập kế hoạch quản trị rủi ro dự án

Kế hoạch quản trị rủi ro là một bước đặc biệt quan trọng bởi nó quyết định sự thành công của 5 bước còn lại trong quá trình quản trị rủi ro. Kế hoạch quản trị rủi ro đưa ra nguyên tắc đánh giá rủi ro, cách thức và phương pháp triển khai các hoạt động quản trị rủi ro trong suốt dự án. Kế hoạch quản trị rủi ro là quan trọng bởi nó đề ra các ngưỡng chấp nhận rủi ro của các bên liên quan, kinh phí và thời gian cho việc quản trị rủi ro, định hướng các hành động quản trị rủi ro.

Bước 2: Xác định rủi ro dự án

Việc xác định rủi ro nhằm nhận định rủi ro, tìm hiểu và chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn nào có khả năng tác động đến dự án. Bước này nhằm đưa ra được một danh mục các loại rủi ro có khả năng xảy ra đối với dự án. Bảng danh mục rủi ro này là căn cứ rất quan trọng để nhà quản trị có thể đề xuất các biện pháp đối phó với rủi ro một cách đơn giản và hữu hiệu trong các bước sau.

Bước 3: Phân tích định tính rủi ro

Từ danh mục rủi ro (bước 2), bạn cần tiến hành phân tích định tính các rủi ro này để đánh giá khả năng xuất hiện rủi ro cũng như mức độ tác động của rủi ro đó đến mục tiêu dự án. Việc đánh giá này mang tính chất mô tả, căn cứ vào kinh nghiệm, khả năng của các chuyên gia và các nhà quản trị. Vì vậy, đây là phương pháp nhanh chóng và ít tốn kém.

Phân tích định tính là cơ sở cho phân tích định lượng (bước 4), cũng như là căn cứ để lập kế hoạch đối phó với rủi ro (bước 5).

Bước 4: Phân tích định lượng rủi ro

Quá trình phân tích định lượng rủi ro nhằm tính toán xác suất xuất hiện rủi ro và mức độ tác động của nó tới mục tiêu dự án bằng các con số cụ thể. Chú ý là phân tích định tính cũng đưa ra các con số đối với xác suất và mức độ tác động của rủi ro, nhưng các con số này được gán giá trị theo quan điểm của chuyên gia; trong khi các con số của phân tích định lượng thì được tính toán cụ thể dựa vào số liệu thống kê và các kỹ thuật như kỹ thuật mô phỏng Monte Carlo, phương pháp độ nhạy, xác suất, cây quyết định (giới thiệu trong chương 2 phần lựa chọn dự án trong điều kiện rủi ro).

Phân tích định lượng rủi ro thường đi kèm theo sau phân tích định tính, nhưng không phải luôn áp dụng được phân tích định lượng cho mọi trường hợp. Phân tích định lượng sẽ là căn cứ khoa học và chính xác hơn, hỗ trợ bạn đưa ra các quyết định đối phó và kiểm soát rủi ro (bước 5 và 6).

Bước 5: Lập kế hoạch đối phó với rủi ro

Kế hoạch đối phó rủi ro là một tập hợp các biện pháp để phản ứng khi rủi ro xảy ra. Đây là quá trình lựa chọn và đề xuất các hoạt động nhằm tận dụng cơ hội và giảm bớt hiểm họa của rủi ro đối với dự án, bao gồm việc xác định và phân bổ trách nhiệm đối với mỗi rủi ro cho các bên liên quan và những thành viên tham gia dự án.

Nhà quản trị có thể giúp việc thực hiện dự án đạt hiệu quả cao hơn bằng cách hướng nỗ lực vào các rủi ro lớn (có khả năng xuất hiện và mức độ tác động cao). Như vậy, kế hoạch đối phó rủi ro phải phù hợp với mức độ nghiêm trọng của rủi ro, cũng như chi phí và thời gian thực hiện dự án. Kế hoạch đối phó rủi ro được sử dụng để phản ứng với các rủi ro phát sinh trong suốt đời dự án. Xây dựng một kế hoạch đối phó với rủi ro từ trước khi nó xuất hiện sẽ có tác dụng làm giảm chi phí hành động khi rủi ro thực sự xảy ra.

Căn cứ vào danh mục rủi ro (bước 2) và mức độ nghiêm trọng của rủi ro (bước 3 và 4), kế hoạch đối phó với rủi ro sẽ đề xuất chiến lược né tránh, chuyển giao, giảm thiểu, chấp nhận và chia xẻ một số loại rủi ro nhất định.

Bước 6: Kiểm soát và điều chỉnh rủi ro

Đây là quá trình duy trì việc kiểm soát các rủi ro đã xác định (ở bước 2), phân tích lại các rủi ro đã xảy ra, điều tiết các hành động trong kế hoạch dự phòng. Trong trường hợp rủi ro thực tế xảy ra không nằm trong danh mục rủi ro đã được xác định từ trước, hoặc đã khác biệt so với các phân tích ban đầu, thì bạn cần đánh giá lại các rủi ro đó trên cơ sở bảo đảm tuân thủ chính sách và quá trình quản trị rủi ro thích hợp. Bạn cần lựa chọn các giải pháp, đưa ra các hành động kịp thời, thực hiện kế hoạch đối phó với rủi ro, hoặc điều chỉnh kế hoạch dự án.

Tất cả các bước trong quá trình quản trị rủi ro đều được thực hiện xuyên suốt vòng đời dự án. Chú ý rằng đây là quá trình lặp và khép kín, nghĩa là bạn liên tục phải cập nhật danh mục rủi ro, liên tục phải phân tích, đề ra kế hoạch đối phó và kiểm soát rủi ro.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quá trình quản trị rủi ro dự án về lập kế hoạch quản trị rủi ro dự án, xác định rủi ro dự án, phân tích định tính rủi ro, phân tích định lượng rủi ro, lập kế hoạch đối phó với rủi ro...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Quá trình quản trị rủi ro dự án. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 32
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm