Quy định pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật

Quy định pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Quy phạm pháp luật

1.1 Khái niệm và đặc điểm quy phạm pháp luật

- Khái niệm: Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện thể hiện ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản theo định hướng của Nhà nước.

Ví dụ: Điều 170, BLDS năm 2015 quy định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại”.

Điều luật trên là một quy phạm pháp luật, nó chứa đựng quy tắc cho hành vi xử sự của con người trong điều kiện hoàn cảnh, nhất định.

* Đặc điểm của quy phạm pháp luật

- Là một loại quy phạm xã hội, quy phạm pháp luật vừa mang đầy đủ các đặc điểm chung vốn có của quy phạm xã hội như đều là những chuẩn mực chung, là kết quả hoạt động có ý thức của con người, do kinh tế - xã hội quy định, là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người... vừa có các đặc điểm riêng có của mình để phân biệt với các loại quy tắc xử sự khác như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo, các quy định có tính chất điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể quần chúng. Đó là sự khác biệt về nguồn gốc hình thành, hình thức thể hiện, phạm vi tác động và phương tiện bảo đảm thực hiện.

- Thứ nhất, quy phạm pháp luật bao giờ cũng do nhà nước đặt ra hoặc được nhà nước thừa nhận. Thông thường, những quy phạm xã hội khác có thể xác định được chủ thể đặt ra quy phạm đó như quy tắc hoạt động của Đảng Cộng sản, điều lệ của Đoàn Thanh niên... hoặc không thể xác định được như quan niệm về đạo đức của con người, phong tục, tập quán của một vùng, địa phương... thì đối với quy phạm pháp luật, chủ thể đặt ra chỉ là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định và thể hiện ý chí của Nhà nước (chính là ý chí của giai cấp thống trị bởi giai cấp thống trị nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước đã đưa ý chí của mình thành pháp luật (tổng thể các quy phạm pháp luật). Vì thế, quy phạm pháp luật trở thành công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, còn các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội không thể đặt ra quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhà nước có thể thừa nhận một số các quy phạm xã hội khác nếu chúng là những quy tắc xử sự tiến bộ, phù hợp với lợi ích xã hội để nâng chúng lên thành các quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Một đôi nam nữ muốn được nhà nước công nhận cuộc hôn nhân của họ là hợp pháp thì phải thoả mãn những điều kiện về đăng kí kết hôn đã được quy định tại Điều 5, 8, 9 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014. Nếu thiếu một trong những điều kiện đã được quy định, cuộc hôn nhân của họ sẽ không được nhà nước bảo vệ. Việc đưa ra những điều kiện này, trong nhiều trường hợp, có thể nó chỉ xuất phát từ ý chí của Nhà nước chứ không phải là từ ý muốn của những người trong cuộc. Chẳng hạn, có người muốn lấy vợ từ năm 17, 18 tuổi nhưng pháp luật quy định phải từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn.

- Thứ hai, quy phạm pháp luật được thể hiện bằng hình thức xác định. Những loại quy phạm xã hội khác như đạo đức, tập quán, tôn giáo... thường được thể hiện thông qua những hình thức hết sức đa dạng, phong phú như ca dao, dân ca, các tác phẩm nghệ thuật, các lời răn dạy trong các giáo lí... hình thành một cách tự phát trong đời sống hoặc do các tổ chức xã hội quy định hay do các quan niệm về đạo đức tạo ra nên có thể thể hiện dưới dạng thành văn hoặc chỉ là những quy tắc xử sự được lưu truyền từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Trong khi đó, quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra bao giờ cũng được trình bày trong những hình thức xác định. Chính điều này đã giúp cho các quy phạm pháp luật trở lên dễ hiểu và dễ áp dụng thống nhất trong đời sống xã hội.

Ví dụ: BLDS năm 2015; Luật HN&GĐ năm 2014; Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012... chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của con người trong từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ hai, quy phạm pháp luật là quy tắc hành vi mang tính bắt buộc chung và được áp dụng nhiều lần trong đời sống. Nếu như những loại quy phạm xã hội khác chỉ có giá trị bắt buộc đối với các thành viên của tổ chức đó như Điều lệ Đảng Cộng sản bắt buộc đối với đảng viên, Điều lệ Đoàn Thanh niên bắt buộc đối với đoàn viên thanh niên... hoặc khi con người có niềm tin vào những quy tắc và tự nguyện lựa chọn đế xử sự theo như quan niệm về tốt - xấu, thiện - ác, cao quý - thấp hèn... hoặc niềm tin một đấng tối cao nào đó... thì quy phạm pháp luật được đặt ra và bắt buộc thực hiện đối với tất cả mọi cá nhân, tổ chức nào ở trong điều kiện, hoàn cảnh, tình huống mà quy phạm pháp luật đã dự liệu trước, không có ngoại lệ. Nếu thực hiện điều được làm vượt quá giới hạn cho phép hoặc làm điều mà pháp luật cấm hoặc không làm hoặc làm không đầy đủ điều mà pháp luật bắt buộc phải làm thì họ đều phải chịu sự tác động của Nhà nước như nhau.

Ví dụ: Điều 12, khoản 1 và Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: "Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên phải đăng kí nghĩa vụ quân sự”; “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”. Quy định này có nghĩa là ai là công dân Việt Nam, giới tính nam thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Quy phạm pháp luật được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong thực tế đời sống đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định từ thời điểm phát sinh hiệu lực cho đến khi bị nhà nước hủy bỏ, thay thế. Khi quy phạm pháp luật còn hiệu lực thì không hạn chế số lần áp dụng, nó được áp dụng cho tất cả các trường hợp khi xuất hiện những điều kiện, hoàn cảnh đã được giả định trước. Các quy phạm khác (tập quán, tín điều tôn giáo...) cũng có thể được sử dụng nhiều lần trong cuộc sống nhưng nó không được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước, không bị mất giá trị áp dụng bởi nhà nước thông qua việc sửa đổi, hủy bỏ.

Ví dụ: BLDS năm 2005 được thay thế bằng BLDS năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.

- Thứ tư, quy phạm pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện. Quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra nên nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho pháp luật được thực hiện trên thực tế bằng rất nhiều biện pháp, cách thức khác nhau như đảm bảo sự phù hợp về nội dung của quy phạm đối với đời sống xã hội; bằng cách giáo dục, tuyên truyền; bằng những biện pháp tổ chức hành chính, kinh tế... và kể cả biện pháp cưỡng chế nhà nước như phạt tiền, phạt tù có thời hạn, tù chung thân, thậm chí cả tử hình trong những trường hợp cần thiết. Nhà nước đã xây dựng nên một bộ máy đặc biệt như quân đội, cảnh sát, trại giam... chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế để đảm bảo cho các quy phạm pháp luật được thực hiện.

Trong khi đó, các loại quy phạm xã hội khác khi thực hiện thường không có sự tham gia trực tiếp của Nhà nước: quy phạm phong tục, tập quán được thực hiện nhờ thói quen và sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng; quy phạm đạo đức, tôn giáo thường không nêu ra các biện pháp trừng phạt cần phải áp dụng mà chỉ nêu ra những lời khuyên, điều răn của xã hội đối với chủ thể như nên, không nên hay cần phải, không được... bởi vậy chúng được thực hiện nhờ vào tính tự giác, lòng tin của con người, sự vi phạm nó sẽ bị lương tâm cắn rứt, dư luận xã hội lên án.

Ví dụ: Một người có thể bị đuổi khỏi dòng họ, không được nhận là máu mủ thân thuộc nữa khi vi phạm nghiêm trọng đạo đức hoặc tập quán, còn quy phạm của các tổ chức xã hội thực hiện trên thực tế dựa vào tổ chức, vào lực lượng và chính uy tín của tổ chức đó, chẳng hạn như kỉ luật đảng viên, đoàn viên khi họ vi phạm nghiêm trọng điều lệ.

Như vậy, trong quá trình giao tiếp, con người có thể chịu sự tác động của nhiều quy tắc khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi loại quy tắc xử sự này là không giống nhau, chúng có thể hỗ trợ, thống nhất với nhau nhưng cũng có thể trái ngược nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người. Và trong số đó, quy phạm pháp luật của Nhà nước được đánh giá là mang lại hiệu quả hơn cả.

1.2 Cơ cấu của quy phạm pháp luật

Về phương diện kĩ thuật, quy phạm pháp luật được hợp thành từ ba bộ phận: giả định, quy định và chế tài. Những bộ phận này có liên quan mật thiết với nhau và xét về ý nghĩa cũng như nội dung, ba bộ phận đó có nhiệm vụ trả lời cho ba câu hỏi tương ứng sau đây:

Trong những hoàn cảnh, tình huống nào thì áp dụng quy phạm pháp luật đó?

Gặp hoàn cảnh, tình huống đó, cách thức xử sự mà nhà nước yêu cầu chủ thể thực hiện trong quy phạm pháp luật đó là gì?

Hậu quả bất lợi đối với những người không thực hiện đúng yêu cầu của quy phạm pháp luật?

* Giả định

- Khái niệm: Giả định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên những hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trong đời sống thực tế mà cá nhân hay tổ chức sẽ gặp và phải làm theo hướng dẫn của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Khoản 1, Điều 148 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lâỵ truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm“.

- Phần in nghiêng chính là bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Như vậy, bộ phận giả định trong quy phạm pháp luật này xác định: người nào biết là mình bị nhiễm HIV mà lại cố ý làm lây truyền cho người khác sẽ phải chịu sự tác động của điều luật này.

- Vai trò: Giả định xác định phạm vi tác động của pháp luật tới các quan hệ xã hội. Phạm vi tác động được xác định dựa trên một trong hai yếu tố là điều kiện, hoàn cảnh, tình huống... và chủ thể hoặc trong nhiều trường hợp phải xác định dựa trên cả hai yếu tố này.

- Yêu cầu: Nội dung những hoàn cảnh, điều kiện, tình huống... nêu trong phần giả định phải đầy đủ rõ ràng, chính xác, sát với thực tế.

Cách xác định: Để xác định bộ phận giả định trong quy phạm, những nội dung nào trả lời cho câu hỏi “chủ thể nào, trong hoàn cảnh, điều kiện nào?” đó là bộ phận giả định.

- Phân loại: Căn cứ vào số lượng hoàn cảnh, điều kiện, giả định được chia thành hai loại.

+ Giả định giản đơn: chỉ nêu lên một hoàn cảnh, điều kiện; hoặc nêu lên nhiều hoàn cảnh, điều kiện nhưng giữa chúng không có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau. Ví dụ: Khoản 1, Điều 98 BLHS 1999 quy định về tội vô ý làm chết người: “Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”.

+ Giả định phức tạp: nêu lên nhiều hoàn cảnh, điều kiện và giữa chúng có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau.

Ví dụ: Khoản 1, Điều 132 BLHS năm 2015 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Bộ phận giả định của quy phạm là: “.Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”. Bộ phận này gồm 3 điều kiện hoàn cảnh: 1) Thấy người khác nguy hiểm đến tính mạng; 2) Có điều kiện mà không cứu giúp; 3) Hậu quả là người không được cứu giúp chết.

* Quy định

- Khái niệm: Quy định là bộ phận trung tâm của quy phạm pháp luật, trong đó nêu lên cách thức xử sự mà cá nhân hay tổ chức ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả định được phép hoặc buộc phải thực hiện.

Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật chứa đựng mệnh lệnh của Nhà nước. Thông qua phần quy định, chủ thể trong hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả định biết được mình được làm gì, không được làm gì; phải làm theo cách thức như thế nào? Như vậy, bộ phận quy định thường chỉ ra các quyền mà các chủ thể được hưởng hoặc những nghĩa vụ pháp lí mà họ phải thực hiện.

Ví dụ: Điều 173, BLDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: "Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Bộ phận quy định của quy phạm là: “phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

- Vai trò: Quy định của quy phạm pháp luật chứa đựng mệnh lệnh của Nhà nước, là sự mô hình hóa ý chí của Nhà nước, cụ thể hóa cách thức xử sự của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật.

- Yêu cầu: Mức độ chính xác, rõ ràng, chặt chẽ của bộ phận quy định là một trong những điều kiện bảo đảm nguyên tắc pháp chế.

- Cách xác định: Bộ phận quy định trong quy phạm là những từ trả lời cho câu hỏi “chủ thể sẽ xử sự như thế nào?”.

- Phân loại: Căn cứ vào mệnh lệnh được nêu trong trong bộ phận quy định, có hai loại quy định.

- Quy định dứt khoát: chỉ nêu một cách xử sự và các chủ thể buộc phải xử sự theo mà không có sự lựa chọn.

- Ví dụ: Khoản 1, Điều 12 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng”.

- Quy định không dứt khoát: nêu ra hai hoặc nhiều cách xử sự và các tổ chức hoặc cá nhân có thể lựa chọn cách xử sự.

- Ví dụ: Khoản 1, Điều 119 BLDS năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

* Chế tài

- Khái niệm: Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật, nêu lên các biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức nào không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

- Ví dụ: Khoản 1, Điều 228, BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai: “Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lí và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Bộ phận chế tài là: "... bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

- Vai trò: Chế tài là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế đời sống.

- Yêu cầu: Biện pháp tác động phải tương xứng với mức độ, tính chất của hành vi vi phạm để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp (không quá nặng hoặc quá nhẹ...) đồng thời cũng phải phù hợp với các quy định khác trong hệ thống pháp luật.

- Cách xác định: Trả lời câu hỏi “chủ thể phải chịu hậu quả gì nếu không thực hiện đúng quy định của quy phạm pháp luật?” hoặc “chủ thể được hưởng quyền lợi gì nếu thực hiện tốt các quy định của pháp luật?”

- Phân loại: Các biện pháp tác động mà nhà nước nêu trong bộ phận chế tài rất đa dạng.

- Căn cứ vào khả năng lựa chọn biện pháp áp dụng, mức độ nặng nhẹ của các hậu quả bất lợi cần áp dụng, chế tài được chia thành hai loại:

+ Chế tài cố định: là chế tài quy định chính xác, cụ thổ biện pháp tác động cần phải áp dụng đối với chủ thể.

Ví dụ: Điểm a, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính".

Chế tài không cố định: nêu lên nhiều biện pháp cưỡng chế, hoặc một biện pháp nhưng nhiều mức được chủ thể có thổ lựa chọn.

Ví dụ: Khoản 1, Điều 136 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

- Căn cứ vào tính chất của hành vi vi phạm và thẩm quyền áp dụng biện pháp trừng phạt, chế tài được chia thành bốn loại:

+ Chế tài hình sự: là các loại hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung do Tòa án nhân dân hoặc Tòa án Quân sự các cấp áp dụng đối với người phạm tội là cá nhân.

Ví dụ: Khoản 1, Điều 126 BLHS năm 2015 quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội: “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

+ Chế tài hành chính: là các biện pháp xử lí do các cơ quan quản lí nhà nước áp dụng đối với các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật hành chính.

Ví dụ: Khoản 1, Điều 31 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/8/2016 quy định:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách đi xe là người cao tuổi, trẻ em không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác;

b) Không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên của nhân viên phục vụ trên xe theo quy định ”.

- Chế tài dân sự: là các biện pháp xử lí do Tòa án nhân dân hoặc trọng tài kinh tế áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật dân sự.

Ví dụ: Phải bồi thường thiệt hại khi không thực hiện đúng hợp đồng hoặc làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác.

Chế tài kỉ luật: là biện pháp xử lí do thủ trưởng cơ quan nhà nước hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên nơi có cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm kỉ luật lao động học tập, công tác.

Ví dụ: Điều 126 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 quy định: Hình thức xử lí kỉ luật sa thải được người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2) Người lao động bị xử lí kỉ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỉ luật hoặc bị xử lí kỉ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lí kỉ luật mà chưa được xóa kỉ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lí do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lí do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.

2. Văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam

2.1. Khái niệm và đặc điểm văn bản quy phạm pháp luật

- Khái niệm: Văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục luật định, trong đó có các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản và được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội.

Ví dụ: BLHS, BLDS, BLLĐ, nghị định của Chính phủ... là văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật xuất hiện từ khi nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời nhưng nó chỉ trở thành phổ biến trong pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đây là hình thức pháp luật tiến bộ nhất trong lịch sử, được nhiều quốc gia sử dụng.

* Đặc điểm văn bản quy phạm pháp luật

- Phân biệt với các loại văn bản nhà nước khác, văn bản quy phạm pháp luật có những đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức nhất định. Đặc điểm này xác định không phải tất cả các cơ quan nhà nước đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ có các cơ quan được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có thẩm quyền. Ví dụ: Quốc hội có thẩm quyền ban hành Hiến pháp, luật, nghị quyết; Chính phủ có quyền ban hành nghị định... Văn bản quy phạm pháp luật không phải được ban hành một cách tuỳ tiện mà đòi hỏi phải tuân theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định. Thông thường, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xác định ở ba phương diện là thẩm quyền về hình thức, thẩm quyền về nội dung và thẩm quyền về phạm vi tác động. Việc quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản và các loại hình thức văn bản quy phạm pháp luật của từng cơ quan là để đảm bảo cho việc ban hành văn bản đúng thẩm quyền, đảm bảo trật tự hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là trình tự các giai đoạn, các bước hay là những công việc mà các cơ quan nhà nước, cá nhân soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tiến hành một cách tuần tự để đảm bảo chất lượng văn bản, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, tính chặt chẽ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Thứ ba, văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội. Quy phạm pháp luật là khuôn mẫu cho hành vi xử sự của con người, quy định rõ các cá nhân, tổ chức có liên quan: được làm gì; không được làm gì hoặc phải làm như thế nào và giới hạn hành vi ở mức độ nào trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định. Điều này để phân biệt với những văn bản mặc dù có ý nghĩa pháp lí nhưng không chứa đựng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung thì cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Thông báo, tuyên bố hay lời kêu gọi, lời hiệu triệu của Nhà nước... mặc dù có ý nghĩa pháp lí nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực lâu dài, được áp dụng nhiều lần trong đời sống, việc thực hiện văn bản không làm chấm dứt hiệu lực của chúng. Trong mọi trường hợp, khi có sự kiện pháp lí xảy ra, văn bản quy phạm pháp luật lại được áp dụng như các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính, các văn bản quy định về kí kết hợp đồng...

+ Thứ tư, văn bản quy phạm pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện. Nhà nước đảm bảo cho các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong đời sống xã hội bằng nhiều cách thức khác nhau như đảm bảo sự phù hợp về mặt nội dung của quy phạm, bằng các biện pháp cụ thể như tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện về cơ chế thực hiện và nguồn lực tài chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế buộc các chủ thể có liên quan phải thực hiện, áp dụng chế tài xử lí nếu có hành vi vi phạm.

Trên đây là bốn đặc điểm cơ bản của văn bản quy phạm pháp luật nhằm để phân biệt văn bản này với các hình thức văn bản nhà nước khác cũng do cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng chỉ để giải quyết các vụ việc cụ thể đối với các đối tượng cụ thể gọi là văn bản áp dụng pháp luật như bản án hình sự, dân sự..., quyết định khen thưởng, quyết định nâng bậc lương, quyết định kỉ luật công chức, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

2.2. Phân loại văn bản quy phạm pháp luật

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay bao gồm rất nhiều hình thức khác nhau và do nhiều chủ thể có thẩm quyền khác nhau ban hành. Vì vậy, có nhiều căn cứ khác nhau để phân loại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và mỗi cách phân loại đều có những ý nghĩa nhất định, giúp cho việc tiếp cận hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ những góc độ khác nhau được thuận tiện. Tuy nhiên, cách phân loại phổ biến nhất trong khoa học pháp lí hiện nay là căn cứ vào hiệu lực pháp lí, văn bản quy phạm pháp luật được chia thành văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

* Văn bản luật

- Luật là văn bản do Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước ban hành theo hình thức, trình tự và thủ tục luật định. Xét về giá trị pháp lí, văn bản luật bao giờ cũng giữ vai trò cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dưới luật khi ban hành không được trái và phải trên cơ sở quy định của văn bản luật. Văn bản luật được thể hiện dưới các hình thức sau:

+ Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp và các văn bản về bổ sung hay sửa đổi Hiến pháp) quy định những vấn đề cơ bản của Nhà nước như: hình thức và bản chất của Nhà nước; chế độ kinh tế - xã hội; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nguyên tắc hoạt động cũng như thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước... Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, giữ vai trò là cơ sở, nền tảng hình thành hệ thống pháp luật. Theo đó, mọi văn bản luật khác và văn bản dưới luật đều phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 cho tới nay, Việt Nam đã có năm bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Lí do cơ bản dẫn đến sự thay thế của các bản Hiến pháp là do sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời điểm cụ thể nên Hiến pháp phải thay đổi để phản ánh kịp thời thực tiễn và nhu cầu xã hội.

+ Luật (bộ luật, đạo luật) do Quốc hội ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đổ quy định về:

a) Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

b) Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt;

c) Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;

d) Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường;

đ) Quốc phòng, an ninh quốc gia;

e) Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

g) Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;

h) Chính sách cơ bản về đối ngoại;

i) Trưng cầu ý dân;

k) Cơ chế bảo vệ Hiến pháp;

Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ở nước ta, số lượng các đạo luật được ban hành thường lớn hơn rất nhiều so với các bộ luật. Xét về phạm vi điều chỉnh thì bộ luật bao giờ cũng rộng hơn và mang tính ổn định cao hơn so với các đạo luật. Các bộ luật, đạo luật của Quốc hội có giá trị hiệu lực pháp lí thấp hơn Hiến pháp. Vì vậy, khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật cũng phải trên cơ sở và phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Nghị quyết do Quốc hội ban hành. Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định:

a) Tỉ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

b) Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành;

c) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phán luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

d) Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia;

đ) Đại xá;

e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ những nghị quyết với nội dung nêu trên mà chứa đựng các quy tắc xử sự chung mới được coi là văn bản quy phạm pháp luật

* Văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (văn bản dưới luật)

Văn bản quy phạm pháp luật dưới luật là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức được luật quy định và có hiệu lực pháp lí thấp hơn văn bản luật. Văn bản dưới luật được ban hành trên cơ sở, trong phạm vi và để thi hành Hiến pháp, luật. Giá trị hiệu lực pháp lí của từng văn bản dưới luật không giống nhau mà tuỳ thuộc vào thẩm quyền chủ thể ban hành ra chúng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, văn bản dưới luật bao gồm những loại văn bản sau đây:

Pháp lệnh của UBTV Quốc hội được quy định tại khoản 2, Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa tại khoản 1, Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Pháp lệnh quy định về những vấn đề được Quốc hội giao, một số pháp lệnh sau một thời gian thực hiện có thể được xem xét nâng lên thành luật. Pháp lệnh là văn bản có giá trị pháp lí cao nhất trong số các văn bản dưới luật nhưng vẫn thấp hơn so với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, khi xây dựng và ban hành các pháp lệnh phải trên cơ sở phù hợp với văn bản luật; đồng thời các văn bản dưới luật khác khi ban hành cũng phải phù hợp với các quy định của pháp lệnh.

Nghị quyết của UBTV Quốc hội ban hành để quy định:

a) Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

b) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phán pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội;

c) Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội; trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì UBTV Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kì họp gần nhất;

d) Tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

đ) Hướng dẫn hoạt động của HĐND;

e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ một số Nghị quyết của UBTV Quốc hội với những nội dung nêu trên có chứa đựng quy tắc xử sự chung mới thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật.

Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của UBTV Quốc hội; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp UBTV Quốc hội không thể họp được; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, không phải mọi văn bản do Chủ tịch nước ban hành là văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định của Chính phủ ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 2) Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lí, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;

3) Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTV Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh đổ đáp ứng yêu cầu quản lí nhà nước, quản lí kinh tế, quản lí xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của UBTV Quốc hội. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể Nghị định do chính phủ ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ: Nghị định của Chính phủ phê chuẩn đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu...).

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành đổ quy định các vấn đề sau đây:

Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông tư của Bộ trưởng thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để quy định:

Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTV Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Biện pháp thực hiện chức năng quản lí nhà nước của mình.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành để thực hiện việc quản lí các Tòa án nhân dân và Tòa án quản sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao.

Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành để quy định những vấn đề được Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và luật khác có liên quan giao.

Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch, bao gồm: Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng;

Nghị quyết liên tịch giữa UBTV Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy định chi tiết những vấn được được luật giao. Như vậy, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với nhau hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề có liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức đó.

Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, ở địa phương có hai cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là HĐND, UBND. Theo quy định, HĐND có quyền ban hành nghị quyết và UBND có quyền ban hành quyết định. Cụ thể:

+ HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 3) Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 4) Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

+ UBND cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 3) Biện pháp thực hiện chức năng quản lí nhà nước ở địa phương.

+ HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao. Ngoài ra theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, chúng ta còn có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập cũng có HĐND và UBND và HĐND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành nghị quyết, UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành quyết định.

2.3. Mối liên hệ giữa các văn bản quy phạm pháp luật

Các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật rất phong phú, đa dạng, được ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng giữa chúng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, thể hiện chủ yếu ở hai phương diện sau đây:

* Mối liên hệ về hiệu lực pháp lí

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật luôn tồn tại trong trật tự thứ bậc về hiệu lực pháp lí từ cao xuống thấp, trong đó hiệu lực pháp lí cao nhất là Hiến pháp, dưới Hiến pháp là các bộ luật, đạo luật, rồi tiếp đến là các văn bản có giá trị pháp lí thấp hơn. Mọi văn bản pháp luật trái với nội dung Hiến pháp đều bị coi là vi hiến và phải bị loại bỏ ra khỏi cơ chế điều chỉnh pháp luật.

* Mối liên hệ về nội dung

- Các văn bản trong hệ thống pháp luật phải thống nhất với nhau về nội dung, nghĩa là có sự phù hợp giữa các ngành luật, chế định luật và quy phạm pháp luật trong hệ thống cấu trúc bên trong của pháp luật, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ về đối tượng điều chỉnh, không mâu thuẫn, không chồng chéo về nội dung quy định, các quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng điều chỉnh.

Ví dụ: Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp dưới không được trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương không được trái với văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền trung ương...

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật, dù đều là nguồn của một ngành luật, hay với tư cách là nguồn của các ngành luật khác nhau cũng cần thống nhất với nhau.

2.4. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là phạm vi thời gian, không gian và đối tượng mà văn bản tác động tới.

- Hiệu lực theo thời gian: Hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật xác định thời điểm bắt đầu để áp dụng văn bản vào đời sống cho đến khi chấm dứt sự tác động của văn bản đó.

Ví dụ: Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 về việc xử lí vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung bằng Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12) được bắt đầu áp dụng từ ngày 01/10/2002 và sẽ chấm dứt việc áp dụng từ ngày 01/7/2013 (đây là thời điểm Luật Xử lí vi phạm hành chính 2012 phát sinh hiệu lực), trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lí hành chính do Toà án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.

Hiệu lực theo thời gian được tính từ thời điểm phát sinh đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của một văn bản quy phạm pháp luật hoặc những hoàn cảnh, tình huống cụ thể mà chỉ khi tồn tại những hoàn cảnh, tình huống cụ thể đó thì quy phạm pháp luật mới có hiệu lực. Xem xét hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật phải xem xét bốn vấn đề về thời điểm phát sinh hiệu lực; thời điểm chấm dứt hiệu lực, vấn đề tạm ngưng hiệu lực cũng như về hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật. Thời điểm phát sinh và chấm dứt hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được định theo hai cách: có điều khoản ghi rõ thời điểm phát sinh hoặc chấm dứt hiệu lực trong văn bản hoặc không ghi rõ. Trường hợp không có điều khoản quy định thì xác định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể thời điểm phát sinh hiệu lực được xác định như sau: Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc kí ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày kí ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND; UBND cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày kí ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã. Còn văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây: 1) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; 2) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản dó; 3) Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 4) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cùng đồng thời hết hiệu lực.

Văn bản quy phạm pháp luật có thể bị ngưng hiệu lực khi nó bị đình chỉ thi hành cho đến khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản bị ngưng hiệu lực sau thời gian bị đình chỉ thi hành có thể sẽ tiếp tục có hiệu lực hoặc sẽ hết hiệu lực khi nó bị hủy bỏ. Về nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật không có giá trị áp dụng dối với những vụ việc đã xảy ra trước thời điểm văn bản phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, xuất phát từ tính nhân đạo của Nhà nước cũng như đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị áp dụng pháp luật, nhà nước cho phép trong một số trường hợp thật sự cần thiết có thể áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không được áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản trong hai trường hợp sau:

+ Quy định trách nhiệm pháp lí mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lí;

+ Quy định trách nhiệm pháp lí nặng hơn hoặc hình phạt nặng hơn.

+ Việc xác định hiệu lực theo thời gian của văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, bởi vì tính từ thời điểm văn bản đó có hiệu lực thì tất cả mọi chủ thể bắt buộc phải tuân theo nó hoặc không còn tuân theo nó nữa.

* Hiệu lực theo không gian

- Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật là phạm vi lãnh thổ mà văn bản tác động tới. Phạm vi lãnh thổ ở đây có thể là toàn bộ lãnh thổ quốc gia, một địa phương hoặc một vùng nhất định.

- Ví dụ: Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lí hành chính được áp dụng trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm: vùng biển, vùng trời, vùng đất liền, thềm lục địa cùng các quần đảo, bán đảo... kể cả địa phận lãnh sự, đại sứ của nước CHXHCN Việt Nam đặt tại nước ngoài.

- Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó cũng như tính chất, mục đích và nội dung được thể hiện cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật. Hiệu lực theo không gian của văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo hai cách cơ bản là ghi rõ trong văn bản và không ghi rõ trong văn bản. Đối với những văn bản quy phạm pháp luật có điều khoản xác định rõ hiệu lực theo không gian thì chúng sẽ phát huy hiệu lực trong phạm vi đã được quy định. Trường hợp nếu không ghi rõ trong văn bản quy phạm pháp luật thì dựa vào thẩm quyền và nội dung của các quy phạm pháp luật trong văn bản để xác định hiệu lực.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quy định pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục tố tụng đặc biệt, thủ tục phúc thẩm vụ việc dân sự và thủ tục sơ thẩm vụ việc dân sự...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Quy định pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 435
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm