Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn trong điều kiện lao động bình thường

Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

VnDoc mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn trong điều kiện lao động bình thường.

Tuổi nghỉ hưu từ ngày 01/01/2022 của lao động nam, nữ như thế nào? Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2022 như nào? Tuổi nghỉ hưu, lương hưu thay đổi thế nào trong năm 2022? Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn trong điều kiện lao động bình thường? Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định cần điều kiện gì? VnDoc mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây để nắm được câu trả lời chi tiết, chính xác.

Bạn đọc hỏi: Trong những trường hợp nào, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường?

Trả lời:

Khoản 4, điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu quy định rõ hơn về nội dung này. Điều 6 Nghị định này quy định: Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo Khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

1. Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

2. Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu thông thường sẽ được coi là lao động cao tuổi. Kéo theo đó, họ sẽ được pháp luật dành cho nhiều đặc quyền trong thời gian làm việc:

- Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

- Được thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Bên cạnh đó, những người lao động này còn được doanh nghiệp đóng đầy đủ các loại bảo hiểm trong thời gian làm việc. Nhờ đó, tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ dài hơn, kéo theo các quyền lợi về hưu trí cũng cao hơn.

Đánh giá bài viết
1 11
Sắp xếp theo