Thuyết minh về món cơm Lam
Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về món cơm Lam dưới đây gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Thuyết minh về cơm lam
Dàn ý Thuyết minh về món cơm Lam
I. Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh – món cơm lam.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
II. Thân bài:
a. Khái quát chung
- Giới thiệu về lịch sử ra đời của món cơm lam: Món cơm lam được bắt nguồn từ đâu, vào khoảng thời gian nào.
- Nguyên liệu để làm nên món cơm lam gồm những gì? Món cơm lam được chế biến trong khoảng bao nhiêu lâu?
- Những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa mà món cơm lam mang lại cho địa phương nói riêng cũng như cho nền ẩm thực Việt Nam nói chung là gì?
- Đánh giá về thực trạng của món cơm lam đó trên thị trường: Hiện nay, món ăn có được ưa chuộng hay phổ biến hay không?
b. Thuyết minh chi tiết
- Để làm nên món cơm lam cần chuẩn bị những gì?
- Thuyết minh chi tiết về quá trình tạo ra món cơm lam: gồm những bước nào? Đâu là công đoạn quan trọng nhất?
- Thưởng thức món cơm lam như thế nào là ngon nhất?
- Hương vị của món cơm lam có gì đặc sắc, nổi bật?
c. Ý nghĩa, ưu điểm mà món cơm lam mang lại
- Món cơm lam có ý nghĩa như thế nào với người dân địa phương và nền ẩm thực?
- Chúng ta cần phải làm gì để lưu giữ món cơm lam và làm cho mọi người ngày càng biết đến nó nhiều hơn?
III. Kết bài: Khái quát lại món cơm lam vừa thuyết minh, đồng thời liên hệ đến bản thân và rút ra bài học chung cho mọi người.
Thuyết minh về món cơm Lam mẫu 1
Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa, là sản phẩm đặc trưng do bàn tay và khối óc của con người tạo ra. Với người Mường ở Thanh Sơn, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.
Trước đây, người Mường trồng lúa nếp là chính. Theo các cụ cao niên ở bản Mường kể lại, người dân Mường xa xưa thường phải đi rừng, đi nương từ sáng sớm để kiếm thức ăn, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó đồng bào đã sáng tạo ra việc dùng ống tre, ống nứa rồi cho gạo vào trong, đem nướng trên lửa và nấu chín thành cơm gọi là cơm lam. Về sau, việc chế biến món ăn này trở thành thói quen và được người Mường ưa thích. Món cơm lam từ bao đời cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong thước đo giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.
Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.
Tiếp theo là đến việc chọn gạo, đồng bào chọn loại nếp nương thơm, dẻo của vùng cao. Gạo trước khi được đem đi “lam” sẽ được ngâm khoảng 2- 3 tiếng, sau đó vo sạch, rắc ít muối và trộn đều rồi đổ vào ống nứa đã có sẵn nước. Khi gạo đổ vào, không nén chặt mà để cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ vừa khít miệng ống. Nếu thấy ống nứa có ít nước, có thể thêm nước xăm xắp mặt gạo. Nước này người Mường thường lấy nước trên những khe đồi, khe suối nhằm tạo nên vị ngọt mát. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối.
Đốt lửa dựng các ống quanh bếp, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng một giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Nước cạn, đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm và có mùi thơm bốc lên là cơm đã chín.
Lấy dao róc bỏ phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu. Đồng bào cắt mỗi ống ra thành từng khúc ngắn vừa phải. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa màu trắng bên ngoài. Cơm lam thường được bày trên mâm cơm của đồng bào cùng các món ăn như: thịt gà, thịt lợn rừng nướng, cá nướng, nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng.
Hiện nay, người Mường còn tạo ra món cơm lam với nhiều màu sắc phong phú: xanh, đỏ, tím, vàng trông rất đẹp mắt. Đồng bào tạo ra màu tự nhiên từ các loại lá cây, củ, quả ở rừng: Màu đỏ được tạo ra từ cây cơm lông hay từ quả gấc, màu xanh của lá gừng, màu tím của lá cẩm và màu vàng của nghệ già, chắt lấy nước đem ngâm vào gạo. Vị dẻo thơm của gạo nếp được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mịn màng và những màu sắc sặc sỡ của cơm khiến cho cơm lam trông đẹp, bắt mắt và hấp dẫn hơn.
Cuộc sống của đồng bào Mường Thanh Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng cơm lam vẫn là một món ăn truyền thống không thể mai một. Cơm lam của người Mường không chỉ được biết đến như một món ăn dân tộc, được các gia đình người Mường làm để tiếp khách đến chơi nhà mà còn được làm để mang đi giới thiệu, trưng bày ở các hội chợ, lễ hội lớn của tỉnh, huyện. Hơn cả, cơm lam là nơi hội tụ tấm lòng của đồng bào Mường nơi đây, mộc mạc bình dị nhưng cũng thật sâu nặng nghĩa tình.
Thuyết minh về cơm lam mẫu 2
Nói đến ẩm thực Việt thì có lẽ người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào bởi chúng ta có quá nhiều những món ăn ngon. Từ ẩm thực đường phố cho tới những nhà hàng, quán ăn sang trọng. Đâu đâu cũng có thể tìm được một món ăn hấp dẫn. Nói đến đặc sản thì mỗi người cũng có thể kể tên được món ăn đặc sản của quê hương mình. Một trong số những món ăn của người miền núi Tây Bắc để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất đó chính là món cơm lam.
Gọi là cơm thì lẽ dĩ nhiên là được làm từ gạo rồi. Thế nhưng đây không phải loại gạo tẻ như chúng ta vẫn ăn thường ngày mà là gạo nếp. Gạo nếp thơm hơn, dẻo hơn khiến cho cơm lam ăn ngon hơn. Và mặc dù cũng là cơm nhưng cơm lam lại không được nấu theo cách thông thường như chúng ta vẫn nấu hàng ngày. Không phải nồi điện cũng chẳng phải nồi gang. Hãy cùng xem cơm lam được nấu như thế nào nhé.
Việc đầu tiên trước khi nấu là phải chọn được gạo ngon đã. Gạo nếp để làm cơm lam phải là loại gạo nếp cái hoa vàng bởi chúng rất thơm, hạt tròn và mẩy. Gạo phải được vo cho sạch sau đó đem ngâm với nước trong khoảng từ 6 đến 8 tiếng. Phải ngâm lâu như vậy là để khi nấu xong cơm được dẻo và ngon. Nếu không ngâm, gạo sẽ không thể nở và ăn sẽ bị khô. Sau đó, vớt gạo ra và để cho ráo nước. Để cho ra được món cơm lam thơm ngon thì chỉ gạo thôi là chưa đủ. Người Thái còn giã nhỏ gừng và muối sau đó đem trộn với gạo đã ngâm nước. Nhờ vậy mà khi ăn cơm ta thấy cơm có vị đặm và có hương thơm của gừng.
Một điểm đặc biệt của cơm lam là món ăn đặc sản này được nấu trong những ống nứa. Những ống nứa được lựa chọn để làm cơm lam là ống nứa tươi, vỏ ngoài của chúng có màu xanh đậm, bên trong rỗng, một đầu là mắt nứa. Ông nứa dài khoảng 30cm là hợp lý.
Tiếp theo, người nấu sẽ từ từ đổ gạo vào ống nứa và đổ nước vào ngập mặt gạo. Nhiều nơi thường đổ nước dừa để khi ăn có hương thơm của dừa. Muốn cơm lam được ngon thì không nên đổ gạo đầy ống mà nên chừa lại một đoạn để đến khi gạo nở lên đầy ống là vừa. Cuối cùng là lấy lá chuối bịt kín miệng ống nứa lại và đem đi nướng trên bếp lửa. Nấu cơm lam cầu kì hơn nấu cơm bình thường ở chỗ chúng ta phải canh bếp liên tục. Khi nướng, phải xoay ống nứa để cơm được chín đều.
Cơm lam sau khi nướng chín, người ta thường dùng dao róc bớt vỏ ngoài đi để chỉ còn một lớp vỏ nứa mỏng ở bên trong. Khi ăn, chỉ cần dùng tay tách lớp vỏ này ra là được. Ăn cơm lam ngon nhất là chấm với muối vừng.
Vốn dĩ món ăn này là để dùng cho những người đi rừng. Mỗi lần đi rừng thì phải vài ngày mới về. Vì vậy mà mang cơm lam đi là nhanh và gọn nhất. Cho tới ngày nay, món ăn này đã trở thành đặc sản và được người dân vô cùng yêu thích. Nếu đi du lịch ở vùng Tây Bắc chẳng hạn như lên Hòa Bình, bạn sẽ không thể nào từ chối được món ăn tuyệt vời này. Cơm lam cũng được dùng để làm quà cho những người thân ở nhà.
Nhiều người muốn ăn nóng thì thường tách cả cây cơm ra khỏi ống nước rồi cho lên bếp rán giòn. Đó cũng là một cách ăn thú vị của người miền xuôi.
Ngày nay, bên cạnh những sự du nhập của món âu hay các món ăn đặc sắc đến từ các quốc gia trên thế giới. Thật tuyệt vời là chúng ta vẫn giữ được nét ẩm thực của riêng mình. Nếu như có cơ hội, bạn hãy thưởng thức hết tất cả các món ăn đặc sản của Việt Nam. Mỗi một món ăn lại ẩn chứa một câu chuyện, một ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc đấy.
Thuyết minh về món cơm Lam mẫu 3
Làm bếp ai chẳng biết mấy động tác hết sức quen thuộc như nấu, nướng, xào, đổ hấp, chiên, rán... Riêng ở miền núi, nhất là ở miền núi phía Bắc, còn có thêm động tác lá lam. Lam nước, lam che, lam củ sắn củ mài, lam cá lam thịt... Vậy lam là gì?
Lam đến đỉnh đầu dốc cao, mũi và tai tranh nhau "thở", khác như thể bị vắt kiệt nước trong người. Tiện có con dao đeo bên hông lại tiện có cánh rừng nứa bạt ngàn, ta hãy chọn cây nứa ngộ còn non chặt lấy một dóng lưng chừng thân cây. Những dóng nứa như thế bao giờ cũng chứa sẵn thứ nước trong vắt và tinh khiết vô cùng. Phạt đi một đầu mắt, dùng lá chuối hoặc lá dong đút nút lại, chất củi chung quanh đốt cho nước sôi. Rồi vừa ngồi nghỉ thảnh thơi hứng gió trời nắng trời, vừa thong thả nhấp từng hớp nước rót trong ống nứa ra. Ngan ngát, thơm thơm, ngòn ngọt, man mát. Uống vào đến đâu thấy người tỉnh lại đến đó.
Ấy là nước lam. Có thể múc nước suối vào ông nứa để lam, nhưng thua xa thứ nước trời đất tích tụ trong ống nứa, chẳng khác nước dừa tích tụ trong quả dừa. Lam chè, lam thịt và lam các thứ khác cũng tương tự. Xin nói gọn:
Lam là cách dùng cóng nứa thay nồi để nấu nhưng lại tạo ra những miếng ăn miếng uống ngon hơn hẳn nấu trong nồi và đặc biệt, đó là cách đun nấu rất "nghệ sĩ", dân dã khác thường mà cũng phong lưu khác thường.
Riêng về cơm lam, cách làm không có gì khác với các loại lam vừa nói. Cho gạo đã vo sạch vào ống nứa non, cuộn lá chuôi lá dong nút chặt, chất củi đốt. Phải đốt đều, khi nào vỏ nứa cháy thành lớp than mỏng phủ chung quanh ống nứa là lúc cơm chín. Nếu ăn ngay, chỉ việc chẻ ông ra, nếu muôn để dành thì chỉ dùng dao róc hết lớp vỏ nứa bị cháy, chỉ để lại một lớp vỏ mỏng trắng sạch sẽ, bỏ ba lô mang theo, vài ngày sau cơm vẫn không thiu không vữa. Cơm nếp lam có thể để dành được cả tuần. Lúc ăn, cắt cái ông ra thành khoanh, bóc vỏ, cơm mềm mịn trông như lát giò lụa. Vị nứa tươi ngấm vào cơm thơm ngọt vị mía lùi. Dù thiếu muôi, dù không kèm theo thức ăn gì khác, cơm lam cũng vẫn rất dề ăn.
Thịt cá, giò chả... đều là những thức ăn hợp với cơm lam. Nhưng không có gì hợp với cơm lam bằng chấm muối riềng (muối rang với củ riềng giã nhỏ, như kiểu rang muối vừng). Vị thơm cay ấm áp của muối riềng gặp vị thơm ngọt mát của cơm lam tạo nên một vị thanh mà đậm lưu lại rất lâu nơi đầu lưỡi.
Cơm lam là quà riêng dành cho những người đi rừng, nghĩ ở đâu lam cơm ăn ở đó, hoặc lam sẵn vài ba ông từ nhà mang theo.
Sau những năm sông ở rừng miền Bắc, tôi còn bắt gặp một kiểu lam nhưng không gọi là lam, mà lại bằng quả dừa tươi. Đó là cách ăn khôn đến lõi đời của dân vùng dừa khu Bôn cũ. Gạo nếp, đỗ xanh, ngâm kĩ, trộn gia vị, nhét vào quả dừa, đốt cháy vỏ, đập ra, thành một "quả" xôi ngon và lạ không bút nào tả xiết.
Nay cơm lam đã trở thành một thứ hàng hóa ở chợ Kỳ Lừa, chợ Cốc Liều, chợ Hữu Lũng và nhiều chợ miền núi khác trên miền Bắc đều thấy bày bán cơm lam, từ năm trăm đến một ngàn đồng một ông. Cơm lam còn trở thành món "đặc sản" trong các nhà hàng, khách sạn.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Thuyết minh về món cơm Lam cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2.