Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm nằm trong chương trình học Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Bài viết được VnDoc.com tổng hợp gồm có dàn ý và 2 mẫu bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu làm văn mẫu 10 Chân trời sáng tạo nhé.

1. Dàn ý thuyết phục từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm

I/ Mở bài

Giới thiệu khái quát về vấn đề cần nghị luận: Thói quen không đội mũ bảo hiểm trở thành vấn đề nóng trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

II/ Thân bài

1/ Thực trạng về ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

- Hầu hết, mọi người dân khi tham gia giao thông đều đã có ý thức đội mũ bảo hiểm.

- Tuy nhiên vẫn còn một số người dân thiếu ý thức không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, coi việc đội mũ là ép buộc, hoặc đội một cách đối phó.

2/ Nguyên nhân

- Nhiều người cưa ý thức, chưa thấy hết được tầm quan trọng, giá trị to lớn của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

- Lối sống buông thả, xem thường pháp luật, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh mình.

- Lối sống thích thể hiện cá tính của một số thanh thiếu niên hiện nay

3/ Hậu quả

- Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là lối sống văn minh, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh

- Thiếu ý thức không đội mũ bảo hiểm là hành vi vi phạm luật giao thông và lại để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nếu chẳng may xảy ra tai nạn sẽ để lại hậu quả đến tính mạng, ảnh hưởng và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

- Trở thành người vô ý thức, ảnh hưởng xấu đến mọi người xung quanh.

4/ Biện pháp

- Cần tăng cường tuần tra, giám sát và nâng cao các chế tài xử lí đối với những hành vi vi phạm.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tới mọi người dân trên toàn đất nước để người dân thấy được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm.

III/ Kết bài

Khái quát lại tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

2. Thuyết phục từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm mẫu 1

Muốn trở thành người có nhân cách tốt đẹp và thành công trong cuộc sống, con người phải rèn luyện được những thói quen tốt, loại bỏ được những thói quen xấu. Thói quen tốt dẫn ta đến thành công. Thói quen xấu đưa ta đến thất bại. Thói quen xấu, thói quen không lành mạnh có thể dẫn đến những tác hại, hậu quả mà chúng ta không thể dự đoán được. Một thói quen không tốt mà không chỉ người lớn cần từ bỏ mà cả những em học sinh, sinh viên cần phải lưu ý khi ra đường, đó là thói quen không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe gắn máy.

Khi tham gia giao thông, đặc biệt là ở người lớn và trẻ nhỏ, rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ nhưng đội mũ không đảm bảo chất lượng được khuyên dùng. Chính phủ và Nhà nước đã nhiều lần đưa ra những hình phạt nghiêm khắc, xử phạt những trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng nhìn chung thói quen ấy vẫn còn ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người dân đặc biệt là những em học sinh khi đi xe đạp điện thường đội những chiếc mũ bán ở vỉa hè, không đảm bảo chất lượng. Hay một số bậc phụ huynh coi nhẹ sự an toàn của con em mình khi tham gia giao thông, thiếu trách nhiệm trong việc dạy bảo các em phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân.

Qua việc tìm hiểu và khảo sát cho thấy, thói quen không đội mũ bảo hiểm ở người lớn được hình thành là do mũ bảo hiểm khiến họ cảm thấy khó chịu nhất là vào những ngày hè việc đội mũ dễ ra mồ hôi, gây khó chịu cho da đầu. Hay đôi lúc do quá vội mà họ quên đội mũ rồi dần dần hình thành thói quen không đội mũ khi tham gia giao thông. Còn ở lứa tuổi học sinh như chúng ta, việc không đội mũ bảo hiểm là vì nó không hợp thẩm mỹ, cảm thấy khó chịu khi đội,… Đây chính là một số lý do dẫn đến tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của mọi người hiện nay, cũng là nguyên nhân trực tiếp của việc gia tăng các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại tính mạng con người.

Việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện hay xe gắn máy là một thói quen không tốt, cần phải được từ bỏ ngay từ bây giờ. Thói quen này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng bản thân mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Cá nhân tôi đã từng có thói quen không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và sau một vụ tai nạn ngoài ý muốn, tôi đã ý thức được sự nghiêm trọng của thói quen này, và tôi đã quyết tâm từ bỏ nó để giữ an toàn cho tính mạng của bản thân. Hay đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe gắn máy, dẫn đến thiệt mạng về tính mạng con người được đưa tin trên báo là do việc nạn nhân không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đặc biệt là những vụ tai nạn đâm xe có nạn nhân là những học sinh không đội mũ bảo hiểm, lái xe với tốc độ nhanh khi đi trên đường. Đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương đầu và tử vong do tai nạn giao thông gây ra, cần hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi ra đường.

Vậy để từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm thì cần phải làm như thế nào? Chính phủ và Nhà nước ta cũng đã đưa ra những điều luật, hình phạt cho những ai tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, phạt tiền hoặc tịch thu xe, bằng lái xe. Nhưng nếu chỉ đưa ra bộ luật mà người dân không tự ý thức về thói quen, hành vì của mình thì tình trạng không đội mũ bảo hiểm vẫn sẽ diễn ra. Đầu tiên, mũ bảo hiểm đạt chuẩn thường không phù hợp với thẩm mỹ của một số người đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, do đó các bậc phụ huynh có thể trang trí thêm một số hình dán lên mũ bảo hiểm cho đẹp hơn. Ngoài việc trang trí mũ cho hợp thẩm mỹ thì chúng ta cần phải luôn ghi nhớ việc đội mũ bảo hiểm khi ra đường, có thể luôn treo mũ ở xe hoặc để mũ ở trên tủ giày hay treo ở gần cửa, … để mỗi khi ra ngoài chúng ta sẽ nhìn thấy và không bị quên phải đội mũ nữa. Việc để mũ ở những nơi dễ thấy, dễ cầm sẽ giúp ta hình thành thói quen đội mũ dễ dàng hơn, sẽ không còn tình trạng quên không đội mũ mỗi khi ra ngoài nữa. Một khi người lớn đã có thói quen đội mũ bảo hiểm thì việc hình thành thói quen đội mũ cho trẻ em cũng sẽ đơn giản hơn, vì trẻ em thường hay học theo những việc làm của người lớn.

Mỗi chúng ta đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe mô tô, xe máy có thể giảm được 42% nguy cơ tử vong với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của từng xe. Vì vậy, để hạn chế chấn thương ở đầu, mỗi người dân cần có ý thức thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Tôi và các bạn những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cũng cần có ý thức, tự hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền thói quen tốt đến với mọi người xung quanh ta để bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân mình.

3. Thuyết phục từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm mẫu 2

Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhất là khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe mô tô đã trở thành thói quen của nhiều người. Nhưng đối với một số khác thì không hẳn. Có lẽ họ sở hỏng mái tóc xinh đẹp mới tạo kiểu, hoặc đơn giản hơn là không thích vì thời tiết nóng bức, vì thiếu thẩm mỹ, dù biết pháp luật có quy định xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, họ vẫn sẽ không đội mũ trên những đoạn đường thiếu vắng sự có mặt của cảnh sát giao thông, hay đối phó bằng cách đội mũ kém chất lượng. Đây thật sự là thói xấu mà mọi người cần phải bỏ, người lớn trong gia đình không đội mũ an toàn thì sao có thể làm gương cho con em mình.

Hiện nay, ở nước ta, hơn 90% dân số sử dụng xe máy, xe điện là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu. Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ phần đầu là vô cùng cần thiết, để hạn chế tối đa những va đập, biến chứng đến hộp sọ và não bộ của bạn khi có tai nạn xảy ra. Nhưng thực tế những vụ vi phạm và những vụ tai nạn có hậu quả nặng nề vẫn xảy ra do nhiều người chủ quan, thờ ơ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe điện, hoặc đội mũ kém chất lượng. Thực tiễn cũng đã có một số vụ việc, người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm chất lượng kém, bị thương nặng khi xảy ra va chạm nguyên nhân chính đến từ mũ bị vỡ. Đáng báo động hơn, đa phần đối tượng không tuân thủ lại chính là thanh niên, trẻ vị thành niên cùng ngoại ô, nông thôn. Hay một số phụ huynh chủ quan, không nghĩ đến sự an toàn của con em mình nên thiếu trách nhiệm trong việc dạy dỗ các em phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương và tử vong do tai nạn giao thông. Vậy làm thế nào để hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện, xe máy, nhất là ở lứa tuổi học sinh? Theo em, trước tiên cần xây dựng ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân, đảm bảo an toàn cho người khác, mà còn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Ở các nhà trường, cần thường xuyên có những buổi giao lưu, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật an toàn giao thông đường bộ, cách tuyên truyền sinh động, hợp lứa tuổi học sinh để chúng em có thể tiếp thu kiến thức pháp luật theo cách gần gũi, dễ hiểu nhất. Ngoài ra, với các bậc phụ huynh, cần là tấm gương gương mẫu cho con em noi theo. Bản thân cha mẹ tuân thủ luật giao thông, nghiêm túc giáo dục con em về việc tự biết bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông sẽ xây dựng ý thức, hình thành thói quen cho các bạn, đó là việc đội mũ bảo hiểm.

Không chỉ vậy, ngoài chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật, các nhà trường cũng cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh có hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhà trường và lực lượng cảnh sát có sự phối hợp chặt chẽ, cảnh sát giao thông sẽ báo về nhà trường trường hợp học sinh vi phạm luật an toàn giao thông. Như vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo dục, tuyên truyền và xử phạt, từ đó dần hình thành ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên khi tham gia giao thông.

Nhưng điều cốt lõi nhất vẫn phải xuất phát từ mỗi cá nhân. Ai cũng có ý thức giữ gìn sự an toàn của bản thân và những người xung quanh sẽ tạo nên xã hội tuân thủ pháp luật, văn minh, tốt đẹp.

Đánh giá bài viết
1 436
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10 CTST

    Xem thêm