Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các chiến lược marketing theo chu kì sống của sản phẩm

Các chiến lược marketing theo chu kì sống của sản phẩm được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Giai đoạn tung ra thị trường

Đây là giai đoạn doanh nghiệp bắt đầu đưa sản phẩm lần đầu tiên bày bán ra thị trường. Vì là sản phẩm mới nên doanh số tăng chậm, có thể không có lãi hoặc bị lỗ vì doanh số ít mà chi phí phân phối và quảng cáo cao.

Các chiến lược mà doanh nghiệp có thể theo đuổi trong thời kì này là:

Chiến lược hớt váng nhanh: Là chiến lược tung sản phẩm mới ra thị trường với mức giá cao và mức xúc tiến cao. Chiến lược áp dụng khi thị trường tiềm năng chưa biết gì về sản phẩm, hoặc có biết nhưng chấp nhận mua mức giá cao, cạnh tranh tiềm tàng xuất hiện. Doanh nghiệp tung ra sản phẩm với mức giá cao nhằm đảm bảo lãi gộp tính trên đơn vị sản phẩm là cao nhất, tập trung các nỗ lực và ngân sách cho cách hoạt động quảng cáo để đưa thông tin và thuyết phục khách hàng về lợi ích đem lại của sản phẩm.

Chiến lược hớt váng chậm: Là chiến lược tung sản phẩm vào thị trường với mức giá cao nhưng xúc tiến lại thấp. Chiến lược được tung ra ở thị trường quy mô hạn chế, phần lớn thị trường đã biết đến sản phẩm, người mua sẵn sang mua giá cao và chưa có cạnh tranh tiềm tàng.

Chiến lược thâm nhập nhanh: Chiến lược tung sản phẩm vào thị trường với các hoạt động xúc tiến cao, mạnh mẽ, và bán với giá thấp với hy vọng thâm nhập nhanh vào thị trường để nắm giữ được thị phần lớn. Chiến lược nên được triển khai ở các thị trường mà khách hàng nhạy cảm với giá, lại chưa biết nhiều về sản phẩm, thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Với chiến lược này thì doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô.

Chiến lược thâm nhập chậm: Là chiến lược tung sản phẩm mới vào thị trường mới mức cổ động thấp và giá thấp. Giá thấp khuyến khích khách hàng tiếp nhận hàng hóa nhanh hơn và sẽ mua nhiều hơn. Chiến lược thích hợp với thị trường có nhu cầu co giãn mạnh về giá, qui mô lớn, khách hàng biết rõ về sản phẩm và có khả năng cạnh tranh tiềm tang.

2. Giai đoạn phát triển

Trong giai đoạn này, mức tiêu thụ bắt đầu tăng mạnh do thị trường đã chấp nhận sản phẩm mới, xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp lúc này sẽ gia tăng khả năng lựa chọn sản phẩm của khách hàng thông qua việc tăng cường dịch vụ cho khách hàng hoặc mở rộng thêm chủng loại và mẫu mã sản phẩm.

Một số chiến lược để kéo dài thêm mức độ phát triển nhanh chóng của thị trường:

- Chiến lược cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng cường thêm những đặc tính mới và mẫu mã mới cho sản phẩm.

- Chiến lược thâm nhập vào những đoạn thị trường mới

- Chiến lược mở rộng phạm vi phân phối, tham gia vào những kênh phân phối mới

- Chiến lược giảm giá, khuyến mãi đúng thời điểm để thu hút các khách hàng nhạy cảm về giá.

- Các hoạt động xúc tiến hỗn hợp tập trung xây dựng uy tín và quảng cáo sản phẩm nhằm tạo niềm tin và khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm.

3. Giai đoạn bão hòa

Tới lúc này, lượng bán không tăng nữa, mức độ cạnh tranh trở nên quyết liệt, lợi nhuận của doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đầu tiên không giữ được tỷ lệ mong muốn so với lượng bán. Mục tiêu của doanh nghiệp là giữ thị phần của mình và kéo dài thời kỳ bão hòa để thu lợi nhuận. Trong giai đoạn bão hòa, doanh nghiệp có thể áp dụng các dạng chiến lược marketing chủ yếu sau đây:

Thay đổi thị trường: nghiên cứu các khả năng mở rộng thị trường- tăng lượng bán bằng cách thay đổi hai biến số trong công thức:

Khối lượng bán= số lượng người sử dụng× tỷ lệ sử dụng

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể tăng số người sử dụng sản phẩm bằng cách: thuyết phục những người chưa sử dụng mua và sử dụng sản phẩm; Thâm nhập vào các đoạn thị trường mới; Thu hút khách hàng của đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, tăng tỷ lệ người sử dụng bằng cách: (1) Tăng tần suất sử dụng, làm cho khách hàng sử dụng sản phẩm thường xuyên hơn, (2) Tăng lượng tiêu dùng trong mỗi lần; (3) Tìm kiếm những công dụng mới đối với sản phẩm và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm theo những cách khác nhau.

Thay đổi sản phẩm: nhằm thu hút những người sử dụng mới hoặc tăng việc sử dụng bởi khách hàng hiện tại bằng các cách:

- Cải tiến chất lượng nhằm hoàn thiện các chức năng của sản phẩm như độ bền, độ tin cậy, tốc độ….với điều kiện:

- Chất lượng sản phẩm có thể được cải tiến thực sự;

- Thông tin về cải tiến chất lượng có độ tin cậy đối với khách hàng; Đa số người mua cảm nhận được về chất lượng tốt hơn

- Bổ sung những đặc tính mới: tăng tính linh hoạt khi sử dụng, độ an toàn và tiện lợi của sản phẩm. Điều kiện áp dụng:

- Tạo cho doanh nghiệp hình ảnh người dẫn đầu luôn đổi mới;

- Tính năng mới của sản phẩm là hiện thực, có thể nhận thức được;

+ Doanh nghiệp có lợi thế trên một số đoạn thị trường;

+ Quảng cáo không mất tiền;

+ Kích thích nhiệt tình của những người phân phối và đại diện bán.

- Tìm kiếm mẫu mã mới: làm tăng tính hấp dẫn về hình thức của sản phẩm như thay đổi kiểu dáng hay bao gói.

Thay đổi marketing hỗn hợp: Doanh nghiệp chủ động thay đổi một hay một vài biến số của marketing hỗn hợp nhằm tăng lượng bán. Những hướng thay đổi chính là:

- Giảm giá nếu điều này thu hút được khách hàng mới hay người tiêu dùng nhạy cảm với giá giảm;

- Xem xét thay đổi nội dung và phương thức quảng cáo;

+ Đẩy mạnh hoạt động khuyến mại với nhiều hình thức mới;

+ Tìm kiếm phương thức bán hàng trực tiếp;

+ Bổ sung thêm những dịch vụ hấp dẫn khách hàng.

Việc sử dụng công cụ nào tùy thuộc vào việc phân tích các đặc điểm của khách hàng, của đối thủ cạnh tranh….Những công cụ marketing thay đổi phải đảm bảo có lợi thế phân biệt dài hạn, nghĩa là khó bị các đối thủ cạnh tranh bắt chước.

4. Giai đoạn suy tàn

Giai đoạn suy tàn bắt đầu khi lượng bán giảm sút, sản phẩm ứ đọng trong các kênh phân phối, nhiều doanh nghiệp trong ngành bị thua lỗ, một số doanh nghiệp nhỏ bắt đầu rút khỏi thị trường. Chiến lược marketing trong giai đoạn suy thoái có thể theo những hướng chủ yếu sau:

- Chuyển hướng khai thác thị trường, củng cố vị trí cạnh tranh chọn lọc thông qua các biện pháp: Tìm kiếm các ứng dụng mới cho sản phẩm; Tìm kiếm thị trường mới do sự suy thoái không đều giữa các khu vực thị trường và đoạn thị trường; Tiếp tục đầu tư biến đổi sản phẩm, củng cố vị trí cạnh tranh;

- Duy trì mức đầu tư hiện tại khi vẫn còn những khách hàng trung thành;

- Giảm có chọn lọc hoạt động kinh doanh, rút khỏi các đoạn thị trường không còn hiệu quả; tập trung đầu tư cho những đoạn thị trường hiệu quả.

- Thu hoạch để nhanh chóng thu hồi vốn, tránh những thiệt hại do ứ đọng sản phẩm hay giảm uy tín của doanh nghiệp. Những công cụ marketing quan trọng trong giai đoạn này là giảm giá bán, tăng cường khuyến mại…..

- Loại bỏ sản phẩm hay giải thể đơn vị kinh doanh, chuyển sang khai thác cơ hội khác.

Việc lựa chọn định hướng chiến lược nào phụ thuộc vào sức hấp dẫn tương đối của thị trường sản phẩm (ngành kinh doanh) và vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Không thể sống lay lắt trong giai đoạn suy tàn, vì vậy mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là rút lui khỏi thị trường với thiệt hại nhỏ nhất. Khi doanh nghiệp quyết định loại bỏ sản phẩm, có thể lựa chọn một trong các giải pháp sau đây:

- Bán hay chuyển nhượng cho người khác hoặc loại bỏ hoàn toàn.

- Quyết định thời điểm dừng sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm thay thế;

- Đảm bảo phục vụ được những khách hàng trung thành, tránh làm thiệt hại cho họ

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các chiến lược marketing theo chu kì sống của sản phẩm về khái niệm, đặc điểm của giai đoạn tung ra thị trường, giai đoạn phát triển, bão hòa và suy tàn...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các chiến lược marketing theo chu kì sống của sản phẩm. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 289
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm