Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo bài 3

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo bài 3: Lạm phát trong kinh tế thị trường được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mong rằng qua đây bạn đọc có thêm tài liệu để giải sgk Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Mở đầu

Câu hỏi: Hãy cho biết khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên liên tục trong một khoảng thời gian nhất định sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế của gia đình em?

Bài làm

Khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, điều này có thể gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của gia đình em như sau: không thể mua được những gì mà gia đình cần; giảm khả năng tiết kiệm, gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi tiêu.

1. Khái niệm lạm phát

Em hãy quan sát biểu đồ sau, đọc các thông tin và trả lời câu hỏi

iáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo bài 3

Thông tin 1

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hưởng và mức độ biến động giá cả chung theo thời gian của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân. CPI bình quân Quý III/2022 tăng 3,32% so với Quý I/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kì năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

(Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 năm 2022, ngày 29 – 9 – 2022)

Thông tin 2

Trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam (VND) vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Nếu phá giá đồng tiền Việt Nam sẽ để lại hậu quả lớn. Đó là lạm phát cơ bản tăng lên, suy giảm lòng tin vào VND, mọi người sẽ mua hàng, vàng, ngoại tệ,... Khi đó, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng lên, khấu hao tăng, giá thành tăng, mọi thứ tăng tạo vòng xoáy lạm phát ngày càng lớn theo thời gian, bào mòn mọi thành quả tăng trưởng của nền kinh tế.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới, ngày 22 – 9 – 2022)

Câu hỏi:

– Em có nhận xét gì về sự biến động của chỉ số CPI trong biểu đồ trên

– Giá cả hàng hoá, dịch vụ, sức mua và giá trị đồng tiền thay đổi như thế nào trong các thông tin trên?

– Em hiểu thế nào là lạm phát?

Bài làm

- Sự biến động CPI trong biểu đồ trên không đồng đều, từ năm 2016 - 2021 đều ở mức cao, năm 2021 giảm mạnh.

- Giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng

Sức mua và giá trị đồng tiền giảm

- Lạm phát là sự tăng lên liên tục tới mức giá chung của nền kinh tế trong một thời gian nhất định làm giảm giá trị và sức mua của đồng tiền.

2. Các loại hình lạm phát

Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

Thông tin 1

CPI trong tháng 3 – 2022 mới chỉ tăng 2,41%. Đây là mức tăng thấp, nếu so với mức trung bình của giai đoạn 2016 – 2021 là 2,93%. Lạm phát cơ bản tháng 3 – 2022 so với cùng kì năm 2021 cũng chỉ ở mức 1,09%, là mức thấp kể từ năm 2016 đến nay.

(Trích Tạp chí Tài chính, Áp lực lạm phát trong năm 2022 tại Việt Nam, Kì 1, tháng 4, 2022)

Thông tin 2

Về chống lạm phát, có nhiều ý kiến đưa ra để Chính phủ xem xét, áp dụng. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm ngặt Ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền. Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số: 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số: 34% năm 1989; đến năm 1992 chỉ còn 14%.

(Trích Nguyễn Xuân Phúc, Đồng chí Đỗ Mười – Nhà lãnh đạo tài năng, Tổng Bí thư kiên định, sáng tạo trong sự nghiệp Đổi mới, Báo Chính phủ, ngày 06 – 10 – 2018)

Thông tin 3

Vào tháng 11 – 2021, Venezuela đánh dấu tròn năm thứ tư trải qua siêu lạm phát. Trong ba năm trước đó, tốc độ siêu lạm phát được ghi nhận ở quốc gia Nam Mỹ là 2 600% (năm 2017), 1 600 000% (2018), 7 300% (2019) và 3 700% (2020).

(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao, Năm thứ tư siêu lạm phát ở Venezuela, ngày 23 – 11 – 2021)

Câu hỏi: Căn cứ vào tỉ lệ lạm phát, em hãy kể ra các loại hình lạm phát được đề cập trong các thông tin trên.

Bài làm

Thông tin 1: Lạm phát vừa phải

Thông tin 2: Lạm phát phi mã

Thông tin 3: Siêu lạm phát

3. Các nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Em hãy đọc các thông tin sau và giải thích nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Thông tin 1

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và ngày càng có quan hệ sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới nên biến động giá cả hàng hoá trên thế giới có tác động nhất định đến giá cả và lạm phát trong nước, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu của bên ngoài. Trong ba tháng cuối năm 2022, kinh tế trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng dần khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang ngày càng tăng cao.

(Trích Tổng Cục Thống kê, Diễn biến của thế giới tạo áp lực rất lớn đối với kinh tế Việt Nam, ngày 29 – 9 – 2022)

Thông tin 2

Khi mất cân đối giữa tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng GDP lớn thì sức ép lạm phát bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, trong hai năm 2005 và 2006, GDP của Việt Nam tăng trưởng 17%, trong khi đó, tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng tăng tới 73%.

(Theo Tạp chí Tài chính, cung tiền, lạm phát và những tác động đến kinh tế vĩ mô)

Bài làm

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát:

Do như cầu thị trường tăng: nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của thị trường gia tăng một cách tăng nhanh chóng khiến giá cả các mặt hàng bị đẩy lên cao dẫn đến mức giá chung của hàng hóa, dịch vụ tăng lên, làm giảm sức mua đồng tiền

Do chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng: khi giá cả của một hoặc vài yếu tố sản xuất (tiền lương, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu,...) tăng sẽ làm tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng và kéo giá của hầu hết hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo, làm giảm sức mua của đồng tiền

Do cung lượng tiền lưu thông trong nước tăng: khi ngân hàng nhà nước mua ngoại tệ, mua công trái, phát hành tiền mới làm lượng cung tiền lưu thông vượt lượng cầu tiền lưu thông, mức giá chung tăng, sức mua của đồng tiền giảm.

4. Hậu quả của lạm phát đối với nền kinh tế và xã hội

Em hãy đọc các thông tin sau và trả lời câu hỏi

Thông tin 1

Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 6, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng cao dần. Vận tải là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn “bão giá” xăng dầu. Một số hãng đã buộc phải tăng giá dịch vụ vận tải. Nghề đi biển, đánh bắt hải sản cũng là một trong những ngành, nghề chịu ảnh hưởng nặng nề không kém từ cơn “bão giá” xăng dầu, thậm chí không ít ngư dân đã phải cho tàu cá nằm bờ vì chi phí dầu lên quá cao. Cùng với đó, hàng loạt hệ thống dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, hoặc thu hẹp hoạt động do chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi hoạt động kinh doanh trực tuyến bị ảnh hưởng nặng do giá chuyển hàng tăng cao.

(Theo Báo Chính phủ, Lạm phát năm 2022: Sức ép lớn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, ngày 05 - 7 - 2022)

Thông tin 2

Sau Đại hội VI của Đảng ta, công cuộc đổi mới được triển khai mạnh mẽ. Nhưng tình hình diễn biến phức tạp, có lúc khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Ba năm liền lạm pháp ở mức ba con số; đời sống của những người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân buộc phải rời xí nghiệp; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ quỹ tín dụng xảy ra ở nhiều nơi.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Những thành tựu nổi bật của đất nước sau 10 năm Đổi mới, ngày 02 – 12 – 2019)

Câu hỏi:

- Khi lạm phát xảy ra đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế nào?

- Đời sống người lao động bị ảnh hưởng như thế nào khi lạm phát tăng?

Bài làm

- Khi lạm phát tăng cao, sản phẩm khó tiêu thụ, làm cho một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc phải tạm ngừng sản xuất, hoặc sản xuất kinh doanh cầm chừng, biểu hiện bằng cắt giảm hợp đồng, thu hẹp thị trường, phạm vi hoạt động. Lạm phát cũng gây ra tình trạng thiếu tiền vì các doanh nghiệp không khai thác được nguồn tín dụng cho việc duy trì sản xuất của mình vì lãi suất tín dụng tăng cao.

- Đối với người lao động, thu nhập thực tế của người lao động giảm, đời sống khó khăn; phân hóa giàu nghèo trong xã hội tăng lên.

5. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát

Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu

Từ nay đến cuối năm 2022, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách khóa tài khoản và các chính sách khác.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

(Trích Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 27-9-2022)

Câu hỏi:

- Em hãy cho biết Nhà nước có vai trò gì trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát.

- Hãy nêu một số chính sách kiểm soát và kiềm chế lạm phát khác của Nhà nước mà em biết.

Bài làm

- Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát:

  • Chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng: bảo đảm mức cung cấp tiền tệ hợp lí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất
  • Thực hiện chính sách tài khoản khóa thắt chặt: giảm thuế, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước để giảm lượng tiền lưu thông và giúp doanh nghiệp chi phí sản xuất.
  • Tăng cường chính sách an sinh xã hội: hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ tiền thuê nhà, mua bảo hiểm cho công nhân, giúp giảm bớt khó khăn trong cuộc sống

- Một số chính sách kiểm soát và kiềm chế lạm phát khác:

  • Thực hiện chính sách sản xuất - kinh doanh: giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường
  • Đảm bảo đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu; chống găm hàng, thổi giá
  • Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, ổn định tâm lý người tiêu dùng, ổn định lạm phát kỳ vọng

Luyện tập và vận dụng

Luyện tập

Câu hỏi 1: Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

a. Mức giá chung của nền kinh tế tăng lên và sự sụt giảm giá trị đồng tiền là biểu hiện tình hình lạm phát đang tăng.

b. Khi lượng cung tiền lưu thông vượt lượng cầu tiền lưu thông, mức giá chung tăng, sức mua đồng tiền giảm.

c. Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ qua việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

d. Tình trạng lạm phát trong nền kinh tế làm cho người giàu càng giàu hơn, còn người nghèo ngày càng nghèo hơn.

e. Tỉ lệ lạm phát 774% là loại hình siêu lạm phát.

Câu hỏi 2: Em hãy phân tích nguyên nhân gây ra lạm phát trong trường hợp sau:

Tại quốc gia T, nhu cầu du lịch vào dịp cuối năm rất lớn nên nhu cầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng dần. Đồng thời, do ảnh hưởng thị trường thế giới, giá xăng trong nước cũng được điều chỉnh tăng qua nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Điều này làm cho giá cả hàng hoá, dịch vụ đồng loạt tăng cao, tạo sức ép lớn lên tỉ lệ lạm phát ở quốc gia này.

Câu hỏi 3: Em đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ sản xuất – kinh doanh để kiểm soát, kiềm chế lạm phát của Nhà nước và có nhận xét gì về việc làm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện D trong trường hợp sau:

Nhà nước thực hiện việc hỗ trợ thúc đẩy sản xuất – kinh doanh thông qua chính quyền địa phương. Huyện D nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã nhanh chóng tổ chức tổ công tác khảo sát theo đúng quy trình và trao tận tay các doanh nghiệp gặp khó khăn số tiền 1,5 tỉ đồng giúp họ theo kịp vụ cá đầu năm.

Câu hỏi 4: Lạm phát tăng gây hậu quả gì cho doanh nghiệp và người lao động trong trường hợp sau:

Doanh nghiệp A chuyên cung ứng nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp M trong nhiều năm qua. Gần đây, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng giá nhập khẩu tăng làm cho giá cả các hàng hoá, dịch vụ đồng loạt tăng theo tạo sức ép lên tình hình lạm phát trong nước. Lo ngại cho sự đình trệ sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp M thúc giục doanh nghiệp A nhanh chóng kí hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho sáu tháng cuối năm. Nhưng doanh nghiệp A yêu cầu tăng giá lên 40% thì hợp đồng mới thực hiện được. Chủ doanh nghiệp M buồn bã, chia sẻ: “Chắc phải tạm ngưng sản xuất thôi".

Vận dụng

Câu hỏi: Em hãy tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát và chia sẻ cùng các bạn.

------------------------------------

Bài tiếp theo: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo bài 4

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo bài 3: Lạm phát trong kinh tế thị trường. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 11 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo.

Đánh giá bài viết
1 255
Sắp xếp theo

    Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm