Khái niệm và đặc điểm về hàng hóa công cộng

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài Khái niệm và đặc điểm về hàng hóa công cộng được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Khái niệm và đặc điểm về hàng hóa công cộng

1. Khái niệm hàng hóa công cộng

Theo Samuelson (1954), người được coi là nhà Kinh tế học đầu tiên xây dựng và phát triển lí thuyết về HHC, HHC là hàng hóa mà việc một cá nhân tiêu dùng chúng không ảnh hưởng hay làm giảm đi lợi ích tới từ việc tiêu dùng của các cá nhân khác. Đây là điểm khác biệt chính giữa HHC và hàng hóa tư nhân (HHT) - những hàng hóa mà khi một cá nhân đã tiêu dùng rồi thì những người khác không có khả năng tiêu dùng chúng nữa. Ví dụ, khi pháo hoa - một loại HHC tiêu biểu - được bắn lên, rất nhiều người trong xã hội có thể cùng thụ hưởng lợi ích từ vẻ đẹp của chúng. Trong khi đó, đối với HHT như quần áo hay thực phẩm, việc tiêu dùng của một cá nhân sẽ tước đi quyền tiêu dùng và thụ hưởng lợi ích từ hàng hóa của những cá nhân khác.

Stiglitz (1995) định nghĩa HHC là những hàng hóa không thể phân bố theo khẩu phần để sử dụng và không ai muốn sử dụng chúng theo khẩu phần. Caplan cũng có một định nghĩa khá tương đồng khi cho rằng HHC là những hàng hóa mà con người không thể thanh toán cho từng đơn vị hàng hóa họ sử dụng mà phải mua một tổng thể rồi chia đều chi phí và lợi ích sử dụng một cách bình quân. Quốc phòng là một ví dụ điển hình để minh hoạ cho định nghĩa của Stiglitz và Caplan. Cụ thể, một cá nhân không thể nào chỉ trả cho lợi ích từ quốc phòng của bản thân vì lợi ích đó chỉ đến từ việc cả quốc gia được bảo vệ khỏi các mối đe dọa.

Trong giáo trình này chúng tôi tiếp cận định nghĩa HHC theo giác độ phúc lợi xã hội. Cụ thể, bản chất của HHC là nếu khu vực công cộng chịu trách nhiệm cung ứng thay vì khu vực tư thì sẽ đem lại hiệu quả phúc lợi xã hội cao hơn. Luận điểm này xuất phát từ việc HHC đem lại lợi ích xã hội lớn hơn rất nhiều so với lợi ích cá nhân của người thụ hưởng, hay nói cách khác, tỉ lệ lợi ích/chi phí đối với xã hội là lớn hơn tỉ lệ lợi ích/chi phí đối với cá nhân trong cung ứng HHC. Ở một góc độ nào đó ta có thể coi HHC là một trường hợp đặc biệt của ngoại ứng tích cực. Ví dụ với tiêm chủng cộng đồng đối với các bệnh truyền nhiễm, lợi ích cá nhân tới từ việc được bảo vệ khỏi bệnh tật là rất nhỏ và không thể so sánh được với lợi ích xã hội tới từ việc giảm nguy cơ lây lan cho cả cộng đồng.

2. Đặc điểm của hàng hóa công cộng

HHC có hai đặc điểm cơ bản: không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng (non-rival) và không thể loại trừ trong tiêu dùng (non-excludable). Đối lập với HHC là HHT không mang hai đặc điểm trên.

Tính chất không cạnh tranh trong tiêu dùng của HHC có nghĩa là khi có thêm một cá nhân sử dụng HHC, lợi ích thụ hưởng của những người tiêu dùng hiện có hàng hóa đó không bị ảnh hưởng. Ví dụ, lợi ích từ việc được bảo vệ bởi quốc phòng của người dân trong một quốc gia không bị giảm đi khi một em bé được sinh ra. Tương tự như vậy, việc dân chúng trong thành phố hưởng lợi từ vẻ đẹp của pháo hoa được bắn lên không bị ảnh hưởng bởi việc có thêm hoặc bớt một cá nhân theo dõi pháo hoa. Ngược lại, đối với HHT như thực phẩm, hành vi tiêu dùng của một cá nhân sẽ loại trừ hoàn toàn khả năng tiêu dùng của các cá nhân khác.

Xét từ góc nhìn của nhà cung ứng, chi phí biên cho việc phục vụ thêm một người tiêu dùng HHC là bằng 0. Ở đây, cần tránh nhầm lẫn giữa chi phí biên để phục vụ thêm một người tiêu dùng hàng hóa với chi phí biên để sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa. Chi phí biên để sản xuất thêm một đơn vị HHC vẫn lớn hơn 0 do tiêu tốn nguồn lực sản xuất. Ví dụ, nếu chi phí để bắn 15 phút pháo hoa giao thừa là P thì chi phí biên để phục vụ thêm một người xem là bằng 0. Tuy nhiên, nếu thành phố muốn bắn thêm 15 phút pháo hoa nữa thì sẽ lại phải tốn thêm chi phí P.

Tính chất không loại trừ trong tiêu dùng của HHC nghĩa là không thể loại trừ hoặc sẽ rất tốn kém nếu muốn loại trừ những cá nhân từ chối chi trả tiền cho việc tiêu dùng HHC của mình. Trở lại ví dụ về an ninh quốc phòng: việc một cá nhân không chịu chi trả thuế để chi tiêu cho quốc phòng không thể ngăn cản việc anh ta thụ hưởng lợi ích từ việc được bảo vệ. Thậm chí có xử phạt hay đưa anh ta vào tù thì lợi ích từ quốc phòng của anh ta cũng không hề bị ảnh hưởng. Một ví dụ khác đó là ngọn hải đăng. Một khi nó đã được lắp đặt trên bờ biển thì mọi con tàu khi đi qua vùng biển lân cận đều có khả năng sử dụng tín hiệu ánh sáng của nó, mà người sở hữu ngọn đèn dù muốn cũng không thể loại trừ những con tàu đó khỏi việc thụ hưởng lợi ích dẫn đường từ tín hiệu này. Trong trường hợp người sở hữu ngọn đèn muốn thu phí sử dụng tín hiệu, việc thu phí sẽ khó khăn và tốn kém đến mức không thể thực hiện được do chi phí bỏ ra cho việc thu phí (ví dụ như dùng xuồng cao tốc để thu phí khi phát hiện tàu thuyền đi lại) sẽ lớn hơn rất nhiều so với mức phí thu được. Ngược lại, đối với HHT, việc loại trừ các cá nhân không sẵn sàng chi trả là hoàn toàn khả thi và hầu như không tốn kém gì thông qua cơ chế giao dịch tự nguyện.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và đặc điểm về hàng hóa công cộng về hàng hóa không thể phân bố theo khẩu phần để sử dụng và không ai muốn sử dụng chúng theo khẩu phần....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và đặc điểm về hàng hóa công cộng. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 417
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm